Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 23/2/2013
E-mail     Bản in

Gỡ sức ỳ cản trở đổi mới mới mong tái cấu trúc
Phải có nhận thức đúng, đổi mới tư duy phù hợp với yêu cầu này trong tất cả các cấp, các ngành đến từng đơn vị cơ sở. Khắc phục cho được bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, sự vô cảm, nhiều sức ỳ thiếu ý chí đổi mới và tinh thần trách nhiệm, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Kế hoạch - Đầu tư viết cho Tuần Việt Nam.

TS. LƯU BÍCH HỒ

Tái cấu trúc chính là liên tục đổi mới

Khi nói tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết cần hiểu nền kinh tế là một hệ thống được kết cấu bởi nhiều bộ phận hợp thành; các bộ phận đó có những mối quan hệ tương tác nhau cả về định lượng và định tính. Về định lượng, có cả số lượng và chất lượng. Về định tính, đó chủ yếu là các ràng buộc về cơ chế hoạt động, vận hành. Như vậy khi nói tái cấu trúc có nghĩa là làm thay đổi nội dung và tính chất của từng bộ phận (nếu cần) và mối quan hệ tương tác giữa các bộ phận hoặc  một số bộ phận của nền kinh tế (nếu cần) để nhằm đạt tới yêu cầu và mục tiêu được xác định, làm cho nền kinh tế vận hành, phát triển với một sự khác biệt mới về lượng và chất ở một trình độ cao hơn, hoàn thiện hơn so với hiện tại.

Đây không phải là việc xóa đi làm lại tất cả mà chỉ là sự điều chỉnh từng phần kết cấu (hình thành mới, cắt bỏ đi, tăng hay giảm, tổ chức lại, hoàn thiện các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế...) để từ đó có tác động đến tổng thể nền kinh tế.[1]

Cũng nên hiểu rằng tái cấu trúc là một quá trình liên tục đổi mới khi thấy cần thiết.

Như vậy, tái cấu trúc nền kinh tế nước ta trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay và dự báo cho khoảng một thập kỷ tới là sự tác động bằng chiến lược, chính sách và các công cụ, biện pháp kích thích, điều tiết (chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính) để điều chỉnh lại nội dung, tính chất và phương hướng hoạt động các ngành, lĩnh vực, trước hết là các ngành, lĩnh vực chủ yếu gắn với từng vùng và địa bàn lãnh thổ quan trọng nhất và các cơ chế, thể chế vận hành và quản lý các ngành, lĩnh vực, vùng và tổng thể nền kinh tế theo yêu cầu nâng cao không ngừng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng bộ phận (ở các cấp độ khác nhau) và của chung cả nền kinh tế.

Đó cũng là nội dung để thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa với việc ngày càng vận dụng nhiều hơn các yếu tố theo chiều sâu mà chủ yếu là tiến bộ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản trị tiên tiến hiện đại, tích cực đi vào phát triển kinh tế tri thức.

Yếu tố cốt lõi của mô hình này là chất lượng (chất lượng sản phẩm, chất lượng công việc, chất lượng hoạt động, chất lượng lãnh đạo, quản lý, chất lượng cuộc sống...). Làm như vậy cũng là để thật sự tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững. Đây là một quá trình đi từng bước rất tích cực nhưng thiết thực, vững chắc, tiến hành trong một số năm của thời kỳ chiến lược tới, có những việc có thể làm nhanh, có những việc cần phải có nhiều thời gian.

Đóng cửa khép kín sẽ thất bại

Xin nêu dưới đây một số kiến nghị về nội dung cụ thể tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, tài chính, ngân hàng; các vùng; hệ thống doanh nghiệp gắn với cấu trúc thành phần kinh tế; cơ cấu thị trường; hệ thống thể chế kinh tế và bộ máy quản lý.

Trong việc tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ, trọng tâm đặt vào thúc đẩy sự phát triển của những ngành, phân ngành thật sự có lợi thế so sánh và có nhiều khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở trong nước và trên thị trường thế giới, trong đó có những doanh nghiệp có thương hiệu uy tín ở trong nước và ngày càng đi ra và đứng vững trên thị tường thế giới.

Trong công nghiệp đặc biệt coi trong công nghiệp hỗ trợ để nhanh chóng nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa của công nghiệp và của toàn nền kinh tế, bứt ra khỏi giai đoạn chủ yếu là gia công lắp ráp hiện nay. Cả loại này và loại công nghiệp chế tác nói chung phải đi nhanh vào công nghệ tiên tiến hiện đại, móc nối vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu với sự liên kết ngày càng nhiều với các công ty xuyên quốc gia.

Đây là một đặc thù của giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay gắn với toàn cầu hóa khác rất nhiều so với các nước NICs hoặc NIEs trước đây; nếu đóng cửa khép kín ắt sẽ thất bại. Đồng thời từng bước phát triển các ngành công nghiệp làm nền tảng cho CNH, HĐH, nhất là công nghiệp công nghệ cao.

Đi đôi với công nghiệp, vẫn phải rất coi trọng và có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp với năng suất và đặc biệt là chất lượng cao hơn nhiều so với hiện nay để gánh vác được đúng trọng trách mà nếu không làm được thì không thể có sự thành công của CNH, HĐH chung của nền kinh tế và trở thành một nước công nhiệp theo hướng hiện đại.

Nói cách khác không thể đạt mục tiêu đó khi mà nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn vẫn phát triển tằng tằng, chuyển biến chậm như hiện nay.

Trong tái cấu trúc các ngành dịch vụ, phát triển đa dạng thêm nhiều ngành (nước ta mới chỉ có mấy chục ngành trong khi trong WTO có tới 150 ngành), tập trung vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đạt chất lượng dịch vụ cao.

Các ngành sản xuất và dịch vụ trong quá trình tái cấu trúc cần hướng vào sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bỏ kiểu làm "đồng khởi", phong trào

Trong tái cấu trúc lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, điều quan trọng nhất không chỉ là xây dựng thêm nhiều mà còn cần gắn kết được các yêu cầu hiện đại, đồng bộ, hợp lý, hiệu quả trong từng bước để tạo tiền đề bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội trước mắt  và cả cho phát triển lâu dài. Cần khắc phục sự đồng khởi theo phong trào về cảng biển, sân bay, giao thông thiếu tính liên kết lãnh thổ hợp lý, đô thị hóa chắp vá, thiếu kết cấu hạ tầng cần thiết và vội triển khai quá sớm những công trình chưa thật sự phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

Trong tái cấu trúc phân bố kinh tế các vùng, phải làm cho được việc phát huy lợi thế tốt nhất của từng vùng, không rập khuôn nhau về cơ cấu mà liên kết được với nhau để có hiệu quả cao hơn; xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển các vùng trọng điểm và vùng khó khăn trong việc ưu tiên đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội; có chiến lược phát triển một số khu kinh tế hiện đại làm đầu tầu trong tăng trưởng và hội nhập; nghiên cứu có cơ cấu và cơ chế quản lý  có hiệu quả các vùng kinh tế lớn.

Trong tái cấu trúc lĩnh vực tài chính ngân hàng, trọng tâm đặt vào xây dựng hệ thống này lành mạnh, năng động, minh bạch, an toàn, tương hợp tiêu chuẩn quốc tế và đang trong quá trình cải tổ để hoạt động và hội nhập hiệu quả.

Trong tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp, trọng tâm đặt vào việc phát huy hết sức mạnh của các loại hình DN thuộc mọi thành phần kinh tế được đặt trong một môi trường cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng cả về cơ hội phát triển và về sự quản lý của Nhà nước. Trên cái nền đó, yêu cầu khẩn thiết là sắp xếp lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng đa sở hữu và nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo yêu cầu chất lượng, hiệu quả, minh bạch (khắc phục mọi sự ưu ái của Nhà nước và độc quyền kinh doanh, đặc quyền của doanh nghiệp).

Làm được như vậy thì một cách tự nhiên sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế hỗn hợp đa sở hữu (bao gồm cả sở hữu của nước ngoài) mà hình thức chủ yếu là công ty cổ phần để trở thành phổ biến trong nền kinh tế, cùng với sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân có quy mô doanh nghiệp lớn hơn, làm động lực cho sự phát triển kinh tế lâu dài.

Trong việc tái cấu trúc thị trường, trọng tâm đặt vào giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường nội địa và thị trường bên ngoài với việc chuyển mạnh vào đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước với sức mua ngày càng tăng lên nhanh và đa dạng hơn, có yêu cầu cao hơn, giải tỏa được tâm lý và thói quen chỉ sính hàng ngoại, rất coi trọng đáp ứng nhu cầu thị trường nông thôn rộng lớn. Đồng thời vẫn coi trọng mở rộng thị trường bên ngoài với hướng đa dạng hóa, vừa duy trì và tăng thêm thị phần trên những thị trường đã có với sức cạnh tranh cao hơn, vừa khai mở được những thị trường mới có nhiều tiềm năng thu hút hàng hóa, dịch vụ của ta.

Trong việc tái cấu trúc hệ thống thể chế kinh tế, trọng tâm đặt vào điều chỉnh và xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ các thể chế liên quan đến môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh để thật sự tạo ra sự bình đẳng ở trong nước và hội nhập sâu rộng, đầy đủ, hiệu quả hơn vào khu vực và thế giới, để tất cả các nước trong WTO đều thừa nhận kinh tế nước ta là kinh tế thị trường sớm hơn hạn định năm 2018. Có thể xem đây là một bước đi rất quan trọng tạo ra một sức bật mới và vị thế mới trong sự phát triển kinh tế nước ta.

Trong việc tái cấu trúc bộ máy quản lý kinh tế, phải chăng cùng với việc làm cho tinh gọn, hợp lý, nâng cao được hiệu lực hiệu quả, cần chú trọng giải quyết tốt vấn đề phân công phân cấp cho thật sự phù hợp với yêu cầu và khả năng, khắc phục tình trạng chồng chéo, chia cắt, phân tán là một nguyên nhân làm giảm tính chỉnh thể và hiệu quả của bộ máy và của cả nền kinh tế (có ý kiến cho rằng nước ta có 63 nền kinh tế ứng với 63 tỉnh, thành phố, có lẽ là một sự cường điệu, song cũng đáng được quan tâm xem xét).

Gỡ bỏ sức ỳ cản trở đổi mới

Làm thế nào để thực hiện được tái cấu trúc nền kinh tế?

Trước hết phải có Chiến lược (đang được xây dựng và hoàn chỉnh, chuẩn bị thông qua). Nội dung quan trọng nhất của Chiến lược là tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Thứ hai, phải có nhận thức đúng, đổi mới tư duy phù hợp với yêu cầu này trong tất cả các cấp, các ngành đến từng đơn vị cơ sở. Khắc phục cho được bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, sự vô cảm, nhiều sức ỳ thiếu ý chí đổi mới và tinh thần trách nhiệm.

Thứ ba, cùng với việc xây dựng và hoàn chỉnh chiến lược, quy hoạch, phải có chương trình cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố để cụ thể hóa chiến lược chung của cả nước.

Thứ tư, Chính phủ ban hành các chính sách, cơ chế cần thiết để điều tiết, thúc đẩy việc thực hiện. Thứ năm, tăng cường việc chỉ đạo thực hiện, đôn đốc, kiểm tra (đây thường là khâu yếu nhất phải khắc phục). Vai trò của người đứng đầu các tổ chức có trách nhiệm ở tất cả các cấp là yếu tố quyết định.

Áp đặt chủ quan duy ý chí sẽ thất bại

Trên đây là nói về các biện pháp tác động từ phía các chủ thể quản lý nền kinh tế. Ở một phía khác, không kém phần quan trọng chính là sự tác động của thị trường.

Một mảng lớn của hoạt động kinh tế, cũng là mảng chủ yếu có ý nghĩa quyết định, là hoạt động của các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh, hoạt động của họ chủ yếu là dựa theo tín hiệu và nhu cầu của thị trường, theo những quy luật khách quan của thị trường. Tái cấu trúc nền kinh tế phải dựa vào các hoạt động đó, cho dù có được dắt dẫn, chi phối, điều tiết bởi các yếu tố như chiến lược, chính sách, các công cụ đòn bẩy kinh tế và các hoạt động điều hành, cũng phải phù hợp với quy luật hoặc tính quy luật khách quan đó của kinh tế thị trường.

Một sự áp đặt chủ quan duy ý chí của lãnh đạo và quản lý chắc chắn là sẽ dẫn tới thất bại. Bài học đó đã quá rõ ràng đối với chúng ta thời gian vừa qua.

Nhiều nước trên thế giới đang khẩn trương tái cấu trúc các nền kinh tế của họ với những quyết sách táo bạo. Một sự kiện được dư luận rộng rãi rất chú ý là Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật mới về tài chính với những thay đổi lớn, nhằm bảo đảm có một nền tài chính lành mạnh, ngăn ngừa được những cuộc khủng hoảng.

Chúng ta đã nói nhiều đến tái cấu trúc, nhưng có lẽ sự khởi động còn chậm. Hy vọng rằng đừng để chậm hơn nữa. Những việc đã rõ cần được làm ngay, khẩn trương hơn. Thời gian là cơ hội và nguồn lực đang chờ đợi chúng ta.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam (năm 2000), "Nếu hệ thống là sự liên kết các yếu tố có mối liên hệ qua lại và quy định lẫn nhau thì cấu trúc là thành phần cấu tạo, là tổ chức bên trong của một chỉnh thể thống nhất". Xét vào lĩnh vực kinh tế, cấu trúc nền kinh tế cũng chính là cơ cấu kinh tế. Cũng theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam, cơ cấu kinh tế là "tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành".

 

Theo TS LƯU BÍCH HỒ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)