Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 23/12/2012
E-mail     Bản in

Cố cung Gyeongbok Seoul nét kiến trúc cung điện độc đáo ở Phương Đông
Gyeongbok là một quần thể kiến trúc không chỉ phản ánh đời sống văn hóa đa diện của người dân xứ Kim Chi, trở thành một điểm tham quan nổi tiếng nhất của Seoul mà còn là một biểu tượng kết tinh những tinh hoa của kiến trúc cung điện phương Đông nói chung.

Nhà báo Lưu Hoàng Vân chụp ảnh lưu niệm với quan triều đình Gyeongbok - ảnh Anh Tú

 

Quần thể kiến trúc hoàng cung ở Seoul bao gồm 5 cung:1-Gyeongbok, 2- Changdeok, 3- Changgyeong, 4- Deoksu và 5- Gyeonghui.

 

Trong suốt đế chế Triều Tiên xưa hàng trên vài trăm năm Gyeongbok luôn là cung điện bề thế nhất và là trung tâm của quần thể kiến trúc này cũng là trung tâm chính trị trọng yếu của triều đình phong kiến Triều Tiên.  

 

Cổng chính Gyeongbok đường dẫn vào chính điện - ảnh Tấn Đức

 

Gyeongbokgung còn được gọi là Cung Gyeongbok (“gung” mang nghĩa là cung) hay theo Hán Việt gọi là Cung Cảnh Phúc. Ngoài ra Cung Gyeongbok còn được biết đến với tên gọi Bắc cung vì vị trí tọa lạc hướng nhiều về phía Bắc so với các cung điện xung quanh như Changdeokgung - Đông cung và Gyeongheegung - Tây cung. Cung Gyeongbok được xây dựng vào năm 1395 bởi vua Taejo - nhà vua đầu tiên cũng là người sáng lập triều đại Joseon và do kiến trúc sư Jeong Dojeon chủ trì. Đây chính là cung điện lớn nhất của Ngũ Cung, thể hiện quyền lực tối cao của đất nước. Cung điện Gyeongbok ngày nay đã dần được phục hồi lại như ban đầu sau khi bị phá huỷ nặng nề bởi chiến tranh và các biến cố chính trị.

Cố cung Gyeongbok đã lưu giữ được đường nét cổ kính gần như nguyên mẫu xa xưa và chứa đựng những đặc trưng trong lối kiến trúc cung điện phương Đông: kiến trúc có quy mô to lớn, khí thế hùng vĩ được xây dựng nhằm củng cố sự thống trị, sự uy nghiêm hoàng quyền. Bố cục đối xứng trong toàn bộ tổng thể qua trục chính Bắc - Nam gây được cảm giác các lớp kiến trúc trùng trùng điệp điệp. Mặt bằng công trình hình chữ nhật. Mái nhà cấu tạo theo kiểu “chồng diêm” gồm hai tầng mái nối chồng lên nhau…

 

Từ cổng chính nhìn vào chính điện - ảnh Tấn Đức

 

Cung Gyeongbok bao gồm 11 tòa nhà ở các vị trí khác nhau. Các tòa kiến trúc của Cung Gyeongbok là biểu tượng cho một nền văn hoá giàu có và lịch sử lâu đời. Những cung điện còn lại vẫn cho ta thấy nét kiến trúc truyền thống và cách bài trí tổng thể bên trong cung điện. Quan điểm truyền thống của Hàn Quốc về công trình xây dựng là ‘Bối San Lâm Thủy’ có nghĩa là xây dựng nhà tại địa điểm có núi phía sau và có sông phía trước. Các cung điện của triều đại Joseon cũng không phải là ngoại lệ.

Không gian kiến trúc được căn chỉnh theo hướng từ bắc xuống nam và được bao quanh bởi các bức tường cao, có ngói ở trên, và ở mỗi mặt của bức tường đều đặt một cảnh cổng lớn. Cửa Ðông là Geonchunmun, cửa Tây là Yeongchumun, cửa Bắc là Sinmumun và cửa Nam là Gwanghwamun. Theo đúng quan niệm kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc, cửa phía Nam – Gwanghwamun hay theo cách gọi Hán Việt là Quang Hóa Môn là cửa lớn nhất. 

 

 

Bắt đầu từ hướng cửa phía Nam đi dọc theo trục Nam - Bắc thì kế tiếp du khách sẽ đi qua cửa Heungnyemun hay còn gọi là Hưng Lễ Môn nơi mà bạn sẽ thấy rất rõ sự tương ứng của kiến trúc cổ - kim khi nhìn về sau cửa này bạn sẽ thấy thấp thoáng các công trình kiến trục hiện đại cao trọc trời. Trước khi vào được Chính điện Geunjeongjeon thì du khách cần đi qua một khoảng sân rộng. Đây là nét kiến trúc sân chầu truyền thống của cung điện ở phương Đông mà du khách nào đã từng đến với cung đình Huế thì sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng. Ở sân có các cột đá ghi dấu thứ bậc của các quan đứng xếp hàng trong các buổi lễ, buổi chầu.   

 

Chính điện nơi nhà vua tiếp các quan đại thần  - ảnh Tấn Đức

 

Chính điện Geunjeongjeon là một tòa nhà đồ sộ, hai tầng mái, đặt trên một nền đá cao có nhiều bậc cấp dẫn lên qua hai hành lang lộ thiên bằng đá chạm trổ bao quanh. Bậc cấp dẫn lên điện hay qua các cửa (tam quan) dù rộng nhưng luôn luôn có chừa một lối đi ngay cửa giữa dành cho nhà vua. 

 

Nhà báo Lưu hoàng Vân – Hoàng Anh Tú  trước chính điện Geunjeongjeon - ảnh Tấn đức

 

Điện có năm gian, được thiết kế sắc sảo với nhiều chi tiết trên các dui mè của cả hai tầng mái cong cong, các cột gỗ sơn đỏ. Bên trong cung điện cũng là dạng bài trí truyền thống giống như các cung điện ở Trung Hoa nhưng có phần giản dị hơn.

 

Rồng & Phụng cũng được chạm trổ cung phu trên nền đá hoa cương - ảnh - Tấn Đức

 

Nằm gần với chính điện là các điện nhỏ hơn vẫn được xây dựng theo trục kiến trúc Bắc - Nam: Sajeongjeon (Điện Tư Chính) và Sujeongjeon (Điện Tu Chính) để nhà vua xử lí các công việc Hoàng gia; Donggung (Đông Cung của Thái Tử); Gangnyeongjeon (Khang Ninh điện) và Gyotaejeon (Giao Thái Điện) của đức vua và hoàng hậu. 

 

Điện Geunjeongjeon là một kiến trúc một tầng làm bằng gỗ quý. Điện được đặt trên nền đá cao 

 

Các đời vua của Triều Tiên rất coi trọng phong thủy. Các nhà kiến trúc cổ rất công phu trong việc chọn lựa vị trí Phù hợp với quan niệm phong thủy trong kiến trúc, đi về phía Tây du khách sẽ gặp hồ nước rộng phong cảnh hữu tình trên đó có Gyeounghoeru (Khánh Lâu Hội) dùng thiết đãi yến tiệc cho các đoàn sứ thần ngoại quốc. Quanh hồ có nhiều cây cối như tùng, thông... có những cây liễu đang rũ lá làm cho cảnh trí thêm đẹp đẽ trữ tình .Và bên một góc hồ còn có cả một lãnh cung như đặc trưng về môt phần không thể thiếu của hoàng gia. 

 

Khánh lâu hội – Gyeounghoeru tọa lạc trên hồ nước xanh biếc - ảnh Tấn Đức 

Một góc hồ trong cố cung lung linh ánh nước với nhiều loài cá quý  - ảnh Tấn Đức 

 

Thêm một nét chấm phá ấn tương tại cố cung là sự tinh tế trong văn hóa cung điện được thể hiện khá đa dạng ở mọi góc nhìn, dù là cái nhìn cần cảnh hay đứng ở phía xa hình dáng cung điện vẩn ẩn chứa nét nghệ thuật đọc đáo của Phương Đông rực rở với những đường nét hài hòa sinh động đến lạ thường.

 

Hành lang bên trái chạy dọc theo tường bao nội cung - ảnh Tấn Đức 
 

Chính cung hoàng hậu  - ảnh Tấn Đức

 

Cố cung Gyeongbok còn cho du khách hiểu thêm rất nhiều về nghệ thuật trang trí màu sơn của Hàn Quốc (Dancheong). Dangcheong là hình trang trí cho các Tự viện và Cung điện, màu sắc theo kiểu Hàn Quốc, trên nóc các tòa nhà và những hình trang trí này luôn thể hiện vẻ đẹp cùng giá trị nghệ thuật đích thực. Có năm màu cơ bản;:màu xanh (hướng Đông), trắng (hướng Tây), đỏ (hướng Nam), đen (hướng Bắc), và màu vàng (Trung tâm) khiến họa tiết trang trí trở nên bắt mắt và tạo nên nhiều cảm giác chiều sâu. Nó cũng được sử dụng để bảo vệ bề mặt của tòa nhà trước các thay đổi nhiệt độ bất thường và giúp các cấu trúc hài hòa với môi trường xung quanh. Nhưng quan trọng nhất là ý nghĩa tâm linh của các sắc màu và họa tiết vô cùng tỉ tỉ. 

 

 

Nét đặc sắc trong lối kiến trúc cổ này là sự kết hợp hài hòa với không gian tự nhiên trong bố cục, khiến công trình trở nên mềm mại và gần gũi với thiên nhiên. Kiến trúc mái cong theo lối kiến trúc cung điện đặc trương của Triều Tiên  với màu xanh ngọc chủ đạo pha lẩn nhiều màu sắc rực rỡ rất bắt mắt. 

 

Hành lang trước cung điện của hoàng hậu - ảnh Tấn Đức 

 

Những bước chân khám phá,chiêm ngưỡng cố cung Hàn Quốc tôi lại nhớ đến hình ảnh Triều đình Huế với nhiều lăng tẩm độc đáo không thua kém cung điện Gyeongbok ở Seoul . Mong rằng trái tim của các dân tộc luôn hướng về tổ tiên bằng cách bảo tồn những giá trị lịch sử - văn hóa quý giá này để con cháu đời sau được hưởng thụ truyền thống tổ tiên. 

 

Lăng Khải Định – Huế - Việt Nam - ảnh Tấn Đức

 

Dù cố cung Gyeongbok hay kinh thành Huế Đây cũng chính là những công trình tiêu biểu bậc nhất cho kiến trúc cung điện của dân tộc Hàn, Việt . Nó chính là kiến trúc cung điện phương Đông. Nó mãi mãi là tài sản của nhân loại.

                                               

Theo Nhà báo Lưu Hoàng Vân