Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. MỪNG THỌ.
Đăng ngày 22/12/2011
E-mail     Bản in

Tinh thần hiếu nghĩa
Chuyện làm lại Gia phả, cũng không phải chỉ để lấy tiếng,làm rồi bỏ xó,mà là để làm chứng liệu nhắc nhở mọi người thuộc hàng con cháu lưu tâm tới các bậc thế thứ trong Tông môn.Tộc họ và gia đình,còn sống cũng như lúc đã mãn phần. Ngày xưa, người ta coi việc nuôi dưỡng người già yếu và thờ phụng Tổ tiên là quan trọng hàng đầu trong mọi bổn phận làm người.Nói chung một cách nôm na là “việc Hiếu”.Ngày nay,ở một số gia đình có phần nào lơ đãng.
Việc tái lập Gia phả là hành vi nhắc nhở lại bổn phận tối quan trọng ấy. Việc Hiếu phải được con cháu nghĩ đến hàng ngày chớ không phải đợi đến ngày giỗ mới báo hiếu,qua sự việc cúng kiếng,tiệc tùng rình rang,rườm rà khách khứa để lấy tiếng vinh vang,chủ đích khoe của giàu có với thiên hạ chưa hẳn thực tâm báo hiếu ông bà,cha mẹ.Vấn đề báo hiếu chính nhất là phải chú trọng tới người còn sống.Chăm sóc từng miếng ăn thức uống,sự ấm lạnh và hơi thở,nghỉ ngơi.Còn sống mà chẳng cho ăn, đợi đến khi chết rồi có làm lễ tế rình rang,cúng kiếng mâm này,cỗ nọ cũng vô ích. Dân gian có lời cười chê những con cháu rởm đời : “Sống thì con chẳng cho ăn.Chết rồi xôi thịt làm văn tế ruồi”.

 Làm người biết cội nguồn, thờ kính Tổ tiên cha mẹ thì phải biết ăn ở có hiếu có nghiã với người trên trước,ngay hồi những bậc thượng này còn sống.Ngoài việc sớm hôm thăm viếng,lo áo quần mặc ấm ngừa lạnh,sắm mền mùng,mua thức ăn,thức uống và thuốc men,còn tưởng nhớ tới ngày sinh của từng người.Ngày nay,giới trẻ thường ăn mừng sinh nhật của mình.Tại sao lại quên đi,không mừng ngày thượng thọ của các bậc ông bà cha mẹ ? Hãy lật Gia phả coi lại tuổi tác từng người được bao nhiêu ngày nào, nếu có quên lãng.

   Mừng thượng thọ cho ông bà, cha mẹ là tập tục có ý nghĩa của dân tộc ta đã có từ lâu. Thật là quý hóa cho gia đình nào mà con cháu đông vầy hội nhau lại mừng khánh thọ bát hay cửu tuần cho ông bà,cha mẹ thì gia đình đó có thể đạt được tình trạng “Ngũ đại đồng đường” (Xin đọc tham khảo “NỀN NẾP GIA PHONG và GIA LỄ XƯA và NAY”).

   Đây là cách thể hiện tinh thần và hành vi hiếu nghĩa thiết thực nhất.Khánh thọ cho người trưởng thượng,con cháu có thể bắt đầu từ lúc người được sáu mươi tuổi gọi là “khánh thọ lục tuần”. Thường người ta làm việc tiệc lớn bởi vì sáu mươi năm là giáp chu kỳ một đời người hay trở lại tuổi khởi đầu theo hệ can chi. Khi bảy mươi tuổi thì mừng thất tuần, tám mươi thì bát tuần, chín mươi là cửu tuần.Những ai được đúng một trăm tuổi thì mừng đại thượng thọ.Đây là hồng phúc của một đại gia tộc.Con cháu được hãnh diện và những sự kiện này được coi là quan trọng nên biên ghi vào Gia phả. Vì rằng không có một danh dự phúc đức nào,căn cứ trên quyền thế hay giàu sang,có thể so sánh nổi được bằng sự thượng thọ của một người hay của nhiều người trong một tông họ hay trong một đại gia đình.                        
                              Theo : Gia Phả,Nhà xuất bản văn hóa dân tộc (2007)


 



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)