Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 22/12/2011
E-mail     Bản in

Trở lại bài Lưu Khánh Đàm,người xướng xuất việc dời đô
L.T.S: Tạp chí Hồn Việt số 31 (tháng 01/2010) có đăng bài Lưu Khánh Đàm (989-1058), người xướng xuất việc dời đô. Bài báo đã được nhiều bạn đọc lưu tâm, một số bạn đọc hoài nghi, gửi thư về Tòa soạn. Để vấn đề được sáng rõ hơn, Hồn Việt xin đăng ý kiến của hai tác giả Nguyễn Tiến Đoàn và Phạm Minh Đức về bài viết này.
 

1. LƯU KHÁNH ĐÀM, LƯU KHÁNH ĐIỀU TRONG SỬ SÁCH, TRONG BIA KÝ.

- Sách Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697) - Nxb Khoa học Xã hội -1998, tập 1, trang 295 ghi: “Năm Đinh Mùi (1127). Mùa đông tháng 12: Vua không khoẻ, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu…” (phò Thái tử Dương Hoán lên ngôi (tức vua Lý Thần Tông)).

Trang 298 lại ghi: “Mậu Thân (1128). Mùa xuân tháng Giêng, ngày Tân Sửu lấy Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc làm Thái uý, thăng tước hầu, Nội nhân hỏa đầu Lưu Ba, Dương Anh Nhĩ làm Thái phó tước Đại liêu ban”.

Ngày Nhâm Dần sai Thái phó Lưu Ba và Gián Nghị đại phu Mâu Du Đô đến tận nhà đem lễ vật của Nhân Tông ban cho Sùng Hiền hầu”.

Các trang 308, 323 đưa tin về cái chết của Lưu Khánh Đàm.

- Sách Việt sử lược (bản dịch của giáo sư Trần Quốc Vượng), Nxb Văn Sử Địa - 1960, trang 133, cũng ghi về việc phong cho Lưu Ba làm Thái phó.

Sách Đại Việt sử ký tiền biên (Nxb Khoa học Xã hội) viết về Lưu Khánh Đàm trong các trang 260, 265, 267, 274, 291, viết về Lưu Ba trong trang 263.

- Sách Việt sử Thông giám cương mục (quyển 5) cũng ghi tương tự như các bộ sử trên về Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều.

Như vậy, tất cả các bộ sử lớn đều ghi chép về hai ông, đều thống nhất ghi Lưu Đàm là Thái úy, Lưu Điều là Thái phó.

Ngoài sử sách, làng Lưu Xá còn đền thờ “Nhị Lưu Thái phó”, chùa Báo Quốc nơi thờ hai ông.

Các tư liệu và hiện vật liên quan đến Lưu Đàm, Lưu Điều, trong đó có: Lưu Đại vương Ngọc phả lục; Tập văn khấn Nhị Lưu Thái phó; bài thơ Ngự chế đề Báo Quốc tự của vua Lê Hiến Tông (1498-1504); các bài văn bia; Thơ, câu đối của các danh nhân.

Trong các bia đá, có hai bia được khắc dựng vào thời Lý. Theo tác giả Lâm Giang - Viện Nghiên cứu Hán - Nôm thì bia Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí, là tấm bia cổ nhất hiện còn ở tỉnh Thái Bình và cũng là một trong những tấm bia cổ còn lại rất ít ở nước ta (1).

Bia cho biết: “Lưu Khánh Đàm giữ chức Quang Lộc đại phu suy thành tá lý công thần nhập nội nội thị sảnh đô đô tri Tiết đô sứ đồng tam ty Bình Chương sự Thượng trụ quốc. Khai quốc công, thực ấp sáu ngàn hộ, thực phong ba ngàn hộ, Thái uý quốc công gia Thái phó”.

Bia thứ hai, Lưu xá Báo quốc Tháp tự, khắc lại trên nền bia cũ, đề ngày 28 tháng 5 năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 3 (1012). Đây là bia tại lăng mộ Lưu Khánh Điều.

Ngoài những tư liệu hiện có tại Lưu Xá, Thơ văn Lý - Trần (tập 1) có bàiLưu gia độ (Bến đò Lưu gia) của tướng quốc Thái úy Trần Quang Khải (1241-1282) cung cấp nhiều tư liệu quý về Lưu Xá.

Những ghi chép của sử sách, bia ký khẳng định, Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều là những danh thần thời Lý, những người có công lớn được người đương thời kính trọng, được sử sách ghi chép, nhân dân nhớ ơn.

Về chức tước của hai ông: Khánh Đàm là Thái úy, Khánh Điều là Nội nhân hỏa đầu, cuối đời cả hai ông đều là Thái phó (Tòng nhất phẩm trong cửu phẩm, hai ông hưởng thọ 69 tuổi).

Tuy nhiên, sự ghi chép của sử sách và bia ký có mâu thuẫn. Sử ghi các ông làm quan từ thời Lý Thái Tông (1028-1054), trải qua các triều Thánh Tông (1054-1072), Nhân Tông (1073-1127), Thần Tông (1128-1138), tư liệu trong bia ghi các ông làm quan trải ba triều Thái Tổ (1010-1028), Thái Tông (1028-1054), Thánh Tông (1054-1072).

Đại việt sử ký toàn thư ghi Lưu Khánh Đàm chết 2 lần: “Bính Thìn (Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 4 (1136) tháng 3, Thái úy Lưu Khánh Đàm chết” (Sđd, trang 308).

“Tân Tỵ Đại Định năm thứ 22 (1161) tháng 11, Thái uý Lưu Khánh Đàm chết” (Sđd, trang 323).

Dựa vào tuổi thọ (69) và năm chết (1136-1161) có tác giả dự đoán năm sinh của Khánh Đàm hoặc là 1067 hoặc 1092. Điều này là không hợp lý nếu Khánh Đàm, Khánh Điều là con Lưu Ngữ. Vào các năm 1067, 1092 thì Lưu Ngữ đã chết từ lâu.

Những sai sót, mâu thuẫn trong sử sách cũng dễ hiểu vì sau khi nhà Lý mất nửa thế kỷ, mãi năm 1272 Lê Văn Hưu mới viết Đại Việt sử ký rồi hơn hai thế kỷ sau (1479) Ngô Sĩ Liên mới viết Đại Việt sử ký toàn thư. Người Việt Nam xem trọng tuổi tác, các sử thần phong kiến không dễ chấp nhận việc làm của Khánh Đàm, Khánh Điều khi các ông mới 21, 22 tuổi.

Đọc các bản sử cũ, ta thấy nhiều trường hợp các sử thần dùng địa danh đương đại để nói về những sự kiện lịch sử trong quá khứ như khi viết về Lý Bí (503-548), sử đều chép: “Lý Bí người Thái Bình (phủ) Long Hưng” (thế kỷ thứ VI chưa có địa danh Thái Bình). Địa danh Thái Bình được đặt vào năm 1005, thời vua Lê Ngọa Triều (1005-1009). Vì vậy, nếu Ngọc phả, thần tích dùng địa danh đương đại (Long Thành) để nói về quá khứ không phải ít thấy.

2. LƯU KHÁNH ĐÀM, LƯU KHÁNH ĐIỀU TRONG GIA PHẢ.

Trong khi sử sách và bia ký ghi chép, có những mâu thuẫn thì Lưu Đại Vương ngọc phả lục trình bày lôgic, dễ chấp nhận hơn. Theo ngọc phả thì - Lưu Ngữ gốc người châu Á, làm quan thời Tiền Lê (981-1009) được cấp ruộng lộc bên bờ sông Luộc (nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân).

Lưu Ngữ lấy vợ ở đấy, sinh ra Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều vào năm Kỷ Sửu (989). Năm 21, 22 tuổi, Khánh Đàm, Khánh Điều được cha ký thác nhờ Lý Công Uẩn chăm nom, dạy dỗ, được Lý Công Uẩn coi như thủ túc.

Năm 1010, Lưu Đàm, Lưu Điều đã phò Lý Công Uẩn lên ngôi. Hai ông phục vụ qua ba triều vua Thái Tổ (1010-1028), Thái Tông (1028-1054), Thánh Tông (1054-1072), năm Mậu Tuất (1058) hai ông qua đời, thọ 69 tuổi.

Về chức tước của hai ông, thần tích và sử sách đều thống nhất, ông anh là Thái úy, ông em là Thái phó, cuối cùng cả hai ông đều được ban chức Thái phó. Về công lao của hai ông, thần tích viết có hệ thống.

Với nước, các ông có công phò Lý Công Uẩn lên ngôi, hiến kế dời đô, chống giặc Bắc, giặc Nam xâm lược. Với dân, ban cấp bổng lộc, xin miễn thuế, sống gắn bó với dân, chết được dân phụng thờ.

Có bạn đọc băn khoăn về câu chữ trong bài viết. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây là câu chữ trong ngọc phả, người viết đã sống cách ngày nay hơn 400 năm, trong khi dịch, chúng tôi muốn giữ sát ý, sát lời của người xưa nên không muốn “hiện đại hoá” những từ ngữ ấy.

Bản ngọc phả ghi rõ: “Quốc triều lễ bộ chính bản” tức là bản ngọc phả này do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào khoảng năm 1572 đợt đầu soạn thần tích các vị thần. Cùng với ngọc phả còn có các đạo sắc phong thần cho khai quốc công thần Thái phó Lưu Đại Vương, Thái phó đệ đại vương, Đông Bắc đại vương. Á thánh đại vương (hai ông Huy, Kỳ bạn của Nhị Lưu Thái phó).

Ngọc phả, sắc phong (viết bằng chữ Hán) được cất trong hòm sắt, đặt trong cung cấm của đền hàng trăm năm nay, dân làng Lưu Xá giữ gìn coi là vật linh của đền, của làng. Lăng mộ bia ký xưa đặt sát sông, sợ nước cuốn trôi, dân làng đã chuyển vào trong đồng, đền chùa do chiến tranh, do mưa nắng bị hư hại, dân làng lại tôn tạo tu bổ… Hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng, dân làng vào hội để tưởng nhớ về Nhị Lưu Thái phó.

Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, ngọc phả đã được ông Đỗ Phú Hứa, cán bộ của Ty Văn hoá Thông tin dịch nghĩa với ý thức dịch để biết vị thần ở đây là người như thế nào.

Từ giữa thập kỷ 80, trong Hội thảo khoa học Thái Bình với sự nghiệp thời Trần, một số tham luận đã đề cập đến làng Lưu Xá, đến Nhị Lưu Thái phó, đến thơ Trần Quang Khải, thơ Lê Hiến Tông viết tại đây.

Năm 1990, đền chùa Lưu Xá được xếp vào hàng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia… Tuy nhiên, những giá trị lịch sử của đền chùa Lưu Xá chưa được khai thác hết.

Tháng 9/1999, trong một lần về Lưu Xá, tác giả Lâm Giang đã phát hiện ra hai tấm bia rất cổ - như đã nói trên. Trong dịp này, tác giả đã dịch bia, dịch thần tích, đối chiếu với sử sách để nêu quan điểm của mình về những sai sót, mâu thuẫn về năm sinh, năm mất của Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều.

Bài viết dưới tiêu đề Cụm di tích lịch sử Lưu Xá nơi thờ các danh thần triều Lý. Bài viết đã đăng trên Tạp chí Nghiên Cứu Hán - Nôm, được in trong sách Nhà Trần và con người thời Trần. Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử xuất bản năm 2004 - (các trang 166, 184).

Khi viết bài Lưu Khánh Đàm (989-1058), người xướng xuất việc dời đô, chúng tôi đã nói rõ nguồn gốc tư liệu là bản Lưu đại vương ngọc phả lục. Bản ngọc phả này do địa phương cung cấp cho Bảo tàng Thái Bình. Chúng tôi biết ngọc phả thần tích không phải là lịch sử nhưng là nguồn tư liệu quý để tìm về quá khứ.

Trong lời giới thiệu sách Đại Việt sử ký toàn thư, giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đã viết: “Trong các loại di sản văn hóa của dân tộc, hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các loại sách cổ về đất nước và con người, về văn hóa, xã hội, nhất là về lịch sử nước ta” (2). Trong bài Đại Việt sử ký toàn thưtác giả, văn bản, tác phẩm, Giáo sư Phan Huy Lê cho biết, để viết Đại Việt sử ký toàn thư“Lê Thánh Tông đã hai lần hạ chiếu tìm tòi những dã sử, thu thập những truyện ký cổ kim còn chứa ở các nhà riêng…”.

Trên cơ sở những tư liệu được thu thập lại, Quốc sử viện thời Lê Thánh Tông đã có nhiều cố gắng biên soạn quốc sử (3). Ngô Sĩ Liên - tác giả Đại Việt sử ký toàn thư, cũng ghi rõ “những việc chép trong ngoại kỷ là gốc ở dã sử” (4).

Xưa nay dã sử, truyền thuyết vẫn là nguồn tư liệu bổ sung cho chính sử.Lưu đại vương ngọc phả lục cũng có ý nghĩa như thế.

Bi ký và ngọc phả viết cách đây đã bốn năm trăm năm. Các tác giả hẳn không nghĩ rằng, con cháu ngày nay sẽ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long công phu và hoành tráng để cho hai vị Thái phó họ Lưu được đón nhận một sự tôn vinh bất ngờ. Đúng như Fustel de Coulange nói: “Phải bỏ hẳn mình ra ngoài, nhường lời nói cho tài liệu, tư liệu”.

Theo NGUYỄN TIẾN ĐOÀN - PHẠM MINH ĐỨC

 

(1)

Nhà Trần và con người thời Trần, Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2004.

(2), (3), (4)

Sđd, trang 7-22-23, Tập 1 - Nxb KHXH, 1998.



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)