Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Hải Phòng.
Đăng ngày 22/1/2014
E-mail     Bản in

Lễ Giỗ Tổ Họ Lưu Văn - Hạ Lũng, TP. Hải Phòng
(LUUTOC.VN) - Ngày 20 tháng Chạp, Quý Tỵ (20/01/2014) bà con đồng tộc họ Lưu Đăng / Lưu Văn – Hạ Lũng (phường Đằng Hải, An Hải, Hải Phòng) tấp nập đến chạp Tổ ngay từ chiều ngày 19/12 đến hết 20/12 / Quý Tỵ. Đây là một dòng họ Lưu tổ chức giỗ Tổ rất ấn tượng cả về số lượng bà con về dự và chương trình tổ chức rất bài bản, nghi lễ tiến hành trang trọng. Nhà thờ Họ rất uy nghiêm, khang trang và thoáng rộng. BTT xin giới thiệu thông tin tổng hợp của Ông Lưu Văn Tuấn - Thành viên Ban khánh tiết của dòng họ.










THÔNG TIN VỀ HỌ LƯU Ở HẠ LŨNG

ĐẰNG HẢI, AN HẢI, HẢI PHÒNG

I.   Sơ lược về sự hình thành và phát triển của họ Lưu – Hạ Lũng:

          Theo Phả ký của làng Hạ Lũng thì dòng họ Lưu là một trong 6 dòng họ đầu tiên đến đất này lập ấp, khai hoang lấn biển tạo nên làng Hạ Lũng. Đó là các dòng họ: Lê, Lưu, Đào, Nguyễn; riêng họ Lê có 3 dòng là Lê Hữu, Lê Khắc và Lê Tất.

          Cụ Thủy tổ của họ Lưu tên là Lưu Đăng Cao và phu nhân là cụ bà Lê Thị Từ An. Tuy nhiên, Từ An là tên hiệu, còn tên thật của Cụ là gì thì không có ghi chép nào để lại.

          Cụ Lưu Đăng Cao sinh được 05 người con, nhưng chỉ có cụ con trưởng là Lưu Nhân Lý có con trai. Tiếp tục các đời sau, mỗi đời chỉ độc đinh. Mãi đến đời thứ 5 là cụ Lưu Đăng Tưởng mới sinh được hai con trai là Lưu Đăng Huỳnh và Lưu Đăng Quỳ. Từ đó, dòng họ Lưu mới phát triển theo hai cành, đến nay đã hình thành 08 Chi Phái với 15 đời con cháu.

 

Hiện tại, con cháu họ Lưu - Hạ Lũng đang sinh tồn từ đời 11 đến đời 15, với tổng số trên 700 nhân khẩu, cư trú phần lớn tại Hạ Lũng (Hải Phòng), một số đi xa lập nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai và các nơi khác.

Về tên họ và tên đệm của các thành viên trong dòng họ, từ đời thứ nhất đến đời thứ 9, các Cụ vẫn đặt Họ và chữ lót (đệm) là Đăng. Tuy nhiên, từ đời thứ 10 trở đi thì đổi thành Lưu Văn và đến nay thì có nhiều mỹ tự được gia đình lựa chọn đặt tên đệm cho các thế hệ sau. Chữ Họ Lưu theo các nhà Hán ngữ học được chiết tự ra làm hai chữ “KIM - MÃO”.

 
Trong một số cuộc mạn đàm trao đổi về nguồn gốc dòng họ, có một thông tin chưa có điều kiện kiểm chứng “Làng Hạ Lũng có liên quan đến làng Trung Lũng ở Lạng Sơn và làng Thượng Lũng ở Quảng Ninh; Ở đó cũng có con cháu họ Lưu đang sinh sống”. Mong rằng, sau dịp lễ Chạp năm nay, có sự tham gia của con cháu trong dòng tộc, cũng như được sự giúp đỡ của Ban Nghiên cứu Lưu Tộc Việt Nam, sớm được kiểm chứng được thông tin này trong quá trình tìm về nguồn cội của họ tộc.

2.  Sự nghiệp của các thành viên trong họ tộc:
  1. Đời thứ 8 có các Cụ:
-  Cụ Lưu Đăng Đại - có chức hàm “Hàn lâm Cung phụng xung tòng hòa phủ Quận công”.
-  3 Cụ: Lưu Đăng Đai, Lưu Đăng Lục và Lưu Đăng Châu - đỗ Tú tài.
-  Cụ Lưu Đăng Lâm - chức vụ Chánh tổng.
  1. Đời thứ 11 có các Cụ:
-  Cụ Lưu Đình Phụng - nguyên Cán bộ tiền khởi nghĩa.
-  Cụ Lưu Xuân Đồng - nguyên Đại tá CAND
  1. Đời thứ 12, 13, 14:
-  Trên 50 con cháu họ Lưu Hạ Lũng đi bộ đội tham gia chiến trang chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Có 4 liệt sỹ, nhiều người được nhận huân huy chương chiến công.

-  Đến nay có 89 người có trình độ đại học, 6 người trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương, 5 Tiến sĩ và Thạc sĩ, đặc biệt có cháu Lưu Hiền Trinh (Đời thứ 13) đoạt giải Nhì Tiếng hát Sao Mai điểm hẹn 2012.

  3.  Nhà thờ Tổ:

 
Nhà thờ họ Lưu – Hạ Lũng, An Hải, TP. Hải Phòng

Đây là nơi hàng năm con cháu nội, ngoại của dòng họ tụ tập về đây dâng hương tưởng nhớ cội nguồn Tổ tiên, nơi đây là ngôi nhà của Cụ Thủy Tổ dòng họ - và cứ nối tiếp nhau qua các các đời đều thờ tự Cụ Tổ tại địa điểm hiện tại. Đến được thứ 10 các Cụ mới có điều kiện tôn tạo bằng nhà gạch, lợp ngói mũi hài.

Quy mô Nhà thờ được hình thành từ đó đến giờ, gồm: Hậu cung; 2 nhà chè; Nhà tế; sân và ao trước mặt, tọa lạc trên diện tích 2 sào Bắc bộ (~750m2). Người khởi xướng là Cụ Lưu Văn Uông (Đời thứ 10), quan hàm Thất phẩm, chức vụ Chánh tổng.

Nhà thờ họ đã qua 2 lần trùng tu, nâng cấp năm 1986 và 2010. Quy mô hoành tráng như hiện nay là do lần trùng tu lần thứ 2 (2010) với sự đóng góp và công đức của các thành viên trong dòng họ (cả nội, ngoại) lên tới 1.582.145.000 đồng.

Bên cạnh Hội đồng gia tộc (gồm Trưởng họ và Trưởng các Chi, Phái. Họ thành lập một ban Khánh tiết để duy trì các hoạt động, sinh hoạt thờ cúng Tổ tiên qua các kỳ lễ tiết trong năm và ngày chạp Tổ - 20 tháng Chạp hàng năm.


Cứ sau Lễ Thanh minh hàng năm Họ có họp lại, đánh giá kết quả hoạt động 1 năm của Ban Khánh tiết và xem xét cắt cử phân công người tham gia công việc của Họ, đặc biệt là vị trí Câu đương - tức là người chăm lo trực tiếp việc hương khói, thờ phụng Tổ tiên tại Nhà thờ (mỗi người chỉ được làm Câu đương 1 năm).

Trong Nhà thờ, bức Đại tự ở hậu cung ghi 4 chữ: “Quang - Tiền - Dụ - Hậu”  dịch nghĩa: “Đời trước sống vẻ vang làm gương cho đời sau”. thể hiện phương châm sống của Cụ Tổ và các đời sau:

 
 
Và 5 câu đối:
Câu 1:
Tổ tiên công đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại hưng.
Câu 2:
Vạn đại lưu truyền tổ nghiệp hưng đức bản
Ngàn thu văn hiến Hồng ân thịnh khang bồi.
Câu 3:
          Gia truyền văn phái tịnh hàn khí
          Thế ấn hoàng tư dĩ vọng ngang.
 Câu 4:
          Hoàn tín thiên nhi dự vạn tôn
          Huynh cập đệ thức lưu vạn đại.
Câu 5:
          Ứng chi nhất bảo năng song can
          Tử nhi tôn đệ thế dẫn chi.

 
          Hiện tại, dòng họ đang tiếp tục bổ sung hoàn thiện Tộc phả để làm cơ sở cho con cháu các đời tìm về cội nguồn. Xác định mối quan hệ huyết thống và tiến tới ghi nhận công lao đóng góp của dòng họ đối với xóm làng, đất nước, và góp phần tham gia vào các hoạt động của Lưu Tộc Việt Nam.

4.  Lễ Chạp Tổ năm Quý Tỵ:

          Theo lệ hàng năm, năm nay con cháu họ Lưu lại tụ hội về Nhà thờ làm lễ Chạp Tổ vào ngày 20 tháng Chạp, Quý Tỵ. Mặc dù cuộc sống thường ngày còn có nhiều công việc bận rộn, nhưng cứ đến ngày Chạp Tổ mọi việc đều tạm thời gác lại, để dành trọn vẹn cho ngày Lễ Chạp Tổ, để tưởng nhớ T
ổ tiên, nguồn cội và gặp mặt bà con nội, ngoại đồng tộc.
 

Đại diện Lưu Tộc Việt Nam cùng giai tế của dòng họ
(Từ trái: HS. Lưu Thiên An, TS. Hoàng Phụng, Ô.Trần đình Tới, TS. Lưu Văn Thành)

 
Tham gia dự Lễ Chạp Tổ với dòng họ Lưu Văn - Hạ Lũng, năm nay con f có các đoàn đại biểu khách mời:
  • Ban Liên lạc Lưu tộc Việt Nam
  • Họ Lưu Đăng ở Lâu Thượng, Việt Trì, Phú Thọ
  • Họ Lưu Đắc ở Ninh Bình.

Ts. Lưu Văn Thành thay mặt BLL Lưu Tộc VN chúc mừng dòng họ Lưu Văn - Hạ Lũng


Đại diện họ Lưu Đăng – Việt Trì về dâng hương

 
Mọi người đều xúc động và tự hào khi lá cờ thần Lưu Tộc Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên trong tiếp nhạc, tiếng trống hùng hồn trước sân nhà thờ họ. Lễ thượng cờ Lưu Tộc Việt Nam được tiến hành trang nghiêm, long trọng, thấm đậm tinh thần Họ Lưu trong bài văn tế trước bàn thờ Tổ.


Cờ thần Họ Lưu VN tung bay trong gió ngày Chạp Tổ của Họ Lưu - Hạ Lũng

 
Trong không khí tưng bừng của Lễ hội, Họ đã tổ chức chúc thọ và tặng quà 38 cụ sống thọ 80 tuổi trở lên (gồm 18 cụ ông và 20 cụ bà). Cụ cao tuổi nhất là Cụ Lưu Văn Hậu thọ tuổi 96 - thành viên thứ 11 cảu dòng họ.
 
Chúc mừng các Cụ Thượng thọ trước bàn thờ Tổ Tiên

Ông Lưu Văn Rờn - Trưởng Họ tặng quà chúc mừng các Cụ  Nam Nữ Thượng thọ

 
Thế hệ trẻ cũng được họ tộc chăm lo. Năm nay có 32 cháu học sinh là con cháu họ Lưu - Hạ Lũng đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp và đỗ vào các trường đại học và được vinh danh trước bàn thờ Tổ, trong tiếng phấn khởi hoan hô của mọi người.


 Ông Lưu Văn Quảng thay mặt dòng họ tặng thưởng các cháu học sinh giỏi



  
Các thủ tục, nghi thức của buổi Lễ Chạp được tiến hành đầy đủ như mọi năm: Viếng mộ Tổ; Tế yết; Tế lễ Tổ; Liên hoan kết thúc và Lễ tạ; Cầu mong gặp lại ở Lễ Chạp sang năm. Có được được sự chu đáo trong ngày Chạp Tổ năm nay là nhờ có sự thu xếp chu toàn của gia đình Ông Lưu Văn Điềm phụ trách Câu đương của dòng họ năm Quý Tỵ - 2013.
                                                                       

 
Mừng ngày Chạp Tổ họ Lưu – Hạ Lũng
Hai mươi, tháng Chạp Quý Tỵ
Lưu Nguyễn Sỹ Hiếu
(Cháu ngoại, mang họ Mẹ)

Họ Lưu Văn - Hạ Lũng uy linh
Nhà thờ tiên tổ anh minh sáng ngời
Con cháu nội ngoại nối đời
Hà Nội, Phú Thọ muôn nơi tìm về
Cây cao bóng cả xum xuê
Lá rơi về cội người về tổ tông
Ngàn năm nối dõi giống dòng
Tự hào con cháu được mong phụng thờ
Hai mươi tháng Chạp mong chờ
Ngày thiêng lễ Tổ Nhà thờ hôm nay
Thành tâm mong đợi tháng ngày
Nhờ ơn tiên tổ độ dày phù cho
Bình an hạnh phúc ấm no
Là nhờ tiên tổ ban cho phúc lành
Lưu Văn con cháu thành danh
Biết làm kinh tế trưởng thành thương gia
Phát huy truyền thống họ ta
Người đi làm ở phương xa cũng giàu
Nhờ ơn Đức Tổ ân sâu
Phù hộ con cháu làm giàu vươn lên
Làm giàu phải biết giữ bền
Trước biết tiên tổ sau nên có mình
Chào xuân buổi sớm bình minh
Tổ tiên thành kính gia đình bình an
Cháu con học giỏi chăm ngoan
Đời nào cũng có người sang người giàu
Cháu con ở khắp toàn cầu
Nhớ ngày lễ Tổ ở đâu cùng về
Gia phong luôn giữ lấy lề
Cội nguồn tổ ấm mong về dâng hương
Nội ngoại đoàn kết thân thương
Âu vàng Tổ trạch Từ đường vững lâu
Nội ngoại con cháu mạnh giàu
Lưu Văn con cháu sống lâu thịnh cường.
LƯU VĂN TUẤN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)