Ξ|Ξ   DOANH NHÂN ::. DOANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 21/9/2013
E-mail     Bản in

Doanh nhân Lưu Xuân Khuyến
Lưu Xuân Khuyến sinh 13/03/1977 tại xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cha là một thương binh nặng (hạng đặc biệt), mẹ anh, ngoài việc chăm sóc, phục vụ người chồng, còn phải lăn lộn kiếm tiền nuôi dưỡng 4 anh em Khuyến ăn học, nên cuộc sống rất khó khăn, cực khổ.



Doanh nhân LƯU XUÂN KHUYẾN
 

Vốn chăm học và học giỏi từ nhỏ, nên sau khi tốt nghiệp PTTH, được sự động viên của cha mẹ, Khuyến trở thành sinh viên ngành Gốm trang trí của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Năm 2000, với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, anh đã đi khắp các làng nghề gốm trong cả nước, từ Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội), Đông Triều, Mạo Khê, Giếng Đáy (Quảng Ninh), Minh Long, Cường Phát (Bình Dương) để làm việc, tiếp tục nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm để thực hiện ước mơ một ngày nào đó, sẽ về xây dựng cho mình một xưởng gốm tại quê nhà.

Năm 2003, khi đã có được một số kinh nghiệm về nghề, Khuyến trở về quê hương, bắt đầu khởi nghiệp trên diện tích 500m2 của gia đình, vốn trước đây dùng nuôi trồng thủy sản. Mặc dù huyện Yên Dũng có nguồn tài nguyên đất sét làm gốm rất lớn nhưng lâu nay chưa có làng nghề nào trên địa bàn khai thác, sử dụng. Sẽ có thuận lợi ở nguồn nguyền liệu – Khuyến biết điều đó. Song, anh cũng biết rằng, quê anh không phải làng nghề gốm, nên không có nhân công làm việc có tay nghề, mà sẽ phải đào tạo mới hoàn toàn, rất khó khăn và vất vả.

Với mục tiêu đẩy ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống với văn minh thời đại, nhằm tạo ra một nghề mới cho địa phương với các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có giá trị sử dụng cao, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người lao động địa phương, nên dù biết bao khó khăn, Khuyến vẫn quyết tâm thực hiện.

Nhưng khi bắt tay vào làm, mới thấy mọi chuyện còn khó khăn hơn Khuyến nghĩ rất nhiều. Ban đầu sản xuất thử nghiệm, Khuyến nung sản phẩm trong lò kiểu Bát Tràng và liên tiếp bị hỏng gần 10 chuyến lò. Sau đó, Khuyến chuyển sang thiết kế lò nung theo kiểu của Phù Lãng thì lại bị sập lò đúng ngày khánh thành. Hậu quả là 3 người bị tai nạn nặng, còn gia đình anh lâm vào cảnh khánh kiệt, tinh thần suy sụp.
Trong lúc khó khăn đó, Khuyến đã được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ về vay vốn, từ kinh phí lắp đặt trang thiết bị, kinh phí đào tạo nghề nên anh quyết tâm phải tổ chức sản xuất thành công. Trong điều kiện cơ sở mới thành lập, do chưa làm xong thủ tục thuê đất, nên toàn bộ nhà xưởng phải bố trí trên 500m2 đất của gia đình. Khuyến vẫn đầu tư lắp đặt trang thiết bị phục vụ sản xuất đồng bộ, hiện đại như: hệ thống chế biến nguyên liệu đất, máy vuốt tay, máy phun men…Không chỉ dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo các mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, Khuyến còn nhiệt tình tham gia dạy nghề và đào tạo được một đội ngũ công nhân lành nghề, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, trong đó có nhiều thanh niên địa phương và những người tàn tật. Hiện nay, cơ sở đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 ĐVTN, trong đó có 5 người tàn tật, với mức thu nhập bình quân 900.000đ/người/tháng. Cơ sở của Khuyến tập trung vào sản xuất các loại tượng; đèn, phù điêu đắp nổi, tranh gốm, gạch trang trí nội ngoại thất; các loại bình hoa, lọ hoa nghệ thuật, gốm thờ, gốm phong thủy trong nội thất …với mẫu mã đa dạng, phong phú, mang phong cách riêng biệt, không lẫn với các sản phẩm đã có trên thị trường và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mỗi năm, doanh thu của cơ sở đạt 450 triệu, thu lãi ròng 150 triệu đồng.

Sau 4 năm xây dựng và phát triển, đến nay, thương hiệu gốm Làng Ngòi của Lưu Xuân Khuyến đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam đưa vào danh mục các làng nghề Việt Nam và có chỗ đứng vững trên thị trường trong nước. Gốm Làng Ngòi đã có mặt trong nhiều cuộc triển lãm về thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, gốm Làng Ngòi đã được chọn trưng bày và giới thiệu tại triển lãm “Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam” nhân Hội nghị APEC năm 2006 và đã được khen thưởng. Yêu nghề, tâm huyết và có nhiều sáng tạo để đưa nghề truyền thống của Việt Nam vươn ra Thế giới, đồng thời cũng là con người giàu tình nhân ái, luôn cưu mang, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật bằng cách dạy nghề, tạo việc làm giúp họ tự tin trong cuộc sống, Lưu Xuân Khuyến thật xứng đáng được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Theo giaithuong.vn


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)