Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Ông Bà - Cha Mẹ mẫu mực.
Đăng ngày 21/9/2012
E-mail     Bản in

Áp lực vì kỳ vọng của cha mẹ
(Nguoiduatin.vn) - Người lớn hiện đang không bình đẳng với trẻ con, chỉ thấy mình có quyền to mà không nghĩ tới hậu quả, không hiểu tâm lý giới trẻ.

Trao đổi với PV Người đưa tin về thực trạng giới trẻ chán sống, dễ tìm đến cái chết, PGS.TS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh) cho biết, đây là vấn đề đáng suy nghĩ, một số hiện tượng tự tử do áp lực học hành, sau các kỳ thi đại học hay tốt ghiệp phổ thông, số tự tử thấy rất rõ.

Các gia đình đã tạo nên áp lực rất lớn với con cái khi lúc nào cũng bắt con phải học giỏi, đạt điểm cao, ngoan ngoãn… Và khi các em không làm được thì nhục mạ, mắng mỏ dẫn đến những cái chết xót xa, đáng tiếc. Suy nghĩ của trẻ con bây giờ khác trước rất nhiều, bố mẹ không thể suy từ bản thân rồi ép buộc con cái.

PGS.TS Văn Như Cương

"Trước tôi còn nhỏ, bố mẹ vẫn hay quát mắng, bảo mày ăn như thế tốn cơm, lỡ bị điểm kém, bị mắc lỗi thì nói cút đi nhưng ngày đó có đứa trẻ nào dám tự tử đâu. Hiện nay, cha mẹ mà nói cút đâu thì cút hoặc nóng giận quá lại bảo mày chết đi, trẻ con nó sẽ làm ngay. Lý do là động lực, tự chủ của trẻ quá lớn, nó biết đánh giá bản thân, không phải cha mẹ muốn đánh, mắng là được", PGS Như Cương kể.

GS. Văn Như Cương công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, ông biết rất nhiều trường hợp các em học sinh tự tử chỉ vì bị cô giáo mắng. Trong nhiều trường hợp, các thầy, cô giáo không đánh nhưng mắng nặng lời khiến các em uất ức.

Về trường hợp của 3 em học sinh trường THCS Đắk Mil, Đắk Nông tự tử, thầy Cương cho rằng, nếu chỉ vì mất sổ đầu bài mà tự tử là điều khó hiểu. Cũng có phán đoán, cho rằng 3 em do bị điểm kém, bị ghi vào sổ đầu bài nên muốn phi tang nên mới xảy ra kết cục đau lòng. Việc gia đình mắng nhiếc, so sánh, làm tất cả những chuyện chạm đến lòng tự trọng của trẻ con là rất nguy hiểm.

Người lớn hiện đang không bình đẳng với trẻ con, chỉ thấy mình có quyền to mà không nghĩ tới hậu quả. Vấn đề là phải làm sao ông bố bà mẹ hiểu, không thể nổi sung lên là mắng mỏ, đánh đập con trẻ. Làm cha mẹ phải học nhiều về tâm lý, có như vậy mới hiểu được con cái, đặc biệt với những em đang ở trong giai đoạn thay đổi tâm, sinh lý.

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS xã hội học Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí & Tuyên truyền nêu quan điểm, chính yếu tố xã hội, môi trường dẫn người ta đến chỗ phải tự tử. Những người tự tử có mối quan hệ lỏng lẻo với xã hội, với những người xung quanh, xa cách cộng đồng.

Thời đại công nghệ thông tin, những mối quan hệ qua mạng là chủ yếu, nhiều bạn trẻ không nghĩ đến vấn đề sống thật, họ xa cách thế giới này, không phân biệt được thế giới thực và ảo dẫn đến tự tử.

Cũng theo TS Minh, nhiều người cô đơn trong cuộc sống thực, với bản thân, họ không biết đích của cuộc sống là gì nên tìm cái chết làm lời giải. Trong gia đình, bố mẹ có xu hướng không hiểu con cái, khi đó, nếu có bạn bè, thày cô đến tâm sự để họ giải tỏa thì họ sẽ không tìm đến cái chết.

Nếu không trao đổi được với ai ngoài người thân, cộng thêm việc suốt ngày chỉ biết đến học, nhiều bạn trẻ bị cô lập ngay trong gia đình của mình.

"Phương pháp giáo dục cũng cần được cải cách, hành động phải thể hiện được tình cảm nhiều hơn nữa, không gây áp lực lên con em mình. Mỗi người đều có mong muốn riêng, hãy để người ta tự lựa chọn, các bậc phụ huynh không nên ép con cái theo ý mình.

Phải cho các em phát triển năng lực theo cái mà các em mong muốn. Thêm nữa, xã hội phải tạo cho giới trẻ môi trường để thân thiện với cộng đồng”, TS Lưu Hồng Minh nói.                                          

 

Theo Yến Mây