Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 21/9/2012
E-mail     Bản in

NHÀ THƠ LƯU ĐÌNH HÙNG
Nhà thơ Lưu Đình Hùng- hội viên danh dự của Câu lạc bộ thơ Dương Kinh. Là thương binh, khi gần 60 tuổi ông đã cho ra đời tập thơ Nợ phù sa (in riêng, đoạt giải C của Uỷ ban toàn quốc Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2002) và một số tập thơ in chung. Năm 2011, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu với bạn đọc và những người yêu thơ trong cả nước tập thơ của ông có tựa đề "Giọng biển".

Nhà thơ LƯU ĐÌNH HÙNG

 
Nhân Ngày Thương binh Liệt sỹ, Ban chủ nhiệm CLB thơ Dương Kinh xin được giới thiệu đôi nét về Nhà thơ Lưu Đình Hùng qua nội dung cuộc trò chuyện của Nhà báo Ninh Tuân với ông hồi tháng 7 năm 2008. 
 
Ngày 27/7, ông thường nghĩ đến điều gì?

     Tôi thường nghĩ đến những kỷ niệm thời chiến tranh. Câu chuyện về bác sỹ Sáu Hiền và y tá Hạnh làm tôi nhớ mãi.

    Tôi nhập ngũ năm 1968. Sau thời gian huấn luyện, tôi theo đơn vị chiến đấu tại chiến trường K rồi chuyển đến chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cuối năm 1973, tại ngã ba Đak Song (Kon Tum), trong một lần đi trinh sát, đụng độ với thám báo địch, tôi bị thương ở đầu. Bất chấp nguy hiểm, đồng đội cõng tôi ra khỏi vòng vây của kẻ thù. Trên đường đến nơi cấp cứu, do thân hình to béo và đường sá khó khăn nên tôi liên tục bị rơi xuống đất.

     Bàn mổ trong chiến trường rất đơn giản, chỉ là những cây gỗ được ghép bằng dây rừng. Ca mổ do bác sỹ Sáu Hiền phụ trách. Vết thương nặng làm tôi không nghe, không nhìn thấy gì. Máu trào lên hai mắt. Bác sỹ Sáu Hiền đứng trước hai quyết định: một là, lấy một mắt để cứu mắt còn lại; hai là rút máu thành công thì có thể cứu được cả 2 mắt. Cuối cùng, ông quyết định rút máu để giữ đôi mắt cho tôi.

     Sau khi mổ, tôi được chuyển đến Lán điểm (nơi điều trị thương binh nặng). Tại đây, tôi được cô y tá tên Sáu Vân quê ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) chăm sóc. Bữa cơm hàng ngày rất đạm bạc, chỉ có đỗ nấu nhừ ăn thay cơm, hiếm hoi lắm mới có ít thịt rừng. Y tá Vân thường ngồi sau lưng làm điểm tựa cho tôi đỡ mỏi. Lúc đó, tôi vẫn chưa thể nghe được nên giao tiếp bằng cách viết ra giấy. Vì được tận tình chăm sóc nên tôi nhanh chóng hồi phục và chuyển ra Bắc.

Sau đó ông làm gì?

    Trước khi nhập ngũ, tôi đang học ngành máy tàu biển. Sau khi xuất ngũ tôi quyết định học lại chuyên ngành mà mình yêu thích và làm việc tại Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Thủy sản cũ) đặt tại Hải Phòng.
 
Tại sao đến năm 54 tuổi ông mới cho ra đời tập thơ đầu tay "Nợ phù sa"?

    Ngay từ thuở nhỏ tôi đã yêu thơ. Tôi quan niệm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” nên làm ít thơ và in cũng ít. Thơ đến bất chợt, có năm không viết được bài nào nhưng có những thời điểm, một ngày viết được 1 bài.

     Tập thơ Nợ phù sa xuất bản năm 2002, dày 67 trang, gồm 45 bài thơ, được chia làm hai phần. Phần Tượng đài chủ yếu nói về ký ức chiến tranh của một người đã từng là lính.

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ nào làm ông nhớ nhất?                                                                       

    Đó là Vách sương, Cọng nắng và cô lính cũ. Vách sương được làm ngay sau một trận chiến đấu ác liệt tại mặt trận Tây Nguyên năm 1973. Khi đồng đội mình hy sinh, chỉ có tấm vải băng bó để chôn, tôi xúc động làm bài thơ này:

“Buồn vui hờn giận đã trôi qua
Đêm nay buốt lạnh ánh trăng nhòa
Bó bạn khiêng về sau dãy núi
Gọi nhau thăm thẳm vách sương va”.

 
     Bài Cọng nắng và cô lính cũ được làm trong thời bình. Trong một chuyến công tác về Thái Bình, tôi tới thăm một ngôi chùa. Thật đặc biệt, trong ngôi chùa đó, tất cả các nhà sư đều là cựu chiến binh, thanh niên xung phong. Những câu thơ đau đáu tự dưng trào ra:
“Nổi nênh mõ tiếng câu kinh định mệnh

Vạt áo nâu sồng hồn đất,
Lá rụng sân chùa lắng cõi hư vô
Nhớ nhung nát nhầu năm tháng”


Bài thơ Quyển sổ đã được một giáo sư nước ngoài dịch, qua bài thơ này, ông muốn nói điều gì?

Bài thơ nói về câu chuyện của một quyển sổ. Quyển sổ của người lính đã hy sinh nằm lặng lẽ trong balô. Chàng trai hy sinh nhưng người yêu không được chịu tang. Quyển sổ ấy chính là minh chứng cho những mất mát, hy sinh trong chiến tranh.

“Quyển sổ ấy như bao quyển sổ
Lặng lẽ trong ba lô lính chết trận rồi
Người con gái không được nhận vành tang trắng
Đọc lại mình trong trang sổ bỏ rơi”.

 
Xin cảm ơn nhà thơ!       

Lửa rừng - Thơ của Lưu Đình Hùng

 

Mặt trời đã xuống chín bậc cầu thang
Lửa si mê giục cái chân chạy vào rừng mắc võng nhớ
Hai cánh tay trần dưới ánh lửa chảy hai dòng suối
Má chín trong đêm muốn cất lời hát gọi

Rừng lẳng lặng nghe thôi thúc tiếng đập nhanh
Trái tim em, trái tim anh và trái tim của lửa
Tiếng cồng buổi chiều nói gì anh không nhớ nữa
Tiếng khèn trên rẫy ai tỏ tình em đã quên tên
Bây giờ chỉ rừng và đêm
Mặc ngọn lửa thiu thiu ngủ trên gộc củi
Có hai ngọn lửa khác bùng lên
Cuộn vào nhau
Thành trăm bàn tay thon
Thành trăm con mắt biết nói

Ở trong rừng
Không có ai gọi. 

Theo http://mactrieu.vn


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)