Hình ảnh

Một góc nghĩa trang Trường Sơn

  Khi đáp tàu hỏa từ Hà Nội vào Quảng Bình, Lưu Minh Tho đã phôn cho tôi chuẩn bị mọi việc để cả hai đi tìm mộ liệt sĩ Lưu Trí Thức (em ruột của Tho), hy sinh tại Bình Định vào năm 1967 . Từ lúc nói chuyện qua điện thoại với Tho , tôi suy nghĩ miên man …Tôi nhớ lại những gì của hơn bốn mươi năm trước . Những sự việc diễn ra khi đó tôi cho là ngẫu nhiên . Nay suy nghĩ sâu , kỹ thì chẳng đơn thuần chỉ là tình cờ, ngẫu nhiên…Có lẽ có cái gì đó tất nhiên của tâm linh .Tôi nhớ rõ, lần đó tôi là một trong số cán bộ đi nhận quân bổ sung từ miền Bắc vào sau tết Mậu Thân . Tại trạm nhận quân trên Trường Sơn, thuộc tỉnh Quảng Tín (Quảng Nam ) tôi đã gặp thiếu úy Nguyễn Quang Hồng (anh người Thái Bình trước đây cùng học trường SQ với tôi ) . Điều kỳ lạ người chiến sỹ liên lạc của anh lại là người làng Vàng cùng huyện với tôi ( đáng tiếc tôi quên mất tên cậu ấy ). Cậu chiến sĩ nấu nước pha trà cho tôi và Hồng uống .Vừa uống trà tôi vừa hỏi chuyện …Cậu cho biết khá nhiều về quê hương . Cậu cho tôi biết bác Anh Cầm , mẹ anh Hưng đẫ mất ( Cầm và Hưng là anh bạn , cả hai hơn tôi vài tuổi)…Lúc chia tay, anh  Hồng đã tặng tôi chiếc bút máy Hồng Hà và mấy chục đồng tiền miền Bắc để làm kỷ niệm .

Cũng lạ kỳ ngày hôm sau , trên đường đẫn quân về đơn vị , tôi đã gặp Luân ( người đồng hương, Luân là em ruột của anh Hưng , hiện sống tại Hà Nội) bị thương nên được ra Bắc điều trị . Qúa bất ngờ, thời gian quá ngắn chỉ kịp nói với nhau vài câu ngắn gọn . Luân cho tôi biết Thức đã chết tại Hoài Sơn , Hoài Nhơn BĐ . Luân còn nói rõ người yêu của Thức là cô Hường may máy , người thôn An Hội , Hoài Sơn . Tôi cũng cho Luân biết mẹ Luân đã mất rồi ! Tôi còn cho Luân hết số tiền Bắc mà anh Hồng tặng, chỉ để lại cây bút máy ….Thế mà đã gần một nửa thế kỷ !Khi viết những dòng này , tôi thành tâm chúc Hồng và cậu chiến sỹ liên lạc cùng toàn gia quyến an khang thịnh vượng . Nếu anh và người chiến sỹ  đã hy sinh thì cầu cho linh hồn siêu sinh về thế giới vĩnh hằng  ……

 Sau chiến tranh vì mưu sinh, vì công tác di chuyển nhiều nơi nên cũng ít về quê .Lần về quê năm 1983 tôi sang thăm chú thím ( bố mẹ của Thức ), cả hai ông bà mắt đẫm lệ , nói tôi : anh ở trong đó hãy đi tìm em …!Tôi cũng ứa nước mắt . Khi về lại trong Nam , tôi tiến hành tìm kiếm. Tôi xác định phải tìm được cô Hường thì mới biết những gì về Thức. Đây là việc khó. Tôi vẫn hi vọng tìm được Hường và biết đâu mối tình thời chiến tranh đó đã để lại giọt máu của em tôi?!. Tôi đã tìm những nữ chiến sĩ quê ở Hoài Sơn, công tác tại tỉnh đội và Sư 3 ( Sao vàng ) trong kháng chiến chống Mỹ. Trời cũng chẳng phụ người , rất may tôi đã gặp cô Hoàng ( hiện ở đường Diên Hồng  tp Qui Nhơn).  Hoàng cho biết cô là bạn của Hường, cô nói Hường rất đẹp gái,  Hường đã vô Qui Nhơn khoảng 1967 ( có lẽ sau khi Thức chết) nghe đâu đã lấy chồng là một trung úy của sư đoàn 22 (của Sài Gòn ), chồng Hường quê ở Hoài Ân. Từ ngày Hoàng vào quân giải phóng cũng không gặp lại Hường , nên cũng không biết cụ thể mà chỉ nghe nói …Căn cứ vào những thông tin đó, tôi đã về Hoài Sơn cùng với trung úy Thu (cán bộ ban chính sách BCHQS tỉnh Nghĩa Bình). Tại thời điểm đó (1983) cuộc sống còn rất khó khăn. Đất nước trong thời bao cấp !...

Cuộc chiến tàn khốc vẫn còn rất đậm trong kí ức mọi người. Những gốc dừa cụt, những hố bom vẫn còn, dấu tích chiến tranh ác liệt đã minh chứng cho những hi sinh, những gian nan của quân và dân nơi đây…Cái nghèo, cái khó không thể làm mờ phai tính nhân văn của người còn sống đối với vong linh người đã hi sinh để có ngày hôm nay. Các liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang. Tuy chưa được xây mộ khang trang song cũng đã tạm gọi “mồ yên”. Rất nhiều ngôi mộ “chưa biết tên”. Tôi hỏi anh Long trước đây là thôn trưởng thôn An Đỗ về liệt sĩ Lưu Trí Thức và mối tình Thức Hường. Anh Long cho biết nhân dân không chôn cất Thức mà đơn vị đã chôn. Vì sau trận đánh ở Hoài Hảo , Thức bị thương rồi lên cơn sốt đã hi sinh (anh cũng chỉ nhớ mang máng như vậy, chưa hẳn đã chính xác )…Còn cô Hường thì Long cung cấp  khác cô Hoàng. Hường vẫn ở trong nước tại Sài Gòn . Long cho biết các liệt sĩ hi sinh tại Hoài Sơn số đông đã được quy tập vào nghĩa trang của xã . Như vậy vẫn còn những liệt sĩ chưa biết nằm nơi đâu! …Tôi đã đốt nhang và cắm nhang cho từng ngôi mộ, với lời khấn :

“Tôi là Lưu Xuân Thanh quê ở Hà Bắc, cũng vào Nam chiến đấu từ những năm sáu mươi. Tôi may còn sống. Hôm nay tôi đi tìm em tôi là Lưu Trí Thức, song không biết em tôi nằm ở ngôi mộ nào trong số các mộ liệt sĩ chưa xác định được tên! Thôi thì tất cả là đồng đội của tôi, có nghĩa cũng là anh, chị , em của tôi, tát cả là Lưu Trí Thức. Tôi biết các đồng chí đều chết trẻ, như vậy rất linh thiêng. Cầu mong vong linh các đồng chí phù hộ cho Tổ Quốc mà các đồng chí đã hi sinh mạng sống để có, luôn thanh bình, nhà nhà no ấm. Con em chúng ta không bất hạnh như chúng ta…Điều riêng tư, tôi cầu xin các đc phù hộ tôi có đủ nghị lực để sống trong hoàn cảnh khốn khó về tinh thần hiện nay…Tâm nhang này xin gửi đến hương hồn tất cả các liệt sĩ. Điều tôi muốn nói : ai đó có thể quên các đồng chí song những người thân của các đc vẫn hàng đêm khấn nguyện và hi vọng sẽ có ngày đưa các đc về quê. Một điều nữa là nhân dân Hoài Sơn luôn hương khói cho các đc trong ngày giỗ chung 27-7 và những ngày lễ tết. Hỡi các đồng đội của tôi vẫn : Sống mãi tuổi thanh xuân. Tổ quốc trường tồn vong linh bất diệt !!!.”...

(còn tiếp)                                                                                Lưu Xuân Thanh