Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 21/11/2012
E-mail     Bản in

Nơi đầu sóng ngọn gió
Tôi với Lưu Văn Quảng về Bảo đảm Hàng hải cùng năm, quen nhau qua công việc. Lúc đó, tôi vừa chân ướt chân ráo, về Ban Tuyên giáo Liên hiệp Công đoàn Hải Phòng vài tháng, đang làm quen với công việc, lại được tăng cường xuống BĐHH. Tuy tính chất công việc khác nhau, nhưng thi thoảng vẫn gặp nhau.

Sau này, các đội của Công ty được nâng cấp thành các xí nghiệp. Quảng làm Phó Giám đốc Xí nghiệp công trình, còn tôi được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Hải Đăng Đảo Dáu.

1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao tặng Bảng vàng
danh hiệu ALLLVTND

Tôi phải nhờ Lưu Văn Quảng nhiều trong việc xây dựng các công trình ở Đảo. Bởi lẽ, khi sang làm Phó Giám đốc Kỹ thuật (mà tôi thì ngoại đạo vì nguyên là Thường vụ Thường trực của Công đoàn Công ty). Thế là tôi phải học hỏi, phải nhờ các chuyên gia về xây dựng và cơ khí sửa chữa tàu, thuyền, máy phát điện. Trong các chuyên gia, giúp đỡ tôi nhiều nhất có Lưu Văn Quảng.

Sự chia sẻ của Lưu Văn Quảng không chỉ dành cho Xí nghiệp tôi, mà còn trải dài từ Vĩnh Thực, Bạch Long Vĩ, đến Long Châu, Cát Hải, Sơn Trà, Cửa Việt, Cửa Tùng, Quảng Bình, đến Trường Sa.

Cơ duyên như vậy, mặc dù đã nghỉ hưu và đã xa Hải Phòng, tôi vẫn muốn về BĐHH để viết về Lưu Văn Quảng.

Nhưng tôi e ngại một điều, người ta lại cho là: "Thấy người sang…". Chả là lúc này Quảng đã là Tổng Giám đốc Tổng Công ty BĐHH miền Bắc với một văn phòng cao ngất ngưởng phía Nam thành phố. Với 10 phòng trạm nghiệp vụ và 13 đơn vị thành viên, quản lý toàn bộ dải bờ biển từ địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến hết tỉnh Quảng Ngãi, với chiều dài ngót nghét một nửa trong tổng số 3260km bờ biển của Việt Nam.

Để điều hành sao cho 42 đèn biển, 22 tuyến luồng với 66 đăng tiêu và trên 450 báo hiệu nổi, luôn luôn "thông đồng bén giọt" là rất vất vả đối với người đứng mũi chịu sào.

Tuy nhiên, tôi vẫn điện cho Quảng. Năm lần, bảy lượt hò hẹn, rồi chúng tôi cũng gặp nhau vào buổi chiều đông se lạnh của cảng biển Hải Phòng, ngay sau ngày Tổng Công ty nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Gặp nhau tay bắt, mặt chưa kịp mừng, tôi vào việc vì thời gian đối với Quảng và cả tôi nữa cũng đều hiếm hoi. Sau khi nghe tôi trình bày ý định, Lưu Văn Quảng vội can: Thôi anh ơi! Đừng viết gì về Quảng vì Quảng cũng chưa có thành tích gì nhiều đâu. Được như ngày nay, phần nhiều cũng nhờ những người đi trước, nhờ sự đoàn kết, cố gắng phấn đấu của cả tập thể CBCNV của Tổng Công ty, và có phần giúp đỡ của các cấp, các bộ ngành và của nhà nước.

1
Các thế hệ CBCNV găpk mặt tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của VMSN

Tôi biết mình đã gặp đối tác "rắn", không muốn nói về mình vì ngay từ khi còn công tác với nhau, tôi đã biết tính Quảng, khiêm tốn, nói ít làm nhiều.

- Thôi được! Tôi thay đổi chiến lược. Mình dẹp cái chuyện viết lách lại. Tôi nói với Quảng. Bây giờ ta tâm sự với nhau như những người bạn, sau nhiều ngày xa cách vậy nhé! Từ khi "nhận ca" đến nay, công việc của Quảng ra sao? Tôi hỏi.

Thực ra, khi mới nhận việc "chèo lái con tàu" BĐHH, Quảng cũng có những băn khoăn: Làm thế nào đây? Quảng tâm sự: "Để đảo ra đảo, đèn ra đèn, ánh chớp luôn là niềm tin yêu của bạn bè trong và ngoài nước sẽ không bao giờ tắt. Nói thì dễ nhưng để những đảo đèn với diện tích khoảng chưa đầy 1km2 đến 1,2km2 với 5, 7 anh em, lầm lũi cả ngày, thừa sóng, thiếu nước ngọt, rau xanh, thiếu tiếng người, nhiều lúc anh em chẳng có chuyện gì để nói với nhau, ti vi, cát sét mãi cũng nhàm, có ít sách báo đất liền tiếp tế, đọc đến thuộc lòng. Hàng ngày, tối 6 giờ bật đèn sáng 5h30 tắt. Bây giờ có tế bào quang điện tự động bật tắt, lại càng buồn tẻ. Ngày thì lau đèn, lau pha, sửa sang nhà ở, chăm sóc luống rau. Cứ thế một năm 9 tháng ở đảo, ở nhà được 3 tháng chia làm mấy kỳ, có anh về nhà, con không nhận ra bố. Giá cả leo thang theo cấp phi mã, lương cả tháng ở đảo chẳng được bao nhiêu. Phí BĐHH lại giảm 50%, để vực dậy trên cái nền như thế quả là quá khó".

- Nhưng thực tế, đèn biển vẫn sáng và đời sống CBCNV đã và đang đi lên- Phải đi lên và dù gì đi nữa, đèn phải sáng, đó là mục tiêu của cả Tổng Công ty.
Đó là nhờ phong trào "Suy nghĩ vì đèn đảo", "Đến với đèn đảo" lan rộng. Công nhân trạm đèn đã tự sửa chữa nhỏ về cơ khí, công trình. Công ty cử cán bộ kỹ thuật ra giúp, kinh phí sửa chữa được rót cho đảo, mặt khác làm tờ trình đề nghị các bộ, ngành liên quan và Chính phủ xem xét chế độ cho đèn đảo. Ngoài ra, sự tin tưởng giao việc và tăng cường kiểm tra, cũng là tiêu chí để Quảng thực hiện. Đấy cũng chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài thì sao?

Đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ cho CBCNV.

Chắc chắn không thể kéo dài tình trạng này. Lưu Văn Quảng đã học khoa Công trình ở Đại học Thủy lợi, rồi khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Bách khoa, lại đặt chân lên hầu hết các trạm đèn đảo từ Bắc chí Nam, ra đến tận Song Tử Tây, An Bang, Tiên Sa, Đá Lát, Đá Tây của Trường Sa. Thực tế đã cho anh thấy, đã đến lúc không thể dùng cơ bắp với sự  chịu khó mà hoàn thành được nhiệm vụ.

Phải lấy trí thức làm nền tảng, lấy khoa học để quản lý. Do đó, Tổng Công ty đã mạnh dạn đào tạo và đào tạo lại nên đã cử hàng chục cán bộ kỹ thuật đi đào tạo ở nước ngoài như: Anh, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Tổ chức bổ túc, nâng cao trình độ kỹ thuật cho hơn 1300 người, hơn 1660 lượt cán bộ được học tập, nâng cao trình độ quản lý. Thường xuyên tổ chức thi thợ giỏi, làm động lực thúc đẩy phong trào học tập, nâng cao nghề nghiệp cho CBCN. Nhiều CBCN, trạm trưởng trạm đèn có khả năng và nhu cầu học tập, Công ty đã tạo điều kiện cử đi học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Vì vậy, 100% các trạm trưởng trạm đèn đảo có trình độ Đại học, cá biệt có trạm trưởng đạt trình độ Cao học. Do đó, việc báo hiệu, hỗ trợ hành hải đã đạt chất lượng tốt hơn và không để xảy ra bất cứ tai nạn, hoặc sự cố đáng tiếc nào do báo hiệu hàng hải gây ra.

Áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

- Thế còn việc tổ chức bộ máy điều hành và công tác nhân sự có gì mới?
- Có thể nói không có gì mới! Lưu Văn Quảng khẳng định. Quảng kế thừa, tôn trọng quá khứ nhưng phải chỉnh trang về tư duy mới, nạp thêm trình độ, năng lực quản lý như trên đã kể để cho "con tàu" BĐHH tăng tốc như anh thấy đấy.

Không xáo trộn tổ chức, khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh, thấu tình đạt lý, lấy đức và nhân nghĩa để đối xử với những thiếu sót, khuyết điểm của mọi người, chủ yếu để anh em thấy rõ những sai phạm mà tự sửa chữa. Tổng Công ty đã thành lập thêm Công ty thi công cơ giới và dịch vụ hàng hải miền Bắc để tìm thêm việc, biết dựa vào các đoàn thể, luôn thăm hỏi, động viên, nâng cấp cơ sở vật chất, nơi ăn ở để anh em yên tâm với đảo, coi đảo như ngôi nhà thứ hai của mình.

1
Phó Thủ tướng gắn Huy hiệu Danh hiệu Anh hùng lên lá cờ truyền thống của Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải

- Tôi đã có lần về thăm các trạm đèn đảo, thấy các trang thiết bị đều mới mẻ, hiện đại, mà thời tôi nằm mơ cũng không có. Do đâu có sự sang trang, nâng cấp như thế? Tôi hỏi.
Quảng cười rất tươi: Đấy, chính là phần cơ bản để nâng cao đời sống CBCNV BĐHH trong các năm gần đây vì tất cả những thứ anh kể và đã thấy là do công sức nghiên cứu, sáng tạo của tập thể anh em. Học rồi phải hành trình độ khoa học kỹ thuật đã được nâng cao. Bây giờ là lúc phải "nhả tơ" chứ anh?

Thế là các thiết bị đèn hiệu ra đời như: đèn VMS RB 400, VMS RB 220, đèn điốt phát quang VMS LED 132 dẫn luồng, là các thiết bị tiên tiến nhất hiện nay, máy chớp đồng bộ cho các phao báo hiệu, sản xuất thành công bình đồ điện tử ENC - nền tảng cơ bản của hàng hải kỹ thuật số e-Navigation, đã giúp ích rất nhiều cho người quản lý và đi biển. Tất cả sự nỗ lực ấy đã tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm ngàn đô do không phải nhập ngoại. Đóng mới tàu thay thả phao và hơn 100 quả phao báo hiệu theo công nghệ Nhật Bản, đóng mới tàu quản lý luồng 50 tấn, sửa chữa gần 2000 quả phao, bảo dưỡng 5000 lượt báo hiệu.

Tất cả đều là made in BĐHH. Do vậy tính đến hết năm 2011, doanh thu đạt trên 627 tỷ, bình quân thu nhập của công nhân tăng từ 3 triệu lên 7,5 triệu đồng. Đúng là BĐHH đã sang trang. Tổng Công ty BĐHH miền Bắc đã làm nên điều kỳ diệu, tăng năng suất lao động, giảm bớt sức người, đời sống CBCNVC được nâng cao.

Thành quả ấy là công sức chung, có đóng góp của tập thể cán bộ CNVC, nhưng không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng ủy mà Lưu Văn Quảng là Bí thư, của chính quyền mà Lưu Văn Quảng là Tổng Giám đốc - người thuyền trưởng luôn đứng mũi chịu sào.

Chia tay Quảng sau một giờ làm việc, Quảng tặng tôi quyển "Những năm tháng lịch sử của BĐHH", lật nhanh vài trang, thấy có bài "Bảo tàng đèn biển - tại sao không?" của tôi được tuyển chọn từ báo Giao thông, đăng từ năm ngoái, năm kia nhưng không có tên tác giả. Tại sao? Nhưng thôi, đó là điều nhỏ. chẳng cần truy cứu làm gì, bởi vì tôi quá rõ nguyên nhân.Lúc tiễn tôi ra về, Lưu Văn Quảng còn dặn: "anh nhớ đừng viết gì về Quảng nhé. Vì nếu không có sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trong cả nước, sự đoàn kết phấn đấu của cả Tổng Công ty thì mình Quảng cũng khó mà vực lên được".

 

Theo Hoàng An Giang