Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 21/11/2012
E-mail     Bản in

Nhà văn LƯU QUỐC HÒA
VanVN.Net – Nhà văn Lưu Quốc Hòa, sinh ngày 20/6/1955, hiện ở tại: Thôn Đình Tràng - Xã Lam Hạ, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Hội viên Văn Hội VHNT Hà Nam. Đã xuất bản 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, 1 trường ca, 1 tập thơ… Đoạt một số giải thưởng văn học của địa phương và trung ương.

Nhà văn LƯU QUỐC HÒA

CÂU ĐỒNG DAO LÀNG VÒI

Nhiều người thắc mắc về cái tên làng Vòi. Quả thật tên này không được văn vẻ như làng khác.Tên làng có từ đời xửa đời xưa ai mà biết được, chẳng có bất kỳ bằng cớ gì để khẳng định cái nghĩa lý khi các cụ đời xưa vẫn lấy để đặt tên làng. Thì ta cứ gọi là làng Vòi đã sao, thiếu gì cái lý, ai tưởng thế nào thì ra thế ấy.


Làng Vòi ở ven con đường giao thông liên huyện, bao bọc xung quanh là cánh đồng mỏi cánh cò bay. Những năm úng lụt mất mùa, đứng trên đường cái quan nhìn vào, làng nổi phập phờ trên mặt nước như cái chảo lớn úp ngược. Chẳng rõ tiền trăm bạc vạn nơi khác vẫn kiếm ngon ơ chứ ở đất làng này kiếm tiền khó lắm. Đám đàn bà con gái mài đũng quần từ bảnh mắt đến tận đêm khuya bên khung thêu cũng chỉ được ngót chục ngàn, cánh đàn ông chạy ngược chạy xuôi hết thợ xây, thợ mộc rồi đào ao vượt thổ cũng chỉ khô áo là hết tiền. Quanh năm người ta chỉ nhìn vào hai vụ lúa .Nhà nào “vô phúc” có con thi đỗ đại học thì cười rở mà khóc lại…không nên.

Đùng một cái, đầu làng hiện ra quán bia. Thằng động mả nào lại mở quán ở cái làng nghèo khô nghèo quoắt này cơ chứ !Tiền đâu mà đi uống cái thứ nước sủi bọt như bong bóng xà phòng lại ngai ngái khai,rồi kem rồi sữa chua…ôi thôi toàn là những thứ mất tiền to cả, từ trước đến nay dân làng chỉ uống nước mưa trong bể bằng gáo dừa mà có làm sao đâu. Chủ quán dĩ nhiên không phải người làng này mà là cháu “bắn ca nông” với lão Tư Xạ nửa làm thày cúng nửa đi hoạn lợn sống già đầu mốc trán ở làng Vòi này.

 Đầu tiên họ cưa hết mấy cây táo gia lộc còi cọc như đào thế rồi ùn ùn chở vật liệu về dựng quán. Tuy là quán chốn nhà quê nhưng khang trang và mát mẻ lắm, bao bọc quanh là những luỹ tre gai rậm dì gió thổi nhẹ cũng vặn mình răng rắc, gió sông thốc vào mát bằng mấy quạt điện. Trong quán là bàn ghế inốc trắng bóng, mấy cái loa thùng hoạt động ngày đêm, trần nhựa đèn chùm chậu hoa cây cảnh thôi thì thứ nào ra thứ ấy, góc vườn lại có mấy bàn bi-a đặt trong quán lá gồi! Kinh thật !Đây có khác gì chốn thành thị.

Dân làng sì xào về cái quán đang chuẩn bị khai trương. Mỗi khi làm đồng ngang qua họ chống cuốc đứng ngắm nghía. To gan thật , hàng quán sang trọng thế kia thì bán cho ai, khách vãng lai năm thì mười hoạ mới có một mống, cái làng này nghèo bỏ bố đi ai dám tiêu tiền. Mụ cả Lẹp goá chồng có mỗi mẹt kẹo bột còn ế chỏng ra suốt ngày phe phẩy cái quạt nan đuổi ruồi. Mấy thằng “kem mút” bóp còi gọi khách mỏi tay có ma nào đến “mút” đâu. Người ta cứ bàn cứ lo hão rồi ai về nhà nấy.
Tư Xạ cười khẩy bảo thằng cháu chủ quán :

- Đúng là lũ u mê! Chẳng hiểu đếch gì thời buổi nó đang xoay vần! Rồi xem, có ngày chúng nó đua nhau mà móc bẽm quăng tiền vào ăn tiêu, mà chơi bời, mà đề đóm mà cờ bạc đỏ đen, khi cái lòng tham cố hữu thằng người nổi lên có trời can .
Thằng cháu họ “bắn ca-nông”của lão Xạ đang đứng làm chủ quán tên là Đức Hạnh. Cái tên cãi lại tướng mạo hắn với nước da thúc bì mai mái của kẻ ăn chơi tác táng, cái mắt thô lố như hai con ốc bươu và cái mũi sần có hai túm lông như sừng củ ấu tòi ra .Nghe đâu hắn là con một quan chức ngành địa chính nên nắm rõ quy hoạch toàn vùng. Rồi biết mưu ta ! Con đường ruột của thành phố sắp ngang cánh đồng làng Vòi .Từ đây mà phóng xe máy vào nội đô chỉ chưa tàn điếu thuốc lá! Trời thương cái làng này rồi .Quanh làng toàn là công sở, là khu tái định cư, cái đất trồng tre gai đầy cứt trâu cứt chó này sẽ đắt như vàng, dân nông nghiệp sẽ được đền bù tiền ruộng đất, tiền hoa lợi. Khối thằng nổi máu sĩ ăn chơi .Gớm !mở hàng ra để bán cho mấy bà gầy vắt ra trong cái làng này thì đến mùa quýt.


Khi các hàng cọc tiêu được cắm đỏ ối ngang qua đầu làng người ta mới à lên thán phục cái sự nắm bắt thời cuộc của Tư Xạ và thằng cháu giời ơi ở trên Tỉnh về mở quán. Dân đây hiền lành chí thú làm ăn theo kiểu bới đất nhặt cỏ, ít tiền, ít mưu lược, được đồng nào là qué vào cái khăn bao thắt nghìn nghịt dưới rốn, đêm ngủ cạnh chồng còn không dám cởi ra, bố thằng nào móc cho được.

Buổi sớm ấy có đoàn cán bộ trên Tỉnh đánh xe về làng. Cố nhiên là phải đỗ xe ở quán Đức Hạnh mà nghỉ. Chim khôn phải đỗ ngọn đa chứ ai đỗ bụi bụi duối bờ tre bao giờ. Mấy ông bụng đóng đai, mấy bà ngón chân ngón tay quệt nhũ ngồi uống bia, uống nước ngọt khoát tay chỉ ngược chỉ xuôi . Theo tay họ chỉ toàn bộ nơi làng này sẽ là khu đô thị nay mai. Chết thật !Lên đô thị thì trâu bò đem mà nấu lẩu hết à!Phải mặc quần bò áo phông rồi ngồi bán hàng dịch vụ! Mà bán cái gì cơ chứ, cả làng ai cũng bán vậy ai là kẻ mua. Mấy bà nhà quê thỉ thỏ vào tai nhau mà lo lắng. Lo lắng để rồi lại thỉ thỏ vào tai nhau .

Thôi đấy là chuyện của những cái đầu có tầm vĩ mô định liệu. Gái goá làm sao tính việc triều đình.Ta lại quay về bàn chuyện làng mà khởi sự cho câu chuyện là cái quán của chú cháu nhà Tư Xạ .

Nhận tiền đền bù đất, làng xóm cứ như chảo thuốc súng đã xấy khô . Các hộ nhìn thấy xấp tiền từ chiếc hòm sắt tây mà phát hoảng. Sao mà lắm tiền thế, có nhà nhận được cả trăm triệu, nhà ít dăm chục toàn là bạc trăm xanh rờn lá mạ, cứng cạo dâu được. Nhận tiền mà tay cứ run run,có tiền rồi dùng thế nào cho nó sinh nó nở chứ vặt ra ăn dần rồi mai đây sống bằng cái gì. Nhà thì gửi ngân hàng lấy lãi, nhà mua xe máy chạy hàng vặt từ chợ nọ sang chợ kia buôn qua bán lại, nhà cho con đi học nghề cứ rối cả lên nhưng mà vui, con người cũng thấy mình cần thay đổi một chút cho nó khỏi tụt hậu. Xưa kia nghèo đồng tiền, cái khó nó bó cái khôn, có tiền trong tay rồi khả năng tiềm ẩn lúc này mới phát lộ. Chớ có chê mấy thằng chân đất mắt toét không biết dùng tiền để lãi mẹ đẻ lãi con .

Ông bà Đỗ Giang sinh 2 lần được luôn 3 mống con trai, cố nhiên là có một lần sinh đôi nên con cái đóng đầu trứng gà trứng vịt .Thuận miệng đặt tên một lèo: Đỗ Giảng, Đỗ Giàng, Đỗ Dạng. Nhà quê đặt tên có vần như thế để chúng có mải chơi hàng xóm gọi về cho liền hơi nhưng khi chửi nhau cũng thuận miệng cho trẻ nhà hàng xóm nó chửi như hát đồng giao, chúng nó hò lên đầy đủ từ bố đến con tuột một lèo nghe vừa tức vừa buồn cười.

Ba anh chàng ở chung một xóm mỗi anh mỗi phận. Họ rất giống nhau , nhất là 2 chàng sinh đôi ở hình hài và lại giống nhau cả tính hà tiện “vắt cổ chày ra nước”, không chơi bời giao du và cũng chẳng có gì để ai tìm đến mà giao du nên nhà cửa ít khi có khách lạ .Vợ giống tính chồng ,các nàng dâu cũng “vào 8 lạng sắt ra 10 cân đinh” nhưng họ khôn róc đời , cái kiểu khôn một lóng, chỉ thích ăn người mà không để người ăn. Người ta đi tát nước thì vợ chồng ở nhà cuốc vườn bình chân như vại, tối đến thủ một cái que đâm bờ hàng xóm cho nước chảy sang ruộng nhà mình rồi đổ tội cho con giun con dế. Đi thăm ruộng tứ thời dẫm cái chân chổi xể xéo nát lúa nhà khác rồi ngó sang ruộng nhà mình. Câu đăng hà tiện , ích kỷ hại nhân đến thế là cùng. Người ta gán cho kiểu sống bo thét ấy bằng câu ví “đánh rắm sợ đói, nói to sợ mệt” kể cũng không ngoa .

Ba anh em nhận gần ba trăm triệu tiền đền bù lần này lo lắng quá người cứ gày rạc như ve, chẳng lo làm sao cho được !Từ cha sinh mẹ đẻ có bao giờ lắm tiền như thế này đâu. Ba chàng cụm lại bàn mưu tính kế dùng tiền sao cho nó sinh lãi vùn vụt. Cả Giảng lấy trịch làm anh khởi xướng :

- Thế này các chú ạ ! Thiên hạ họ làm cách gì thì kệ thây họ! Anh em ta có cách riêng thật cao tay! Hữu dũng mà vô mưu là vứt! Tôi quyết thế này, số tiền của ba nhà cứ cất kỹ, không bàn và cũng không nghe ai bàn, ta cứ nghe ngóng binh tình cho nó chín rồi tập trung lực lượng sau đó cùng động binh.Tam ngu tích lại thành hiền, nhất định dịp này ta sẽ làm nên chuyện lớn .

Cứ y hẹn, nhá nhem tối ba anh em họ Đỗ lại rủ nhau ra quán Đức Hạnh uống bia rồi dâng kế sách. Đã già nửa tháng, cái bọc tiền vẫn nằm bất động. Cần quái gì mà cứ rối lên. Nhà nước đền bù rồi vẫn cho dân cấy rốn vụ nữa, lo gì cái hột ăn. Mệt nhọc cả đời cũng cần thảnh thơi một tý cho não bộ tái tạo lại cái dây thần kinh khôn lỏi. Cái làng này rặt một lũ đần thối ra, không biết tính toán làm ăn lớn. Đời nó có số, vụng tính vụng suy là ăn cám, là thằng còng nuôi thằng ngay cho mà xem .

Quán Đức Hạnh dạo này đông khách. Cứ vào tầm trưa lũ lượt trẻ con người lớn xách can, cầm gáo đi mua bia, lũ trẻ con oai oái đòi kem, đòi sữa chua kem cốc. Có tiền trong tay nó cứ ngọ ngoạy bắt người ta ăn tiêu, bắt cái đầu phải nghĩ suy tính toán, có vốn rồi người nọ học người kia về cách mưu sinh, cuộc sống xóm làng như tổ ong vĩ đại cứ rùng rùng chuyển động. Các chị nạ dòng dũng cảm trong việc đổi lốt quần áo ngủ màu cháo lòng bằng vải hoa mát mẻ đến tận cùng mà trông thì cũng óng ướt ra trò. Các lão chồng cứ im ỉm không ra chiều khuyến khích cũng chẳng ra phản đối nhưng quả thực nhìn vợ mình cũng dễ chụi quá thể đi mất,

Đã gần một tháng, ba chàng họ Đỗ vẫn uống bia , vẫn bàn tính và vẫn chưa bày ra kế hoạch khôn lỏi khả thi .Một tháng thì đã sao! Vội quái gì , tiền vẫn bọc kỹ hàng chục lần túi giấy bóng bỏ trong tủ đứng gỗ lim, đi đâu thì thôi, về lại mở tủ ngó cái chân hương đánh dấu .

Chiều ấy, mặt trời vừa khuất sau nóc ngọn đa, ba chàng lại có mặt trên chiếc bàn bấy lâu vẫn ngồi. Không cần gọi chủ quán cũng biết thực đơn của ba thượng đế là bia hơi uống vã với thuốc lào, nhưng hôm nay thì trái lệ. Đích danh chủ quán mang một két bia chai. Một khay đồ nhắm, một bao thuốc lá thơm cung kính chắp tay thưa với ba ông khách quý :

 - Thưa tam huynh, hôm nay em xin hân hạnh được khoản đãi các huynh một chầu ra mắt gọi là chút lòng của chúng em khi đến đây lập nghiệp. Em xin các huynh chớ khước từ .

Thằng này thế mà biết ăn ở! Nó thấy ba anh em ruột ngày nào cũng cụm đầu chi kỷ nó trọng, nó hãi anh em nhà mình đây. “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” thằng nào mà chẳng hãi. Ba chàng thấy thái độ chủ quán lấy làm đắc ý và thầm cao ngạo nghĩ như vậy .

Vài tuần “cạch” bia đã ngấm. Hai Giảng cất giọng đàn anh phán rằng :

- Không vòng vèo cho nó mệt, có điều gì chú cứ nói toẹt mẹ nó ra cho chúng tớ nghe xem nào, đã coi nhau là anh em chớ có khách khí mà hỏng bố nó cái sự chân tình .

Đức Hạnh nhã nhặn, khúm núm như diễn tuồng :

- Dạ. Không có gì đâu ạ! Gọi là bọn em được hân hạnh làm quen các bác lấy cái tình thân, chúng em dù sao cũng là kẻ chân nâng đến đây tha phương cầu thực nhờ cái uy, cái bóng của các bác che chở, thế gian này mà có được sự đùm bọc, đoàn kết như ba bác là hiếm lắm đấy. Nhà khác có mà sách dép không song .

Chí lý! Thằng này thế mà biết nhìn người. Nó là con cái nhà thần thế mà còn biết hãi ba cái thằng này, thế mà cái làng Vòi khố dây lại coi cả bọn là lũ không thể chơi được. Nó gọi họ là một tổ hợp chó không ăn được cứt ! Quá láo! Như thế nghèo khạc ra gio là phải .

Tiệc kết ngãi tình huynh đệ đã đến phút cao trào, có nghĩa là 4 thằng người với tám cái tay đã nắm vào nhau, đã thành anh em chi kỷ sống chết có nhau, Có nghiã là trong cái làng này đứa nào mà sờ đến lông chân “chú Tư Hạnh” coi như mả bố nó đến ngày động .
Nói phét gặp thời thôi chứ cái làng này hiền như đất, ai cũng chí thú làm ăn, ai cũng chuộng hoà bình thì cần quái gì 3 cái bong bóng xà phòng kia che chở, cái cảnh nói cho “đắt miếng sôi trôi miếng thịt” thì con chó nó nói cũng được. Cứ nói phứa đi, nói phét có bị phạt vi cảnh bao giờ đâu mà ngại .

Thế là từ nay ba anh em nhà họ có bản quyền ở cái quán rất chi là lắm bia và đồ nhắm. Rất chi là sẵn các mốt chơi kiểu thời thượng như hát “Okê” , phim trưởng “đấm ự, đá ợ” rồi ngắm mấy ả phục vụ mặc váy hoa cà hoa cải có những cặp vú tố hộ, vểnh ngược lên rừng rực như chọc vào mắt .Mẹ kiếp! Cùng là cái thứ đàn bà mà sao nó trang trí sắp đặt của nả đâu ra đấy thế, chẳng bù cho mấy con mẹ mướp nhà mình lúc nào cũng hôi rình, khét khú ,đầu tóc như quạ đánh trông mà nản .

Chẳng phải bàn, tự nhiên ba thằng người bẩn tưởi, ki bo hà tiện kia cũng đổi lốt, cũng ra dáng ăn chơi với áo kẻ lòng tôm đóng thùng, cũng nhét mấy ngón chân toẽ loe vào đôi dày da bóng “ruồi không dám đỗ” .Cũng di động bên hông thỉnh thoảng rút ra ộp oạp kêu gào. Đức Hạnh còn nể, cái làng này không nể sao được. Các em phục vụ ca tụng hết lời nghe mà sướng cái lỗ nhĩ, thỉnh thoảng rúng rẩy cái mông đến rót bia rồi chiêu đãi vài cái lườm tình, vài cái cọ vú vào lưng! Mẹ cái của khỉ! Vú chúng nó có điện hay sao ấy, cứ chớm cọ vào lưng là tê tẩn cả người! Sướng đến thế là cùng .

Quán Đức Hạnh ngoài bán đồ giải khát, không rõ còn kinh doanh thứ gì nữa, có ma mới biết chứ người thì chụi bởi cái phòng riêng của hắn lúc nào cũng đóng cửa rất bí hiểm, ngoài vợ chồng hắn không ai được ra vào .Những cuộc điện thoại trong phòng kín như buồng tằm ấy cũng không ai nghe thấy. Tháng hắn vắng nhà vài lần nói là về trên tỉnh để thanh toán công nợ. Những khi hắn đi vắng bao giờ cũng nhờ cậy ba anh em coi sóc cửa hàng. Thế mới chí tình huynh đệ. Thằng em nó tốt thế, nó tin thế tội gì mà không uống cho đái ra bia, lại còn mấy em phục vụ có cái mông quả mận nữa, cứ giờ cái thần hồn.! Đừng tưởng mèo nhà quê không biết cách cậy vung đâu nhé .


Chiều ấy Đức Hạnh trên tỉnh trở về, cái bộ tứ lại đóng đầu chén chú chén anh. Ông em vẻ sầu não ưu phiền cứ rở sổ tay gi gi chép chép rồi lai rút điện thoại liên lạc, lúc thì gọi sang Liên xô lúc lại gọi sang Nhật bản mà toàn những đối tác tiền tỷ! Hãi thật! Làm gì mà to tiền đến thế .

Cả Giảng hấp háy tò mò :

- Gớm thật !Chú làm gì mà toàn tiền tỷ cả thế !Toàn làm việc với Tây mà không sợ à !

 Chú bạo gan thật đấy .

Đức Hạnh khiêm nhường :

- Chẳng có gì đâu các anh ạ! Bây giờ làm việc với Tây là chuyện thường ấy mà. Hợp tác liên doanh liên kết làm ăn nhà nước ta đang khuyến khích. Ít nữa họ sang ta đầy ra! Họ hiền khô ấy mà.

Hai Giàng cũng góp lời :

- Thế chú là gì với họ mà thân thiện thế cơ chứ ?

Hạnh ậm ờ :

- Chỗ anh em nhà,em chả dấu các bác làm gì nhưng mong các bác kín cái miệng giùm

em .

Cả ba nổi máu tò mò cùng à lên :

- Khỏi lo đi! Có mà cạy miệng chúng anh đây cũng chẳng nói với ai .

Hạnh đà đận:

- Thế này các anh ạ! Sắp tới có dự án hợp tác đầu tư giữa ta và Nhật Bản thành lập khu chế xuất ở khu vực cánh đồng làng ta .Bọn em trúng thầu san lấp khi hoàn thành sẽ có lợi nhuận gần chục tỷ. Công ty do ông anh cả em làm giám đốc đang chuẩn bị cho việc mua máy ủi máy san về thi công. Ngân hàng cho vay có hạn nên còn thiếu một chút, em định điện sang nước ngoài bảo các chiến hữu cùng góp vốn rồi sau này chia lãi.

Cả Giảng ngập ngừng :

-Thế chúng tôi cũng góp thì có được hưởng lợi không ?

- Thế thì quý hoá quá nhưng các bác tiền đâu ra mà góp, làng mình gửi ngân hàng hết lượt rồi còn gì .

- Chúng tôi còn 300 triệu, chỗ anh em cả hai bên cùng có lợi là được, chú nghĩ sao ?.

Lại rút di động, lại thưa anh, thưa xếp và Hạnh trịnh trọng thông báo :

- Chỗ anh em nhà, em vừa báo cáo với giám đốc về tình cảm và sự hỗ trợ của các anh. Giám đốc cảm ơn và bảo em trước mắt huy động tiền vốn trong nước càng nhiều càng lợi cho dân! Riêng các bác trả lãi tháng năm phẩy và sau này được chia lợi tức bình thường, số tiền lãi của các bác là 15 triệu trả vào mồng 10 các tháng tại gia đình. Chuyện tiền nong các bác cân nhắc cho kĩ rồi hãy quyết định không để ảnh hưởng đến tình cảm anh em .

Ba chàng rời bàn tiệc khi trời tối sẫm . Vừa đi vừa lấm lét ngó trước nhìn sau sợ có kẻ nào bám càng. Họ không về nhà mà rủ nhau ra bờ sông thầm thào như buôn á phiện :

- Chơi được đấy! Lãi bằng mấy cho vay ngân hàng. Sáng ngủ dậy đã thấy gần 200 ngàn trên đình màn, có nghĩa là mỗi ngày có kẻ đội đến sân gần một tạ thóc mẩy như duối chín, không những thế sau này còn được chia lãi rồi được tuyển vào làm trong công ty liên doanh có mà bộn tiền !Chú Tư Hạnh nể mình mới thế chứ bọn khác có mà chen vào cũng khó, phải bí mật tiến hành đừng để con nào thằng nào nhảy vào, có muốn nhảy vào phải qua mặt ba cái thằng này mới được. Kẻ chân chắp có bao giờ thua đứa chân nâng .

Tháng đầu và tháng thứ hai lặng lẽ trôi qua. 30 triệu tiền lãi đã chui vào tủ nhà họ. Người ta bảo bí mật nằm trong bụng đàn bà như người chửa dấu bụng rồi cũng đến lúc nó phải đẻ. Ba bà vợ lại đi dỉ tai với chị em nhà rồi chị em họ. Cũng lại với thái độ rất thận trọng, rất nể nang Đức Hạnh “miễn cưỡng” nhận và lại trả lãi đẹp như mơ. Qua mấy tháng số tiền “góp” cho công ty giời ơi đất hỡi đã gần bạc tỷ .

Đùng một cái Hạnh biệt vô âm tín. Cái quán mát mẻ chỉ còn lại ít bàn ghế, vài cái ty vi đời cổ và cái tủ lạnh Liên xô ngốn điện đến phát hãi .Đám nhân viên cũng khăn gói cao chạy xa bay. Cái con nặc nô vẫn gọi là vợ chủ quán kia là ả ca ve xuống khung không giá thú giá mèo nên không ai có lý gì bắt nợ, mà có đi chăng nữa ả cũng chỉ có hộp son Thái và chiếc xe máy chaly như con vịt bầu biết chạy. Cái lão Tư Xạ thày cúng nửa mùa thì vào Nam mấy tháng nay chơi với con để bà vợ già điếc lòi tổng nhĩ lại mù rở coi nhà, ai có gào lên cũng chỉ “hả” với “hở”. Rõ chán đời .

Cả nhà cả họ ba anh chàng khôn lỏi lồng lên cắn xé nhau, lúc này mới đẻ ra lắm thứ tội. Anh nọ đổ tội cho anh kia là đưa nhau vào chỗ dại. Nhà nọ đổ cho nhà kia là đồ tham ăn mắc hợm, mà suy cho cùng lòng tham của họ có kém gì nhau đâu. Thế mới biết rằng lòng tham con người là đất để mẹo lừa có dịp nảy mầm. Đau thật. Đau mà phải cắn răng chụi mới khổ chứ. Cái làng Vòi này không biết có ai thương họ không .

Người viết chuyện thấy không cần kể thêm nữa để câu chuyện không trở thành chuyện vụ án. Chắc chắn các nhà bảo vệ pháp luật sẽ tìm ra tên lừa đảo một khi hắn chưa chui xuống mồ. Chỉ băn khoăn một điều nếu có tìm ra thủ phạm thì món tiền cho vay kia không giấy tờ pháp lý, không người đứng ra làm chứng liệu sẽ áp vào điều khoản nào trong luật pháp. Bàn vậy thôi và cũng chỉ dừng lại ở đây thôi.
Làng Vòi hiền lành chăm chỉ qua cái đận chênh chao vì chuyển đổi nay đã lấy lại thăng bằng. Mỗi người mỗi việc ổn định làm ăn. Hầu hết đã có nhà kiên cố và tiện nghi sinh hoạt được nâng cấp. Những đêm trăng sáng lũ trẻ tụ tập nô đùa. Chẳng rõ thằng xỏ lá nào dạy mà chúng cứ dắt tay nhau vừa đi vừa đọc thuộc lòng mấy câu đồng dao kiểu mới :

Ve vẻ vè ve

Cái vè củ tỏi

Ăn tất ăn dầy

 Cứ tưởng lên mây

Ai ngờ xuống hố

Khổ lại hoàn khổ

Vãi cứt ra quần

Chẳng lẽ đánh chúng nó , chửi chúng thì khác nào đổ nước vào lá khoai ! Mẹ cha cái lũ mất dạy! Chúng mày liệu cái thần hồn thần xác! Mà cả làng Vòi nữa! chỉ được cái lắm chuyện.

 

CHIM SA CÁ NHẢY

 

Có việc phải xa nhà hai tháng, vừa về đã thấy trên bàn viết của tôi một tờ báo in ảnh Kiểm kèm theo một cái “tít” có cánh. Tờ báo này là của Hân, bạn tôi đem sang đã hơn tuần, cậu ta trải tờ báo lên bàn, cẩn thận đè lên đấy một cái thước góc thợ xây cùng một dấu hỏi to như gà mái ghẹ.

Đọc xong bài báo tôi nổi khùng, chửi váng lên. Vợ tôi khoặm mặt cự lại:

- Anh vớ vẩn vừa thôi! Ghen à? Có giỏi thì làm theo người ta để được báo chí ca ngợi. Vợ con anh mát mặt, cái ngữ anh ngày thì nhọ nhọ nhem nhem, đêm thì mài đũng quần viết lách, còn lâu mới cất đầu lên được…

Tôi quắc mắt gầm lên:

- Phù phiếm, bợm bãi, láo toét! Chúng nó định giết người ta hay sao mà bày ra cái trò này. Tôi sống với nó đã hai thứ tóc không hiểu sao! Thằng Kiểm mà thành tỉ phú thì cả nước này là tỉ phú! Nó dại như vích, khờ như gà thiến thì làm nổi trò trống gì…

Vợ tôi bĩu môi mát mẻ:

- Thì cũng là do cánh văn chương nhà các anh dựng lên chứ ai vào đấy! Còn trách ai mà cứ táo tác như quạ già mất tổ.

Vừa nói, cô ta vừa vung vẩy đi ra ngõ… tức thật.

Tôi có năm thằng bạn thân, chơi với nhau từ ngày còn quần cộc, đi học “vỡ lòng”, đứa Ngọ, đứa Mùi suýt soát nhau, cùng lên đường nhập ngũ. Chiến tranh, trận mạc cướp mất một đứa, còn lại hai thằng là thương binh. Hết chiến tranh về quê chẳng đứa nào có nghề ngỗng gì lại đông con, sức khỏe kém, vốn liếng mỏng tèo, học hành lại ít, nghe có bao gương vươn lên làm giàu bọn tôi cũng trăn trở nhưng vẫn chưa tìm được con đường đi riêng cho bản thân mình, thế mà đùng một cái, như có phép thần thông, một ông bạn lại trở thành tỉ phú, vua biết mặt chúa biết tên thì kể cũng lạ…

Tôi sang nhà Hân, hắn đang xay đậu, mồ hôi nhễ nhại, hắn cười, phô mấy cái răng ám khói thuốc lào:

- Mày về rồi đấy à, khỏe không, vào nhà đợi tao một tý, loáng nữa là xong, gọi cả thằng Kim sang uống rượu với đậu phụ luộc ngải cứu chấm mắm tôm.

Tôi bảo con bé lớn nhà Hân:

- Cháu sang bảo chú Kim đến ngay, bác và bố cháu đang đợi!

Con bé như chim sẻ chạy vù ra ngõ! Đã đủ mặt, tôi hỏi hai thằng bạn, giọng cố nén bực tức:

- Tao đi mới chưa đầy hai tháng mà thằng Kiểm đã lên tỉ phú, nó giết ai ra tiền cơ chứ! Chúng mày ở nhà có hiểu gì không?

Hân vừa lau mồ hôi, vừa bô lô, ba la:

- Tỉ phú cái con tiều! Vay tiền ngân hàng đổ vào dự án giời ơi đất hỡi để lấy cái danh tỉ phú, nó bị kẻ bất lương xúi giục, lợi dụng. Phen này chúng nó ăn thịt thằng Kiểm là cái chắc! Tao cũng đang lộn ruột lên nhưng chẳng làm gì được.

Thằng Kim khề khà vớ ống điếu:

- Chả hiểu ra làm sao cả? Các ông nhà văn, nhà báo hết tốp này đến tốp nọ tham quan, ông nào cũng vỗ ngực là “nhà lớn” đã từng tham dự vào bao “sự kiện lớn”, hôm nay thăm một “mô hình lớn” với một ông chủ có “chí lớn”, toàn là cái “lớn” cả, bọn rong rêu bèo bọt như chúng tao chỉ nhìn đồ lề, xe cộ, áo quần đã hãi rồi. Thôi mặc xác, việc họ họ làm, can gián bây giờ không khéo lại bị quy tội là phá chủ trương này nọ…

Tôi gặng lại:

- Thế chúng mày không bàn hơn tính thiệt với bản thân vợ chồng nó thì còn quái gì là bạn bè, chiến hữu.

 - Có rồi, hai lần chúng tao gặp nó rồi. Lần trước thằng Kiểm còn lịch sự, lần sau nó gần như là lên lớp, nhục mạ bọn mình là thiếu ý chí, thiếu năng động. Chắc đứa nào bơm vào đầu nó chứ thằng Kiểm phổi bò đâu nghĩ ra được những lời cay độc như thế… Buồn thật, tức thật - Kim nhăn mặt thở dài.

Thực tâm cả bọn đều ái ngại cho Kiểm. Việc cơm áo khó nói lắm, ngày xưa ở với nhau ngoài chiến trường, trận mạc nhường nhau sống chết là bình thường, tất cả đều thanh thản và tự nguyện. Giờ thì khác rồi, ở mặt trận không tiếng súng có nhiều cạm bẫy xanh, đỏ, tím, vàng, có những danh vọng vật chất và cả phi vật chất nữa cũng có sức hấp dẫn chết người.

Cả bọn quyết định gặp Kiểm lần cuối.

    Chúng tôi rẽ xuống khu bãi nổi, nơi vợ chồng Kiểm dựng lều tạm coi cá. Gặp đám thợ đấu đang giải lao uống nước, họ nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Một gã đen như cột nhà cháy nói kháy:

- Chắc là bọn bạn ông Kiểm ở ngoài làng. Thấy bạn sang thì bắt quàng tìm đến! Đúng là “đói rách thì chẳng ai nhìn, đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em…”.

Thật là ức đến nổ ruột. Bước chân cảm thấy chùng lại, chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau và đọc được ở nhau nỗi buồn mênh mang về con người và thế sự…

Như đã kể từ đầu chuyện, chúng tôi là bạn nối khố. Quê tôi là dải đất đồng chiêm trũng nghèo khó, miếng cơm, manh áo chỉ trông chờ hạt lúa, củ khoai. Làng xóm ngày ấy nghèo đói đến thắt lòng, cha mẹ, anh chị chúng tôi cứ hết mùa lại tha phương kiếm kế sinh nhai. Nghề chính là làm thợ đấu đào ao, vượt thổ.

Ông bạn Kiểm của chúng tôi vừa làm nghề nông, vừa chài lưới ở khúc sông trước nhà. Được cái Kiểm có sức khỏe và chịu khó, hết lòng thương vợ quý con. Vợ Kiểm là cô gái cùng làng, tốt nết và nhẫn nhịn, luôn yên lòng vì chồng, một anh chàng tính nết như bánh đúc bày sàng, thật thà chất phác, mang ơn ai một tý thì xuýt xoa, trăn trở, có lẽ điều không hài lòng duy nhất là chồng nhẹ dạ, cả tin, dễ bị lợi dụng! Tôi nhớ, ngày còn ở Quảng Bình, có cô thanh niên xung phong ở bến phà Xuân Sơn, đẹp gái nhưng hơi lẳng lơ, ỡm ờ. Có lần cô nói kháy khẩu đội pháo thủ chúng tôi:

- Em thấy ở sườn núi sau nhà nhiều ơi là nhiều hoa phong lan đẹp, đố anh nào có gan trèo hái tặng em thì bảo em gọi gì cũng được…

Mấy cậu lính trẻ gặng lại:

- Là anh hùng hay là người yêu! Tất cả phá lên cười nhưng chẳng ai dám trèo lên vách đá dựng đứng!

Khẩu đội trưởng Thăng đáp lại một câu thật hóm:

- Anh thấy bằng liệt sĩ chẳng có dòng nào ghi anh hùng hái hoa phong lan cả, em thông cảm nhá!

Kiểm phổi bò thì không nề hà, hùng hục trèo lên, đận ấy Kiểm sống được là do may rủi, cu cậu trượt chân ngã ở lưng chừng vách núi trúng bụi bùng nhùng, không thì tan xương rồi.

Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng cùng ba đứa con, mấy sào ruộng và dăm tay lưới, ngày qua tháng đoạn cái gia đình ấy vẫn nhôi nhai, tạm đủ nhưng nổi trội hơn đám bạn bè là gia sự bình yên, chẳng bao giờ vợ chồng đay trì nhau, con cái khỏe mạnh, chăm chỉ, ngoan ngoãn. Ngày ủy ban xã có chủ trương đấu thầu khúc sông trước nhà, Kiểm thắng thầu và làm chủ một đoạn dài gần nửa cây số. Mát mặt được vài ba năm thì hết hạn hợp đồng, địa phương tổ chức đấu thầu lại, Kiểm vò đầu bứt tai nghĩ cách giữ cái nồi cơm nhà mình. Đang bí kế thì Lanh, một tay chuyên nghề sống bằng nước bọt, vừa là văn thư, vừa là anh loong toong của xã hiến kế:

- Ông có dự án khả thi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt là khỏi phải lo đấu thầu, mô hình này không làm dự án thì quá phí. Ông là người biết làm ăn, có chí lớn phải ra tay cho đời biết mặt, tôi dám chắc 5 năm sau, ông sẽ thành lập công ty khai thác thủy sản, có ôtô riêng hẳn hoi, cho mấy tay làm ăn cò con chết ngất vì thèm!

Kiểm xoa tay vào đít quần nhăn nhó:

- Dự án dự iếc quái gì, tiền đâu ra, người đâu ra mà mơ tưởng, cứ nhì nhằng thế này chắc ăn hơn.

Tay Lanh tán vào:

- Có sổ đỏ thế chấp, có dự án khả thi là có tất cả, ông không thảo được dự án đã có tôi quân sư, dự án càng to ngân hàng cho vay càng nhiều. Ông không nhớ câu ca các cụ à: “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc”, một vốn bốn lời, tôi phục cái tài, cái trí ông tôi mới bàn chứ thằng khác thì thây kệ.

Thế là Kiểm gật đầu! Cuộc vận động để cho ra đời dự án âm thầm diễn ra, vốn liếng tự có bao nhiêu dốc sạch, cái sổ đỏ 360 m2 thổ cư, 480m2 thổ canh và hồ sơ dự án với hàng lô chữ ký đóng dấu đỏ tươi nằm gọn trong két sắt ngân hàng, cái vốn 300 triệu cũng được đặt trịnh trọng vào tay chủ dự án, Kiểm vênh vang tuyên bố:

- Tao đã có gậy chống rồi, đứa nào còn lớ xớ là ăn đòn!

Vốn là người hào phóng, Kiểm phong bì tạ ơn hết chỗ này chỗ nọ, tất nhiên là quân sư Lanh nhận được phần khá nhất - nguyên khoản ấy, ngân quỹ vẹt đi không phải ít. Kiểm thuê ba bốn hiệp thợ đấu, đắp chỗ nọ phá chỗ kia, việc quản lý lỏng lẻo, thợ ăn gian khối lượng cũng không hay biết. Các loại lưới chia căng sáng lóa cả một đoạn sông, không khí sôi lên sùng sục. Rồi các đoàn khách đến tham quan có mô hình ngăn sông thả cá của Kiểm, mỗi lần lại phong bì, lại liên hoan đặc sản, cả chủ lẫn khách mặt mày chín bầm rượu bia, lời chúc mừng, ca tụng, tâng bốc cứ lẫn lộn với nhau. Thấy chi tiêu quá lãng phí, vợ Kiểm phàn nàn. Kiểm vung tay trấn an:

- Nhạt toẹt, dự án thành công là “bộn” tiền, mẹ mày khỏi lo.

Quả thật Kiểm đang cưỡi lên lưng hổ xám, cầm số vốn 300 triệu có nghĩa là cứ ngày 26 hàng tháng, chị cán bộ ngân hàng nhẹ nhàng và nghiêm túc chìa phiếu thanh toán hơn 3 triệu tiền lãi, một tháng Kiểm phải trả lãi gần bằng số tiền của cả nhà tôi tích cóp một năm, nghĩ mà sởn da gà.

Đấy là dạo tháng hai ta, lúc trời đất còn bình lặng, những con trôi quả gạo, con mè lưỡi hái đầu tiên được thả xuống sông sau đó là cá chim Amazôn cũng “nhập sới”. Cá tây, cá ta thi nhau đổ xuống, loại nọ rình ăn thịt loại kia. Kiểm như anh “đẽo cày giữa đường” ai bàn gì nghe nấy, một thứ dự án hổ lốn và phi khoa học, cả khúc sông đục ngầu những cá, thức ăn chế sẵn của nhà máy vãi ào ạt.

Một hôm đoàn làm phim, có đạo diễn hẳn hoi đến quay cảnh cá ăn, một chi tiết khá nực cười là cảnh cá nhảy trong lưới, ai đời, thả cá mới hơn một tháng mà kéo lên cứ to như chày giã cua cỡ bự. Cá mè, cá chép thì bằng quạt nan, ba ba lớn nhỏ lúc nhúc trong chậu, làng trong xã ngoài đồn ầm cả lên. Riêng tôi biết tỏng cái trò ấy từ thời bao cấp, mượn lợn xã viên đem nhốt vào chuồng hợp tác để tham quan điển hình, không ngờ, căn bệnh trầm kha ấy hôm nay vẫn còn diễn lại.

Cá thả được gần 5 tháng thì trận lụt xảy ra, ông trời như đứa trẻ hờn dai, suốt cả tuần liền, bầu trời như sà thấp hơn xuống mặt sông để trút nước, lác đác vùng lân cận đã nổi hiệu trống hộ đê, cái eo sông nhỏ được dâng dần lên đề phòng cá vượt ra sông cái. Lũ cá phản chủ tụ tập xanh rờn, thỉnh thoảng lại giãy lên đùng đùng, tìm cách thoát ra.

Một buổi sáng, vợ Kiểm hộc tốc chạy từ chợ tỉnh về mặt cắt không ra máu hốt hoảng gọi chồng:

- Anh ơi! Chợ bán ê hề là cá, cánh lưới bén rổ lớn rổ bé khuân lên, em trông giống hệt cá nhà mình, không khéo cá chuồn hết ra sông cũng nên!

Kiểm quắc mắt quát vợ:

- Vớ vẩn, lưới vẫn còn nguyên thế kia thì cá ra sao nổi, họa là nó có cánh bay qua.

Nói vậy để trấn an, thực tâm Kiểm cũng lo! Biết đâu có kẻ hại mình xé lưới thì sao!

Và thế là Kiểm cùng mấy người lặn xuống sâu sờ từng khoảng lưới thì ôi thôi; hằng hà sa số lỗ thủng, lỗ thì to như cái thúng, lỗ thì nhỏ đút lọt bàn tay, cái lũ cá chim Amazôn răng khỏe như răng nghé tơ, phàm ăn như thuồng luồng đã cắn lưới chui ra kéo theo cả những giống khác “du lịch” ra sông cái và chui vào lưới những gã đánh bắt tự do.

Khi nước rút, Kiểm gia cố bờ, căng lưới sắt, nhưng quả như câu ca người xưa để lại: “Họa vô đơn chí”, đợt nước đen từ phía thượng nguồn đổ về. Cả một vùng sông, cá chết như ngả rạ, những người nuôi cá lồng cũng dở khóc dở mếu. Dân kêu, báo chí truyền hình phản ánh rồi đến tỉnh kiến nghị hết đợt này đến đợt khác, dòng nước đen quái ác vẫn đổ về. Sự thiệt thòi của dân đôi bờ vẫn đợi chờ các cấp cầm cân nảy mực.

Vâng! Một dự án thiếu tính khả thi, việc thất bại là điều không tránh khỏi. Từ ngày Kiểm trắng tay, chẳng thấy “nhà lớn” nào lai vãng. Những lời tán dương tắt lịm, tay Lanh cò mồi cũng lặn mất tăm. Chỉ còn lại chữ ký của đích danh Kiểm với ngân hàng cùng món nợ khổng lồ khó bề thanh toán.

Khi tôi viết câu chuyện này thì đúng lúc tỉnh có dự án mở con đường vành đai, nhà Kiểm ở trong vùng quy hoạch được đền bù, số tiền cũng đủ để trang trải món nợ và xây dựng nhà mới, thế là anh bạn của tôi lại trở về vạch xuất phát.

Sau những biến cố chết người, tôi, Hân và Kim lại tìm đến Kiểm như ngày xưa vẫn tìm nhau sau mỗi trận đánh. Kiểm nhìn tôi hồi lâu rồi chép miệng thở dài:

- Mày là dân văn chương, thế thì mày cứ viết chuyện cái dự án con tiều của tao đi, sỉ vả tao thế nào cũng được, cốt đừng để có thằng nào lâm vào cảnh khốn nạn như tao.

Tôi ậm ờ:

- Chuyện này cũng đáng viết đấy, nhưng để sau. Cái cần bây giờ là phải tiếp tục sống, có điều nên sống bằng chính năng lực của mình. Mèo nào thì bắt chuột ấy. Làm giàu thì đừng có “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”...

Buổi chiều cuối thu, chúng tôi ngồi bên nhau rất lâu, trước mặt là con sông kỷ niệm tuổi thơ vừa dữ dằn vừa nhân hậu, mỗi đứa lặng lẽ nghĩ chuyện “một thời” và chuyện “một đời” với bao thăng trầm buồn vui, khôn dại....

 

Theo VANVN.NET


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)