Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. TUỔI TRẺ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 21/10/2012
E-mail     Bản in

LƯU THỊ CẨM HUYÊN : Thơ được viết từ cuộc đời
KHXH&NV TP.HCM. Cuộc thi thơ Bút mới lần 9 – Trái đất xanh vừa rồi trên báo Tuổi Trẻ Cẩm Huyên đã “thắng đúp” đoạt cùng lúc hai giải: giải 3 và giải gương mặt thơ nữ trẻ nhiều triển vọng duy nhất của cuộc thi. Là một cô bé từ quê về phố, thơ Cẩm Huyên có cái nhìn vừa mộc mạc, thấu hiểu về chốn bùn đất, vừa cá tính với những nhận định về phố đầy thú vị. Có lẽ chính điều đó đã làm cho Cẩm Huyên có một hồn thơ đa chiều.Lưu Thị Cẩm Huyên sinh năm 1993, quê ở Mộ Đức - Quảng Ngãi, hiện là sinh viên năm hai khoa Văn học và Ngôn ngữ của trường ĐH
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ Lưu Thị Cẩm Huyên.

Mùa quả ngọt Bút mới

-Cảm xúc của em khi đoạt giải thưởng thơ Bút Mới lần 9 như thế nào?

-Khi biết mình đoạt giải, lại hai giải luôn chứ, em cảm thấy rất vui. Đây là lần đầu tiên em tham gia vào cuộc thi thơ vốn được đánh giá có uy tín và chất lượng như Bút Mới, em không nghĩ mình sẽ đoạt đến hai giải như vậy, em rất bất ngờ.

-Em có hài lòng với kết quả này?

-Em đã lao động nghiêm túc, thành quả của em đã được nhìn nhận, em hài lòng với kết quả này!

-Em đã thể nghiệm ở những đề tài và thể thơ nào? Đâu là sở trường của em?

-Khi có cảm xúc và cảm xúc đó thực sự “chín” em sẽ viết, dù đó là đề tài gì. Hiện giờ thì em vẫn thấy mình hợp với thể thơ tự do. Em cảm thấy sở trường mạnh nhất của mình là viết về chốn bùn đất, bởi em sinh ra ở một vùng quê, hơi thở hồn hậu của quê đã thấm vào máu thịt.

Nhà thơ trẻ Lưu Thị cẩm huyên- Ảnh cao Vĩ Nhánh

-Cơ duyên em đến với cuộc thi như thế nào, em sáng tác bài thơ đoạt giải trong bao lâu?

-Đối với những người trẻ bắt đầu viết như em, cuộc thi thơ Bút Mới là một khát vọng để thể hiện và khẳng định mình. Em đã khát khao tham gia cuộc thi này từ lúc học cấp ba, tuy nhiên đến Bút mới lần 9 em mới thực sự đủ tuổi dự thi. Chủ đề Trái đất xanh khá gian nan với cái tạng thơ của em, nhưng rồi em đã tìm được cảm xúc đối với chủ đề này, em viết bài thơ trong một đêm.

-Em muốn gửi thông điệp gì ở “Khi thiên nhiên ca điệu rock”?

Em mượn rock để nói về thiên nhiên, giai điệu của rock không bình yên (em chỉ nói về mặt giai điệu thôi nhé), khi giai điệu bốn mùa của thiên nhiên cũng không bình yên như rock, thì hệ lụy mang lại là rất lớn. Khi vô ý thức đối với thiên nhiên, chúng ta đã âm thầm “gom củi” đốt “mái nhà chung”, em nghĩ bản thân mình và mọi người cần tôn trọng thiên nhiên như bao đời qua thiên nhiên đã tôn trọng mình.

-Chủ đề của cuộc thi thơ Bút Mới lần này là Trái đất xanh. Chủ đề mang chất thời sự và chất chính luận hơn là chất thơ, làm thế nào để em viết nó trở nên “thơ” đến vậy?

-Chỉ cần mình có kĩ năng viết, cảm xúc và vốn từ là làm được dù đó là chủ đề gì đi chăng nữa. Bởi với em, làm thơ không phải là ngồi ghép chữ một cách vô thức.

-Em nói gì về giải thưởng gương mặt thơ nữ trẻ nhiều triển vọng được nhà thơ Lê Thị Kim chọn em gửi “vàng”?

-Em bất ngờ với giải thưởng này của cô Lê Thị Kim, em nghĩ mình cần lao động trong viết lách hơn nữa để xứng đáng với cụm từ “nhiều triển vọng” mà cô Kim đã trao cho em!

Và hành trình thơ 

-Trong sổ tay thơ của em có chép trang trọng lời nhận định về thơ của nhà phê bình văn học lỗi lạc người Nga, Bielinxki: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”, đó có phải là tuyên ngôn làm thơ của em?

-Với em, viết trước hết để khỏa lấp tâm trạng, chừng đó đã phản ánh phần cuộc đời của mình. Ngày em đến với thơ là những ngày em rất buồn, em nhận ra làm thơ có thể cứu rỗi được nỗi buồn của mình. Còn nghệ thuật, khi ngồi viết chẳng ai nghĩ mình sẽ làm nên một tác phẩm có tính nghệ thuật cao, được nhiều người biết đến, mà chỉ chú tâm viết với tất cả xúc cảm.

-Em tự nhận mình có một tuổi thơ khốn khó, chan hòa với thiên nhiên từ nhỏ, kiểu "chăn trâu đốt lửa"của Đồng Đức Bốn. Thế bà mẹ thiên nhiên vĩ đại đã cho và dạy em những gì?

--Em yêu khói đốt đồng những ngày tháng nắng, gió Lào, vết bùn đất bám trên đôi chân ba má…tất cả thấm vào em một cách an nhiên. Tuổi thơ em cháy nắng như bao đứa trẻ cùng quê, nhưng màu nắng ấy dạy em biết sống có khát vọng. Thực sự, chưa bao giờ em quên mình là một cô bé quê.

Cẩm Huyên - bên trái ảnh- và nhà thơ Lê Thị Kim- Ảnh Cao Vĩ Nhánh.

-Tâm thế sáng tác của em ở phố và ở quê? Em thấy ở đâu viết hay hơn?

-Ở đâu em cũng viết hết mình, nhưng tâm trạng thì khác. Khi còn ở quê em cảm thấy thơ mình rất ngoan (nhẹ nhàng, đôi lúc dễ thương), còn về phố thơ em trở nên dằn vặt. Có lẽ, đây là giai đoạn chuyển giao. Mỗi nơi có mỗi cái chất riêng của nó, với phố em viết thường là buồn.

-Một nhà thơ Cuba có lần đã nói đại ý nhiệm vụ của nhà thơ trước hết là đừng làm thơ dở. Em thì thế nào?

-Theo em, một người làm thơ mà lười lao động hoặc cố tình lao động đối với việc viết thì không nên. Lười lao động ở đây là lười đọc để hấp thụ cái mới. Cố tình lao động có thể hiểu đại loại là thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào, viết một kiểu chắp vá, chạy đua và không cảm xúc như vậy hẳn chất lượng sẽ không tốt.

-Các cây bút trẻ luôn nổ lực làm mới thơ mình, em nghĩ thế nào về làm mới và làm hay thơ? Em thử phác họa vị trí thơ thế hệ 9x?

-Về hình thức em vẫn đi theo lối cũ, bởi khả năng làm mới của em chưa thể. Với em, đây là giai đoạn thơ của thế hệ 9X thể hiện mình mạnh mẽ, chính thế hệ này sẽ đem đến chất thơ mới. Chúng ta thấy đấy, rất nhiều cây bút 9X đã và đang làm nên thành tích như anh Võ Minh Gia Thi, chị Nguyễn Đặng Tường Vi chẳng hạn.

-Em có cho rằng với văn chương ta chỉ nên “dạo chơi” thôi hay không?

-Nếu nghĩ “dạo chơi” thì chẳng viết được cái gì chân thành, giống như tình yêu vậy, khi chỉ là dạo chơi thì chẳng đâu vào đâu cả. Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư “chơi với văn chương, ít hay nhiều dù sao cũng có lợi”, đã lợi thì nên chơi, chứ tại sao lại dạo chơi thôi nhỉ?

-Nhà văn Nguyễn Đông Thức từng nói công việc viết văn là một hành trình đơn độc và khổ ải, với em thì sao?

-Có lẽ em viết nhẹ nhàng, chưa được “siêu” như chú Thức nên em thấy rất thoải mái.

-Em có bị ảnh hưởng bởi một cây bút nào không?

-Có chứ, em thích văn Nam Cao bởi tính thời đại và sự “khốn nạn”, văn Nguyễn Ngọc Tư bởi số phận con người. Còn thơ, em thích Lưu Quang Vũ.

-Em thường đọc gì, các thể loại có "bổ" cho thơ không?

-Em đọc truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tạp văn… Thường xuyên nhất vẫn là tiểu thuyết. Đương nhiên đọc nhiều sẽ là dưỡng chất để viết tốt rồi, ít nhất là vốn từ.Em thấy mình thiếu rất nhiều, nhất là kĩ năng viết và sách. Với nghệ thuật thì không có giới hạn để có thể gọi là đủ. Em cần đọc văn học nước ngoài và văn học Việt Nam thế kỉ trước nhiều hơn, em còn rất hạn chế.

-Và em sẽ làm thơ đến khi nào?

-Đến khi em cạn cùng cảm xúc!

-Cảm ơn em cuộc trò chuyện thú vị này!

Cẩm Huyêntừng có thơ, tùy bút, truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Tp.HCM, Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới, Tài Hoa Trẻ,Áo Trắng...
Theo CAO VĨ NHÁNH thực hiện


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)