Ξ|Ξ   TIN TỨC ::. NHÂN VẬT LƯU TỘC & SỰ KIỆN.
Đăng ngày 20/7/2017
E-mail     Bản in

Vụ án con bò
(KDPL) - Trong cuộc đời làm báo, tôi đã từng chứng kiến biết bao sự việc liên quan trực tiếp đến thân phận và nỗi đau của con người. Có những sự việc dễ trôi nhanh vào dĩ vãng, nhưng lại có những sự việc dù xảy ra rất lâu nay nhắc lại, nó vẫn mang tính thời sự nóng hổi nên vẫn nhớ từng chi tiết. Nó vừa thú vị, vừa sâu lắng và mãi mãi là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo.
Dù đã nhiều năm trôi đi, viết lại vụ án này hy vọng nó vẫn giúp ích cho đời, bởi đâu đó những vụ việc như thế vẫn còn xảy ra; nhất là khi mà toàn Đảng và toàn dân ta đang triển khai sâu rộng thực hiện Nghị quyết TW4 (Khóa XII) về công tác xây dựng Đảng. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam xin được viết lại câu chuyện này.

Từ tiếng kêu của vợ chồng người nuôi bò

Dịp đó, vào những ngày cuối năm 1982, tôi theo đoàn cán bộ lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) về công tác tại Hải Phòng. Đoàn do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Luân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân làm Trưởng đoàn. Nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra tình hình và công tác của các lực lượng cảnh sát, Công an Hải Phòng. Buổi sáng hôm đó, sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự báo cáo xong thì đến giờ nghỉ trưa. Tôi vừa bước ra khỏi hàng ghế theo đoàn trở về nhà khách, thì một cô gái làm công tác nghiên cứu tổng hợp của đơn vị này tiến lại gần, bằng giọng nhỏ nhẹ, cô nói:

- Anh là nhà báo đi theo đoàn?

- Vâng đúng vậy.

- Em có một việc muốn được trao đổi thêm với anh

- Việc gì vậy? - Tôi hỏi lại cô gái.

- Vụ án con bò!

Tôi trố mắt ngạc nhiên và chưa kịp hỏi lại thì cô đã vội nói:

- Vụ án này đã kéo dài 6 tháng nay, phức tạp lắm. Sáng nay em tưởng các anh trong Ban chỉ huy đơn vị sẽ báo cáo với đoàn để cho ý kiến tháo gỡ, nhưng không hiểu sao họ không báo cáo.

Trước lời đề nghị của cô gái, tôi nán lại và chủ động kéo ghế mời cô ngồi rồi lấy cuốn sổ tay ra ghi tóm tắt sự việc. Vì thấy vụ việc quá phức tạp, nên tôi chủ động đề nghị cô nhắn giúp vợ chồng nạn nhân vụ án con bò đến gặp tôi tại nhà khách công an thành phố. Buổi tối hôm đó đúng hẹn, vợ chồng nạn nhân đã đến gặp tôi. Thoáng nhìn cách ăn mặc và khuôn mặt sạm đen với nhiều vết nhăn, tôi hiểu họ sống một cuộc đời lam lũ và đang nếm trải những trang đời khổ đau. Gặp tôi, họ vừa khóc, vừa nói:

“Gia đình tôi từ lâu sống bằng nghề nuôi bò kéo. Gần đây, do tuổi cao, sức yếu nên vợ chồng tôi có ý định chuyển sang nuôi bò sữa. Khi biết tin bà Điểm trước đó mua được con bò sữa của Nông trường Thành Tô có ý định nhượng lại nên chúng tôi tìm đến mua. Khi đưa bò về với gia đình chúng tôi, nhờ được chăm sóc tốt nên chất lượng sữa rất bảo đảm. Việc mua bán đều có văn tự rõ ràng. Vì con bò là tài sản lớn của gia đình chúng tôi nên khi mang nó về nhà, sợ nhầm lẫn, chúng tôi quyết định cưa một sừng con bò để làm dấu. Con bò này ở nhà chúng tôi đã được mấy năm, nó sinh thêm cho chúng tôi 2 con bê. Hằng ngày, con bò cung cấp cho chúng tôi được 9 lít sữa tươi.

Đây là nguồn sống chính của gia đình chúng tôi, ấy vậy mà sang ngày 12/4/1982, khi con tôi lùa mẹ con đàn bò ra bãi để chăn, song chiều đến không thấy nó lùa bò về chuồng. Thấy vậy, gia đình tôi cắt cử người đi tìm. Đến 9h tối hôm đó thì phát hiện 2 con bò nằm ở chuồng nhà ông S. ở khu tập thể Nhà máy Xi măng thuộc phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Biết tin, vợ chồng tôi rất phấn khởi vội đến nhà ông S. để xin lại đàn bò. Nhưng vừa đến nơi và cất giọng xin thì từ trong nhà, ông S. đã quát:

- Muốn sống thì về ngay, đồ ăn cắp, còn đến xin xỏ gì!

- Dạ không, thưa ông, đàn bò này là của gia đình tôi, văn tự mua bán chúng tôi vẫn còn giữ, dân làng đều biết rõ.

Vợ chồng người nuôi bò chưa kịp nói hết câu thì ông S. đã cướp lời:

- Thôi được, cần thì ra đồn Công an giải quyết.

Thế là ngay tối hôm đó, cả ông S. và vợ chồng người nuôi bò có mặt ở trụ sở Công an phường Thượng Lý. Tại đây, ông S. nhận 3 con bò trên là của gia đình ông bị mất cắp cách đó vài tháng. Còn vợ chồng người nuôi bò thì xuất trình các chứng cứ liên quan đến 3 con bò của họ. Sự việc tưởng được giải quyết ngay đêm đó, nào ngờ suốt 6 tháng, vụ án con bò vẫn không được giải quyết. Cuối cùng vợ chồng người nuôi bò không rõ ai mách bảo đã viết đơn và đến gõ cửa gia đình đồng chí Trần Quyết lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ để khiếu nại.

Xem xong lá đơn khiếu nại, Thứ trưởng Trần Quyết đã ghi vào bên lề tờ đơn: “Tôi đọc xong lá đơn, cả đêm không ngủ. Ngày mai, các anh lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự và Ban Thanh tra Bộ Nội vụ, mỗi đơn vị cử 2 cán bộ về Hải Phòng điều tra vụ án con bò” và báo cáo cho tôi”

Chấp hành lệnh của đồng chí Thứ trưởng, khi xuống Hải Phòng, đoàn cán bộ Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Thanh tra Công an Hải Phòng, Viện Kiểm sát thành phố Hải Phòng thành lập 2 tổ điều tra. Một tổ tìm chứng cứ bảo vệ đàn bò của 2 vợ chồng người nuôi bò; còn tổ kia tìm chứng cứ bảo vệ đàn bò của ông S. Sau 21 ngày điều tra, hai tổ nhóm họp dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Giám đốc, kiêm Chỉ huy trưởng cảnh sát Công an Hải Phòng.

Tại cuộc họp, 2 tổ điều tra độc lập đều thừa nhận đàn bò kia thuộc sở hữu của gia đình ông Trần Quang Vĩnh. Họ đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố có biện pháp buộc gia đình ông S. trả lại đàn bò cho họ, nhưng tiếc thay ông S. không thực hiện. Cuối cùng, Ban Giám đốc Công an thành phố chỉ thị cho Công an quận Hồng Bàng thực hiện lệnh cưỡng chế đối với gia đình ông S., song tiếc thay cả 3 lần đến thực hiện lệnh đều không đạt được mục đích.

Nghe xong nội dung câu chuyện do vợ chồng người nuôi bò thuật lại cùng các tài liệu có liên quan đến vụ án, ngay đêm hôm đó, sau khi tiễn vợ chồng người nuôi bò về, tôi gặp đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Luân báo cáo lại sự việc và đề nghị đồng chí có ý kiến đối với công an thành phố giải quyết dứt điểm vụ án này.

Ngay buổi chiều hôm sau, Ban chỉ đạo chuyên án vụ án con bò nhóm họp có sự tham gia của đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ. Cuối cuộc họp, đồng chí Thiếu tướng chỉ thị: “Giao cho Công an quận Hồng Bàng trong thời gian 2 tuần phải có biện pháp cưỡng chế để bắt bò trả lại cho người mất”. Kết thúc đợt công tác, đoàn chúng tôi trở về Hà Nội, trong thâm tâm tôi thầm nghĩ vụ án con bò rồi sẽ được giải quyết. Một ngày không xa, 3 con bò kia sẽ được trở lại chuồng của gia đình ông Vĩnh.

Đến cuộc hành trình đi tìm công lý

 

Sau Tết Âm lịch 1983, tôi có dịp trở lại Hải Phòng và trong chuyến đi công tác đó, tôi lại gặp cô gái công tác ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố - Người đã cung cấp một số tư liệu về vụ án này cho tôi. Gặp cô, tôi đưa chuyện vụ án con bò ra hỏi nhưng rất tiếc nhận được câu trả lời từ cô:

- Vợ chồng người nuôi bò không những chưa nhận được bò mà còn mất thêm chiếc xe đạp nữa.

Thực tình, lúc đó lòng tôi se lại. Sau vài phút suy nghĩ, tôi nhờ cô gái bố trí cho tôi gặp lại vợ chồng này. Tối hôm sau, cũng tại nhà khách công an thành phố, tôi và cô gái nọ cùng gặp vợ chồng người nuôi bò. Tại đây, sau khi nghe vợ chồng người nuôi bò kể thêm về những diễn biến phát sinh của vụ việc, tôi chủ động nhờ cô gái công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự hướng dẫn họ viết lại lá đơn kêu cứu. Kết thúc chuyến đi công tác, tôi nhận lá đơn nói trên.

Về Hà Nội, tôi chưa về nhà ngay mà đến thẳng nhà đồng chí Thư ký riêng của Bộ trưởng Phạm Hùng. Tại đây, tôi đem câu chuyện vụ án con bò ra kể và đề nghị đồng chí thư ký trình đơn kêu cứu của vợ chồng người nuôi bò với Bộ trưởng. Tiếp nhận đề nghị của tôi, ngay buổi sáng hôm sau, đồng chí thư ký đã trình lá đơn kêu cứu lên đồng chí Bộ trưởng. Đọc xong lá đơn, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng đã ghi ý kiến chỉ thị cho các ngành chức năng ở Trung ương và Hải Phòng phải đưa ngay vụ án này ra xét xử.

Sau rất nhiều gian truân và sự góp công, góp sức của bao người, cuối cùng vụ án đã được đưa ra xét xử theo pháp luật. Theo quyết định của 2 phiên toà: sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng, 3 con bò của vợ chồng ông Trần Quang Vĩnh cũng được trở về chuồng của gia đình mình. Mặc dù, phiên toà ngày ấy vẫn để lại cho dư luận không ít những điều bức xúc. Một vài cán bộ Công an có biểu hiện tiêu cực cũng đã bị xử lý. Nhưng có lẽ, kết quả lớn nhất trong vụ án này là chân lý đã thắng; cái thiện đã thắng cái ác; quyền lợi của người dân lương thiện được bảo vệ.

Lời kết

Sau vừa đúng 35 năm trôi đi, giờ đây ông Trần Quang Vĩnh, nạn nhân trong vụ án con bò đã mất. Trong căn nhà ngày ấy giờ chỉ còn vợ ông là bà Trần Thị Vân. Gặp lại chúng tôi, tác giả bài báo, bà bồi hồi xúc động: “Ngày ấy, đàn bò là nguồn sống của cả gia đình tôi. Có lúc chúng tôi tưởng gục ngã vì không có nó. Cũng may mà ngoài toà án của Nhà nước, còn có toà án lương tâm bứt phá những rào cản, tiêu cực bao quanh vụ án này”.

Rồi bà lại nói: “Tôi nhớ mãi hôm tham dự phiên toà, chủ tọa phiên tòa hỏi vợ chồng tôi: “Ông bà không cần luật sư bào chữa sao?”. Trước câu hỏi ấy, vợ chồng tôi trả lời: “13 nhân chứng trực tiếp và những người dự phiên toà hôm nay đều là luật sư cho chúng tôi”.

Rời gia đình nhà bà Vân ở cái xóm nhỏ, ngõ nhỏ 71E đường Lán Bè, quận Lê Chân, Hải Phòng, trên đường trở về Hà Nội, trong lòng tôi trỗi dậy những phút giây hạnh phúc. Ngày ấy sau khi nhận lại đàn bò, vợ chồng người mất bò đã đáp tàu về Hà Nội mang theo những bó hoa chúc mừng những cán bộ Ban Thanh tra và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trong đó có chúng tôi, những người cầm bút đã góp phần tìm ra cái chân lý giản đơn của cuộc đời. Và cũng trong thời điểm ấy, một câu hỏi khác lại loé lên trong đầu tôi: Không biết còn bao nhiêu vụ việc tương tự như thế vẫn ẩn hiện trong cuộc sống chúng ta hôm nay chưa được làm rõ?

 
LƯU VINH


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)