Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 20/4/2020
E-mail     Bản in

THÁI PHÓ THẦN SỰ
(LUUTOC.VN) - BBT Website LUUTOC.VN trích đăng bài của Nhà báo Quang Viên đăng trên báo Thái Binh ngày 20/4/2020 với những tài liệu mà tác giả sưu tầm dựa trên Ngọc phả tại Đền Lưu Xá (xã Canh Tân, Huyên Hưng Hà, Thái Bình) và của các nhà sử học Việt Nam, để dòng tộc Lưu Tộc VN chúng ta rộng đường tham khảo thêm về lịch sử thân thế công trạng của Nhị vị Cao Tổ Lưu Khánh Đàm và Lưu Điều.

Lăng mộ Thái phó Lưu Khánh Đàm bên bến Lưu Gia thuộc thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà từ trước năm 2019

Tương truyền, Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) có lần ăn quả lê nhưng hạt quả mận, giật mình nghe dân đọc vè “Hòa đao mộc lạc thị Lê tà/Thập bát tử thành nãi Lý gia” cho rằng nhà Tiền Lê sẽ mất, nhà Lý sẽ thay liền sai quân đi tìm trong thiên hạ hễ ai họ Lý thì chém đầu. Bấy giờ, Lý Công Uẩn là quan thần vệ cạnh vua mà Long Đĩnh không hay. Biết thời vận đổi thay, quan Thái bảo Lưu Ngữ chủ động nói với Lý Công Uẩn “Thần xem tướng đại nhân về sau ắt sẽ là bậc đại quý, thần có hai đứa con trai xin đại nhân cho theo hộ vệ khiến các con thần chọn được chủ mà thờ”. Nghe lời thống thiết của quan Thái bảo, Lý Công Uẩn ưng thuận cho hai con trai của Lưu Ngữ vào làm thủ túc.

Sử cũ ghi: Lê Hoàn lên ngôi hiệu là Lê Đại Hành chính tông được 24 năm thì băng hà. Lê Long Việt lên ngôi được ba ngày thì bị em trai là Lê Long Đĩnh hại chết, cướp ngôi. Long Đĩnh lên ngôi được hai năm thì “đoản mạng” vì trụy lạc. Bên ngoài giang sơn giặc dã nổi lên, bên trong thiên hạ bất ổn, triều đình nguy khốn, quần thần nhất nhất tiến cử Lý Công Uẩn lên ngôi, trị vì đất nước, lại được hai anh em Lưu Đàm, Lưu Điều thủ túc hộ vệ, Lý Công Uẩn xưng vương, hiệu là Lý Thái Tổ, đại xá thiên hạ, phong cho Lưu Đàm làm Quang Lộc đại phu hầu cận bên cạnh, Lưu Điều được phong làm Trung úy trông coi cấm binh tuần phòng trong thành…

Theo các nguồn khảo luận: Lê Hoàn lên ngôi, hiệu là Lê Đại Hành ban chiếu cầu hiền tài trong thiên hạ, Lưu Ngữ ra ứng thí, khi vào gặp vua, Lưu Ngữ đối đáp đúng ý vua, được vua bổ dụng chức Thị tụng (chức quan luôn ở bên vua để vua tham vấn công việc triều đình). Vua cử ông ra trấn giữ miền cửa Luộc (Châu Đằng) lại ban cho ông ruộng lộc ở đây. Ông về vùng đất Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) thấy hình thế đất long chầu, hổ phục, sông ngòi uốn lượn, gò đống nổi lên như chim phượng, dân sống sung túc, phong tục thuần hậu, bèn định cư lại đây. Vốn trước đó, Lưu Ngữ đã lấy bà Trần Thị Ngọc nhưng chưa có con, về ở Lưu Xá ông lấy thêm bà vợ hai là Phạm Thị Hồng con ông Phạm Khuông, một hào trưởng giàu có, nghĩa hiệp ở Lưu Xá lúc bấy giờ. Dù làm thiếp nhưng bà hai Hồng biết cư xử với bà cả “chính thất” nên dân làng hết mực ngợi khen. Lưu Ngữ sống hòa thuận, dù làm quan nhưng không kiêu ngạo, lại chăm làm việc thiện nên được dân làng quý mến. Rồi điều mong mỏi của ông bà đã đến, cả hai bà đều mang thai, ngày 12 tháng 8 năm Kỷ Sửu (989) vào giờ Dần, bà Ngọc đã sinh được một người con trai, đến giờ Ngọ cùng ngày bà Hồng cũng sinh được một con trai. Cả hai đứa trẻ đều mặt mũi khôi ngô, Lưu Ngữ liền đặt tên cho anh là Lưu Đàm, em là Lưu Điều (còn gọi là Lưu Ba).

Truyền ngôn Lưu Đàm, Lưu Điều đều thông minh, sáng dạ, lên 5 tuổi đã hiểu biết được luật thanh âm. Lên 8 tuổi, ông bà gửi hai con đến học thầy Hoa Đường ở kinh đô Hoa Lư. Sau 5, 6 năm theo học thì tam phần, ngũ điển (những sách cổ của Trung Hoa) đều thông hiểu; lục thạo, tam lược (những sách về binh pháp) đều tinh thông, song tính cách và sở trường của mỗi người có khác nhau: Lưu Đàm uyên thâm sâu sắc về văn học, tính nết hiền hậu, ôn hòa. Lưu Điều giỏi võ nghệ, tính khí hiên ngang. Cả hai đều có chí giúp nước, giúp dân, che chở cho dân. Theo ngọc phả và thần tích đền Lưu Xá thì hai anh em nhà họ Lưu làm quan tới đời vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072), tuy tuổi cao nhưng tuân lệnh vua Lý Thái Tông đã băng hà mà dốc lòng, dốc sức phò tá Thánh Tông. Bia ký “Nhị Lưu Thái phó phúc thần sự tích” ở đền Lưu Xá ghi: “Thái phó Lưu Khánh Đàm mất năm 1058, không lâu sau, Thái phó Lưu Khánh Ba cũng khuất bóng. Cả hai “Nhị vị Thái phó” đều mất ở vùng quê ngã ba sông thuộc làng Lưu Xá”. Theo các tài liệu khảo cứu, ngày Lê Ngọa Triều băng hà, quan Chi hậu Đào Cam Mộc bàn với Lưu Đàm, Lưu Điều lập Lý Công Uẩn lên làm vua, các đại thần cũng đồng lòng nhưng Lý Công Uẩn khiêm nhường từ chối. Lưu Đàm tiến đến thưa rằng: “Ngọa Triều thất đức, giết anh cướp ngôi lại ngược đãi mọi người, nay đã chết. Minh công (Lý Công Uẩn) uy đức hơn người, nơi nơi đều rõ, chúng tôi nguyện theo lời thỉnh cầu của mọi người cùng nhau hiệp lực làm cho điềm lành chấn động, ứng với Thiên - Địa - Nhân, xin minh công chớ do dự”. Thấy triều thần do dự, Lý Công Uẩn chần chừ, Lưu Điều liền vung kiếm chém đứt đôi chiếc án (trác án) rồi nghiêm giọng nói rằng: “Triều đình không thể một ngày vô chủ, nay Ngọa Triều vô đạo, trời oán, người giận. Lý Công uy đức hơn người, vốn được trọng vọng. Thiên hạ đồng lòng theo về cùng lập lên ngôi đế, kẻ nào dám càn rỡ, sinh chuyện dị nghị sẽ giống như chiếc án này!”. Tất cả đình thần nghe Lưu Điều nói không ai không sợ hãi bèn nhất tề phò Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Đình thần bái lạy, tung hô vạn tuế.

Theo các tài liệu khảo cứu: Triều Lý vừa lập, giặc từ phương Nam lấn tới, Lưu Khánh Đàm được vua Lý Thái Tổ giao cùng các tướng cầm quân đi đánh giặc, bắt sống vua nước Chiêm là Bố Hợp đem về. Ở phía Nam vừa yên thì phía Bắc giặc Tống lại lăm le lấn tới. Ông tâu với vua: “Mong bệ hạ đừng lo, xa giá bệ hạ thân chinh để thị uy bốn biển, ngoài cõi, thần và nghĩa đệ cùng các tướng sĩ lo đánh giặc”. Lưu Đàm, Lưu Điều đều giỏi thi thư, lại được thừa hưởng trí tuệ của người cha là quan Thái bảo Lưu Ngữ dạn dày kinh thư trau dồi nên nhận thấy kinh thành Thăng Long vốn là đất phú cường bèn dâng lời tấu lên vua Lý, hậu ý dời đô về Thăng Long. Lưu Đàm “dâng lời” nói rằng: “Long Châu là nơi giàu mạnh, chính là cái gốc bền vững, đóng đô ở đó sẽ cường thịnh lâu dài, thiên hạ vô địch, mong bệ hạ dời đô ra nơi đó”. Lý Thái Tổ nghe lời, chọn ngày cùng Lưu Đàm, Lưu Điều và văn võ bá quan điều động xa giá cử hành việc dời đô.

Thời Lý ba lần giặc Tống vào đánh chiếm nước ta đều bị quân dân ta đánh bại trong đó có công của Lưu Đàm. Thái tổ xét Lưu Đàm là người đánh Nam dẹp Bắc lại có “thiện kế” (kế giỏi) xướng xuất việc dời đô bèn phong ông làm thái phó, khai quốc công thần, giao cho ông dạy bảo thái tử Phật Mã. Thái Tổ mất, Thái Tông lên ngôi, Lưu Khánh Đàm tâu xin vua miễn phu dịch và thuế cho dân làng Lưu Xá. Ông lại mua nhiều ruộng ao để làm của công cho dân làng. Khi Thái Tông băng hà, Thánh Tông lên ngôi lại phong cho Lưu Khánh Đàm làm Bình Chương sự. Cuối đời, Khánh Đàm xin về ở Lưu Xá, sửa chùa làng và tu ở đó. Vua Thánh Tông vì ông mà xa giá về Lưu Xá, nơi Lưu Khánh Đàm xuất gia.

Thái phó Lưu Khánh Đàm nghỉ trí sĩ, về làng Lưu Xá dựng chùa tu tập, hội tụ các thiền sư Giác Hải, Dương Không Lộ, Đỗ Đô tổ chức cho dân “khai thông sông Luộc, móc ruột sông Sinh, cắt phình sông Hóa”. Sử cũ chép: Khi Lưu Khánh Đàm qua đời, vua Lý Thánh Tông đau buồn về dự lễ an táng khai quốc công thần, vua sắc chỉ chùa ông tu hành là chùa Báo Quốc, ban cho ông tước “Vương”, ban mỹ tự là “Chính trực chiêu cảm” lại cho xây một tháp cao 9 trượng, 9 tầng ở bên lăng mộ của ông. Dân làng Lưu Xá biết ơn xây đền thờ và tôn Lưu Khánh Đàm làm Thành hoàng.

 
Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh

Tên tuổi, công danh và sự nghiệp Thái phó Lưu Khánh Đàm được ghi rõ: Quang lộc đại phu súy thành tá lý công thần, nhập nội thị sảnh đô, đô tri tiết độ sứ đồng tam ty Bình chương sự, thượng trụ quốc, khai quốc công thần, thực ấp 6.000 hộ, thực phong 3.000 hộ, thái úy quốc công, gia thái phó. Khi Lý Nhân Tông lên ngôi, ban cho ông mỹ tự “Hiển ứng linh thông”, các triều sau đều có sắc phong thần cho ông. Đền thờ và chùa Báo Quốc ở xã Canh Tân được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và mộ 2 ông đã được nhân dân xã Canh Tân, làng Lưu Xá và hậu duệ Họ Lưu tôn tạo vào năm 2020.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Về mộ chí của Lưu Khánh Đàm được an táng ở bến Lưu Gia, bia ký không ghi rõ năm soạn nhưng trong tuyển tập “Thơ văn Lý - Trần” chép rằng Lưu Khánh Đàm sống và làm quan vào thời Lý Thái Tổ (974 - 1028); Lý Thái Tông (1028 - 1054) và Lý Thánh Tông (1023 - 1072).

Ông Trần Văn Hùng, thôn Lưu Xá Nam, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà

Nhị vị Thái phó Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Ba là niềm tự hào của quê hương tôi, làng Lưu Xá, xã Canh Tân. Mộ chí của Ngài nằm bên bến Lưu Gia đã bị phong hóa cũng như chiến tranh loạn lạc làm hư hao.Thời Nguyễn có tu tạo, hiện tại mộ đã được trùng tu vào năm 2020.

 

 

QUANG VIÊN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)