Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 20/2/2014
E-mail     Bản in

BẾN RỪNG
(LUUTOC.VN) - Giới thiệu tác phẩm truyện ngắn dã sử " Bến rừng" của Nhà văn đồng tộc Lưu Tuấn Hùng - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật TP. Nam Định đã đăng trên Báo Hạ Long.
 

Anh minh họa: Trận thủy chiến trên Bạch Đằng Giang của Việt Nam với quân Nguyên phương Bắc xâm lược 
.
Rừng miền Đông Bắc trập trùng trong mây mờ những ngọn núi nhấp nhô như con rồng dũng mãnh cuộn khúc tắm mình trên thảm rừng thông xanh thắm. Đứng từ đỉnh bất cứ ngọn núi nào phóng tầm mắt về phía đông cũng thấy biển lấp lánh xanh lam chạy dài ven thềm lục địa.

Có một đoàn thương gia không rõ họ từ đâu tới, họ lặng lẽ xuyên rừng vượt qua bao suối đèo, thác ghềnh, nhằm hướng mặt trời mọc mà đi tới. Cả đoàn có 6 người, ai cũng mặc quần áo nâu, vai đeo túi vải đựng hành trang và lương thảo, ống nước để đủ sức vượt đường xa. Đi đầu là người tiều phu thông thạo dẫn đường, theo sau là một người cưỡi ngựa, phong độ điềm tĩnh, thông thái, ánh mắt quắc thước và bốn người đi bộ sau cùng đều là những tuỳ tùng trai tráng, thân hình vạm vỡ, tinh nhanh, họ bước chắc nịch trên những thảm rừng và vách đá. Tới một trảng rừng thông già, gió từ đâu tới vin cành vang lên âm hưởng vi vu êm đềm như khúc nhạc đại ngàn triền miên. Đó đây tiếng vượn hú, chim hót lúc như gần, khi như xa. Đôi lúc tiếng nai gọi đàn từ cánh rừng nào đó vọng lại.

Đoàn thương gia dừng chân, vị đại gia xuống ngựa, ngồi tựa lưng vào gốc thông, ông lấy trong túi tấm bản đồ bằng da hươu và chăm chú theo dõi những nét uốn lượn và ngón tay ông ngừng ở điểm hoa thị. Ông hào hứng thầm reo: "Bến Rừng đây rồi ! Chiều nay ta sẽ nghỉ lại bến này". Đại thương gia phanh ngực áo hứng luồng gió từ phía đông thổi về, ông thả hồn theo dòng suy tư. Một thoáng lo âu ẩn hiện, đó là những gì đang rình rập từ ngoài biên ải đất nước Đại Việt. Ông nghĩ lung lắm, nếu như mai đây quân Nguyên Mông xâm lăng Đại Việt lần thứ 3, với những vó ngựa, những cung tên và những giáo mác đẫm máu của giặc, liệu rừng đông bắc này có còn được yên tĩnh như hôm nay không. Đã hai lần trước nhà Nguyên kéo quân sang Đại Việt, ập vào Thăng Long cảnh tượng quân Nguyên chém giết kinh hoàng còn đó. Số phận chúng được kết thúc thảm hại ở cửa Hàm Tử đến Đông Bộ Đầu, bến Chương Dương và Tây Kết.

Thế mà chúng vẫn chưa từ bỏ mộng khát vọng xâm lăng Đại Việt hay sao. Xã tắc đã hai phen chồn ngựa đá mà thái bình vẫn chưa bền vững. Đại gia còn nhớ lại cuộc thiết triều đặc biệt với Thượng hoàng cách đây không lâu. Chiều hôm đó, ông phi ngựa vào tận giáp thềm sân rồng, quan Nhập nội hành khiển vội vã báo tin: Thượng hoàng đang đợi tướng quốc ở cung cấm. Ông hối hả bước vào, vén rèm, một luồng sáng từ khoảng trời xanh bừng sáng trong cung. Thượng hoàng bật dậy, ân cần chỉ tay vào ghế đầu triều: 

- Tướng quốc ngồi đây, trẫm cần bàn gấp việc quân cơ tối mật. 

Thượng hoàng cho biết mấy hôm nay quan Hải phòng xứ Vân Đồn báo tin gấp Hốt Tất Liệt đã cho tập trung hàng nghìn chiến thuyền ở vùng biển phía nam Trung Hoa, đạo binh này do Thoát Hoan cầm đầu, hướng tiến công chính của chúng vẫn là cửa Vân Đồn và đánh thốc vào sông Bạch Đằng. Sáng hôm qua lại có tin cấp báo về cung, thám báo của Thoát Hoan đã dò la ở Vân Đồn, vung tiền dụ dỗ dân đánh bạc và rủ rê lũ hải tặc làm loạn… Hoàng thượng cho vời tướng quốc tới để duyệt lại kế sách phòng thủ cửa sông Bạch Đằng xem có gì cần phải bổ khuyết thêm binh lực hay không.

Tướng quốc trả lời: 

- Mọi kế sách đánh chặn ở cửa tử Bạch Đằng Giang Hoàng thượng đã chuẩn y rồi, nhưng hạ thần chưa yên lòng nếu như chưa được tai nghe mắt thấy phòng tuyến Bạch Đằng hiểm yếu ra sao.

Thượng hoàng nói: 

- Khanh nói tiếp đi, tình hình gấp lắm rồi.

Tướng quốc đáp:

- Xin thượng hoàng cho thần đi thám sát lần cuối ở cửa sông Bạch Đằng để bổ khuyết những gì mà còn thiếu. 

Thượng hoàng nói:

- Ta hạ chỉ cho ngươi đi ngay và cho một nghìn tinh binh hộ tống tướng quốc, phòng những bất trắc có thể xảy ra.

Tướng quốc tâu với Hoàng thượng, ông chỉ xin bốn tuỳ tướng trí dũng song toàn đi hộ tống đó là những tướng võ nghệ thao lược, công thủ toàn tài và là những dũng tướng đã từng góp công đánh tan quân nguyên trong cuộc xâm lăng lần thứ hai. Tướng quốc cho biết thêm, nếu quân lính đi hộ tống quá đông sẽ bị lộ cơ mật, quân Thoát Hoan sẽ thay đổi cách đối phó, gây bất lợi cho nhà Trần. Số người hộ tống đi ít sẽ giữ được cơ mật và dễ ứng phó trong những trường hợp gian nguy. Hoàng thượng chuẩn y kế sách của tướng quốc và căn dặn thêm: 

- Tướng quốc nhớ là càng về sớm càng tốt, tình hình gấp lắm rồi.

Ngay sau đó tướng quốc đã lập một đội thám sát gồm bốn tuỳ tướng thao lược cung tên, mã tấu, giáo mác và đều là những kỵ binh phi ngựa truy phong, có tài đuổi giặc bắt sống như bắt con hươu trong rừng. Tướng quốc ban lệnh giữ bí mật, không được gọi tên do cha mẹ khai sinh và không được tiết lộ những quyền chức của triều đình và đặt tên cho bốn người đó là: huynh Nhất, huynh Nhì, huynh Tam và huynh Tứ.

Một đêm giông bão đầy trời, đoàn thương gia rời kinh thành Thăng Long hướng thẳng về phía rừng đông bắc mà tiến tới. Khi tới cửa rừng tướng quốc lệnh cho quan bản xứ nộp một người dẫn đường thông thạo rừng núi và có lòng trung thành với triều đình. 

Vị đại gia ngồi như tỉnh như mơ, bất chợt một đàn vượn hú vang đùa rỡn đu đưa trên cành trước mặt, vị đại gia giật mình và ông đứng phắt dậy, cầm dây cương ngựa, lệnh cho cả đoàn tiếp tục lên đường. Sau bao ngày băng rừng lội suối, đoàn thương gia đã tới bến Rừng, bến này có một quán nước, bên cạnh bờ sông.

 Đại gia xuống ngựa vào quán nhưng chủ quán không có mặt, ông dẫn cả đoàn ra bến sông tìm chủ đò để thuê đò vượt sông, nhưng bất chợt ông nhìn thấy một cô gái trẻ trung đang khoả thân tắm ở bến vắng, ông quay phắt trở lại quán nước và điềm tĩnh ngồi chờ chủ quán. Một lát sau có tiếng cánh cửa liếp động, chủ quán bước ra, đó là một cô gái trẻ, chít khăn mỏ quạ, vận áo nâu bạc, vai đã vã, yếm nâu nhạt và mặc váy đen. Cô nhã nhặn mời khách:

- Thưa các đại gia, quán của thiếp có chè xanh bến Rừng, xin mời các đại gia dùng chè. 

Cô lấy ấm đất đang ủ trên bếp và rót chè vào bát sành màu nâu. Cả đoàn thưởng thức chè ngon của bến Rừng. Sau một tuần trà các đại gia đã tỉnh người xua tan cái mệt và khát của đường xa, họ hồ hởi làm quen với chủ quán. Đại gia có ngỏ ý thuê thuyền vượt sông nhưng chủ quán nhẹ lời khuyên các đại khách không nên vượt sông vào cuối ngày vì đó là lúc gió đông nổi, nước triều lên, thuyền ra tới ngã ba sông sẽ bị đắm. Chủ quán là người bản xứ thông thạo sông nước kể cho các vị khách nghe về bến nước và bến Rừng:

Bến này nằm trên ngã ba cửa sông Bạch Đằng, sông Giá và sông Chanh. Nước từ ba dòng sông này đổ ra gặp nước triều từ biển đổ vào, sóng cồn dữ dội, nhiều lái thuyền vụng chèo đã bị đắm và tử nạn tại ngã ba này. Chủ quán nói: 

- Ngày đã cạn, nước triều đang lên, qua đò rất nguy hiểm, thiếp mời các vị ở lại quán này, sớm mai nước triều rút, qua sông sẽ an toàn hơn. 

Cô chủ quán đã bán nước bên bến Rừng này nhiều năm nay, cô đã từng biết phong độ của các loại khách qua bến. Khách buôn bán thấy chủ quán xinh đẹp thường tán tỉnh sàm sỡ và vung tiền gạ gẫm. Bọn hải tặc và lâm tặc qua đây thường hay bắt cóc đàn bà lôi vào rừng làm nhục. Cô còn nhớ lúc đầu giờ chiều đoàn thương gia đứng đợi đò ở bến sông thấy cô đang tắm lúc vắng khách, cả đoàn quay phắt trở về quán, cô biết đó là những vị khách có nhân phẩm và biết tôn trọng con người, cô đoán cũng mung lung lắm, có thể đó là những quan chức triều đình đi công cán qua đây, có thể đó là các vị chân tu đi hành lễ ở một chùa nào đó hoặc có thể đó là những khoá sinh trên đường về kinh dự khoa cử… Dù ở lớp người nào mà họ có nhân cách như hành động vừa rồi ở ngoài bến thì cô cũng kính trọng và tỏ ý thân thiện, sẵn lòng giúp đỡ.

Bến Rừng chạng vạng trong bóng chiều, chim muông bay về rừng tìm tổ ấm. Ngoài bến sông Bạch Đằng những đôi hạc xanh bâng khuâng xoè cánh nghiêng mình tìm bãi nổi để kiếm mồi bữa ăn đêm nhưng nước triều đã phủ kín những bãi lầy, đàn hạc lại rủ nhau bay tít về một phương trời xa lắm. Trong quán nước trống trải bốn bề, các vị khách trải lá rừng nằm tạm qua đêm, cô chủ quán thắp sáng quán nước bằng thanh nhựa trám, ngọn lửa chập chờn, mùi nhựa thơm toả ra xua muỗi rừng. Bữa cơm đạm bạc chiều bến Rừng của các đại gia chỉ có cơm nắm gạo tẻ đỏ chấm muối vừng. Vị đại gia bẻ từng miếng nhỏ chậm chạp nhai, mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa trám toả sáng gian lều. Một luồng suy tư chợt đến, ánh mắt vị đại gia sáng lên. Ông còn nhớ những lời khuyên của cô chủ quán ngăn cản đoàn vượt sông vào lúc này, đó là một bài học, một tình thế mà vị đại gia đang cần biết tới. Qua lời kể của chủ quán ông có thể tính được giờ đổ bộ của quân thủy binh Nguyên Mông, chúng sẽ đổ bộ vào lúc nước triều lên, có gió đông thổi, đó là sức mạnh trời cho để thuyền chiến của giặc sẽ lao nhanh trên sông Bạch Đằng. Và ngọn lửa trám gợi cho ông một trí tò mò, ông hỏi chủ quán:

- Thứ nhựa trám mà nàng đang đốt ở rừng này có sẵn không? 

Chủ quán sốt sắng nói:

- Rừng này là rừng lim và cũng có nhiều cây trám, cây thông, dân thường lấy nhựa trám về thắp sáng thay cho dầu lạc. Chủ quán vui câu chuyện kể về những chuyện mà dân ven sông Bạch Đằng thường bị bọn hải tặc cướp bóc, người dân đã lấy nhựa trám tẩm với nứa phơi khô và đốt lên ném vào thuyền của bọn hải tặc để mở đường thoát hiểm. 

Vị đại gia nghe chuyện đến đây ông trở nên hào hứng như mình đã kiếm được một báu vật mà ông đang cần. Ông thầm nghĩ thuỷ quân nhà trần có thể sẽ dùng nhựa trám và những bùi nhùi bằng những cây dễ cháy để phóng hoả vào thuyền giặc thay cho hoả hồ bằng thuốc súng, sẽ làm cho giặc lúng túng khi bị quân nhà Trần tấn công trên sông. 

Câu chuyện trong quán nước làm vị đại gia và quên ngủ, ông ngỏ ý với nữ chủ quán thuê thuyền để đi dạo trên sông vào ban đêm, đó là dịp tốt để ông thăm dò luồng lạch, những nơi bố phòng thủy binh và chuẩn bị cho nhà Trần sẽ đóng cọc lim trên sông Bạch Đằng, tạo thành một bãi cọc chạy dài hàng chục dặm để đón đánh chiến thuyền của quân Nguyên khi nước triều rút vào ban đêm.

Đêm Bạch Đằng Giang, cô gái khoan thai chèo thuyền ven bờ, cô tránh đi ở giữa sông e rằng sóng lớn sẽ bị đắm thuyền. Toàn thân cô thon thả uyển chuyển, sải cánh tay đảo mái chèo, con thuyền nhẹ lướt, đêm khuya chỉ có tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền óc ách và tiếng gió đông vin những bãi lau rì rào. Con thuyền lướt qua những con suối, những khe nước từ núi cao đổ ra bờ sông, đó đây những khóm cây và bụi lau mọc tràn lan ven bờ. Vị đại gia nghĩ ngay đến việc sẽ cất dấu thuỷ quân của nhà Trần ở những suối và khe lạch, và sau những lùm cây ven sông. Con thuyền vẫn lướt trên sông, xa xa tiếng hạc đã vọng về, đột nhiên con thuyền đứng sững lại, đó là lúc sang canh, tính theo thời khắc thì đó là giờ ngọ, gió đông ngừng thổi, nước triều ngừng dâng và rút ra biển. Cô gái gọi đó là giờ nước ròng ra biển. Cô lái đò đảo mái chèo, con thuyền quay ngược về phía bến Rừng.

Thuyền lúc đi trong làn sương đêm mát lạnh, lúc phơi mình trong ánh trăng khuya, đại gia hỏi cô gái nhiều điều về sông nước. Cô gái kể tiếp về khi nước triều rút vào buổi sáng, lúc ấy lòng sông cạn dần, có chỗ trơ ra những bãi nổi. Đại gia nghĩ đến việc đó là một thuận lợi để thuỷ binh nhà Trần sẽ đóng những cọc lim vót nhọn làm thành một bãi cọc, một cạm bẫy dài hàng chục dặm để bẫy những thuyền chiến của quân Nguyên khi chúng đổ bộ vào những lúc nước triều cường. Thuyền sắp về tới bến, một tuỳ tướng trong đoàn đã thả câu và câu được con cá sông nặng tới mức hai người mới kéo lên được mạn thuyền. 

Sáng hôm sau vị đại gia có nhờ cô chủ quán làm bữa cơm gọi là tiệc bến Rừng để vui chung bên nhau trước lúc chia tay. Bữa tiệc cũng chỉ vẻn vẹn có món canh cá dưa chua, rau luộc chấm mắm cáy và cơm gạo tẻ đỏ. Sau khi nữ chủ quán bầy thức ăn trên chõng tre, tuỳ tùng huynh Nhất bê đĩa cá lên, trịnh trọng nói:

- Xin mời tướng quốc thưởng thức ẩm thực bến Rừng.

Đại gia trừng mắt, nghiêm sắc mặt như có ý cảnh báo huynh nhất đã phạm điều cơ mật. 

Huynh Nhất biết lỗi, vội quỳ và chắp tay:

- Thưa tướng quốc hạ quan có tội lớn…

Đại gia lấy tay bịt vào mồm mình như ra hiệu: Im lặng !

Cô chủ quán ngồi ở cửa bếp, cô được thấy toàn cảnh cuộc giao đãi của đoàn thương gia, cho đến lúc này cô mới vỡ nhẽ vị đại gia mà cô hằng kính trọng lại là một đại thần, một tướng quốc của nhà vua. Cô thầm nghĩ, bến Rừng này có gì hệ trọng mà nhà vua phải cử vị tướng quốc và các tuỳ tướng về đây trải lá rừng ngủ qua đêm, đi thuyền thị sát hai ven sông, hỏi thăm tình hình sông nước và hỏi thăm việc tìm kiếm nhựa trám, nhựa thông...

Cô tự hỏi: "Liệu mình có lỗi gì làm phật lòng tướng quốc không?". Nhưng cô thấy vị đại gia kín đáo ra lệnh cho các tuỳ tùng của mình im lặng. Cô thầm nghĩ, có lẽ rồi đây bến Rừng này sẽ diễn ra những trận đánh thuỷ chiến ác liệt, vì cô biết rằng ở cửa Vân Đồn dân chúng đã xôn xao về chuyện thuỷ binh của Thoát Hoan đang rình rập ngoài khơi xa và dân chúng đã toan tính tới chuyện chạy loạn lánh nạn vào rừng. Cô chủ quán như có một linh tính báo trước bến Rừng sắp có trận phong ba bão lửa giữa quân Thoát Hoan và quân của nhà Trần. Cô vào rừng thu nhặt nhựa trám, nhựa thông, đẵn nứa đập dập và phơi khô, sau đó bó gọn vào thành từng bó và tẩm nhựa trám, sau đó xếp lên thuyền của mình và cất dấu ở một khe nước gần bến sông.

Cuối mùa xuân năm 1228 đó là lúc giao mùa giữa mùa xuân và mùa hạ và cũng là tuần trăng đầu hè, có gió đông thổi mạnh, nước triều cường thuyền bè không ai dám qua lại trên ngã ba bến Rừng. Nước triều phăng phăng từ cửa biển trôi ngược lên vùng thượng lưu Bạch Đằng, từ phía cửa Vân Đồn có tiếng chống lạ khua vang, tiếng hò hét ồn ào, cô chủ quán nấp sau bụi lau, nhìn thấy những chiến thuyền quân Nguyên đang ào ạt cưỡi sóng, lao về phía bến Rừng, thuyền giặc quá nhiều cô không đếm xuể, cái nào cũng to lớn, có lầu chỉ huy, cờ xí bay phần phật và cánh buồm nào cũng no gió. Mở đầu cuộc tiến công kinh thành Thăng Long qua cửa sông Bạch Đằng.

Trên thuyền của giặc những tên lính béo mập, mặc giáp trụ kềnh càng, tay lăm lăm cung tên giáo mác, bên sườn cài đoản kiếm, chúng đứng hai bên mạn thuyền, ngênh ngang nhìn vào ven bờ, mặt sát khí đằng đằng. Nhờ sức gió đông thổi và nhờ nước triều đẩy những thuyền chiến lao vào cửa biển. hàng nghìn chiến thuyền chiến của giặc lao như tên bắn trên sông Bạch Đằng. Những tên giặc đắc ý nhảy múa trên sạp thuyền, những tên chỉ huy đi lại nghênh ngang đứng ở mũi thuyền chỉ trỏ… Chúng không biết rằng vận mệnh của chúng và hàng nghìn chiếc thuyền chiến ấy đang cưỡi trên bãi cọc Bạch Đằng… Cô chủ quán nấp ở một bụi lau ven bờ, cô hơi thầm lo: "Quân của nhà Trần nấp ở đâu nhỉ? Vị tướng quốc đang chỉ huy ở khúc sông nào…".

Vào lúc sang canh đó là giờ Ngọ, nước triều bắt đầu đứng cái, dòng thuỷ triều bắt đầu trôi ngược về phía cửa biển. Trên thuyền giặc ầm vang tiếng bọn chỉ huy la thét bắt bọn lính chèo thuyền chống lại sức trôi của thuỷ triều để tiến sâu vào phía thượng lưu sông Bạch Đằng nhưng toàn bộ chiến thuyền của giặc đã không đủ sức chống lại dòng thuỷ triều trôi ngược ra biển, những con thuyền chiến to kềnh càng nặng nề cũng bị lôi giật lùi về phía cửa Vân Đồn.

Bất thình lình hai bờ lau ven sông Bạch Đằng có tiếng trống, tiếng hò la vang dậy trời, từ các khe suối, các lạch, các kẽ bờ lau những chiến thuyền của nhà Trần lao vút ra sông Bạch Đằng như tên bắn, đâm thẳng vào mạn sườn đoàn chiến thuyền của giặc. Thế trận hai bên trở nên đối nghịch quyết liệt. Thuyền giặc to và nặng bắt đầu đâm phải bãi cọc Bạch Đằng vì nước đã rút mạnh, bãi cọc đã nhô lên khỏi mặt nước. Cọc đã đâm vỡ những thuyền giặc, chiếc thủng đáy, chiếc đổ sang trái, chiếc lật sang bên phải, thuyền nọ đâm sầm vào thuyền kia, ván thuyền vỡ tơi tả. Bọn chỉ huy vung kiếm thúc quân lính bỏ cung tên giáo mác để chèo thuyền tháo chạy, nhưng các thuyền đều bị vướng cọc lim ở lòng sông không chạy nổi, nhiều chiếc đã đắm giữa sông trở thành những vật cản đường rút chạy của quân Nguyên. 

Chiến thuyền của nhà Trần nhỏ hơn, mũi nhọn, có sức lao nhanh hơn, các thủy binh nhà Trần đã lái thuyền lách qua những hàng cọc Bạch Đằng đâm thẳng vào thuyền giặc, và dùng cung tên bắn rụng những tên giặc Nguyên đang chèo thuyền ở hai bên mạn, những tên giặc đổ sập xuống sạp thuyền, nhiều tên rơi xuống nước. Thân thể chúng to kềnh càng mặc giáo trụ nặng nề không thể bơi được và chìm nghỉm dưới đáy sông. Nhiều chiến binh nhà Trần đã đánh đu lên thuyền giặc, dùng đoản kiếm, mã tấu đánh giáp lá cà. Nhiều tên phải bỏ mái chèo chạy tán loạn, đứa chui xuống sạp thuyền ẩn náu, đứa nhảy xuống sông để thoát thân nhưng nhiều tên đã bị chết bẹp giữa hai mạn chiến thuyền kẹp vào nhau, tiếng giặc kêu cứu vang ầm trên sông nghe rợn tai.

Quân nhà Trần bắt đầu dùng những bùi nhùi nhựa trám phát hoả, ném lên thuyền giặc. Bùi nhùi lăn đến đâu, nhựa trám nóng chảy, lửa lan trên sạp thuyền và bốc cháy, nhiều tên giặc không chịu nổi, phải nhảy xuống sông để dập lửa nhưng bọn chúng đã tử trận ngay trên lòng sông Bạch Đằng. Các chiến binh tràn lên các thuyền giặc, đâm chém, phóng lao, tả xung hữu đột, bọn giặc chạy tán loạn, la thét, nhiều tên quỳ gối giơ tay xin tha mạng. Cả một quãng sông Bạch Đằng dài mươi dặm ầm vang tiếng gươm đao, tiếng la thét của giặc và tiếng trống trận của quân nhà Trần thôi thúc các chiến binh xông lên diệt thù. Lửa bốc cháy trên các chiến thuyền của giặc, làm sáng loá một vùng sông nước.

Từ trên bờ dân nấp ở các bụi lâu, các khóm cây nhìn thấy rõ những tên giặc tử trận trên thuyền rơi lả tả từ xuống sông. Các chiến binh nhà Trần kẹp chặt hai bờ sông không cho bọn giặc lội lên bờ trốn thoát. Một tùy tướng của tướng quốc nhà Trần đứng trên mũi thuyền nhìn qua ánh lửa trận thấy có một chiếc thuyền nhỏ bé, có một cô gái đang chèo lái lách qua những hàng thuyền lớn, và ném những bó bùi nhùi nhựa trám cháy rực lên thuyền giặc, người ta không biết người con gái ấy ở đội quân nào, họ chỉ biết cô gái đã cùng thuỷ binh dũng cảm của nhà Trần đang tung hoành trong trận phong bao bão lửa Bạch Đằng Giang. 

Cho tới ngày hôm sau, sông Bạch Đằng đã trở lại yên tĩnh, nhưng trên mặt sông là một bãi thuyền giặc, chiếc vỡ mạn, chiếc thủng đáy, hàng xác trăm thuyền giặc nằm la liệt trên sông, nhiều chiếc thuyền còn nguyên nhưng bị kẹt đứng giữa những con thuyền bị lật nghiêng giữa sông, trên thuyền những tên giặc bị thương nằm kêu la thảm thiết, dưới dòng sông những tên giặc ngã xuống đã bị dòng thuỷ triều cuốn trôi về phía cửa biển. Người dân Bạch Đằng không thể đếm được có bao nhiêu tên giặc đã đền mạng trên sông Bạch Đằng.

Các chiến binh nhà Trần và dân binh vùng Đông Bắc bơi thuyền ra sông vớt những xác giặc chết ngổn ngang, mai táng ở ven sông và người ta thấy từng đoàn người vất vả, lôi những xác thuyền đắm vào ven bờ để khai thông dòng chảy Bạch Đằng. 

Có một chiếc thuyền của vị chỉ huy trận mạc ghé vào bến Rừng, từ trên thuyền vị tướng quốc bước xuống, trên tấm long bào còn sạm những thuốc súng, vị tướng quốc oai vệ bước về phía quán nước gần bến sông. Đó là vị khách dẫn đầu đoàn thương gia đã đến ngủ trọ tại bến Rừng hôm nào. Vị tướng tìm chủ quán để tạ ơn người con gái bến Rừng đã có lòng ái quốc mách những kế sách đánh giặc trên sông nước giúp cho vua quan nhà Trần thêm sức mạnh đánh tan quân Nguyên trong trận thủy chiến lần thứ ba trên sông Bạch Đằng. 

Bước chân của vị tướng đang hăm hở mạnh mẽ, bỗng nhiên ông đứng sững lại, ánh mắt ngơ ngác như tìm ai đó và một nét buồn thoáng qua trên gương mặt vị tướng thắng trận. Ông không ngờ trên bàn nước bằng tre hôm nào thì bây giờ trước mặt ông người dân bến Rừng đã đặt một bát hương và thắp những nén nhang để vĩnh biệt người con gái bán nước ở bến Rừng.

 Vị tướng quốc nghẹn ngào, ông bồi hồi nhớ lại những ký ức cách đó không lâu, ông đã được cô gái bán nước chè bến Rừng chèo thuyền đưa ông đi thị sát hai bên bờ sông Bạch Đằng, cô đã hiến kế tiến công thuyền chiến trên sông vào những giờ phút quyết liệt nhất khi nước triều đứng cái trôi ngược về cửa biển và cô đã hiến kế cho vị tướng quốc cách dùng bùi nhùi rơm để phóng hoả trên thuyền giặc thay cho hoả hổ, và bữa cơm chia tay trong quán nước ở bến này chỉ còn là nỗi nhớ thương người con gái tài hoa quả cảm góp công trạng với các thuỷ binh nhà Trần đánh tan quân Nguyên trong trận thuỷ chiến Bạch Đằng lịch sử.

Vị tướng quốc nhìn khói hương bảng lảng trong gió chiều hưu hắt, ông thắp một nén nhang tiễn biệt nàng và cất lời rung cảm nửa như lời khấn, nửa như tiếng nghẹn ngào trong lòng ông:

 
Bạch Đằng Giang nghìn năm oanh liệt
Bến Rừng ơi nghìn thu thương nhớ !
 
 
Nhà văn LƯU TUẤN HÙNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)