Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 2/9/2013
E-mail     Bản in

Mừng Quốc khánh mồng 2 tháng 9 (1945 – 2013)
Nhân dịp Kỷ niệm 68 năm Ngày Độc Lập của Tổ quốc, Luutoc.vn xin giới thiệu một số tư liệu về Quốc khánh 2-9-1945 và một số thông tin liên quan đến Bác Hồ.

1)  2-9-1945: Quốc Khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Việt Nam:
(http://www.lichsuvietnam.vn/home)
Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung Ương Đảng phái đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xả Phú Thượng, Từ Liêm; Sau đó về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội.
Tại cuộc họp của Chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Bác một Chính phủ Thống nhất toàn quốc, thể hiện ở chính sách đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ được thành lập.
Buổi trưa 2/9/1945, tại Ba Đình, Hà Nội, trong cuộc mít-tinh hơn 50 vạn người chào mừng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Tuyên ngôn Độc lập do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết là sự phát triển của bản yêu cầu mà Người gửi cho Hội nghị hòa bình ở Vec-xây năm 1919, là sự phát triển của Chương trình Việt Minh mà Người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.
“Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh).
Ngày Độc lập 2/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc. Từ đó, ngày 2/9 trở thành ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

2)  Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh (1945-2013): Ngày đẹp nhất
(Cập nhật lúc: 10:21 AM ngày 19/08/2013 - www.anninhthudo.vn)
Cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt trọng đại trong tiến trình lịch sử nước nhà. Một chân trời mới mở ra với nền Cộng hòa non trẻ. Đứng đầu Nhà nước này là một vị Chủ tịch giàu cốt cách gánh vác, dường như ở đây đã có sự chuẩn bị mang ý nghĩa cơ trời vận đất.
Đây là những ngày tháng đẹp nhất trong những ngày tháng đẹp, để hôm nay ngoảnh lại mỗi người trong chúng ta còn chưa hết rưng rưng. Hãy hình dung, từ vũng bùn nô lệ một đám đông khổng lồ bật dậy với hai bàn tay trắng và quả tim nóng, gọi nhau đứng quanh Người, gọi nhau làm một cuộc lên đường rất dài và rất nhiều chông gai, dám sống và dám chết cho nền tự do độc lập dân tộc, trong đó có chính mình. Từ buổi đầu Bác đã trang trọng nói trước toàn thể đồng bào: “Tự do cho một dân tộc mà không có tự do cho mỗi người thì cái tự do ấy liệu để làm gì!”.
 

Thân phận mỗi người dân nước Việt đã được Người nhìn nhận bằng một tầm nhìn mang khát vọng nhân quyền ở một xã hội có đẳng cấp. Người trở về Tổ quốc như một huyền thoại, như một giấc mơ mà lại cũng hết sức gần gũi. Người ra đồng cùng bà con tát nước chống hạn, cùng các cụ già trồng cây, bón cơm mớm cháo cho trẻ thơ và làm thơ gửi cả nước mỗi bận xuân về.
Đầu tháng chín năm ấy Người đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình. Bản Tuyên ngôn tự tay Người thảo bằng nội lực giống nòi, bằng hồn thiêng núi sông, bằng khí phách toàn dân tộc.
Vài hôm sau Người cho gọi mấy đồng chí phụ trách Nha Công an Bắc Việt lên làm việc, lúc chia tay người dặn dò: sinh ra các chú là phải có bắt bớ, vậy Bác tặng các chú mấy câu để mang theo trên đường công tác lâu dài: “Hay bắt không bằng bắt hay, bắt hay không bằng không hay bắt”.
Phương Tây có câu người mạnh là người biết nói đùa. Lại có câu mọi việc nghiêm chỉnh đều giấu dưới nụ cười. Càng đau càng phải biết cười, cho nên Bác mới hay cười. Thiết nghĩ sau nụ cười hôm ấy của Bác còn có mênh mông một tình yêu thương con người. Nhà văn Xô Viết Mendenxtam từng nói: “Tôi nhìn thấy nụ cười Nguyễn Ái Quốc có mang ánh sáng của một nền văn hóa tương lai”.
Khoan hòa mà lẫm liệt, Người đã thực hiện một cuộc lên đường đầy tinh thần minh triết giữa một nhân loại đang vỡ ra biết bao biến cố khôn lường. Đó là một chuyến đi dài ba chục năm, mỗi chặng đường một cái tên. Những cái tên khiến đồng chí đồng bào ngóng đợi mà kẻ thù thì ngần ngại. Con người nhân ái là thế lại có thể cũng là một nỗi ám ảnh khiếp hãi đối với các thế lực thực dân cũ và mới.
Là Tổ quốc? Vâng, quả có thế. Là kẻ bị  săn đuổi ruồng bỏ? Vâng, quả có thế... Nhưng thưa, không hẳn chỉ có thế. Đây còn là Người một mai sẽ nhảy xuống sông mở đập, áo vải phong phanh mà trí lực nuốt ngưu, là người lĩnh xướng, người chỉ huy, nhà kiến tạo, nhà tổ chức xuất sắc của một nhân dân xuất sắc.
Người ấy đã từng khóc thầm trong đêm vắng Paris ngồi đọc Luận cương Lênin bàn về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đã từng kể trong những năm tháng bôn ba, chỉ thấy có dạo ở Mỹ nghe chừng dễ chịu hơn cả, bước ra đường người ta còn muốn chuyện trò với mình. Đã từng ghi vào tâm khảm câu nói hay của thổ dân da đỏ “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” và đọc Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, say mê luôn Thomas Jefferson, một chính khách lỗi lạc, cha đẻ của bản tuyên ngôn đó, khen ông này có nhân cách liêm chính, tầm mắt rộng, yêu con người.
Suốt bốn mươi năm hoạt động Thomas Jefferson đã từng ở  các cương vị Chủ tịch Đảng Dân chủ, Thống đốc bang, Ngoại trưởng rồi Tổng thống. Ông từng để lại những câu nói nổi tiếng, minh triết cần phải lớn lên cùng quyền lực của chúng ta. Minh triết dạy chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực càng lớn!
Hồ Chí Minh ra đời sau Thomas Jefferson gần hai thế kỷ, ở hai miền xa lạ vậy mà cả hai đã cùng yêu, và đều là hiện thân của minh triết. Họ đã gặp nhau trong cách tiếp cận xem xét sự vật, lắng nghe được cả những tiếng gọi xa vời của thực tiễn, và cả hai đều nhún vai trước tất cả những gì gọi là giáo điều thô bạo, với đủ mọi biểu hiện thê thảm của nó và tất nhiên, sẵn sàng dẫm lên nó mà đi tới.
Còn có một điểm chung giữa họ nghĩ thật rất lạ lùng, cả hai người ấy sinh khác ngày nhưng lại đều biết chọn ngày quốc khánh nước mình để qua đời.
Thomas Jefferson mất ngày 4-7-1815, còn Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969, một sự trùng hợp ngẫu nhiên không giải thích, chỉ có một điều không hề ngẫu nhiên đấy là Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trích dẫn những lời hào sảng mang tinh thần nhân quyền cao mà Thomas Jefferson  đã đưa vào Tuyên ngôn Độc lập Mỹ như một thông điệp gửi đến nhân loại tương lai.

3.  Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman
(VietNamNet – bài viết của TS  
Trong hai năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman.  Nhìn lại chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, VietNamNet đã nhấn mạnh đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, được Chủ tịch nước giới thiệu với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. TS Ngô Vương Anh, một nhà nghiên cứu lâu năm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có lợi cho toàn thế giới:
Trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16/2/1946 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 91- 91), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, đứng về phía đồng minh chống phát xít; sự phi nghĩa của cuộc xâm lược mà thực dân Pháp đang đẩy mạnh ở Đông Dương trái ngược những lập trường Mỹ đã nêu trong các hội nghị quốc tế.
 
 
Trang 1 và 2, bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman, 16/2/1946

Trang 1 bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.
Điều mà chúng tôi đề nghị đã được trao cho Philippines một cách quý báu. Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
Nhìn xa hơn về quá khứ, người ta thấy rằng những bức điện, thư của Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, gửi Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã có “tiền đề” từ những mối quan hệ của Hồ Chí Minh (và Việt Minh) với lực lượng Mỹ chống Nhật ở Hoa Nam trước đó.
Sau khi Nhật tấn công Trân Châu cảng (7/12/1941) mở đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Mỹ đặt Đông Dương trong khu vực tác chiến của Quân đoàn không quân số 14 của Mỹ, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Hoa Nam và bắc Đông Dương.
Những tiếp xúc của Hồ Chí Minh với lực lượng Mỹ được thiết lập từ tháng 3/1945, sau sự kiện Trung úy R. Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng ngày 2/11/1944 và đưa trở lại Côn Minh. Ngày 29/3/1945 ở Côn Minh, Hồ Chí Minh gặp Tướng C. Chenault Tư lệnh không đoàn 14 và hai người đã có những mối thiện cảm.
 
 
Trang 3 của bức thư.

Hồ Chí Minh cũng đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu của giành độc lập của người Việt Nam. Sau đó, người Mỹ bắt đầu coi Việt Minh như một lực lượng đồng minh chống Nhật tích cực và có thể phối hợp các nỗ lực.
Cho đến đầu tháng 5/1945, hai sĩ quan OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) đã có thể đều đặn gửi báo cáo về từ Tân Trào. Ngày 17/7/1945, đội tình báo Mỹ mang biệt danh Con Nai, gồm 5 người do thiếu tá A. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào.
Họ huấn luyện các kỹ năng quân sự cho 40 người được chọn từ số 110 quân du kích của Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8/1945, trung đội Bộ đội Việt - Mỹ (tên đặt chính thức của Hồ Chí Minh) đã được thành lập và ngày 20/8/1945 trung đội này đã tham gia chiến đấu với quân Nhật ở Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.
Việc hỗ trợ trang bị và huấn luyện chiến đấu cho một lực lượng nhỏ người địa phương trong vùng núi rừng Việt Bắc không giữ vai trò đáng kể về mặt quân sự trong việc kết thúc chiến tranh với Nhật ở Đông Dương. Người Mỹ biết rõ điều đó. Hồ Chi Minh cũng biết rõ điều đó.
Điều quan trọng hơn của những mối quan hệ với lực lượng Mỹ mà Hồ Chí Minh chủ trương thiết lập chính là tăng thêm lực lượng ngoại giao, uy thế chính trị của Việt Minh để giành độc lập cho dân tộc và tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.
Con đường hòa bình:
Ngay sau khi giành lại được độc lập, bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế.
Với Chính phủ Mỹ, trong hai năm 1945- 1946, Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes.
Trong thư gửi ông James Byrnes ngày 1/11/1945, Hồ Chí Minh đề nghị gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”, và theo Người, giới trí thức Việt Nam “tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm cách hoà bình, tìm con đường hoà bình để đem lại hoà bình cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc.
Với con đường hòa bình, Hồ Chí Minh hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực, hướng tới hòa bình và thịnh vượng.
Năm 1955, Người phát biểu: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được”.
Điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh với Tổng thống Harry S. Truman cho đến nay không hề cũ.
Những dòng cuối cùng trong Thông điệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đăng trên tờ Washington Post ngày 27/7/2013 đã kế thừa rõ nét tinh thần đó: "Mặc dù ở hai bờ xa cách của Thái Bình Dương bao la, nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ cùng chia sẻ một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của một châu Á - Thái Bình Dương, hòa bình, hợp tác, thịnh vượng. Hôm nay, khi tôi tới thăm đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, chúng ta cùng chia sẻ niềm vui vì ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần 70 năm trước về mối quan hệ "hợp tác đầy đủ" giữa hai dân tộc đã thành hiện thực”.

4.  Chiến thắng điện biên Phủ 7-5-1945:
 


Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của Việt Nam. Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng, mặc dù quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.000 lính viễn dương. 
Với quốc tế, trận này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải hòa đàm và rút ra khỏi Đông Dương, các thuộc địa ở Châu Phi được cổ vũ cũng đồng loạt nổi dậy. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.
59 năm đã trôi qua (1954-2013) kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, còn đọng sâu trong tâm trí người Việt Nam: “Chiều ngày 7/5/1954, những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch Tướng De Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống, gần một vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Chiến thắng này đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược 1945 - 1954 của quân và dân ta”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều yếu tố: Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, cách đánh sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam...

5.  Chiến thắng 30-4-1975 giải phóng Miền Nam:
 

Xe tăng 390 đạp đổ cổng chính của Dinh Độc Lập

38 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2013), bản hùng ca về những con người, những chiến dịch huyền thoại… vẫn ngân vang cùng bài ca đất nước. Để tạo nên chiến thắng ấy là một tư tưởng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta khi thời cơ đến trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
 

Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện để ghi âm
TS. Lưu Văn Thành (ST)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)