Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 2/12/2012
E-mail     Bản in

LƯU TRỌNG LƯ - Tình đầu không phai
(NTY)- Cái “sốc” kỳ diệu đầu tiên đó, tôi gọi là tình đầu. Một thứ tình đối với tôi, nửa mơ nửa thật. Một thứ tình không chăn không gối, chẳng “hẹn bể thề non” mà vẫn gọi là : “Trăm năm chẳng bạc đầu”
 
Nhà điêu khắc Phùng Thị Cúc

Cái “sốc” kỳ diệu đầu tiên đó, tôi gọi là tình đầu. Một thứ tình đối  với tôi, nửa mơ nửa thật. Một thứ tình không chăn không gối, chẳng “hẹn bể thề non” mà vẫn gọi là : “Trăm năm chẳng bạc đầu”. Cái chuyện có thật đó sao thoáng qua như một giấc mơ. Và đâu phải chỉ một lần mà tôi gọi là “tình đầu”. Hà Nội rồi Huế - rồi Huế - Hà Nội, tôi coi như “môi trường” của cuộc đời mơ mộng của tôi. Huế .... trên hai bờ sông Hương, phượng vĩ đỏ chưa tàn...và tiếng ve rắng rỏi suốt mùa. Bến đò Thừa Phủ phất phơ những màu áo tím nữ sinh trong những sớm, những chiều... 

Một lần từ bên nội thành tôi qua đò, rồi thẳng đến ga xe lửa. Tàu tốc hành từ Sài Gòn ra đến Huế vào buổi sáng.
Tôi sắp bước lên tàu thì gặp Miên... một người bạn quen nhau giữa Hà Nội, nói thân cũng được mà nói sơ cũng chả sai nhưng ít nhiều có cảm tình với nhau.

Miên đưa một cô em gái lên tàu tốc hành đi Hà Nội. Miên nói với em: “Nhà thơ đấy ! 

Thế là Cúc có người cùng đi Hà Nội rồi nhé”. Miên quay lại với tôi: “Dọc đường giúp em tôi một chút”, một giọng thân tình quá! 
Chúng tôi cùng lên tàu và ngồi bên nhau, cạnh một cửa tàu.

Cúc có tiếng nói Huế đài các, có đôi mắt buồn, đồng thời là một vị thiên thần có má lúm đồng tiền.

Suốt đường dài chúng tôi chẳng có gì mà nói với nhau nhiều, chỉ biết nhìn nhau thôi.Khi đến Hà Nội, tôi thấy trên mặt Cúc đượm một chút lo
… Tôi hỏi : Cô về đâu 
– Cúc đáp : 18 Phạm Phú Thứ…
- Ở phía nào ?
- Em chưa biết ở mô hết. Lần này lần đầu em ra Hà Nội.Cúc sợ muốn khóc lên, một cô bé mà ! Tôi nói với mình :Thôi tôi sẽ đưa cô đến tận nơi phố Phạm Phú Thứ.Có ngờ đâu cái tên ấy đã thành chữ tên khắc vào lòng tôi suốt một mùa đông. 

Tôi đưa Cúc lên tận gác, nơi có những người chị, người bạn của Cúc đang ở. Rồi tôi chia tay với Cúc. Khi vừa xuống gác, ra đến đường thì gặp Phạm Hầu, người bạn nhỏ của tôi lúc bấy giờ đang học ở trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật.Tôi hỏi: Chú ở đâu? Hầu chỉ lên một cái gác. Tôi theo Hầu lên gác ấy. Tôi mở cánh cửa sổ, thì ra bên kia là phòng của Cúc. 


 
 
Tôi giật mình. Tôi nói với Hầu : “Mình sẽ ở luôn với cậu được không ?”.
Hầu đáp : "Có chi mà không được ! Ở đây anh cùng ăn cơm tháng với em.”Tôi đặt vali của tôi cạnh vali của Hầu, và cẩn thận đóng lại cánh cửa mà tôi vừa mở. Ai chọn cho tôi cái cửa sổ này nhỉ ? 

Tôi không thể nào tin chính là tôi.Thế là từ đấy, tôi cùng ở một phòng chung với Hầu, con người mà sau này tôi gọi là “con nai nhỏ” của tôi…

Hầu chỉ biết vẽ, đọc sách và đôi khi làm thơ - rụt rè : thơ cũng như người. Rồi chẳng bao lâu, Hầu như xoá mình đi hẳn, tôi trở nên người chủ của căn phòng này. Cúc học ở trường Thăng Long, cùng học với Cúc có chị Hoạt sau này là phu nhân của một vị Ðại sứ  Việt Nam ở Liên bang Xô Viết, có chị Thân Trọng Quế và là vợ của một bác sĩ y khoa.Rõ ràng Cúc đã biết tôi ở bên phòng này bởi lần đầu, khi tôi mở cửa ra thì đã thấy cửa bên kia rõ ràng là Cúc cô em nhỏ trên tàu, và bên này cửa: rõ ràng cũng là tôi, người anh “dẫn đường” nàng, trong gần một đêm một ngày…

Cặp mắt Cúc mở to, nhìn vào mắt tôi rồi mỉm cười.Lúc ấy, sau này, thật lạ lùng là mỗi lần khi tôi bất thần mở cửa sổ, y rằng tôi lại thấy Cúc: khi thì đang ngồi đọc sách ôn bài, khi thì đang rứt một cánh hoa trên bàn.
Có khi Cúc chẳng làm gì, ngồi suy tư, hay mơ mộng. Lại có khi ở trường về, tôi chợt nghe một tiếng ho nhẹ. tôi nhẹ nhàng mở hé cánh cửa. Không phải chúng tôi chào nhau mà nhìn nhau một lát, rồi cúi đầu, e thẹn.

Thường thì Cúc không để cho cái phút nhìn nhau đó được kéo dài. Cúc vụt đứng lên, rời cửa sổ kèm thêm một tiếng thở dài có vẻ như bực dọc. tôi nhớ có lần, khi tôi mở cửa sổ, Cúc không ngước lên nhìn tôi, rồi cứ thế, cho đến lúc cánh cửa sổ như tự nó lại khép lại.
Dầu tôi có viết đoạn “tình sử này” đến một vài trăm trang, thì cũng bấy nhiêu việc lặp đi lặp lại…

Cũng chả có điều gì khác: Cửa sổ mở rồi lại đóng, đóng rồi lại mở. Thế mà cái nhìn, cái trông, cái đợi đã thấm vào ruột gan từ ngày nào rồi.
Một mùa đông đã trôi qua. Làm sao tôi nhớ được biết bao lần Cúc đã vào trong giấc mơ của tôi. Nhớ sao hết được những tiếng ho. Ấy thế mà lại kêu gào lên như giữa một ngàn trùng xa cách:

“Em là giải Ngân Hà
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua”
Cái gì đã xảy ra vậy ? 

Với cũng chẳng muốn với tới, lui cũng chẳng thể lui cho. Và qua mấy mùa đông, từ hai đầu dây cũng chỉ còn một kết luận:“Em chỉ là người em gái thôi!Tình em như tuyết giăng đầu núi Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời”

Cúc lại mỗi sáng cắp sách tới trường, ở trường về, ném qua tôi một cái nhìn đầy sóng gió, có phần như trách giận tôi nhiều Tất cả tội lỗi đổ cho tôi hết. Tôi lấy gương nhỏ soi mặt nhìn đôi mắt mình… 
Vẫn mình đó, hiền khô. Nếu Phạm Hầu là con nai nhỏ của tôi, thì bây giờ tôi cũng chỉ là con nai lớn của Phạm Hầu.

Tôi nhớ tấm ảnh 17 tuổi của tôi chụp ở Khải Xương…
Sao mà vô tội đến thế. Tôi mà làm nên tọi cho ai được ? 
Tôi làm bài thơ “Một mùa đông” chuyện người trong mộng ảo rồi cuối cùng có nỗi đau thật, có giọt nước mắt thật, nước mắt người!Quả nỗi buồn đã đến, và có phải, cvái buồn đã dẫn tới cái giận? Dẫu sao tôi cũng đã tìm lời biện hộ cho mình:


“Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân”

Lý lẽ đến buồn cười! Làm giai nhân là một cái tội ư ? 
Lý lẽ còn buồn cười hơn nữa, ngồi bên cửa sổ cũng có thể là một cái tội / Nếu cửa sổ tôi không mở thì đâu có chuyện thi nhân! Trong Chartreuse de Parme, sau này tôi có đọc, tôi thấy giữa cửa sổ, qua vách có đục, có khoét và có giăng dây giữa anh chàng và chị chàng, nếu có tội, thì tự ý hai người đã làm nên tội. Còn tình yêu ở đây, có cơ sở lý luận riêng của mình.Khi tôi viết: "Anh theo cánh gió chơi vơi"  hoặc“Anh là mây bốn phương trời”.

Người em sầu mộng của muôn đờithì tôi không phải là mây gió giữa trời nên cuối cùng, đành lấy tuyết trong mà phủ cho người em gái! Ðó là tất cả nguyện ước thật sự của người ghé chân bên cửa sổ một chiều đông. 
Mộng và đời là hai sợi chỉ ngang dọc trên khung cửi. Ðời đẻ ra mộng và mộng lại dệt nên đời. 

Thái Can vừa là một bác sĩ y khoa vừa là một bạn thơ của tôi. can cũng là bạn của bác sĩ Cẩm Chương chồng của chị Thân Trọng Quế.
Có phải là do hai anh bàn với nhau hay chỉ là một sự ngẫu nhiên nên có một cuộc đi chơi ở chùa Thầy. Từng cặp, từng cặp xuống hang.
Tôi thấy Cúc chả đi với ai. Tôi cũng không biết theo ai. Rồi tôi cũng ngẩn ngơ đi bên Cúc. Ðường xuống hang, trên từng mô đá gập ghềnh mà chúng tôi tưởng như đạp trên mây, tránh mọi sự đụng chạm vào nhau. Ðến trưa chúng tôi mới trở về sân chùa. Chúng tôi trải giấy nhật trình, bày bữa ăn trưa. Có ít gà quay và vài chai rượu vang Pháp.


 
 
Thấy tôi uống, Cúc cũng bắt chước đưa cốc rược chạm vào môi. Người em gái tuyệt vời khi trên đôi môi nhuốm màu nho tươi và hồng đôi má, rồi để rơi trên trán vài sợi tóc cô đơn vô tình tạo thành một hình tượng nghệ thuật khó phai. Cúc nhìn tôi với nước mắt khẽ rơi, có phải một cơn gió giận đã gieo những giọt lệ vào trong khoé mắt nàng ? 
Cuối cùng từ trong lòng như có một lời cảnh cáo:

“Anh muốn van em đừng uống nữa
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay”

Tôi có cảm giác như bị dồn ép vào một tình cảm nghẹt thở.Năm 1973, 74 gì đó, Cúc ở Paris có về Hà Nội. Người em gái bé bỏng ngây thơ hôm nào đã là bà Ðiềm Phùng Thị, bỏ cả nghề y (bà là một bác sĩ nha khoa) trở nên một nhà điêu khắc nổi tiếng.
Trong bài tựa một cuốn sách nhỏ, bà đã nói nguồn gốc của nghệ thuật của bà.
Bà kể lại như một đứa trẻ: “Tôi thăm một người bạn, thấy đất ướt, bạ đâu tôi vất đấy.
Thờ ơ tôi vất đất xuống bậu cửa sổ, đất lấy hình, đất thành cái này, cái nọ, con này, con nọ”.
Những bài thơ thuở nhỏ của tôi nói cho cùng, cũng thế thôi : Một chút hồn mộng vất chỗ này một chút, vất chỗ kia một chút, nó thành hình gì thì nó là cái ấy.

Hôm ấy, Hội nhà văn có mở tiệc mừng các trí thức, nghệ sĩ ở nước ngoài về, trong đó có bà Ðiềm Phùng Thị và hoạ sĩ Mai Trung Thứ là người đã say vẽ một bức chân dung của Mừng – nhân vật chính của cuốn Hồi tưởng tình yêu này của tôi. Bức chân dung ấy theo kháng chiến đã tan nát đâu rồi bên những đèo suối nào? 

Còn Ðiềm Phùng Thị tức Cúc là đối tượng của một bài thơ của tôi. Hôm ấy Nguyễn Tuân dắt Cúc lại ngồi một bàn với tôi và và vợ tôi là Mừng. Tuân cười xì xì : “Ðây rồi, đối mặt ngâm gì thì ngâm đi !” Tất cả chúng tôi cùng cười với nhau vui vẻ, tưởng như cuộc sống, chẳng có điều gì xảy ra, có khi thật mà như đùa vậy.

(Trích: Lưu Trọng Lư - “Nửa Ðêm Sực Tỉnh”
Hồi Ký Nhớ Lại Những Mối Tình, chương hai “Mây Bốn Phương Trời”)

Theo nghethuatyeu.net


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)