Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 2/10/2012
E-mail     Bản in

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng...
Có ai hiện hữu trên cuộc đời này mà không do cha mẹ sinh ra. Ngày con chào đời, mẹ hạnh phúc nhìn khuôn mặt ngây thơ, bé bỏng của con mà nỗi vất vả của chín tháng cưu mang khó nhọc như tan biến hết.

Sinh con đã khó, nuôi con lại càng khó hơn bởi phải chăm chút cho con từng miếng ăn giấc ngủ, con ốm đau lòng cha mẹ chẳng yên. Rồi con lớn lên và thành đạt cũng là lúc mái tóc cha mẹ đã bạc thêm nhiều . Lưng cha mẹ còng và cũng gầy đi rất nhiều. Lẽ ra ở tuổi này, cha mẹ phải được con cái lo lắng, chăm sóc, nhưng con cái có người lại thiếu trách nhiệm, ruồng rẫy, hắt hủi chính cha mẹ mình khi họ bị đau ốm bệnh tật. Cha mẹ lấy việc chăm sóc con làm niềm vui cho chính mình, nhưng người con có lấy việc chăm sóc cha mẹ lúc già yếu làm niềm vui cho mình hay không?

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất của đời sống mà mình phải tự tìm lấy. Mỗi người tự tìm cho mình một niềm vui riêng. Nhưng có lẽ, niềm vui duy nhất của các bậc cha mẹ là nhìn thấy con mình chào đời và lớn lên khỏe mạnh, thành đạt.

 
 
 
Có lẽ, đứa con là món quà quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho cha mẹ. Họ không mong gì hơn là được ôm con trong vòng tay. Và có phải cũng từ đó, con đã gắn liền với mẹ, từ trong lòng mẹ bào thai mới hình thành bé xíu đến khi chào đời và theo mẹ cha đứa con dần dần lớn khôn lên…
 
Có ai đi tìm được đâu là đầu nguồn nước và cũng có ai đo được hành trình của dòng nước chảy đến đâu? Công  lao trời biển của cha mẹ không làm sao tính toán được và cha mẹ cũng chẳng bao giờ làm một bài tính cộng với con. Giây phút thiêng liêng nhất là khi được nghe đứa con của mình cất lên hai tiếng "cha, mẹ" đầu tiên và vỡ òa trong tiếng khóc khi cha mẹ nhìn thấy đứa con mình chập chững những bước đi đầu tiên. Đó là giây phút họ vừa vui mừng nhưng cũng lo sợ con mình sẽ rời xa mình từ đó.

 
 
Cha mẹ chăm chút cho con từng miếng ăn giấc ngủ, con ốm đau lòng cha mẹ chẳng yên. Rồi những đêm dài thức trắng vì con, mẹ không hề than vãn mà chỉ mong sao cho con mau chóng được khỏe mạnh.

 
 
Con bắt đầu đến trường, cha mẹ phải tần tảo làm việc để nuôi con ăn học. Có điều gì quý giá, cha mẹ cũng giành hết cho con cái. Câu nói quen thuộc của các bậc cha mẹ là: "Cha không sao", "Mẹ không đói đâu con", "Chỉ cần con vui là được rồi". Cứ thế từng mùa xuân của cuộc đời cứ lặng lẽ trôi qua, chúng con lớn lên thành đạt. Sự thành đạt của con là món quà quý thứ hai mà tạo hóa không phụ công ban cho cha mẹ. Đơn giản cha mẹ chỉ nghĩ thế và lấy nó làm niềm vui, niềm tự hào của mình.

Cha mẹ nuôi con không tính ngày tính tháng thì những người con khi đã trưởng thành, khi đã lắm của nhiều tiền thì cớ sao lại phải viện ra lý do này nọ, để tách cha mẹ ra khỏi thế giới của mình. Bạn sợ sống chung một mái nhà - nơi mà từ đó bạn lớn khôn với cha mẹ ?

 

Gần gũi, chăm sóc và báo hiếu với cha mẹ là một niềm hạnh phúc lớn lao của con cháu. Tuy nhiên, cũng tùy từng hoàn cảnh gia đình, ta sẽ sắp xếp công việc trên một cách hợp lý. Vấn đề là khi con cái gửi cha mẹ cho các dịch vụ chăm sóc thì những người con đó nghĩ gì? Họ nghĩ đó là cách báo hiếu hay vứt đi một "gánh nặng". Thử hỏi xem trong thời đại ngày nay có mấy ai sống chung với cha mẹ khi họ đã lập gia đình.

Trong suy nghĩ của họ lúc nào cũng cho rằng, mình đã lớn, thích cuộc sống tự lập, không thích sự ràng buộc của gia đình. Rồi chính sự bộn bề của cuộc sống, con cái dần cách xa với cha mẹ bằng những cuộc điện thoại với hai, ba lời hỏi thăm hoặc với một số tiền được gửi đến bằng đường bưu điện.

Nhưng đó có phải là điều cha mẹ mong muốn hay không? Họ chỉ mong được nhìn thấy con mình khỏe mạnh nhưng đó có phải là điều quá khó trong cuộc sống hiện tại? Cha mẹ yêu con là vô hạn, con yêu cha mẹ đôi khi là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ tý nào !!!

Cha mẹ ốm đau thử hỏi trông cậy vào ai? Vào con ư? Có những những trường hợp cha mẹ ốm dai dẳng có đứa con nào ở bên giường đâu. Một gia đình có nhiều con nhưng khi cha mẹ về già, đứa con nào sẽ nhận nuôi dưỡng cha mẹ đây.

 
Hiện nay, tình trạng ngược đãi cha mẹ già xảy ra ngày càng nhiều. Nhiều đứa con bất hiếu đã thẳng tay đuổi cha mẹ già ra khỏi nhà vì coi họ là gánh nặng. Như cụ Ngô Vi ... đã 87 tuổi bị chính con gái và cháu trải chiếu đặt ra vỉa hè đuổi cụ ra khỏi nhà. Đáng lẽ, cụ phải được các con các cháu chăm sóc nhưng ngược lại họ đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng đẩy cha mẹ già yếu bệnh tật ra đường !
 

Đây là thực tế và sự tha hóa đạo đức, ngược đãi đấng sinh thành của những người làm con, làm cháu. Con cái có nên "sòng phẳng" tình cảm với cha mẹ nếu chẳng may tình cảm gia đình từng có những sứt mẻ? Tình cảm yêu thương mà cha mẹ dành cho ta có phải là "chất xúc tác" diệu kỳ để ta làm trọn chữ hiếu.

Ai sẽ chăm sóc những cha mẹ già không còn sức cầm roi mà đánh ai, không còn tự kiếm sống để nuôi bản thân mình. Người già cũng như trẻ thơ, cần được cảm thông và bảo vệ. Có thể cuộc đời dạy chúng ta phải sòng phẳng, ơn đền oán trả nhưng đạo hiếu không dạy chúng ta sòng phẳng với cha mẹ. Dù cha mẹ đã từng đối xử với ta như thế nào thì con cái vẫn phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Hai thế hệ "trẻ" và "già" có khác nhau nhưng không vì thế mà không cần nhau được. Cha mẹ dù có sai lầm gì với chúng ta đi nữa thì đó cũng là cha mẹ thật sự và duy nhất trên cõi đời này, không ai có thể thay thế được.

Có người nuôi cha mẹ chỉ để mong nhận được hai chữ "có hiếu" nhưng họ cảm thấy khó chịu khi ngồi nói chuyện hay khi cha mẹ yêu cầu bất cứ điều gì. Rồi khi cha mẹ già yếu, bệnh tật họ lại lo sợ tốn tiền thuốc men, tốn thời gian để chăm sóc.


Tuy nhiên, cũng có những người lấy việc chăm sóc cha mẹ làm niềm vui cho mình. Họ đón cha mẹ về nhà an dưỡng lúc tuổi già, khóc và lo lắng khi thấy cha mẹ ốm đau. Ngày xưa, Mục Liên đã phải trải qua nhiều gian khổ để cứu mẹ, đó chính là chữ hiếu. Điều đó còn thể hiện qua tâm hồn của cô nữ sinh trẻ tuổi với câu nói: "hạnh phúc của em chính là sức khỏe và sự an nhàn cho mẹ, niềm vui của các anh".
 

Nguyễn Thành Nhân đang săn sóc cha bị bệnh
 
Chúng ta đang sống trong xã hội phương Đông, nơi mà những giá trị văn hóa, những nét đẹp trong ứng xử gia đình luôn giữ gìn và trân trọng. Vì vậy, không có lý do nào khi cha mẹ về già, chúng ta lại tách họ ra sống ở viện dưỡng lão. Trong khi, họ đã sống đời với chúng ta trong một thời gian dài. Trừ trường hợp hoàn cảnh gia đình có quá cá biệt nên không thể dưỡng nuôi cha mẹ ở nhà với mình được thì phải chấp nhận gửi vào viện dưỡng lão.

 

Ác mộng của người già trong Viện dưỡng lão

Biết rằng cha mẹ về già có rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Bởi khi ấy, cha mẹ không còn đủ minh mẫn để có thể tự lo mọi việc. Tuy nhiên, chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ và phụng dưỡng cha mẹ trong những lúc đó. Tuy công việc bộn bề nhưng chúng ta đừng bỏ quên những bữa cơm bên cha mẹ, những buổi  trò chuyện…
 
 
Bởi khi ấy, cha mẹ sẽ rất vui và hạnh phúc. Bản thân chúng ta sau này sẽ luôn thấy nhớ và sẽ nuối tiếc rất nhiều nếu không còn có được những khoảnh khắc đáng quý đó. Phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ ngay khi họ còn sống bên cạnh chúng ta. Gia đình Việt nam vốn quen thuộc với hình ảnh những mái đầu của nhiều thế hệ quây quần bên nhau, phải không các bạn?

 
 
Cha là ánh thái dương soi chiếu đời con qua từng bước trưởng thành. Mẹ là suối nguồn yêu thương đã góp công chăm sóc nuôi dưỡng ấp ủ con từ tấm bé cho đến khi khôn lớn. Tình yêu thương của cha mẹ giành cho con là vô bờ bến. Vậy người con phải làm như thế nào để báo hiếu cha mẹ già là vấn đề mà xã hội đang quan tâm và cũng là câu hỏi đặt ra cho nhiều người ngày nay.

 
Theo ĐỖ ÁNH NGỌC


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)