Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 2/1/2012
E-mail     Bản in

Hai cõi Thơ và một cõi Tình
29/8/2008 - tròn 20 năm ngày mất của cặp đôi tài danh, bạc mệnhcủa làng văn chương - kịch nghệ Việt Nam: Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Tuần Việt Nam giới thiệu chùm bài của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái dưới một tiêu đề chung: "Hai cõi Thơ và một cõi Tình".

Cuộc đời ở cõi âm, đã thành “cõi nhớ” (tên một vở kịch của Lưu Quang Vũ: “Người trong cõi nhớ”), có lẽ cũng vô thường như cõi dương, mà Trịnh Công Sơn gọi là “cõi tạm”, chỉ để “ở trọ”.

Đôi vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ra đi khi đang vào "độ chín" của tình duyên, sự nghiệp
 
Tôi hằng nghĩ đến điều đó khi nhớ về cặp vợ chồng thi sĩ Quân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và con trai nhỏ Lưu Quỳnh Thơ của họ vắng mặt trên "cõi tạm" này thấm thoắt đã hai mươi năm tròn, kể từ ngày định mệnh, 29/8/1988.

Hà Nội tháng 8 mùa thu năm nay đã đong đầy hơi thu về đêm. Ban ngày, nắng thu xối xả, chang chang. Nắng tháng tám rám trái bưởi, rát mặt người.

 
 
Ngày dương tháng Tám trùng khít ngày âm tháng Bảy, không chệch như vẫn thường chệch giữa lịch âm và dương lịch.

Tháng của mùa thu, mà Lưu Quang Vũ lúc sinh thời từng hân hoan và khắc khoải bồn chồn chờ đợi, chờ nghe tiếng thu trong âm thanh khô hanh của lá mùa thu xao xác ven đường… Tháng Tám sen tàn bưởi chín, chim ngói bay về bịn rịn, trời thu hương cốm mát trong.

Với Xuân Quỳnh, tháng mùa thu lại như ảo ảnh, như siêu thực trong không gian yêu, không gian thu bạt ngàn hoa cỏ may, mơ mòng và diệu vợi: Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ/ Không gian xao xuyến chuyển sang mùa/ Tên mình ai gọi sau vòm lá/ Lối cũ em về nay đã thu...


 
 



"Chỉ còn anh và em/ cùng mùa thu ở lại..."
 
Hà Nội năm nay mùa thu hầu như không một giọt mưa ngâu tháng bảy âm. Thi thoảng vài trận mưa rào sầm sập, Hà Nội ngập nước mưa, hệt Sài Gòn "phố bỗng thành dòng sông uốn quanh”.

Tôi viết những dòng nhớ thương tưởng niệm cặp vợ chồng thi sĩ bạn tôi, đã mất tròn hai mươi năm,là một ngày mưa to tối sầm trời đất, sau mấy ngày nắng gắt, sau Rằm tháng 7. Mùa Vu Lan.

Mây Hà Nội vẫn bay ngang trời mùa thu. Mùa thu đi theo nhịp giời đất, y như ngày Vũ và Quỳnh còn sống, Hà Nội năm nào cũng vào hoa cúc, rực vàng hoàng hoa, trong cảm giác yêu đương đầy mơ mộng của Xuân Quỳnh: Chỉ còn anh và em/ cùng mùa thu ở lại/ Kìa bao người yêu mới/ đi qua cùng heo may.


Gia đình cặp đôi tài danh
 
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, đôi tình nhân thi sĩ đã vĩnh viễn bao bọc trong màu hoàng hoa của những đóa cúc Hà Nội mùa thu.

Tôi nghĩ, cuộc hạnh ngộ tình yêu của hai thi sĩ này, khởi đi từ hai cõi Thơ riêng, khởi đi từ hai con đường “đau khổ”, rồi đến một khúc quanh của dòng đời, họ hòa hợp thành một cõi Tình. Cõi ấy rực màu hoàng hoa, cái màu hoa mà Tế Hanh từng tư lự: Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa…

Cõi Thơ thứ nhất: là giọng thơ tình ám ảnh của Xuân Quỳnh và cõi Thơ thứ hai là của Lưu Quang Vũ với nhân vật trữ tình tình: "Em".
(Còn tiếp...)  

* Lưu Quang Vũ, sinh 17/4/1948, là nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn hiện đại của Việt Nam.

Ông sinh tại tại Phú Thọ nhưng quê ở Quảng Nam, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh, và tuổi thơ sống tại Phú thọ cùng cha mẹ.

Khi hoà bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội.
Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.

Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

Sau khi vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và con trai mất, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau xung quanh vụ tai nạn này.

Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng Việt Nam. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80.

Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực.
Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông.

Ông là tác giả của gần 50 vở kịch, rất nhiều trong số đó là các tác phẩm đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta...

Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.

Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố.... Ông cũng còn là tác giả của một số truyện ngắn mang đậm phong cách riêng.

Lưu Quang Vũ kết hôn 2 lần, lần thứ nhất với diễn viên điện ảnh Tố Uyên năm 1969. Hai người li dị năm 1972. Ông kết hôn lần thứ hai với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh năm 1973.

Con trai ông (với Tố Uyên), Lưu Minh Vũ, hiện đang là một trong những người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam.
Em gái Lưu Quang Vũ, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ hiện công tác tại tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học.

* Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 , tên thật Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh tại xã La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.


Bà xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội.
Tháng 2/1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa.
Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở người ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Viena (Áo).
Từ năm 1962 đến 1964, bà học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam.
Bà là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, bà kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn.

Từ năm 1978 đến lúc mất bà làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của bà. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của bà luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ.

Nhiều bài thơ của bà đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh.... Bài thơ Sóng được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển,Thơ tình cuối mùa thu của bà. (Theo Wikipedia)
 
 
·                                 Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái