Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. HẢI NGOẠI ::. Trung Quốc.
Đăng ngày 2/1/2012
E-mail     Bản in

LƯU CƠ (Lưu Bá Ôn) Công thần khai quốc Nhà Minh - Trung Quốc
Lưu Bá Ôn, tên thật là Lưu Cơ, (1311-1375); là nhà văn, nhà thơ và là công thần khai quốc nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những nhân vật có nhiều huyền thoại; là người đã đề cao tư tưởng "quan bức, dân phản", đồng thời là tác giả Mại cam giả ngôn, một tản văn nổi tiếng nhằm đả kích giới "thống trị thối nát".

Chân dung LƯU CƠ (Lưu Bá Ôn)
 

Lưu Bá Ôn, người huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang. Nhờ siêng học, đam mê đọc sách, ông sớm làu thông kinh sử, văn chương, binh phápvà thiên văn.[1] Vào cuối đời nhà Nguyên, ông thi đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan; nhưng vì bị chèn ép, chỉ trích nên ông tức giận bỏ về ở ẩn năm 1360.

Thân thế và sự nghiệp

Khi Chu Nguyên Chương khởi nghiệp, lấy lễ mời ông ra giúp. Ông đệ trình bản Thời vụ thập bát sách (tức 18 sách lược vận dụng trong tình thế đương thời) , liền được tin dùng, cất ngay lên chức Quảng Văn quán Học sĩ. Rồi nhờ những kế sách trên, mà quân nổi dậy lần lượt đánh tan các tập đoàn quân phiệt mạnh như Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành...chiếm lấy các tỉnh vùng hạ lưu sông Trường Giang.

Năm 1367, ông lại bày mưu cho Chu Nguyên Chương chiếm Sơn ĐôngHà Nam, rồi tiến đánh kinh đô của nhà Nguyên là Đại Đô (nay là Bắc Kinh), khiến vua Nguyên Thuận Đế (1333-1370) tháo chạy, triều nguyên sụp đổ. Khi đại cuộc đã định xong, Lưu Bá Ôn được giữ chức Ngự sử trung thừa kiêm Thái sư lệnh, tước Thành Ý Bá. Kể từ đó ông cùng với Tống Liêm[2](1310-1381) giúp vua chế định mọi công việc, từ khoa cử, hình pháp cho đến lễ nhạc...

Sau thấy Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) rắp tâm hãm hại công thần, tháng 8 năm Hồng Vũ thứ nhất (khoảng tháng 10 năm 1368), ông đệ đơn xin từ chức, nhưng mãi đến năm 1371, ông mới được về nghỉ sau khi từ chối ngôi vị tể tướng.

Về cuối đời, do bất hòa với Tể tướng Hồ Duy Dung, ông buồn rầu mà sinh bệnh. Sau khi uống thuốc, bệnh càng trở nên nguy kịch, và ông mất hơn một tháng sau đó (năm 1375), hưởng thọ 64 tuổi, có ý kiến cho rằng ông bị Hồ Duy Dung đầu độc mà chết.

Tác phẩm

Tác phẩm của Lưu Bá Ôn có Thành Ý Bá văn tập, gồm 20 quyển[3], trong đó nổi bật là phần bàn về mưu lược quân sự, mà tiêu biểu là quyển Bách chiến kỳ lược, nêu lên một trăm loại hình tác chiến trong mọi điều kiện, được giới quân sự đánh giá cao.

]Huyền thoại

Lưu Cơ truyện trong bộ Minh sử không ghi chép gì về thuật phong thủy của ông. Nhưng dân gian thì lại lưu truyền rất nhiều chuyện, như chuyện Lưu Cơ chọn đất xây cung điện (chép trong Anh liệt truyện), hay chuyện ông cùng các thầy phong thủy huyện Hải Diêm bàn luận về long mạch ở Trung Quốc (chép trong Lạc dao tư ngữ) v.v...

Đề cập đến vấn đề này, sách Bí ẩn của phong thủy có lời bình:

Lưu Cơ về ẩn dật ở quê, nghe nói ông bị Hồ Duy Dung sai thầy thuốc đầu độc mà chết. Trong con mắt các thầy phong thủy, Lưu Cơ là bậc thầy về thần cơ diệu toán, là nhân vật để lại dấu ấn trong lịch sử phong thủy. Với một “thần nhân” như vậy mà không hiểu làm ăn thế nào, để đến nỗi cuối đời, bị bất hạnh, thậm chí bị đầu độc mà chết? Xem ra, thuật phong thủy không cứu nổi con người[4].

Sau khi có lời bàn tương tự, hai tác giả là Đại tá Trần Ngọc Thuận & Trần Thanh Loan đã kết luận rằng:

Lưu Bá Ôn, lúc già bị thất sủng, bị bệnh tật và bị đầu độc chết, Nhân sinh khó tránh thiên mệnh, thế sự suy vi nhân vô thập toàn.Qua đó cho rằng ông chán cảnh đời chán cảnh vua tôi bạc tình đa nghi cho bậc trung thần cứu quốc. Quyết chí đi về cõi thiên thu lánh sự thời gian gian.[5].

Sấm Lưu Bá Ôn - "Bài ca bánh nướng": Khi Lưu Bá Ôn muốn cáo mão từ quan Ông đã gặp Chu Nguyên Chương lúc đang ăn bánh nướng. Chu Nguyên Chương hỏi ông về triều Nguyên. Ông đã trả lời và viết bài sấm về sau gọi "Bài ca bánh nướng" nói về Trung Hoa Dân Quốc và thế kỷ 21.

Nhận xét tác phẩm

Trong Lịch sử Văn học Trung Quốc tập 3, có giới thiệu vài tác phẩm tiêu biểu của Lưu Bá Ôn kèm theo lời nhận xét, tóm lược như sau:

]Tản v

  • Bài Mại cam giả ngôn (Lời người bán cam): thông qua cuộc nói chuyện giữa người bán cam và tác giả, bằng giọng văn sắc sảo, sinh động, mạnh mẽ; truyện đã vạch trần và công kích sự thối nát của tầng lớp thống trị...[6]
  • Bài Tùng phong các kí: lời văn điêu luyện, miêu tả thành công hình tượng và âm thanh của cây thông núi, rất xác thực và sinh động...
  • Nhưng đặc biệt hơn cả là tập Úc Li tử[7], gồm 18 chương (195 thiên), bằng thể văn ngụ ngôn, được viết vào đời Nguyên, khi ông còn ở ẩn.

Trong Lời tựa, Từ Nhất Quỳ khi nói đến ý đồ sáng tác của tác giả: có lẽ vì ông muốn uốn nắn cái sai lầm của triều Nguyên, nên gợi ra mà nói. Và Lịch sử Văn học Trung Quốc có lời bình:

Trong tập Úc Li tử, chủ yếu tác giả đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích của tầng lớp thống trị, để gieo rắc nhiều những thứ, như tư tưởng thống trị, quan niệm đạo đức, quan điểm định mệnh theo phong kiến...Tuy nhiên trong đó có không ít truyện ngụ ngôn đã bóc trần được hành vi tội ác bóc lột và lừa gạt nhân dân của tầng lớp thống trị, công kích sự thối nát, bất lực và lòng tham không đáy của họ, như chuyện Dưỡng thư giả (Người nuôi khỉ), Dưỡng Phong giả (Người nuôi ong)...Về mặt nghệ thuật, trong Úc Li tử, mỗi bài thường ngắn gọn, nội dung sinh động, ngôn từ giản đơn, tự nhiên và đều có khả năng đứng độc lập vì chỉ được liên kết nhau qua lời bàn của nhân vật Úc Li Tử.

]Thơ ca

Nhìn chung, lời thơ mộc mạc, hào phóng, hùng hồn mang phong cách thơ cổ, làm khơi dậy dòng thơ phục cổ sau này. Lịch sử Văn học Trung Quốc đánh giá:

Nhờ gần gũi nhân dân, nên trong các tác phẩm thơ ca của ông ở thời kì đầu, có không ít bài phản ảnh được hiện thực xã hội, cảm thông được nỗi thống khổ của nhân dân. Như bài Mãi mã từ, Bắc thượng cảm hoài, Tặng Chu Tông Đạo; ông không những chỉ trích gay gắt những quan lại địa phương chiếm đoạt gạo cứu tế, vu cho dân lành là kẻ cướp; mà còn vạch hành vi trần tội ác, thói hay đàn áp của chúng, làm nguy hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Điểm nổi bật nữa là, qua thơ ca, ông đã chỉ ra một chân lí cuộc sống "quan bức, dân phản"... [8]

]Chú thích

  1. ^ Đương thời có câu khen: Thông binh pháp ai hơn Tôn Võ - Giỏi thiên văn phải kể Lưu Cơ (theo Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển quyển I, tr. 74)
  2. ^ Tống Liêm, tự Cảnh Liêm, người Chiết Giang, làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ Thừa chỉ. Đương thời, ông được coi là người đứng đầu các văn thần khai quốc. Tác phẩm của ông cóTống Học sĩ tập, gồm 75 quyển.
  3. ^ Trong dân gian có lưu hành sách Kham Dư mạn hưng, đề tên ông soạn. Nhưng theo giới chuyên môn thì đây là sách do người đời sau giả danh làm ra. (Bí ẩn của phong thủy, tr. 133).
  4. ^ Theo Bí ẩn của phong thủy, tr. 133. Và giống như Bao Công, cuộc đời nhiều huyền thoại của ông đã được các nhà văn, các nhà làm phim gần đây chọn làm đề tài, để sản xuất & biên soạn ra, như: Lưu Bá Ôn Phần 1 (33 tập), Thất Tuyệt Trận-Lưu Bá Ôn II (34 tập), Thần cơ diệu toán (phim ngắn) & bộ sách Phong Thủy Đại Sư - Lưu Bá Ôn gồm 2 tập v.v...
  5. ^ Những nền văn minh thế giới, mục từ Lưu Bá Ôn, tr. 565.
  6. ^ Đánh giá chung về thơ văn đời Minh, học giả Nguyễn Hiến Lê viết: Hồi đầu còn kha khá, có ít bài sánh được với cổ văn các đời trước (một trong số đó có bài Mại cam giả ngôn) Về sau, các văn nhân chỉ ham tranh biện nên bắt chước đời nào, rồi chỉ biết mô phỏng cổ nhân mà thiếu tinh thần sáng tạo. (Sử Trung Quốc tập 2. Nxb Văn hóa, 1997, 171-172
  7. ^ Lịch sử Văn học Trung Quốc không nói rõ Úc Li tử (cũng là tên nhân vật chính) là tập sách riêng hay nằm trong Thành Ý Bá văn tập.
  8. ^ Lịch sử Văn học Trung Quốc, tr. 198.

]Sách tham khảo chính :

  • Lịch sử Văn học Trung Quốc tập 3. Sở nghiên cứu Văn học thuộc Viện KHXH Trung Quốc tổ chức biên soạn. Bản dịch do nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành, 1995, tr.195-198.
  • Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997.
  • Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển quyển I, Sài Gòn, 1966, tr. 724.
  • Bí ẩn của phong thủy, Vương Ngọc Đức (chủ biên). Trần Đình Hiến dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc. Nxb VHTT, 1996.
  • Những nền văn minh thế giới, mục từ Lưu Bá Ôn do Trần Ngọc Thuận & Trần Thanh Loan soạn. Nxb Văn hóa- Thông tin, 1995, tr. 564-565
Theo Bách khoa toàn thư mở


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)