Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 19/9/2014
E-mail     Bản in

LƯU THỊ BẠCH LIỄU - NỮ SĨ THƠ TÌNH
Thỉnh thoảng trên các báo và tạp chí, người đọc hay thấy xuất hiện một cái tên tác giả nữ mà khi đọc lên âm sắc nghe trúc trắc dễ gây ấn tượng - là Lưu Thị Bạch Liễu. Ấn tượng và đi vào bộ nhớ nhiều hơn nữa là những bài thơ nho nhỏ, ngắn gọn, súc tích của nữ sĩ này lại chuyền tải được một lượng cảm nhận đa tầng trong sự cộng cảm, đồng cảm ở phía người đọc.


Nhà thơ LƯU THỊ BẠCH LIỄU
 
Bạch Liễu còn được bạn đọc chú ý hơn nữa khi đoạt giải A cuộc thi Thơ Tình trên báo Văn nghệ Trẻ năm 2007. Lần được giải này khiến bạn đọc lại nhớ thêm lần trước, năm 1993,  Bạch Liễu cũng đã từng đoạt giải Tác phẩm Tuổi xanh của tuần báo Tiền phong, lúc hãy còn rất trẻ. Và cuối năm 2007 người đọc được đọc tập thơ "Cõi tôi" của Bạch Liễu do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là tập thơ thứ hai của tác giả sau tập "Gọi" năm 2004.

Đọc qua tập thơ nhỏ, mỏng, chỉ 31 bài, người đọc có ngay cảm nghĩ rằng mình đang được gặp một nữ thi sĩ đích thực. Có thể liên tưởng và khẳng định rằng so với "liền chị" Xuân Quỳnh - Nữ hoàng thơ tình Việt Nam - thì Bạch Liễu có lẽ còn phải "gồng mình" nhiều hơn nữa. Nhưng qua hai giải thưởng, hai tập thơ, và đặc biệt là những gì Bạch Liễu đã thể hiện được trong thơ nói chung, trong tập "Cõi tôi" này cũng đã cho người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng một nữ sĩ thơ tình đích thực với giọng điệu và bản sắc riêng, rất tự tin và cá tính, khó lẫn vào đâu được.

Là phụ nữ nên nội hàm chính của thơ Bạch Liễu đa phần xoay quanh và xoáy sâu vào những khía cạnh tâm lý tế nhị sâu kín của giới tính mình. Từ tình cảm với người thân, trạng thái tâm lý trong tình yêu... đến những nỗi niềm riêng tư, những phút giây lặng thầm cô lẻ... đều được Bạch Liễu thể hiện bằng nhiều cung bậc, nhiều gam màu phong phú và đa dạng.Này là trạng huống của cô gái khi bắt gặp tình yêu:

 
Cây cọ mỗi năm xòe mười hai lá...
Cây em
Mọc một trái tim
Nở một mối tình
Mười hai tháng
Mười hai năm
Mười hai kiếp
Hoan ca khúc bi ca
Anh không biết!
 
(Chuyện về những cây cọ)

 
Sự kín đáo, tinh tế đầy chất nữ ấy còn được Bạch Liễu viết trong một bài thơ rất xứng đáng được xếp vào hàng thơ hay về Đà Lạt:

Cám ơn dịu dàng sương Đà Lạt
Thả ta bồng bềnh giữa phố đông
Trôi qua hoa trôi qua thông
Chỉ em biết không phải em run lên vì sương
Chỉ anh biết không phải anh run lên vì lạnh

(Dịu dàng Đà Lạt)

 
Có những câu thơ đọc thoáng ngỡ nói tả vu vơ về ngoại cảnh nhưng kỳ thật là những ngụ ý, những ký thác trạng thái tâm hồn - những câu thơ trong trẻo một nỗi buồn trong suốt như gặp đâu đó trong truyện đồng thoại:

Không biết đêm qua mưa nói gì với ngôi nhà
Mà các khung kính cửa đều nhòe ướt...
Những lá cây rì rầm gì với những lá cây
Lá cây nào cũng rưng rức nước...

(Du xuân)

Không còn nỗi tê tái
Của đóa quỳnh tàn sớm mai
Nhận ra không ai biết đêm qua mình nở...
Tôi nhìn những xoáy nước sâu dưới hiền hòa mặt sông
Không biết sông làm thế nào mà vẫn chảy?

(Sông nhìn tôi nhìn sông)

Sông làm thế nào mà vẫn chảy

 
thì... có lẽ người trong cuộc mới trả lời được! Khi nhận ra mình ngày càng dấn sâu vào tình yêu không cưỡng nổi, những hồn nhiên trong sáng thuở nào không còn nữa, ai chẳng có những phút giây tiếc nhớ ngẩn ngơ thời hoa mộng ngày xưa. Thơ Lưu Thị Bạch Liễu cũng nói về nỗi rưng rưng  hoài cảm này:
 
Những ngày chưa xa, chưa xa
Hạt nằm mơ ngủ trong vườn nhà
Chờ mùa xuân đánh thức
Em mơ anh khi đang giữa phố đông
Khi thử bộ đồ đẹp
Cả khi uống ly nước cam...
Tìm đâu bóng chuyến tàu quá khứ
Em đáp về ngày xa..

(Những ngày chưa xa)

 
Một thoáng tưởng tiếc ngày xưa thôi, còn bây giờ, trước mắt và trong tay là một tình yêu cần bảo trọng. Phụ nữ là người thường hay âu lo nghi hoặc về viễn cảnh tương lai của những ngày sắp tới. Cái nghịch lý khó thay đổi đối với người phụ nữ trong tình yêu là mặc dù đang nồng nàn hạnh phúc, và là người chung thủy sắc son hơn thì cũng chính họ là người thường trực nghi hoặc (dẫu mơ hồ) về những trắc trở giữa hai người! Bạch Liễu diễn đạt điều này một cách sâu sắc:

Dòng sông lặng lẽ kia
Miệt mài chảy trong đam mê của nó
Bông hồng thắm đỏ kia/ Bừng bừng nở
Ngay cả tảng băng lạnh lẽo
Cũng lạnh đến hết mình...
Em ngắm nhìn anh bằng đôi mắt khép
Thấy phía trước dằng dặc một con đường!


(Tự khúc)

Không có tên anh trong nỗi thất vọng của em...
Có những đêm em mơ giấc mơ khủng khiếp
Không gọi anh/ Chỉ đến khi trái tim em nằm im
Những tế bào thần kinh sẽ trỗi dậy
Sáng lên một hình bóng
Rồi lẳng lặng chìm vào vĩnh hằng


(Người yêu).

 
Cảm giác cô đơn, mong nhớ trông chờ trong tình yêu vào phút giây riêng lẻ một mình cũng được Bạch Liễu khai thác khá sâu và khá sắc bằng những vần thơ buồn đẹp mênh mang:
 
Một mình trên đường đông
Con đường như cây cầu
Nối từ chơi vơi này
Sang chơi vơi kia
Một mình trên đường sương
Bước từ mờ mịt
Sáng mịt mờ
Gió vội đi đường của gió
Tôi lãng đãng trên đường riêng tôi
Lênh đênh như thế một đời
Cuối đường tách trà không tỏa khói


(Hạnh phúc)

Đến nơi nào
Cũng thừa tôi cả
Đôi mắt tôi không ngủ
Sáng thành hai vì sao
Hai vì sao không ngủ
Cháy mãi một nơi nào...


(Tự khúc)

Phố đen chiều mưa
Em trắng đêm nhớ
Bật chùm hoa gạo đỏ
Cháy lên mà chờ!


(Đợi)

Sông miệt mài thế kia
Vì biết cuối hành trình là biển
Mưa mải mê thế kia
Vì biết đang chờ mình là đất
Chỉ em và trăng
Tự tròn tự khuyết!


(Hành trình)...

 
Là người sinh sống và gắn bó với quê nhà Thái Nguyên nên cảnh sắc nơi đây cũng đi vào thơ Bạch Liễu như một điệp khúc song hành với những cung bậc tình cảm khác. Này là đêm nơi quán nhỏ bên dòng sông Cầu thơ mộng:

Thèm một người ngồi bên
Ngắm cà phê cùng em
Cùng nhấp dòng sông Cầu đang chảy
Thèm người ấy ngồi bên
Hát cho em nghe
Bài ca của riêng đàn ông xứ núi...
Thái Nguyên trăng rơi
Đẫm từng câu hát


(Trôi cùng đêm)

 
Này là đêm vu vơ bên hồ Núi Cốc:
Sương ôm kín núi
Sương buông trắng hồ
Tiếng chèo khoát sóng
Đến từ rất xưa...
Liễu xanh xỏa tóc
Thả lưới mặt hồ
Kéo được chiếc bóng
Của người bơ vơ!


(Hồ Núi Cốc)...

 
Trong cuộc sống gia đình chồng vợ, thân phận người phụ nữ cũng được Bạch Liễu quan sát, chiêm nghiệm rồi so sánh ví von bằng những hình ảnh, những ý tưởng chắc lọc và đắc địa:

Người phụ nữ Dao
Tuổi cao dần đầu thấp dần...
Chỉ con suối nhìn thấy trái tim họ trĩu xuống
Trọn đời địu một bóng đàn ông!


(Ở Cao Phong)

 
Và cuối cùng thì sự an ủi, bám víu quý giá nhất của những người đàn bà vẫn là những đứa con:

Khi mẹ sắp rơi
Con níu
Khi mẹ sắp trôi
Con neo...
Vịn vào con gái nhỏ
Mẹ không còn chơi vơi!


(Hằng)...

 
Như thế đấy, thơ Lưu Thị Bạch Liễu giàu nữ tính mà cũng đầy cá tính; nhạy cảm và tinh tế trong quan sát, trong liên tưởng và có cách biểu đạt hàm súc, sắc nét. Đây là thơ của một cây bút chắc tay, có ý thức sáng tạo. Người đọc tin rằng người thơ nữ trẻ này còn tiếp tục những bước thong dong rộng dài và ngày càng đằm thắm.
                                                                                                    
 
Theo TẠ VĂN SỸ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)