Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. NHÂN TÀI LƯU TỘC.
Đăng ngày 19/12/2014
E-mail     Bản in

PGS,TS Lưu Văn An:“Người thầy giỏi là người nghiên cứu khoa học giỏi”
Trong Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học 5 năm (2009-2014) do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/9/2014, PGS,TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền được xếp thứ 4 và là một trong số 10 người được tuyên dương và nhận Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Phóng viên AJC đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà giáo, nhà khoa học này:

PV: Xin chúc mừng thầy vừa được tuyên dương có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học 5năm của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thầy có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi vinh dự được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh?

PGS,TS Lưu Văn An: Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được nhận bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia do có thành tích nghiên cứu khoa học. Phần thưởng này là sự ghi nhận của cơ quan quản lý cấp trên đối với sự cố gắng, nỗ lực nghiên cứu khoa học của tôi trong 5 năm qua; đồng thời cũng tạo ra áp lực đối với cá nhân tôi, đòi hỏi mình phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin của cấp trên, đồng nghiệp và học viên, sinh viên. 

Nhân dịp nhận danh hiệu này, tôi muốn gửi lời cám ơn tới các đồng nghiệp, học viên, sinh viên đã góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp tài liệu cho tôi trong quá trình thực hiện các đề tài khoa học. Những lời động viên khích lệ, những cuốn sách, tài liệu mà đồng nghiệp, bạn bè tặng tôi là tài sản tinh thần vô cùng quý giá của tôi, giúp tôi có thêm tri thức, ý tưởng để tiếp tục nghiên cứu khoa học.

PGS,TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

PV. Cách đây đúng 5 năm, khi Học viện CTQG Hồ Chí Minh tổng kết công tác NCKH 5 năm (2004-2009), thầy cũng đã từng vinh dự được nhận Bằng khen do đạt giải nhì về chất lượng công trình khoa học Thể chế chính trị Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám dưới góc nhìn hiện đại, Nxb CTQG, H., 2008. Dịp đó khi trả lời phỏng vấn phóng viên Webwite của Nhà trường, thầy đã nói: Tôi đang tham gia “khai hoang mảnh đất Chính trị học”. Vậy thầy có thể chia sẻ về một số thành tựu đã đạt được trong công cuộc “khai hoang” đó. Và bây giờ thầy còn phải “khai hoang” nữa không?

PGS,TS Lưu Văn An: Vào thập niên đầu thế kỷ XXI, Chính trị học vẫn còn là một ngành khoa học non trẻ ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này còn ít, các tài liệu nghiên cứu và giảng dạy chủ yếu dịch từ tiếng nước ngoài. Vì vậy, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với người nghiên cứu. 

Do có nhiều vấn đề cần phải làm rõ, cần phải nghiên cứu để biên soạn giáo trình, tập bài giảng cho chuyên ngành đào tạo, nên tôi và các đồng nghiệp Khoa Chính trị học đã khẩn trương tập trung nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài cùng một lúc, trong đó có những môn học lần đầu tiên được biên soạn ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của công tác giảng dạy. 

Vì vậy, tôi đã nói vui với các đồng nghiệp là chúng ta đang đi khai hoang, khai phá mảnh đất Chính trị học, vun trồng lên đó những công trình nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đã biến thách thức thành cơ hội và trong một thời gian không dài, hầu hết các môn học của Khoa đã có đầy đủ giáo trình in sách, giáo trình nội bộ. 

Trong 5 năm qua, tôi đã chủ trì, tham gia chủ trì 15 đề tài khoa học, trong đó có 3 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp cơ sở trọng điểm, 7 đề tài cấp cơ sở. Hầu hết các đề tài sau khi nghiệm thu được chỉnh sửa, hoàn thiện và được in ở nhà xuất bản, là giáo trình, sách tham khảo phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo tại Khoa và Học viện.

Trong quá trình thực hiện các đề tài, tôi thường trích một phần kết quả nghiên cứu kết cấu thành những bài báo và đến nay tôi đã đăng được 63 bài trên các tạp chí khoa học (trong 5 năm vừa qua có 20 bài). Ngoài ra tôi còn tham gia viết giáo trình Đề án 1677 cho các chuyên ngành tại Học viện Báo chí – Tuyên truyền, tham gia chủ trì đề tài nhà nước của Thông tấn xã Việt Nam.

Đến nay (2014), ngành Chính trị học ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, số công trình nghiên cứu về khoa học này ngày càng nhiều. Ngoài Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí- Tuyên truyền, đã có thêm một số cơ sở đào tạo về chuyên ngành này như ở Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội, Trường Đại học KHXH và NV Tp Hồ Chí Minh; không chỉ đào tạo bậc cử nhân, thạc sĩ mà cả tiến sĩ Chính trị học. 

Như vậy, ngành Chính trị học không còn mới mẻ nữa, mà đã được nghiên cứu khá kỹ, đủ cơ sở để khẳng định đây là một ngành khoa học có vị trí quan trọng trong hệ thống các khoa học chính trị ở Việt Nam. Công tác nghiên cứu và đào tạo Chính trị học đã và đang góp phần đắc lực vào việc làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đi lên CNXH ở nước ta và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống chính trị các cấp.

Theo tôi, hiện nay vấn đề mới cần được “khai hoang” đó là “mảnh đất Chính sách công”. Đây là chuyên ngành mới được đưa vào đào tạo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi còn là Trưởng khoa Chính trị học, tôi cùng tập thể Khoa tìm đọc tài liệu trong và ngoài nước, xây dựng chương trình cử nhân Chính sách công, bước đầu nghiên cứu biên soạn các giáo trình, tập bài giảng để giảng dạy ngay.

Khi đó tôi có khá nhiều ý tưởng về triển khai các hướng nghiên cứu, đã phân công cho anh chị em trong Khoa phụ trách từng môn học theo sở trường của mỗi người. Trải qua 3 năm, đã có khá nhiều tập bài giảng, giáo trình nội bộ được hoàn thành, tuy nhiên chưa có công trình nào hoàn thiện để có thể in sách. 

Đây là lĩnh vực mới, rất khó nên cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện dần. Từ năm 2012, khi rời Khoa lên làm Phó Giám đốc Học viện, không còn nhiều thời gian và điều kiện để tập trung vào chuyên môn, trọng trách ấy tôi đã trao lại cho các giảng viên khoa Chính trị học. Các thầy cô giáo trẻ của Khoa đang ra sức “khai hoang, cày sới trên mảnh đất Chính sách công” mới mẻ này. 

Một số giảng viên của Khoa được đào tạo bài bản, hệ thống lại giỏi tiếng Anh, có điều kiện đọc sách nước ngoài nên việc tiếp cận ngành học này cũng rất nhanh, thuận lợi hơn so với chúng tôi ngày xưa. Tuy nhiên, công việc này cũng đầy nhọc nhằn, gian khổ không kém người nông dân cày cuốc là mấy, đòi hỏi phải kiên trì, có nghị lực, bản lĩnh và sự đầu tư thời gian, công sức thì mới có thể khám phá và khai thác được nhiều điều thú vị, mới mẻ về lĩnh vực này. 

Tôi tin là Khoa Chính trị học sẽ làm được điều đó trong tương lai gần.

PGS,TS Lưu Văn An vinh dự nhận Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học 5 năm (2009 -2014) của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PV: Thầy tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học, vậy trong số các công trình nghiên cứu khoa học của mình, đề tài khoa học nào thầy tâm đắc nhất?

PGS,TS Lưu Văn An: Trong số các công trình, đề tài nghiên cứu, thể chế chính trị là vấn đề tôi tâm đắc nhất. Trước đây tôi cùng GS,TS Dương Xuân Ngọc chủ biên cuốn sách Thể chế chính trị thế giới đương đại (năm 2003), sau đó tôi nghiên cứu và công bố công trình Thể chế chính trị Việt Nam trước cách mạng tháng Tám (được giải nhì về chất lượng của Học viện CTQG Hồ Chí Minh năm 2009),  tiếp nối là công trìnhThể chế chính trị Việt Nam hiện đại (xuất bản năm 2012).

Các công trình này đã hệ thống hóa được các mô hình thể chế chính trị tiêu biểu trên thế giới, đã phân tích, so sánh và rút ra được các giá trị của thể chế chính trị Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Ba cuốn sách này đã phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu và giảng dạy cả bậc cử nhân và cao học ngành Chính trị học tại Học viện. 

Ngoài ra, do Học viện ta là Báo chí - Tuyên truyền, tôi cũng muốn tìm ra bản chất mối quan hệ giữa chính trị với báo chí truyền thông nên đã thực hiện đề tài cấp bộ và đã in thành sách Truyền thông đại chúng trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở các nước tư bản phát triển (Nxb LLCT, 2008).

PV: Hiện là Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và cũng là người  trực tiếp phụ trách lĩnh vực đào tạo, thầy có đánh giá, nhận xét gì về vai trò của nghiên cứu khoa học đối với công tác đào tạo của Học viện?

PGS,TS Lưu Văn An: Theo tôi, người thầy giỏi chắc chắn phải là người nghiên cứu khoa học giỏi. Điều đó có nghĩa là, thầy muốn dạy giỏi thì bắt buộc phải nghiên cứu khoa học, không có cách nào khác. 

Chỉ có nghiên cứu khoa học thì mới cập nhật được thông tin về vấn đề mình giảng, thường xuyên học hỏi, nâng cao trình độ nhận thức, đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận các vấn đề nghiên cứu, có như vậy bài giảng mới sâu sắc, sinh động, mới gây hứng thú cho người học. Nếu người thầy nắm chắc nội dung bài giảng, chắc chắn sẽ thoải mái “thoát ly giáo án”, chủ động thực hiện các phương pháp giảng dạy tích cực. 

Ngược lại nếu không nghiên cứu, không sâu về nội dung bài giảng, người thầy bị lệ thuộc vào giáo án, sẽ bị động, ngại áp dụng phương pháp giảng dạy mới (vì còn mải lo nhẩm cho thuộc bài). Nhiều người cho rằng, cứ có phương pháp giảng dạy tốt đã là người thầy giỏi rồi, điều đó không chính xác. Phương pháp giảng dạy chỉ là cách truyền tải dễ hiểu, giúp người học nắm bắt nhanh nội dung, kỹ năng. 

Nếu chỉ có kỹ năng thôi chưa đủ. Những tri thức khoa học, những thông tin mới, cách tiếp cận khoa học mới sẽ làm cho chất lượng bài giảng được nâng cao. Tất nhiên, nếu chỉ có nghiên cứu mà không đổi mới phương pháp giảng dạy thì những tri thức ấy không “đến” người học được, thầy nói và thầy tự nghe mà thôi. Vì vậy, người thầy phải chịu khó, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, từ đó tự làm mới mình trước sự đánh giá của học viên, sinh viên.

Ở Học viện chúng ta hiện nay đang đào tạo 29 ngành/chuyên ngành cử nhân, 14 chuyên ngành thạc sỹ, 3 ngành/chuyên ngành tiến sỹ. Nghĩa là nhu cầu biên soạn giáo trình hằng năm rất lớn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên phải tích cực nghiên cứu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Đây là một vấn đề cấp thiết. 

Vì vậy, mọi đề tài nghiên cứu của Học viện trước hết phải phục vụ cho mục tiêu đào tạo, phải hướng tới giáo trình, tài liệu tham khảo cho các chuyên ngành đào tạo. Nghiên cứu khoa học phải trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của giảng viên đại học. Đây cũng là việc làm thiết thực đóng góp vào xây dựng thương hiệu, uy tín của Nhà trường. Một trường đại học nổi tiếng trước hết nhờ có các nhà giáo là nhà khoa học có uy tín, có những công trình khoa học nổi tiếng, được xã hội thừa nhận.

PV: Hiện nay, bên cạnh những giáo viên say mê với công tác nghiên cứu khoa học thì cũng còn một số người nghiên cứu khoa học chỉ mang tính đối phó “làm cho xong”, cho đủ chỉ tiêu đặt ra hoặc để giải ngân… nên chất lượng không cao, công trình không có đóng góp gì mới trên phương diện khoa học. Thầy suy nghĩa thế nào về vấn đề này?

PGS,TS Lưu Văn An: Do tư tưởng đối phó “làm cho xong”, cũng như nhiều khi mục đích đặt ra nặng về lợi ích kinh tế hoặc cần có bài để đủ tiêu chí thi đua nên việc “xào - nấu lại” vẫn còn tồn tại trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Hiện nay không thiếu những công trình được đánh giá xuất sắc khi nghiệm thu nhưng lại không có đóng góp gì về phương diện khoa học. Ngoài ra, việc nghiên cứu những gì đã có sẵn cũng được áp dụng để nhằm giảm thiểu chi phí thực hiện…, dẫn tới tình trạng nhiều công trình sau khi nghiệm thu đều được đóng bìa cứng xếp vào trong tủ kính “nhìn cho đẹp”.  

Chắc chắn những công trình ấy không giúp nâng cao trình độ của người nghiên cứu, ít mang lại lợi ích xã hội mà ngược lại, còn gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Đối với tôi, tất cả các đề tài thực hiện đều hướng tới giáo trình, tài liệu in sách; một phần nào đó được trích ra thành các bài báo, nghĩa là phải được xã hội hóa, phục vụ được đông đảo người học, người đọc. Chỉ có con đường in sách thì đề tài khoa học mới thực sự phát huy được giá trị của nó.

PV: Nghiên cứu khoa học hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Đâu là nguyên nhân? Có ý kiến cho rằng vì kinh phí thấp nên không khuyến khích được giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Vậy ý kiến của thầy về vấn đề này thế nào?

PGS,TS Lưu Văn An: Kinh phí cho nghiên cứu khoa học vẫn còn thấp, song đó không phải là nguyên nhân chính khiến giảng viên không hào hứng tham gia. 

Bởi nếu là giảng viên thực sự tâm huyết với nghề thì dù không có kinh phí nhưng để nâng cao chất lượng bài giảng của mình, để không phải xấu hổ trước học viên, sinh viên (do bài giảng nhạt nhẽo, chỉ đọc giáo án, không dám thảo luận, giải đáp thắc mắc) thì họ sẵn sàng dành thời gian, công sức, thậm chí tự bỏ tiền ra để nghiên cứu khoa học.

Theo tôi nguyên nhân chính ở Học viện ta là do công việc giảng dạy quá nhiều, một số người do công việc gia đình (nhất là phụ nữ) chi phối; một số khác do khả năng nghiên cứu hạn chế… Nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu nhất là giảng viên chưa xác định rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, ý thức nghề nghiệp chưa cao. 

Có một số giảng viên lên lớp còn giảng chay, đọc giáo trình có sẵn (của người khác) và hầu như không bổ sung kiến thức trong nhiều năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo, đòi hỏi Nhà trường cần phải có biện pháp, cơ chế yêu cầu, bắt buộc họ thay đổi.

Hiện nay, Học viện đã và đang tiến hành lấy phiếu đánh giá từ phía sinh viên đối với giảng viên. Đây là vừa là động lực cổ vũ, đồng thời cũng là biện pháp giám sát giảng viên, buộc họ phải nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy để phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ. 

Tuy nhiên, để nghiên cứu khoa học hiệu quả thì yếu tố quyết định chính là động lực, ý chí, ý thức trách nhiệm của giảng viên trước tập thể và trước bản thân mình. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi giảng viên đều có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học. 

Có như thế chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu đề ra: tất cả các môn học đều có giáo trình vào cuối năm 2015.

PV:  Đảm nhận chức vụ Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công việc hành chính sự vụ, quản lý chiếm khá nhiều thời gian, vậy thầy có kế hoạch, dự định gì để duy trì và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của mình?

PGS,TS Lưu Văn An: Hiện nay, tuy công việc hành chính sự vụ, quản lý cũng khá nhiều, nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy ở khoa Chính trị học và một số khoa khác trong Nhà trường. 

Hàng năm, tôi vẫn đăng ký 1 đề tài khoa học, vẫn cố gắng công bố các bài báo, in sách, viết tham luận và tham gia các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ. Vì nghiên cứu khoa học là niềm đam mê nên tôi sẽ tranh thủ mọi điều kiện có thể để thực hiện những công trình khoa học của mình.

PV: Xin cảm ơn thầy, chúc thầy sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong hoạt động khoa học và công tác giảng dạy.

Một số thành tích mà PGS,TS Lưu Văn An đã được vinh danh :

Giải nhất nghiên cứu khoa học Học viện Báo chí - Tuyên truyền 2 năm 2000-2001

Giải ba nghiên cứu khoa học Học viện Báo chí - Tuyên truyền 2 năm 2002-2003

Giải khuyến khích nghiên cứu khoa học Học viện Báo chí - Tuyên truyền 2 năm 2004-2005

Giải nhì nghiên cứu khoa học Học viện Báo chí - Tuyên truyền 2 năm 2006-2007

Giải nhì chất lượng công trình khoa học của Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh 5 năm (2004-2009)

Thành tích xuất sắc nghiên cứu khoa học năm 2013 của Học viện Báo chí- Tuyên truyền

Thành tích xuất sắc nghiên cứu khoa học 5 năm Học viện CTQG Hồ Chí Minh (2009-2014)

Chủ biên, đồng chủ biên, tham gia các sách, giáo trình:

  1. Chính trị học đại cương  (Nxb CTQG, 1999)
  2. Thực hiện Qui chế dân chủ ở cấp xã- lý luận và thực tiễn (Nxb CTQG, 2000)
  3. Lịch sử tư tưởng chính trị (Nxb CTQG, 2001)
  4. Đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước (Nxb CTQG, 2002)
  5. Thể chế chính trị thế giới đương đại  (Nxb CTQG, 2003)
  6. Chính trị học Việt Nam (Nxb CTQG, 2005)
  7. Tìm hiểu môn học Chính trị học (Nxb CTQG, 2005)
  8. Truyền thông đại chúng trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở các nước tư bản phát triển (Nxb LLCT, 2008)
  9. Quan hệ chính trị quốc tế (Nxb CTQG, 2009)
  10. Thể chế chính trị Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám dưới góc nhìn hiện đại (Nxb CTQG, 2008)
  11. Khoa học về chính sách công (Nxb CTQG, 2008)
  12. Giới thiệu tác phẩm Hồ Chí Minh và văn kiện ĐCSVN về chính trị (Nxb LLCT, 2009)
  13. Xây dựng xã hội dân sự ở VN- một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Nxb LLCT, 2009)
  14. Vận động hành lang trong đời sống chính trị các nước phương Tây (Nxb LLCT, 2010)
  15. Hỏi và đáp những vấn đề cơ bản của Chính trị học (Nxb LLCT, 2011)
  16. Giáo trình Chính trị học so sánh (Nxb CTQG, 2011)
  17. Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam hiện nay (Nxb CTQG, 2012)
  18. Thể chế chính trị Việt Nam- lịch sử hình thành và phát triển  (Nxb CT-HC, 2012)

 Mai Nghiêm

Học viện Báo chí & Tuyên truyền



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)