Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 18/9/2014
E-mail     Bản in

Ý NIỆM VỀ CHA MẸ
Ý niệm về Cha Mẹ: là ý niệm thiêng liêng nhất trong mỗi trái tim, vượt trên mọi ý nghĩa trong cuộc đời. Con người là thiên tính tối linh của muôn loài trên thế gian, do vậy không có ý thức về cha mẹ tức là vô nghì bất hiếu, ý thức về cha mẹ là đi đôi với sự yêu thương tôn kính của bổn phận làm con trong từng giây phút mỗi ngày. Phải hiểu được còn cha mẹ ở bên mình là diểm phúc tuyệt vời, nên hãy làm bất cứ một điều gì dù chỉ là một lời nói ngay lúc cha mẹ còn sống trong hiện tại mà cha mẹ được vui tươi.

 

      Còn cha là còn ánh sáng mặt trời, còn mẹ là còn mặt trăng trong đêm rằm ,hai vầng nhật nguyệt là chân lý tuyệt đối tâm linh của con người . Do đó ý niệm rằng mình còn cha mẹ là điều hạnh phúc tối thượng. Dù có bao công hạnh hay ý niệm gì đi nữa, hiếu tâm là việc làm đầu tiên đối với bậc song thân cho những ai muốn tiến triển đến với đời sống văn minh, thương yêu hòa nhập cộng đồng.

      Đối với cuộc sống, chúng ta phải nên gần gũi bạn hiền, lo trao dồi tinh tiến ăn học để cha mẹ vui lòng, chớ chạy theo thói học đòi vật chất, tham lam, ích kỷ mà đánh mất đi đạo đức nơi tâm mình.

      Ngày nay không ít bạn trẻ khi ra đường chung đụng với đời sống xã hội cạnh tranh tiền tài vật chất, làm ăn .Đôi khi gặp khó khăn hay những tác động không tốt ,nên đã có những người đánh mất lương tâm đạo đức của mình khi đối xử với cha mẹ , hay vì ăn học có chút trình độ trí thức xem cha mẹ mình là dốt , thiếu hiểu biết sáng suốt.

        Ý niệm về Cha Mẹ : Là gần gũi ,chia sẻ với cha mẹ , không khinh khi cha mẹ , dùng lời  nói dịu dàng , giúp cha mẹ mọi công việc khó khăn , làm lợi ích cho gia đình xã hội , ăm nói lễ phép , cử chỉ nhẹ nhàng đôn hậu.

        Lẽ sống hợp đạo lý chính là tấm lòng chân thành của ta đối với cha mẹ, chứ không phải là vật chất ,suối nguồn hạnh phúc mà Cha Mẹ thọ nhận từ nơi ta là trong giây phút hiện tại này và ở đây. Thể hiện rõ đạo lý ý niệm này, là thông qua nếp sống có ân tình sâu đậm với Mẹ Cha, nhờ vậy mà chúng ta tăng trưởng được phúc duyên lành.

        Không có sự mất mát nào lớn bằng khi ta mất Mẹ mất Cha. Chúng ta phải biết tri ân cuộc đời đã ban tặng cho ta Mẹ và Cha. Người là suối nguồn hạnh phúc thương yêu sâu tận, là kỳ quan vĩ đại tinh cầu trong cuộc đời này. Chính nhờ tình yêu thương nuôi dưỡng này mà ta có được thân mạng hình hài, có được tâm linh với tấm lòng khả ái. Dù bao gian lao khó nhọc hay cạm bẫy tang thương của cát bụi dòng đời Cha Mẹ vẫn là người che chở an ủi ta vượt qua mọi phong ba bão tố.
         Có bao giờ ta có ý thức được rằng ta còn Cha Mẹ ! Đây là phút giây thật tĩnh lặng để chúng ta nhận diện kỹ món quà quý nhất mà vũ trụ cho ta.

         Nhờ có Cha Mẹ mà ta có sự nghiệp vững chắc, nhờ có Cha Mẹ mà ta biết yêu thương, biết quê hương huyết thống Tổ tiên Đất nước, nhờ có Cha Mẹ tạo dựng ta mới được hãnh diện với cuộc đời, sống trọn ân nghĩa của một con người. Chúng ta hãy đem hết ý niệm về Cha Mẹ để sống với Mẹ Cha bằng vô vàn tha thiết yêu mến và dâng trọn bao lòng tin kính ngay khi người còn sống . Cha Mẹ là quê hương cội nguồn, là tình yêu lẽ sống trên đời ta, dù cho ta có tha hương cầu thực hay ở nơi chân trời bể lạ. Giây phút nhiệm màu là ta vẫn quay về với Mẹ Cha. Hơn bao giờ và hơn ai hết Cha Mẹ là người dang rộng vòng tay đón đợi chờ ta.

. Cho nên người mà bất hiếu với Cha Mẹ thì không thể nào tiến hóa làm thượng nhân, đạo nghĩa ở đời cổ đức có dạy: Dù tại gia hay xuất gia, dù là Thanh văn hay chư Phật đều có bổn phận ý niệm đền ơn Cha Mẹ như nhau. Vì tâm hiếu là tâm thiện, tâm  Phật. Tánh …tâm này mới là tâm thiện pháp đứng đầu trên tất cả các tâm.

      Gương Hiếu hạnh : Ở Việt Nam ta vào thời Vua Tự Đức (1848-1883)

  Vua Tự Đức nổi tiếng là vị vua hiếu đạo đệ nhất trong 13 vị hoàng đế. Tuy là vua nhưng không vì quyền cao chức tước mà ông quên bổn phận làm con.

   Vua Tự Đức luôn dành ngày chẵn vào cung vấn an sức khỏe mẫu hậu là bà Từ Dũ, ông luôn săn sóc Mẹ, tôn kính nhất mực vâng lời . Bà truyền dạy điều gì quan trọng mật thiết ông liền ghi vào sách tùy thân mà tư duy để nhớ lời Mẹ dạy .Sách gọi là Từ huấn Lục.

       Một lần tới ngày giỗ kỵ của Tiên đế Thiệu Trị vì vua ham săn bắn gặp lúc mưa nước lụt chảy mạnh, vua và quan quân không dám dong thuyền hồi cung, bị mắc lụt tại thành rừng Thuận Trực. Mẫu thân Từ Dũ cho quan Nguyễn Tri Phương đi đón vua về. Vua Tự Đức về trễ biết lỗi của mình, ông dâng roi cho mẹ, nằm chờ Mẹ phạt. Mẫu hậu thấy vậy giận mát chỉ trách dạy vua bằng lời.

        Trong suốt 36 năm chấp chính việc nước nhà, ông rất chí hiếu với Mẹ. Khi có việc gì triều chính lo âu ông thỉnh Mẹ góp ý kiến, cùng góp phần lo việc an đân , vì vậy Mẫu hậu đã đề nghị giảm thuế cho dân khi gặp nạn lũ lụt mất mùa.

        Lại như gương hiếu của Thiền sư Nhất Định, lên núi ẩn tu nhưng vì có mẹ già không nỡ bỏ Mẹ neo đơn một mình. Ngài bèn cõng Mẹ lên núi lập An dưỡng am vừa tầm đạo vừa nuôi Mẹ .Bà mẹ Ngài lâm bịnh thầy đông y cho rằng phải bồi bổ tịnh dưỡng bà bằng cháo cá thì bệnh mới giảm bớt. Vì thương Mẹ nên Thiền sư đã xuống chợ mua cá chết về nấu cháo thổi cho Mẹ.

  Qua thời gian cơn bệnh được thuyên giảm, hằng ngày Thiền sư tự tay chăm sóc Mẹ, lượm củi đổi gạo nuôi Mẹ. Câu chuyện Thiền sư Nhất Hạnh mua cá bị người đời dị nghị mai mỉa, họ cứ tưởng là ông ăn cá nhưng ông cứ trầm tĩnh mặc nhiên.

      An dưỡng am cách kinh thành không bao xa mà vì thế câu chuyện đã tới tai vua Tự Đức. Vốn là ông vua đức hiếu, sau khi tiếp chuyện với Thiền Sư Nhất Định vua mới tường tận sự thật. Vua rất cảm động tấm lòng hiếu cũng như đạo hạnh của Thiền Sư, liền cho tu sửa An Dưỡng Am và ban biểu ngự là “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự” tức chùa Từ Hiếu ngày nay tại Huế. Câu chuyện tích này có thực trong lịch sử Việt Nam. Để lại những ấn tượng hiếu hạnh cao đẹp lưu danh cho tới ngày hôm nay. Quan niệm nho giáo: Chữ hiếu đứng đầu trong trăm nết,là giữ đạo con người.

          Một tương lai dựa vào thực tế là sống với hiện tại. Chúng ta hãy noi gương những bậc tiền nhân hiếu kính Mẹ Cha. Đã đành cuộc đời này có bao thử thách nhưng chúng ta phải vượt qua và hãy giữ tròn trách nhiệm chính mình; là người con, chúng ta không chỉ đứng yên để nhìn Cha Mẹ, mà phải sống báo ân thật sâu đậm bằng cả con tim và tấm lòng. Hãy làm cho Cha Mẹ vui tươi như loài hoa rộ nở mỗi ngày. Là người con không ai không có Ông bà, Cha mẹ, huyết thống Tổ tiên, chính vì ý nghĩa này mà chúng ta phải cảm nhận sự tồn tại có mặt của ta trên thế gian này. Cha mẹ lo cơm ăn áo mặc, giáo dưỡng, ân đức ấy khăng  khít từ lúc con còn trong bọc trứng cho đến khi lọt lòng rồi khôn lớn.

        Ý niệm về Cha Mẹ: là sự thôi thúc trăn trở, là thái độ hướng đến ân nghĩa trong tâm niệm bổn phận làm con đối với: Người sống cũng như người chết, chính vì ý niệm này sẽ giúp cho mỗi người con được an vui trong hiện tại và tương lai. Ở góc độ này lòng thương tưởng đến Cha Mẹ sẻ cho ta mở rộng tâm từ bi bác ái với tha nhân, tạo điều kiện tốt đẹp để ta nâng cao sử hiểu biết và phước duyên khi ta vào đời .

        Ý niệm về Cha Mẹ: Phải được tôn vinh, không còn là cá nhân một ai nữa. Là Cha Mẹ chung của người cũng như của ta, thiết nghĩ như vậy là tâm cao quý, tâm kính trọng người lớn hơn mình. Cha Mẹ là vị Phật, là đấng tối tôn cũng bởi thế mà trong Tam Bảo Tạng có ghi : Nếu có người muốn vua Phạm Thiên hay Đế Thích, hoặc muốn tất cả thiên thần ở trong nhà cho đến các bậc thánh hiền thì hãy hiếu kính Mẹ Cha, cung dưỡng Mẹ Cha .

Cha Mẹ là là bậc ân đức để ta cúng dường. Ơn Cha Mẹ như trời cao biển cả, hiếu đạo là nền tảng đạo đức chúng ta tất phải suốt đời lễ kính, cung phụng, dưỡng nuôi mà báo đáp ơn sâu Cha Mẹ, như ngàn nhánh sông đỗ về đại dương. Cũng vậy bằng nhiều phương pháp báo hiếu Mẹ Cha, dù ở nơi đâu, đi nữa. Ý niệm hiếu tâm có mặt mới là tiếng nói đích thực xuất phát từ trái tim dạt dào nhựa sống cho Phụ Mẫu song thân được sống động trường tồn vĩnh cửu.

     Thế kỷ hôm nay là phát triển về mặt trí thức xã hội nhân văn, chúng ta cần phải trở về với chính mình .Sống hiếu hạnh với Cha Mẹ. Đây là ý niệm, điều thiết yếu để góp phần xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục xã hội cho nếp sống ngày càng  CHÂN - THIỆN - MỸ.
Trích : Tâm ca Vu Lan

Clip Video phụ họa:
 
                                                                   

 





 


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)