Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 18/9/2012
E-mail     Bản in

Hội thảo “Sáng tác văn học về đề tài lịch sử”
VanVN.Net – Ngày 07/9/2012, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo “Sáng tác văn học về đề tài lịch sử” tại trụ sở Hội (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội). Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học hiện đang sống tại thành phố Hà Nội và đại diện nhà văn các miền Bắc – Trung – Nam và các khu vực: miền núi, biên giới.
Hội thảo “Sáng tác văn học về đề tài lịch sử” nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các Hội đồng, cơ quan, ban ngành: TS. Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương; PGS. TS. Đinh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương; nhà văn Đỗ Kim Cuông – Phó Chủ tịch thường trực UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; TS. Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học…

Về phía Hội Nhà văn Việt Nam có: nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội NVVN; nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội NVVN; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội NVVN; các Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên BCH Hội; đại diện các ban chuyên ngành và hội đồng chuyên môn của Hội NVVN đã đến tham dự hội thảo.

Tổ chức hội thảo này, Hội NVVN mong muốn các nhà văn, nhà LLPB cùng nhau luận bàn để tìm ra những điểm thống nhất mang tính nền tảng trong sáng tạo và trong cách tiếp cận các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử, đồng thời chỉ ra những hạn chế trong sáng tạo của các nhà văn và trong cách tiếp cận những sáng tạo đó của bạn đọc trong đó có các nhà LLPB. Từ đó mở rộng hơn nữa biên độ của sự sáng tạo và của sự tiếp nhận để có những tác phẩm sống động, trung thực và mang giá trị lớn về lịch sử vĩ đại của dân tộc.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc bản đề dẫn khai mạc hội thảo. Trong bản đề dẫn “Chân lý và nhân cách của lịch sử”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “…Các nhà văn không phải là các nhà sử học. Bởi vậy sáng tạo về đề tài lịch sử không phải là công việc ghi chép các chi tiết hay tổng hợp những tư liệu về một sự kiện lịch sử, một giai đoạn lịch sử hay một nhân vật lịch sử. Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử là làm hiện lên chân lý và nhân cách của sự kiện lịch sử ấy, của giai đoạn lịch sử ấy và của nhân vật lịch sử ấy. Nếu các nhà sử học dựng lên toàn bộ diễn biến của sự kiện lịch sử ấy hay giai đoạn lịch sử ấy và hành động của các nhân vật làm nên lịch sử ấy thì các nhà văn lại dựng lên toàn bộ con đường của ý chí, khát vọng, của lẽ làm người dẫn đến sự kiện lịch sử, giai đoạn lịch sử và nhân vật lịch sử ấy. Lịch sử làm ra bởi con người. Vì vậy trực tiếp hay gián tiếp thì cái cốt yếu trong tác phẩm văn học viết về lịch sử là dựng lên nhân cách và tinh thần sống của những con người làm nên lịch sử bằng cái nhìn vừa mang tính khoa học vừa đầy trí tưởng tượng phong phú của mình. Nếu không làm được điều đó thì nhà văn viết về  đề tài lịch sử chỉ là một nhà sử học kém cỏi và vụng về.”

 

GS Phong Lê đọc bản tham luận về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người được coi là “bậc thầy” của các nhà văn hiện đại trong việc sáng tác văn học về đề tài lịch sử. Sau những tổng kết, đánh giá sự đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho văn học Việt Nam, GS Phong Lê bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng học sinh đang được giảng dạy môn Lịch sử ở các trường học hiện nay. Theo GS Phong Lê, cần phải có phương pháp truyền đạt khoa học, hấp dẫn hơn nữa để học sinh tiếp nhận kiến thức lịch sử một cách hiệu quả, điều này cần có sự đóng góp của các nhà văn qua tác phẩm viết về lịch sử.

 

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – tác giả của ba cuốn tiểu thuyết lịch sử được tái bản nhiều lần: “Mẫu Thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa” phát biểu ý kiến, ông chia tiểu thuyết lịch sử ra làm ba loại: hoàn toàn hư cấu, nhân vật có thật và pha trộn giữa hư cấu với nhân vật có thật. Ở mỗi loại đều có điểm mạnh, sức hấp dẫn riêng đối với người đọc, nhưng cũng có những giới hạn đối với người viết.

 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải – tác giả hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về triều Lý và triều Trần bày tỏ suy nghĩ: “Trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” hiện nay, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam hãy hiểu lịch sử dân tộc mình. Văn chương và lịch sử luôn có sự gắn bó đặc biệt, viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn có quyền hư cấu không giới hạn… Hiện nay, tình trạng coi nhẹ bộ môn lịch sử và địa lý trong giáo dục đã tạo ra những lỗ hổng kiến thức, dẫn đến những sơ hở trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Để khắc phục điều này, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc đưa các sự kiện, nhân vật lịch sử vào nghệ thuật như: văn chương, sân khấu, điện ảnh…”

 

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đến từ TP Huế - người có nhiều công trình nghiên cứu về nhà Nguyễn, ông nếu ra những khó khăn của nhà văn khi viết về lịch sử, đó là nguồn tư liệu quá ít ỏi, trong khi nhiệm vụ của nhà văn, người viết văn như “trả nợ” cho lịch sử dân tộc.

 

Nhà văn Bùi Bình Thi: “Nhà văn cần phải sống gắn bó với hiện thực, “áp sát” vào hiện thực. Xa hiện thực thì nhà văn còn gì để viết?”

 

Nhà văn Lưu Sơn Minh, tác giả được coi là người trẻ viết về đề tài lịch sử, trình bày ý kiến: “Tác phẩm văn học về đề tài lịch sử cần có những giới hạn riêng. Tôi viết về lịch sử đơn thuần không chỉ là yêu thích lịch sử, viết về những nghi ngờ đã trở thành ám ảnh từ khi còn nhỏ… Tôi viết, vì thấy cần làm rõ những nghi án lịch sử để hậu thế có cái nhìn đúng đắn hơn về quá khứ.”

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ về lao động của nhà văn khi viết về đề tài lịch sử: “Nhà văn không phải người sao chép lịch sử, tái hiện lịch sử như nó từng xảy ra mà chỉ mượn nhân vật, bối cảnh để lý giải một vấn đề lịch sử. Trước những sự kiện lịch sử, nhà văn phải hư cấu như thế nào để đạt được tính chân thật? Điều này thể hiện ở trang viết chứ không phải ở những cuộc tranh luận, cãi nhau với bạn đọc, với các nhà phê bình…”

 

Nhà văn Trần Đình Hiến phát biểu: “Bằng hình tượng nghệ thuật, nhà văn phản ánh lịch sử qua nhãn quan của mình, do đó có thể cho phép hư cấu trong giới hạn lịch sử đó. Hiện nay còn tồn tại vấn đề cần được làm rõ: nguồn gốc dân tộc Việt và nền văn hóa Việt đã trải qua những biến thiên như thế nào? Bên cạnh đó, việc ghi chép lịch sử cần phải khắc phục những vấn đề: trong các cuộc chiến, người thắng cuộc là người chép sử nên nhiều khi không tránh khỏi sự thiên vị, thậm chí xuyên tạc lịch sử; ít có cuốn sử nào dám trung thực chép lại tất cả những sự kiện diễn ra tại thời điểm đó; trong một số trường hợp do chưa có độ lùi thời gian cần thiết, chưa tập hợp được đầy đủ tư liệu nên chưa có những đánh giá chính xác, khách quan về sự kiện lịch sử…”

Toàn cảnh hội thảo buổi làm việc thứ nhất

Theo Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu