Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 18/9/2012
E-mail     Bản in

Nhà văn LƯU SƠN MINH
Năm 2003, Lưu Sơn Minh, tác giả từng đoạt giải Tác phẩm Tuổi xanh, chỉ "lộ diện" một lần với Người đàn ông ngồi cuối xe in trên báo Lao Động.

Lưu Sơn Minh sinh năm 1974 tại Hà Nội. 
 Tốt nghiệp Đại học Y Khoa. 

*Nhà văn. Nhà viết kịch. 
 Từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng như Thư ký Tòa soạn cho nhiều tờ báo và tạp chí.

*Đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim.
  Trong đó nổi tiếng được nhiều độc giả biết đến 
  với các tác phẩm:
  Bền Trần gian, Mưa Sâm Cầm (Truyện ngắn)
  Duyên nghiệp (Kịch bản) 
  Trần Quốc Toản 
(Tiểu thuyết)... 


*Chủ biên cùng nhà văn Ngô Tự Lập bộ Đêm Bướm Ma - Tuyển tập Truyện ngắn 
  Huyền ảo ma quái Việt Nam
 và một số công trình khác.

*Hiện Lưu Sơn Minh sống và làm việc ở Hà Nội. 

Anh đang dồn hết tâm sức cho cuốn tiểu thuyết đầu tay về nhân vật lịch sử Trần Quốc Toản. Minh nói: "Tôi vẫn cảm thấy lịch sử là một đề tài gần gũi. Trong cuốn tiểu thuyết này, tôi sẽ giữ giọng điệu cũ. Hình thức tác phẩm không mới nhưng sẽ mới ở cách đặt vấn đề. Trần Quốc Toản sẽ không còn là một bức tượng hoặc nhân vật sân khấu với vầng hào quang lung linh xung quanh. Đội quân của vị tướng trẻ này sẽ là một đội quân đúng với tính cách những chàng trai tuổi mới lớn". Thoạt tiên, Minh định viết một truyện ngắn nhưng sau cảm thấy dữ liệu lịch sử khá rộng, lại được sự động viên của nhà văn Hà Ân nên anh đã quyết định đẩy lên ở dạng tiểu thuyết. Kỳ vọng của Lưu Sơn Minh là độc giả sẽ không bị giằng xé giữa văn học và bài học lịch sử trong sách giáo khoa sau khi đọc xong tiểu thuyết.

Lời giới thiệu của Nhà văn Ma Văn Kháng : tác phẩm Mưa Sâm cầm của tác giả Lưu Sơn MInh

... Trong cái màn sương khói của cách kể kỳ ảo, Bến trần gian để lại ấn tượng ray rứt và nỗi khổ tâm của một con người hiếu thảo, một người mẹ nhân hậu và một người phụ nữ thuỷ chung. Lăng đã là liệt sĩ nhưng cái chết của Lăng chỉ là cái chết thể xác theo quan niện phàm trần. Còn âm dương không hề có ý nghĩa ngăn cách, Lăng vẫn đang sống ở một thế giới tồn tại song song với thế giới của mẹ và người yêu. 

Kiểu viết này được các nhà nghiên cứu văn học gọi là kiểu viết trong đó người tường thuật có khả năng thấu thị, nghĩa là có khả năng cảm nhận và kể lại cả những điều xảy ra trong một cõi giới huyền bí, không nhìn thấy... Lưu Sơn Minh có sở trường viết kiểu truyện này. Ở các truyện Người đi tìm ánh sáng, Ngày và đêm, Miền nhớ... sở trường này thể hiện đậm nhạt khác nhau. Cũng vẫn là những trang miêu tả đan xen cái thực tại nhìn thấy và cái tâm thức kín bưng, cái đã qua và cái đang hiện tồn... cho ta thấy một đời sống không hề đơn chiều của mỗi cá thể sinh linh...

Lưu Sơn Minh viết không dễ dàng. Từ 1992 đến nay, sau bảy năm trời , anh mới có được tập truyện này. Trừ Bến trần gian viết một mạch 6 giờ liền ngay trong giờ nghe giảng - một ánh chớp của cơn nhiệt hứng xuất thần, còn các truyện khác đều viết chậm và là kết quả của một thời gian dài suy ngẫm. Nói ví dụ như cái phôi của truyện ngắn Chim sâm cầm chưa về nẩy ra từ tám, chín năm trước khi anh xem một vở chèo. Số phận Thái sư Lê Văn Thịnh từ đó ám ảnh Lưu Sơn Minh và để viết truyện về nhân vật này, anh đã dành hai tháng trời để học, nghiền ngẫm vài trang ngắn ngủi về thời gian xảy ra vụ án "Thái sư hoá hổ" trong Đại Việt sử ký toàn thư. Anh học lịch sử ở đó, học lời nói, hơi văn ở đó, nhuần nhuyễn đến mức cả một thời gian sau vẫn còn bị ám...

Sức cuốn hút của những câu chuyện trong phần Đất xưa nằm ở chất liệu, ở tính chủ định thông minh, ở năng lực khám phá, tài năng vận dụng chữ nghĩa, nhập thân vào cái bề bộn của đời sống. Ở đây, chất liệu thu nhận gián tiếp, một trường hợp Lê Văn Thịnh, một diện mạo Vương phi Nguyễn Thị Anh... - những nhân vật và sự kiện lịch sử, chỉ có thể trở thành chất liệu văn học thực sự khi chúng được nhập vào sự sáng tạo của một tâm hồn đa cảm và tinh nhậy...

... Học sinh chuyên Toán từ lớp 4 đến lớp 12, 
tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1995, Lưu Sơn Minh đã và đang thử sức mình ở một nghề nghiệp khó khăn bậc nhất - nghề văn. Anh có nhiều ưu thế và hoàn toàn hiểu rằng: cùng với năng lực và nhiệt thành còn là sự gắn bó sinh tử hết mình với đời sống hiện thực và con người, vì đối với văn chương thì không có gì chán bằng nhạt nhẽo và vô bổ...


 Lời nói đầu của lần xuất bản năm 1999.

 
Lưu Quang Bình (St)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)