Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 18/11/2012
E-mail     Bản in

LƯU ĐÌNH TÚ Người thầy trên chiếc xe lăn
Giới thiệu thầy giáo khuyết tật LƯU ĐÌNH TÚ

                                             Ảnh minh họa
Lớp học chật ních bọn trẻ lứa 15-17 tuổi. Ngồi trên ghế nhựa, đứa xoay ngang, đứa xoay dọc kê vở lên đùi viết. Căn phòng im phăng phắc, chỉ có tiếng sột soạt của bút "chạy" trên giấy và tiếng giảng bài trầm trầm qua micro của ông thầy trở đi trở lại trên chiếc xe lăn.

Lớp học... lạ

Căn nhà số 41 ngõ 26 nằm sâu phía trong ngõ, gần một cái chợ trên phố Lê Quý Đôn, phường Phạm Đình Hổ là lớp học của thầy Tú - một người khuyết tật phải ngồi xe lăn từ nhỏ - khiến người ta ngạc nhiên bởi nhiều lẽ: Số học trò theo học đông đến mức kỷ lục, khoảng 600 học trò (xấp xỉ nửa số học sinh của một trường trung học).

Thông thường, cứ có học trò thì người ta gọi đó là lớp học, nhưng lớp học của thầy Tú được ví là "trang trại". Bởi thầy thường lấy ví dụ về các con thú và cũng hay đặt tên trò là gà, thỏ, mèo, cún... Có thể nói, lớp thầy Tú là lớp học kỳ lạ nhất mà tôi đã gặp. Từ những cái tên, những cách trò chuyện và cả cái cách thầy giảng bài. Thầy Tú thường bắt đầu bài giảng bằng cái "ngày xửa ngày xưa", rồi những câu chuyện ngụ ngôn và đưa đến kết luận về một phép chia, một phép nhân. Thầy Tú bảo, nếu giảng vào bài học ngay sẽ làm cho trò dễ chán. Ngược lại, với kiểu vào bài của thầy, không những giúp bọn trẻ thoải mái, thích thú mà lại nhớ lâu. Chính vì thế, 90% học trò của thầy đỗ đại học.

"Vượt vũ môn"

Thầy Tú họ tên đầy đủ là Lưu Đình Tú, sinh năm 1951. Thầy bị liệt từ nhỏ, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn quyết tâm theo học hết Đại học Tổng hợp Toán. Năm 1974, ông tốt nghiệp đại học nhưng vác đơn đi xin việc ròng rã 2 năm mà không được. Ông đành xin vào làm hợp đồng cho một tòa soạn báo. Năm 1988, ông xin nghỉ vì lý do sức khỏe, về nhà sống nhờ vào đồng lương giáo viên cấp I ít ỏi của vợ. Cuộc sống thiếu thốn, sức khỏe lại không ổn định, công sức nghiên cứu học tập bỏ phí khiến ông cảm thấy cuộc đời bế tắc mọi bề. Sau cùng, ông quyết định tận dụng vốn kiến thức của mình mở một lớp dạy học ngay tại nhà. Mặc dù chưa hề được đào tạo qua một trường lớp sư phạm nào, nhưng ông chọn cách dạy học theo kiểu rất riêng mà theo ông, nó sẽ khiến học sinh dễ tiếp thu hơn. Đó là tạo ra một môi trường học thật thoải mái về tâm lý bằng cách xen kẽ vào bài giảng những câu chuyện ngụ ngôn thú vị. Và thật không ngờ, cách dạy ấy lại thành công ngoài sức tưởng tượng.

Ông bảo, những năm đầu ông chỉ dạy cho vài đứa để kiếm đồng ra đồng vào giúp gia đình và cũng để đỡ phí cái công dùi mài kinh sử trước đây. Nhưng rồi học sinh tự bảo nhau tìm đến ông xin theo học. Không như những "lò luyện" có "bầu sô" quản lý, ông vừa làm quản lý, vừa đều đặn lên lớp giảng bài. Bất kể trình độ nào thầy cũng giảng, từ lớp 7 đến lớp 12, mỗi lớp bình quân 50-60 trò. Quan điểm của ông là lớp đông hay vắng không quan trọng, miễn là các em còn hứng thú học và có hiệu quả là ông dạy. Đa số học sinh đều theo học ông từ những năm đầu cấp. Có em theo học từ năm lớp 7, đến nay đã 5, 6 năm. Mỗi em thầy quản bằng một số điện thoại. Em nào học hành chểnh mảng là phụ huynh nhận được thông báo ngay lập tức.

Không giảng "trọng tâm", không mánh mẹo đi thi, học trò của ông nắm rất chắc kiến thức cơ bản, có hệ thống chặt chẽ. Và điều quan trọng là, ông thường đặt ra nhiều tình huống để chúng có thể xử lý khi vào phòng thi bằng chính kiến thức của mình. Đặc biệt, với những em có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi, ông thường miễn học phí. Rồi thi thoảng, lớp lại có những suất học bổng bất thình lình dành cho những học trò xuất sắc đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. Theo ông, mọi nỗ lực đều xứng đáng được đền đáp và trao tặng những món quà. Đó là niềm hạnh phúc của tất cả những người thầy.

Những gì ông dành cho các em không đơn thuần là kiến thức. Mà hơn tất thảy, đó còn là ý chí, là nghị lực của một người kém may mắn hơn người khác. Và Tết nay, cũng như biết bao Tết khác, nhà ông lại rộn rã tiếng cười của niềm tin, của ý chí một mùa Xuân trồng người.

 
Theo Hà Nội Mới