Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. BAN NGHIÊN CỨU LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 17/9/2013
E-mail     Bản in

Về đất Tổ Vua Hùng kết nối các dòng họ Lưu - Việt Nam
(LUUTOC.VN) - Giới thiệu ký sự của đồng tộc Lưu Thiên An thành viên trong Đoàn Nghiên cứu Họ Lưu Việt Nam tường thuật những ngày Đoàn về Việt Trì điền dã khảo sát và kết nối nguồn gốc dòng họ.

Chúng tôi những hậu duệ của dòng họ Lưu, của dòng giống Lạc Hồng, từ nhiều miền Châu thổ sông Hồng của đất nước Việt Nam, hôm nay cùng nhau hội tụ về đất Tổ Hùng Vương để tìm lại và kết nối với những dòng họ Lưu - Việt Nam, đang lập nghiệp và sinh sống tại ngã ba Bạch Hạc, hai bên bờ Thao giang, Lô giang, Đà Giang...
 
 
Sau những ngày giông bão, lũ quét trên thượng nguồn, dòng sông Hồng ngầu đỏ phù sa, quần quận chảy về xuôi. Mẹ Âu Cơ như đón Đoàn chúng tôi về, tại Đền Hiền Lương Quốc Mẫu, những hậu duệ của họ Lưu Việt Nam thành kính dâng lên Mẹ Âu Cơ lòng biết ơn sâu sắc “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, nguyện cùng nhau đoàn kết gắn bó, xây dựng một Họ Lưu VN phát triển, giàu mạnh để có vị thế xứng đáng trong xã hội và đất nước.

Đền Mẫu Âu Cơ thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ 

Tại bái đường của đền Hiền Lương, Hạ Hoà này, trong hương khói linh thiêng, dưới chân linh Quốc mẫu Âu Cơ, con cháu Họ Lưu tỏ lòng thành kính và cầu mong đất trời, Quốc phụ, Quốc mẫu và các đấng Vua Hùng anh minh phù hộ độ trì, khai thông những vướng mắc, những trở lực, cho dòng họ Lưu chúng con được mọi sự như ý, thăng hoa, thoả chí anh hùng, vinh danh cùng quê hương đất nước, cùng trời đất…

 


Đoàn dâng sớ “Bạch Thiên thư” lên Mẫu Tổ Âu Cơ
 
Trên đường hành hương về đất Tổ Hùng Vương TPViệt Trì. Đoàn chúng tôi được sự đón tiếp rất ân cần chu đáo, ấm áp tình nghĩa anh em của gia đình đồng tộc - doanh nhân Lưu Đức Vĩnh (Công Ty CP Lưu Anh Trang), của ông Lưu Mạnh Khải Trưởng ban tổ chức, ông Lưu Hồng Thụy đại diện/trưởng tộc Họ Lưu Đăng - Lâu Thượng, và nhiều bà con anh em thân thương của Họ Lưu  khu lân cận Việt Trì...

Bên bờ Lô giang, một chiều đầu thu nắng vàng rực rỡ, tại từ đường họ Lưu Đăng - Lâu Thượng, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, khi đoàn chúng tôi đến, đã có trên 100 bà con họ Lưu đến dự, bao gồm các bậc ông bà, cô bác, dì chú, anh em, con cháu của nhiều dòng họ Lưu - Việt Trì tụ họp về đây để tổ chức cuộc gặp mặt Họ Lưu - Việt Trì lần thứ nhất. Trong cuộc họp mặt ngày hôm nay còn có nhiều người con Họ Lưu của các tỉnh trên châu thổ sông Hồng về chung vui. Cuộc gặp mặt được tổ chức thật trang trọng, hào hùng, ấm tình họ tộc, chan chứa yêu thương.
 
Trước khi vào cuộc họp mặt chính thức, toàn thể những người có mặt tại hội nghị đã làm Lễ Thượng Cờ Thần họ Lưu và dâng hương tại Từ đường, họ Lưu Đăng - Lâu Thượng:
 
   Cờ thần cờ thần,
  Họ Lưu Họ Lưu
Dòng giống Lạc Hồng
Họ Lưu Họ Lưu
Lòng người rộn ràng
Tình đời chứa chan
Hướng theo cờ thần
Cờ thần Lưu Tộc
Bay cao, Bay cao
Ôi tình họ hàng
Ôi tình huyết thống
Tình nghĩa dạt dào
Một giọt máu đào
Hơn cả biển Đông
Thật đáng tự hào
Là người họ Lưu
Cờ thần Lưu Tộc
Bay cao, Bay cao...!

 
Lễ thượng cờ Thần họ Lưu Việt Nam tại nhà thờ họ Lưu Đăng – Lâu Thượng 
 
Trong bầu không khí ấm tình đồng tộc, các dòng họ Lưu đã cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng và bi tráng của từng họ Lưu khu vực Việt Trì. Hội nghị đã nghe ông Lưu Cương Quyết, đại diện dòng họ Lưu Đăng - Lâu Thượng, xã Trưng Vương, báo cáo tóm tắt sự phát triển của dòng họ Lưu Đăng: “Họ Lưu Đăng chúng tôi đến nay còn giữ được gia phả được 14 đời (từ 1681-2013). Tổng số nhân khẩu hiện tại, nội tộc và ngoại tộc là 1.296 người. Có 131 người đang học và tốt nghiệp đại học. Có 5 Tiến sỹ, 01 hoạ sỹ nổi tiếng toàn quốc (họa sỹ Lưu Công Nhân), đặc biệt có Nhà Cách mạng Tiền khởi nghĩa Lưu Tư Việt (tức Lưu Quốc Thường) đã tài tình lãnh đạo khởi nghĩa, dành chính quyền thành công tại huyện Hạc Trì, tháng 8-1945. Trong thời đại Hồ Chí Minh, con cháu dòng họ Lưu Đăng tích cực tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương đất nước, cả họ có 05 liệt sỹ, 06 thương binh..., rất nhiều người con của dòng họ đã tham gia hoạt động cách mạng và giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt từ xã, huyện, tỉnh và trung ương”.

 
Tiếp theo, Ông Lưu Mạnh Khải trưởng tộc dòng họ Lưu Hữu - Lâu Thượng, xã Trưng Vương, TP Việt Trì phát biểu: “Trải qua gần 500 năm trong gia phả ghi được đến nay được 17 đời; Tổng số đinh hiện tại 325 người, sinh sống trong 160 hộ, có 2 Tiến sỹ, 01 đại tá QĐNDVN.
 

Từ đường họ Lưu Đăng - Lâu Thượng, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ
 
Theo truyền khẩu nội tộc, thời phong kiến họ Lưu Hữu - Lâu Thượng có Cụ đỗ sinh đồ, làm chức chi bạ... Thời Hùng Vương họ Lưu Hữu có cụ người to béo một mình ngồi chật sập. Khi võng lọng đến chầu vua, phải bốn người khiêng nên nhà vua phong Cụ là Chi béo.

Một Cụ ở chi Lâu Nội, khi nhà vua kinh lược đến chơi nhà, năm trăm binh mã theo hầu, Cụ thết cơm rượu ba ngày, mỗi ngày ba bữa; Cứ ăn xong, mâm, bát đũa đều đổ sạch xuống ao, từng bữa đều dùng đồ mới, chứ không dùng đồ lại, nên vua phong cho Cụ là Chi Sành.

Trong gia phả truyền thuyết Tổ truyền, về tháng 10 Vua Hùng thứ 7 đi tuần thú, trời nắng gay gắt, thấy nhà trại, Vua sai quân lính vào xin nước. Cụ Tổ họ Lưu Hữu cho hái quít vườn nhà dâng mời, Vua ăn thấy ngọt và đỡ khát, nên phong cho bốn chữ “Kim Quất thượng trang”..., như vậy họ Lưu Hữu có thể có từ các đời vua Hùng rất sớm...  

Sau đó rất nhiều anh em các dòng họ Lưu đã phát biểu nói về lịch sử một thời đáng tự hào, để nhớ, để thương của Lưu Tộc khu vực Việt Trì, đó là:
 
-    Họ Lưu Viết, Tiên Cát, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
-    Họ Lưu Trọng, Thanh Miễu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
-    Họ Lưu Đăng, Hạ Lũng, phường Đằng Hải, Quận Hải An, TP Hải Phòng
-    Họ Lưu Đức - Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và nhiều họ Lưu khác ở Việt Trì như Họ Lưu - Mộ Xí, phường Tân Dân, và các huyện lận cận như Thanh Ba, Phú Thọ, Sông Lô, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Ứng Hòa (Hà Tây cũ)...nay là Hà Nội.
 
Cuối buổi lễ, Ban tổ chức cuộc gặp mặt Lưu Tộc Việt Trì đã phát động bà con đồng tộc họ Lưu có mặt tự nguyện góp một ít kim ngân, với tinh thần “lá lành đùm lá rách” để tương trợ một số gia đình họ Lưu có hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ, mặc dù đã được nhân dân và chính quyền địa phương giúp đỡ, nhưng vẫn còn cơ cực, đang được một số báo kêu cứu giúp đỡ... Số tiền ban đầu thu được tuy ít ỏi (gần 18 triệu đồng), nhưng rất quí... sẽ được trao tặng tận tay ba gia đình: ông Lưu Văn Thuận (Quảng Bình), bà Lưu Thị Hương (Nghệ An) và ông Lưu Văn Tê (Đắk Lắk); phần còn lại dành làm “vốn” cho thành lập Quỹ Nhân ái – Khuyến tài của Họ Lưu Việt Nam...

Sau buổi lễ họp mặt đặc biệt này, chúng tôi còn đến thăm Nhà thơ Lưu Đức Hồng, đang ở tuổi 83. Cụ mới cho xuất bản tập diễn ca “Sáng và Tối” của mình. Cụ là mẫu người tài đức vẹn toàn, để con cháu học tập và làm theo. Dưới đây là một số vần thơ của Cụ:

 
Quý nhất của đời mẹ cha
Các con trai, gái đều thành đạt
Cháu chắt nội ngoại hơn ông cha
Là nhờ tiên tổ vốn gốc quý
Khơi nguồn nước sạch nuôi chúng ta
Mới sinh trái ngọt, “lại đơm hoa”
Vậy cần vun đắp chống phong ba
Chớ để cội nguồn bị xâm hại
Hạnh phúc trường tồn mãi không xa.
                                                                             Cội nguồn 5-2011

Chưa hề gặp mặt một lần
Không hẹn mà gặp như thân trong nhà
Nào phải là người đâu xa
Mà là Lâu Thượng, Hạ Hoà, Hiền Lương
Cùng dân đất Tổ thân thương
“Yêu nhau nên đã kết đường tâm giao”..
                                                Không hẹn 09 -2005

Đoàn trao đổi, tìm hiểu về Ma Tộc với Tộc trưởng Đời thứ 77- Ma Ngọc bảo
 
Đêm Việt Trì trời mưa tí tách, gió thổi gì dào, hồn thiêng sông núi, hồn thiêng Lưu Tộc, hội tụ về đây qua ngọn Nghĩa Lĩnh, sông Hồng Núi Tản, nơi ngã ba Bạch Hạc sông nước trời mây. Binh minh đánh thức chúng tôi dậy. Theo lịch trình đã định, đoàn chúng tôi tới thăm, giao lưu với Ông Ma Ngọc Bảo - Trưởng tộc Ma, người đang giữ gia phả 79 đời họ Ma và Di cảo về 18 chi đời Hùng Vương. May mắn Đoàn được Ông Bảo tặng các bản sao để nghiên cứu... Qua đây, có thể thấy Phong Châu – Phú Thọ đúng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Ông Ma Văn Bảo năm nay đã 83 tuổi, dân tộc Tày dáng người cao lớn, khoẻ mạnh, tư chất thông tuệ, với cách kể truyện lưu loát, xúc tích ôn lại quá trình hình thành và phát triển Ma Tộc Việt Nam; Họ Ma có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngay từ ngày đầu dựng nước Văn Lang.

 
Gặp mặt tại nhà thờ họ Lưu Viết – Tiên Cát, Việt Trì
 
Tạm biệt Trưởng tộc họ Ma đoàn chúng tôi cùng nhau tới thăm và tìm hiểu dòng họ Lưu Viết - Tiên Cát, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Họ Lưu Trọng - Thanh Miễu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ... Trời mưa nặng hạt, tuy nhiên các ông, các bà vẫn có mặt rất đông tại từ đường để tiếp đoàn chúng tôi. Trong khói hương ngạt ngào, huyền bí và tâm linh, những người con họ Lưu biền biệt xa quê lâu ngày cùng hội tụ về đây, thành kính cầu nguyện các bậc Liệt Tổ, Liệt Tông anh minh phù trợ cho Họ Lưu VN ngày càng phát triển, giàu mạnh... Qua đây có thể dễ dàng nhận thấy, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các dòng họ Lưu tại khu vực Việt Trì với lòng thành kính uống nước nhớ nguồn, vấn tổ tồn tông vẫn giành một không gian xứng đáng cho việc xây dựng từ đường thờ cúng Tổ tiên.
 
Trời Việt Trì trong xanh, nắng vàng mùa thu ấm áp, sau bữa cơm thân mật với anh em Họ Lưu - Việt Trì, đoàn chúng tôi chia tay tạm biệt về xuôi. Qua chuyến điền dã này, đoàn được đón tiếp rất ân cần, chu đáo, ấm áp tình nghĩa anh em, họ tộc, đặc biệt của gia đình hai anh em Đại tá Lưu Văn Tỉnh và doanh nhân Lưu Đức Vĩnh (Công Ty CP Lưu Anh Trang), của ông Lưu Mạnh Khải - Trưởng ban tổ chức; Ông Lưu Hồng Thụy đại diện/trưởng tộc Họ Lưu Đăng - Lâu Thượng, và nhiều bà con anh em thân thương của Họ Lưu - Việt Trì. Chuyến đi đã để lại trong tâm khảm chúng tôi một tình cảm họ tộc dâng trào, quyến luyến, ấm áp...tình họ tộc. Hẹn sẽ gặp lại nhau trong bước đường kết nối và đoàn kết Lưu Tộc Việt Nam.
                                                                            
Ghi Chú:
 
[1]- Ngã ba Tam Giang là khu vực hợp lưu của ba sông lớn: Sông Thao (tức sông Hồng), sông Đà và sông Lô. Đây là vị trí chiến lược về đường thủy, từ thời Hùng Vương đến các triều đại sau này đều tổ chức tập trận thủy quân tại ngã ba Tam Giang- Bạch Hạc; ví như thời Nhà Trần thế kỷ 13, thường có cuộc duyệt trận thủy quân, các sấu ở đây nổi lên cuộn sóng, nhà vua sai Tiến sỹ Nguyễn Thuyên làm một bài tế cá sấu bằng chữ Nôm, sau lễ tế bài văn tế được hóa và tro rắc xuống sông, cá sấu lặn hết, sông trở nên bình lặng. Sự việc giống như Hàn Dũ ở Trung Hoa thời xưa (đời Nhà Đường 618 - 936) nên Nhà Vua gọi Nguyễn Thuyên là Hàn Thuyên (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia/Nguyễn Thuyên và Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, NXB KHXH 1998 - theo bản dịch khắc gỗ năm Chính Hòa thứ 18 – 1697)

Tại ngã ba Bạch Hạc kẻ thù phương Bắc nhiều phen bị chặn đứng và bị phá tan khi vào xâm lược nước ta theo đường từ Lào Cai xuống.

Tên Bạch Hạc là do trước đây có rất nhiều hạc, cò trắng về đậu trắng lũy tre làng.  
           
Việt Trì, 06/ 09/2013
                                                                                
 
LƯU THIÊN AN


Ý kiến - Nhận định
Cám ơn Đoàn Nghiên cứu Lưu Tộc VN
Liên hệ: xã Yên Bái, Yên Định, Thanh Hóa - -977102*** - binhlt.thptyendinh2@thanhhoa.edu.vn
Tôi xin chúc mừng sự thành công mỹ mãn của Ban nghiên cứu Lưu Tộc VN trong chuyến đi khảo sát mở màn ở Phong Châu,Việt Trì, Phú Thọ vừa qua. Cầu mong các anh sẽ gặp được nhiều may mắn trong những chuyến đi khảo sát tiếp theo, để sớm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Với tư cách là hậu duệ trong dòng họ, tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị trong Đoàn rất nhiều. Mong được gặp lại các anh chị nhiều lần hơn nữa. Trân trọng kính chào!
LƯU THẾ BÌNH
Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)