Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 17/8/2021
E-mail     Bản in

NGHIÊN CỨU VỀ KHAI QUỐC CÔNG THẦN NHÀ ĐINH ĐÔ HỘ PHỦ SĨ SƯ LƯU CƠ
Đô hộ phủ Sĩ sư Lưu Cơ (劉基) sinh ngày mùng 3 tháng 1 năm 940[1], người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng. Ông quê ở Tri Hối, châu Đại Hoàng, nước Đại Cồ Việt (nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình)1. Bố là Lưu Kỳ và mẹ là Lê Thị Phương.

1. Sơ lược tiểu sử Thái sư Lưu Cơ

Thái sư Lưu Cơ là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, thống nhất 12 sứ quân thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam. Đồng thời là người cai quản Hoàng Thành Thăng Long, có công tu sửa thành quay về hướng Nam (hướng về kinh đô Hoa Lư thay vì hướng về phương Bắc như chính quyền đô hộ đã làm) trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về đây. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lên ngôi vua, Ngài đã phong Cho Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Đinh Điền là Ngoại giáp, Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân và Lưu cở là Đô hộ Phủ Sĩ sư mà hậu thế ngày nay đã tôn vinh 4 vị tướng này là tứ trụ triều đình có công lao to lớn giúp Vua Đinh lập quốc. Thái sư Lưu Cơ giữ nhiều chức vụ quan trọn và có nhiều đóng góp to lớn cho nhà Đinh, trong đó nổi bật là việc tham gia dẹp loạn 12 sứ quân, góp công lớn trong việc xây dựng bảo vệ kinh đô mới và là một trong tứ trụ triều đình, giúp nhà vua điều hành, quản lý, ổn định xã hội. Ông là đồng hương với Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú. Khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận (965), các sứ quân nổi dậy. Lưu Cơ theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp. Ông đã trực tiếp dẹp sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại.
 
Di tích thờ Tứ trụ triều Đinh - Đền Trình - Tràng An
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, gọi là là Đinh Tiên Hoàng. Lưu Cơ được phong làm Đô hộ Phủ Sĩ sư vào năm 971. Theo  Việt sử lược  thì chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư của Lưu Cơ chính là Thái sư ở Đô hộ phủ Đại La. Vai trò này của Lưu Cơ được đánh giá là sánh ngang hàng Phó Vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và nhiều tiềm năng kinh tế nhất của nước Đại Cồ Việt đương thời.
Không những có công lớn trong việc dẹp loạn 12 sứ quân, mà Lưu Cơ còn đóng góp công lao trong việc bảo vệ thành Đại La. Tính từ thời nhà Đinh, Lưu Cơ là người đã cai quản thành Đại La trong vòng gần 40 năm (971-1010). Ông đã tu sửa thành Đại La của An Nam đô hộ phủ nhà Đường trở nên một tòa thành Đại Cồ Việt và chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của Lý Thái Tổ có thể di chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Là một trong Tứ trụ triều đình (Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú), Lưu Cơ đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thống nhất đất nước, phò tá triều đình, ổn định xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà sử sách xưa đã đề cao vai trò của Lưu Cơ: “Đinh Tiên Hoàng nhân khi nước Ngô loạn mất, bình được mười hai sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi, dùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú làm người phù tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm[2]!”
2. Tìm hiểu chức vụ của Đô hộ phủ Sĩ sư Lưu Cơ
Về chức vụ của Lưu Cơ, sách Việt sử lược có chép như sau: “Năm Tân vị (tức năm 971) là năm thứ hai niên hiệu Thái Bình (đời Đinh Tiên Hoàng) vua định phẩm cấp các quan văn võ và thầy tu. Dùng Lưu Cơ làm chức Thái sư ở Đô hộ phủ, Nguyễn Bặc làm Đinh quốc công, Lê Hoàng làm Thập đạo tướng quân[3] ( Nguyên văn : 辛未太平二年,置文武僧道階品。以劉某為都護府太師,阮匐為定國公,黎桓為十道將軍 Tân Vị, Thái Bình nhị niên, trí văn võ tăng đạo giai phẩm. Dĩ Lưu Cơ vi Đô hộ phủ Thái sư, Nguyễn Bặc vi Định Quốc công, Lê Hoàn vi Thập đạo Tướng quân ).”
Cũng sách Việt sử lược có chép: “Ngày Kỷ Sửu tuyển chọn các quan văn để cho làm Đô hộ phủ Sĩ sư”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971], (Tống Khai Bảo năm thứ 4). Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống, Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi. (“ Dĩ Nguyễn Bặc vi Định quốc công; Lưu Cơ vi Đô hộ phủ sĩ sư; Lê Hoàn vi Thập đạo tướng quân; Tăng Thống, Ngô Chân Lưu tứ hiệu Khuông Việt Đại Sư; Trương Ma Ni vi Tăng lục; Đạo sĩ Đặng Huyền Quang thụ Sùng chân uy nghi”. )[4] Sách này còn chú thích chức vụ Đô hộ phủ Sĩ sư là “ chức quan coi việc hình án ở phủ đô hộ, tức là trong cả nước (nhà Đinh dùng tên phủ đô hộ thời thuộc Đường) ”.

Qua các tư liệu nói trên thì thấy rằng, chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư  phải do quan văn đảm nhận, và là chức quan coi việc hình án trong cả nước. Sử liệu Trung Quốc cũng cho biết chức Sĩ sư còn được gọi là chức Dân trưởng , là cách gọi chung một chức quan lãnh tụ về chính trị và quân sự[5].
Để hiểu rõ hơn về chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư, chúng ta cần tìm hiểu một số thuật ngữ quan trọng sau:
Đô hộ phủ 都護府: Đầu đời Đường đặt Đô hộ phủ ở những khu vực biên cương, làm cơ cấu quản lý những dân tộc ít người. Từ thời Trinh Quán tới Võ Tắc Thiên, lập tất cả 6 Đô hộ phủ: An Đông đô hộ phủ, cai trị Cao Ly; An Nam đô hộ phủ thuộc Lĩnh Nam đạo, vốn là quận Giao Chỉ thuộc nhà Tùy, năm 622 đổi là Giao Châu tổng quản phủ, trị sở tại Giao Châu, năm 679 đổi làm An Nam đô hộ phủ để khống chế Giao Chỉ và Hải Nam. Năm Mậu Tuất (758), đổi An Nam đô hộ phủ làm Trấn Nam đô hộ phủ.
Đô hộ phủ chia làm 2 loại là: Đại đô hộ và Thượng đô hộ. Đại đô hộ phủ lập một người giữ chức Đại đô hộ, trật Tòng nhị phẩm, nói chung chức vụ này do thân vương nắm. Hai người giữ chức Phó đại đô hộ, trật Tam phẩm, Phó đô hộ hai người, trật Tứ phẩm. Chịu sở thuộc còn có Trưởng sứ, Tư mã, Lộ sự tham quân mỗi chức một người, Lộ sự hai người, Công tào, Thương tào, Hộ tào, Binh tào, Pháp tào tham quân sự mỗi chức 1 người, Tham quân sự 3 người.
Thượng Đô hộ phủ có 1 Đô hộ, trật Tam phẩm, 2 Phó đô hộ trật Tứ phẩm. Thuộc quan thì tương tự như Đại đô hộ phủ[6].
Sĩ sư 士師: Sách Chu lễ có Sĩ sư là chức quan coi ngục, địa vị dưới Đại tư khấu và Tiểu tư khấu, chủ yếu nghe việc ngục tụng, đồng thời quản việc chính lệnh trong phủ Đại tư khấu. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng định quan chức, cho Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ sư. Đây có nghĩa là quan đứng đầu việc hình án của phủ đô hộ, cũng tức là kinh sư[7].
Sĩ sư 士師: Là chức vụ được thành lập trước thời chế độ quân vương, thường không sử dụng như một danh từ, mà dùng như động từ, với hàm ý cai quản và trị lý[8].
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽定越史綱目正編 cho biết: Chức Sĩ sư là nội chức thuộc Văn ban, dưới quyền Tam thái, Tam thiếu, Thiếu úy, Kiểm hiệu bình chương[9]. Sách này còn cho biết, trong hệ thống quan chức trung ương triều Đinh, Tiền Lê, Lý, về cơ bản chế độ quan chức phỏng theo nhà Đường, nhà Tống, “có đặt Đô hộ phủ để coi việc hình án, trưởng quan là Sĩ sư[10]”.
Từ điển Từ hải 辭海 giải thích về chức Sĩ sư như sau: “Sĩ sư, theo sách Chu lễ [thì chức này] là thuộc quan của chức Thu quan tư khấu, nắm giữ việc cấm lệnh, hình ngục, hình án. Là cách gọi chung đối với quan chấp pháp thời cổ. Thời Xuân Thu, nước Tề đặt chức Sĩ, nước Vệ đặt chức Đại sĩ. Thời Chiến Quốc, nước Tề đặt chức Sĩ sư, đều là quan lo việc hình án và chính lệnh. Thời xưa việc binh hình chưa phân biệt, cho nên mới đặt chức Sĩ hay Sĩ sư để làm quan Hình án. Cũng còn gọi là Sĩ sử, tên chức quan nắm giữ cấm lệnh, hình ngục thời xưa. ( Nguyên văn : 士师,《周礼》列为秋官司寇之属官。掌禁令、狱讼、刑罚之事。古代对执法官员之通称。春秋时齐国设士,卫国设大士,战国时齐设士师,都是刑政之官。古代兵刑不分,故用士或士师作为刑官之称。亦作"士史"。古代执掌禁令刑狱的官名。) [11]
Đô hộ phủ sĩ sư 都護府士師: Sách Trung Quốc quan chế đại từ điển 中國官制大辭典 giải thích: Sĩ sư là tên chức quan. Sách Chu lễ , Thu quan có Sĩ sư, là quan coi ngục, địa vị dưới Đại tư khấu, là chủ việc nghe xét ngục tụng, đồng thời giữ chính lệnh của Đại tư khấu quan phủ[12].
Sách Sử học bị khảo 史學備考 chép về quan chế thời Lý có chức Đô hộ phủ sĩ sư (chỉ xét việc hình án còn nghi, đời Trần đổi làm Tam ti viện, thuộc Ngự sử đài, cũng như Tam pháp ti ngày nay (tức thời Nguyễn)[13].
Để thuận tiện, chúng ta sẽ lập bảng đối chiếu sự thay đổi về chức vụ tương đương Đô hộ phủ Sĩ sư qua các triều đại như sau:
Để thuận tiện, chúng ta sẽ lập bảng đối chiếu sự thay đổi về chức vụ tương đương Đô hộ phủ Sĩ sư qua các triều đại như sau:
Qua bảng so sánh đối chiếu qua các triều đại, thời kỳ trên đây, chúng ta có thể thấy rằng chức vụ Đô hộ phủ Sĩ sư do Lưu Cơ đảm nhiệm là một chức vụ vô cùng quan trọng, do quan văn chịu trách nhiệm, giám sát, thực thi, coi giữ, xét xử các vụ án quan trọng của quốc gia. Tuy qua sự thay đổi các triều đại, chức vụ này đã có nhiều đổi thay với tên gọi khác nhau, cơ quan kiêm nhiệm khác nhau, xong nhìn chung, trách nhiệm và quyền hạn chính của Đô hộ phủ Sĩ sư vẫn là xét xử, tố tụng, thi hành các vụ án quan trọng (cả về chính trị và quân sự) của quốc gia..
 
Nguyễn Vân
Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An
 

[1] Cho đến nay, vấn đề quê quán và năm sinh của Lưu Cơ vẫn đang còn gây ra những tranh luận trong giới nghiên cứu, ở đây chúng tôi tạm theo ý kiến đã được số đông học giả và các nhà nghiên cứu thống nhất.
[2] Việt giám thông khảo tổng luận,
[3] Việt sử lược 越史畧, quyển thượng, bản dịch của Nguyễn Gia Tường, NXb TP.HCM, 1993, tr.27.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư , bản khắc in đời Chính Hòa (1697), bản kỷ, quyển 1, tờ 3b.
[5] Nguyn văn: “士師或稱為民長,是古代以色列一種軍事、政治領袖的稱謂”.
[6] Đỗ Văn Ninh (2002), Từ điển chức quan Việt Nam , NXb Thanh Niên, Hà Nội, tr.595.
[7] Đỗ Văn Ninh (2002), Từ điển chức quan Việt Nam , NXb Thanh Niên, Hà Nội, tr.564.
[8] Nguyên văn: “士師是到君王制度成立前這段時期內,士師通常不作名詞使用,而用作動詞,含率領或治理之意。” Dẫn theo: Hà Cửu Doanh 何九盈, Vương Ninh 王寧, Đổng Côn 董琨chủ biên (2015), Từ nguyên 辭源, bản tu đính, Thượng vụ ấn thư quán, tr.1632.
[9] Nguyên văn: “文班內職:部尚書、左右參知、左右諫議、中書侍郎、部侍郎、左右司郎中、尚書省員外郎、東西閣門使、左右腹心、內常侍、府士師、殿學士、翰林學士、衛大夫、諸火書家、承直郎、承信郎”.Dẫn theo: Quốc sử quán triều Nguyễn (1856 - 1884), Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽定越史通鑑綱目, chính biển, bản kỷ, Q1, tờ 18b.
 
[10] Nguyên văn: “朝廷仿照唐宋制度,設有諫議大夫作為諫官,設中丞掌監察,設太史掌天文曆法;沿襲丁朝制度,設有都護府掌刑法,長官為士師,下有按獄吏負責審問犯人。”

[11] Nhiều tác giả (2015), Từ hải 辭海, bản tăng đính, Trung Hoa thư cục (Đài Loan) xuất bản, tr.1854.

[12] Từ Liên Đạt 徐連達 chủ biên (2010), Trung Quốc quan chế đại từ điển 中國官制大辭典, Thượng Hải đại học xuất bản xã 上海大學出版社, tr.773.
[13] Đặng Xuân Bảng (2014), Sử học bị khảo , bản dịch, NXb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.241.
NGUYỄN VÂN