Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 17/7/2020
E-mail     Bản in

VẤN TỔ,TẦM TÔNG VÀ DI HUẤN CỦA TIỀN NHÂN
"Cây có gốc, nước có nguồn. Chim có tổ, người có tông".
 Những năm gần đây, nghiên cứu gia phả được xem là một lĩnh vực của khoa học được nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu xã hội quan tâm. Nhất là trong việc tìm tòi, nghiên cứu các vấn đề lịch sử dân tộc, lịch sử một vùng đất, lịch sử của một dòng tộc, các nhân vật lịch sử, gia phả… đã có những đóng góp nhất định. Gần đây gia phả họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã cống hiến cho quốc gia một tài liệu quý giá có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng).

Tìm hiểu dòng tộc qua gia phả là nhu cầu mà ngày nay đã có nhiều tổ chức xã hội, cá nhân quan tâm. Qua gia phả, di chúc, di huấn của người xưa, người đời nay tìm thấy ở đó có nhiều điều thật ý nghĩa... trong đó ý thức tìm về cội nguồn, truyền thống dòng tộc luôn là sự đòi hỏi thôi thúc của nhiều thế hệ.

Tìm trong các gia phả, thấy những lời di huấn của các bậc tiền bối để lại cho con cháu thăm thẳm tình người. Một đoạn trong bản chúc thư xưa của một dòng họ: "... Nguyên vợ chồng chúng tôi kết duyên cầm sắt, vui đạo xướng tuỳ, sinh hạ được tất cả 12 người con, nay còn lại 9 đứa. Vì phải cần cù khó nhọc nuôi nấng bầy con đông đúc, nên chúng tôi không tự lực tạo mãi được thêm vườn đất, ruộng nương mà chỉ nhờ vào của cải ruộng đất của ông bà, cha mẹ để lại.

Nay tuổi hạc càng cao, để giữ gìn môn phong rạng rỡ, gia đạo yên vui, trước khi an giấc ngàn thu, phải tính việc dặn con mọi lẽ. Với 9 đứa con, rồi đây sẽ có thêm cháu chắt nhưng ruộng đất thì có chừng mực. Tục ngữ có câu: "Để vậy thì giàu, chia nhau thì khó". Cha mong muốn rằng sau khi cha khuất bóng các con phải giữ tình "cốt nhục tương thân" giữ nghĩa "thúc túc tương trợ". Các con đừng tham lam vì tiền, đừng nghe lời thị phi xúi giục mà sinh sự kiện thưa, đem tên tuổi ông bà, cha mẹ đến cửa tụng đình, như thế là các con làm tủi nhục cho vong linh của ông bà, cha mẹ ở nơi chín suối.

Trên đất của nhà mình có nhà của một số bà con. Các con nhớ câu: "Tiên ngụ, cửu cư" (ngụ trước, ở lâu), khi nào họ tự ý dời nhà thì họ trả đất lại cho nhà mình. Nếu họ bán nhà thì người chủ mới vẫn ở như người chủ cũ. Các con không được đuổi họ thình lình phải giữ lòng "Tín nghĩa thuỷ chung", không nên sinh lòng tham lam manh tâm tranh tụng. Các con nên nhớ câu "có phước có phần". Nhà mình không có phần "hương hoả", cho nên những ngày giỗ trong gia đình các con tuỳ tiện đơm cúng riêng tại nhà, hoặc cùng nhau lại đơm cúng thì càng quý lắm! Nhưng các con phải biết: "tuỳ gia phong kiệm", "giàu làm kép, hẹp làm đơn". Lễ nghĩa quý ở chỗ lòng thành, chớ không phải chỗ ít hay nhiều.

Về khoản sở nhà ngói ba căn, hai chái và nhà bếp hiện cha con mình đang ở đây, trong các con, đứa nào thiếu nhà thì được ở, bất luận trai hay gái. Còn trong cuộc sống, anh chị em cần biết nhường nhịn nhau, đứa làm ăn khá, giúp đỡ đứa nghèo túng, đừng làm đoạn tình cốt nhục, trái với gia đạo cương thường... Sau cùng, cha nhắc nhở và khuyên bảo các con phải nhớ ít nhất là tu dưỡng ba đức tính: Cần, Nhẫn, Hoà...". Và, người viết chúc thư cũng không quên giải nghĩa cho con hiểu thế nào là: Cần, Nhẫn, Hoà. Qua lời văn của bản chúc thư, thấy được tâm trạng lo lắng về việc tranh chấp tài sản có thể xảy ra khi người cha qua đời. Người cha đã dặn dò các con trong việc ăn ở, tu thân tích đức, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia tộc, trong xóm giềng... Tôi cũng đã đọc được một văn tự chia đất của một dòng họ cách đây hơn một trăm năm. Dù cách hành văn theo lối cũ nhưng văn tự rất khúc chiết, rõ ràng. Con cháu nghe theo không có sự tranh chấp, giữa các thế hệ ăn ở hoà thuận nhường nhịn với nhau suốt 4 đời. Phải chăng đó là điều họ tin và làm theo vào văn tự thiêng liêng của ông bà để lại.

Hầu hết trong di huấn của các dòng họ là những lời dạy con cháu ăn ở hiền hoà, có hiếu với cha mẹ, có ích cho đời... Lời di huấn giản dị nhưng nhiều thế hệ con cháu nghe, làm và biết phát huy trong cuộc sống, nhiều người đã thành đạt.

Dòng họ tổ chức viết gia phả, di huấn, hồi kí... Đây là một truyền thống văn hoá tốt đẹp cần được phát huy. Mong rằng vấn đề "vấn tổ, tầm tông" sẽ được nhiều người, nhiều gia đình, dòng họ quan tâm góp phần xây dựng giềng mối tốt đẹp cho quê hương, đất nước.

Theo NGƯỜI CAO TUỔI

Theo NGƯỜI CAO TUỔI


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)