Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 17/11/2014
E-mail     Bản in

Cây bút nữ Lưu Thị Mười: Từ hai cuộc hội ngộ văn chương
Khoảng hơn ba năm trở lại đây, công chúng yêu văn chương ở Bình Định và cả nước được dịp thưởng thức những truyện ngắn của Lưu Thị Mười. Khi những truyện ngắn của chị xuất hiện trên báo Bình Định, tạp chí Văn nghệ Bình Định, rồi báo Văn nghệ trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Văn nghệ quân đội, tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh..., cái tên Lưu Thị Mười từ ấn tượng ban đầu đã dần định hình phong cách và trở nên quen thuộc.

Song, có lẽ ít ai biết rằng, đây không phải là lần đầu Lưu Thị Mười đến với văn chương mà chỉ là một cuộc tái ngộ - cuộc tái ngộ bằng một chất giọng chín chắn sau hơn mười năm dừng bút.

Hai lần đến với văn chương

Nhà văn Lưu Thị Mười sinh năm 1978, quê quán xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn. Hiện chị đang là giáo viên dạy Anh văn tại trường THPT Nguyễn Trung Trực - Phù Mỹ. Nói, đây là nhà văn hai lần đến với văn chương là bởi, từ năm học lớp 10, chị đã tham gia sáng tác, những trang viết đầu tay được đăng tải trên báo Mực Tím, rồi sau đó không dừng được đam mê viết lách nên đã tham gia vào nhóm sáng tác Gia đình Áo trắng An Nhơn do nhà văn trẻ Nguyễn Đình Quang làm trưởng nhóm. Tại đây, những trang viết thời trung học phổ thông của chị được đăng tải thường xuyên trên tập san Áo trắng do nhà văn Đoàn Thạch Biền làm chủ bút. Theo nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân, cái tên Lưu Thị Mười lúc đó để lại khá nhiều dấu ấn, đặc biệt là giọng văn nữ tính trên những truyện ngắn. Vào đại học (sinh viên khoa Ngoại ngữ, Đại học Quy Nhơn), Lưu Thị Mười vẫn tiếp tục sáng tác. Cho đến khi ra trường và nhận công tác tại Phù Mỹ năm 1999, người đọc tuyệt nhiên không thấy cái tên Lưu Thị Mười xuất hiện trên diễn đàn văn chương nào nữa!

 
Cô giáo Lưu Thị Mười (hàng sau, ngoài cùng bên phải) với các đồng nghiệp và học trò.

Ngừng viết là vậy nhưng ngọn lửa văn chương vẫn luôn âm ỉ trong lòng chị. Rồi đến năm 2011, khi người anh cả của bút nhóm Gia đình Áo trắng An Nhơn xưa cũng tái ngộ với văn chương và giành luôn giải nhất cuộc thi viết truyện mini trên tập san Áo trắng, cô nữ sinh ngày nào giờ đã là một giáo viên với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, mới được tái ngộ những gương mặt thân quen một thời trong bút nhóm. Đó là một bước ngoặt quan trọng để ngọn lửa đam mê sáng tác trong chị bùng cháy trở lại.

Ấn tượng của sự chín chắn và...

Trở lại với sáng tác, từ khoảng cuối năm 2011 đến năm 2012, nhà văn trẻ Lưu Thị Mười liền cho ra đời mười mấy truyện ngắn - một lực viết rất sung sức. Viết sung sức chỉ là một yếu tố, quan trọng hơn là chị xuất hiện trên các diễn đàn văn chương lớn của cả nước như Văn nghệ quân đội với truyện ngắn “Người đàn bà khóc”, rồi tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ trẻ... đã khẳng định chất lượng và tầm viết của chị. Người đọc có thể thấy trong những trang văn của nhà văn này, bên trong sự kín kẽ của chữ nghĩa, sự điềm đạm của cách hành văn là ý thức phái tính đậm  đặc và sự phân tích tâm lý tinh tế, chạm đến những góc khuất lờ mờ nơi tâm hồn những con người đã trưởng thành về mặt tuổi tác mà vẫn chưa “nhận ra được mình”. Sự nhạy cảm trong tư duy, suy nghiệm, trong sự diễn đạt tâm lý của những mối quan hệ trong xã hội đã giúp chị dựng nên những “Biển gọi”, “Cũng may em chưa ngoại tình”, “Trăng khóc”....  Sự diễn đạt ấy ở chị luôn là một thế mạnh mà tới giờ vẫn chưa thấy cạn ý tưởng hay “xuống dốc” khi viết về đề tài này. Nhưng dạo gần đây, chị chững viết lại, những người quan tâm hỏi đến thì chị bảo: “Phải chuẩn bị để khác đi”. Mọi thứ vẫn luôn đáng để trông chờ vì “khác đi” là đòi hỏi tất yếu của sáng tạo nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng.

Trong khi văn xuôi Bình Định những năm qua đang thiếu hụt trầm trọng những cây viết kế tiếp lớp nhà văn đã thành danh và lớn tuổi thì cùng với những cây viết cùng lứa như Triều La Vỹ, Phạm Kim Sơn,... Lưu Thị Mười là cái tên như nhà văn Lê Hoài Lương - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội VHNT Bình Định, người đọc bản thảo và theo dõi từng bước đi trên dặm đường văn chương của cây bút này, nhận xét là “điều hi vọng của văn xuôi nữ Bình Định”. Trân trọng tài năng của chị, Tạp chí Văn nghệ Bình Định số 2 bộ mới đã giới thiệu Lưu Thị Mười trong mục Cây bút mới của tạp chí và cuối năm 2012, chị được kết nạp vào Chi hội Văn học.

Nếu ngày xưa, cô giáo Lưu Thị Mười chỉ phải thức khuya với những trang giáo án, với những trăn trở của một nhà giáo tâm huyết với nghề thì nay, chị phải cặm cụi với cả hai: dạy chữ và sáng tác. Khi chị quay lại với văn chương thì có một người chị không thể nào không nhắc tới với nhiều tri ân và xúc cảm, đó là thầy giáo Nguyễn Thanh Minh, người bạn đời của chị. Anh là người động viên chị quay lại với trang viết và cũng là người nhắc nhở chị phải biết “giữ sức” cho những ý tưởng dài hạn. Với một cây viết nữ đã có gia đình thì việc được chồng động viên viết là một hạnh phúc vô bờ. Thế mới thấy cái nỗ lực khi đến với văn chương của một cây viết nữ như chị là đáng trân trọng như thế nào.

Với những điều ấy, dĩ nhiên là nữ nhà văn này, như chị tự nhận là “khó nói trước” cái duyên nợ văn chương gắn với mình đến đâu, nhưng ta vẫn luôn có cơ sở để trông chờ chị - những trang văn hay nhất luôn ở phía trước.
Theo LÊ VĂN ĐỒNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)