Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. VIỆC TỐT NGƯỜI TỐT HỌ LƯU.
Đăng ngày 17/11/2013
E-mail     Bản in

Cô giáo Lưu Hạnh Dung: Đem “trái tim của Bụt” đến với học trò!
“Má Dung” là biệt danh được các teen THPT Phú Nhuận ưu ái đặt cho cô Lưu Hạnh Dung, giáo viên môn Hóa của trường. Tên gọi thân thương này được ra đời vì ngoài giờ lên lớp, cô Hạnh Dung còn “tặng” thêm cho học sinh của mình những câu chuyện về tình yêu thương, lòng nhân ái, những trải nghiệm thực tế không có trong sách vở. Với phong cách trò chuyện trẻ trung và thân thiện, cô Dung luôn được teen Phú Nhuận tin tưởng và tìm đến “tổng đài Má Dung” để nhờ giải đáp những thắc mắc không biết hỏi ai của tuổi mới lớn.

Bắt đầu bằng những chuyến từ thiện…

Để khơi gợi lòng yêu thương và sự quan tâm chia sẻ của học trò với cộng đồng, cô Hạnh Dung cho biết: Trong những giờ sinh hoạt lớp, cô thường kể chuyện về xã hội, cuộc sống, gia đình và con người cho học trò của mình nghe. Dần dần những câu chuyện của cô tác động đến các em, rồi các em về nhà kể lại cho phụ huynh nghe. Thế là Trung thu năm 2009, nhiều phụ huynh đã gửi tiền quyên góp, nhờ con mang đến cho cô để thực hiện một chuyến tình nguyện giúp đỡ những trẻ em nghèo.

Chuyến tình nguyện đầu tiên của cô Dung cùng học trò của mình đã bắt đầu với sự ủng hộ của các phụ huynh như thế đó. Có lần, cô dẫn học trò đi Bệnh viện Ung Bướu, tự quyên góp để mua 30 phần quà cho các em thiếu nhi bất hạnh ở đây. Lần khác, cô tổ chức cho các bạn học sinh lớp 12 tới thăm lớp phổ cập giáo dục ban đêm ở hai trường tiểu học Nguyễn Đình Chính và Đông Ba. Trong những buổi tối ấy, cô cùng học trò của mình đã quyên góp và mua được hơn 100 phần quà để tặng cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tặng quà xong, nhóm còn ở lại sinh hoạt văn nghệ với các em nhỏ nữa đó. Sắp tới, cô và các bạn lớp 12A12 vẫn tiếp tục những hoạt động này!

 

“Má Dung” kể với VTM: Khi tổ chức cho học trò tham gia vào những chuyến từ thiện này, cô mong muốn các bạn hướng về xã hội hơn, bớt đi sự vô tâm với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, biết trân trọng và yêu thương gia đình của mình hơn, thậm chí, tình cảm bạn bè trong lớp cũng đoàn kết hơn trước nữa”. Ban đầu, những quà tặng được mua từ khoản tiền do nhóm tự quyên góp, nhưng càng về sau, những món quà ấy càng đa dạng hơn. Có khi là những bộ quần áo cũ hay món đồ chơi, có khi là tập sách, dụng cụ học tập của chính các bạn học sinh. Cô Dung tâm sự: Các em có gì thì tặng nấy, nhưng tất cả đều là tấm lòng của các em. Điều quan trọng là các em đã biết chia sẻ với người khác.

Rồi đến “Đoàn diễu hành ve chai”

Trong một lần trò chuyện với học sinh lớp 11A1, cô Dung đã kể về những chuyến từ thiện trước đó và tỏ ý muốn gây một nguồn quỹ để phục vụ cho công việc này. Vậy là ý tưởng thu gom ve chai ra đời. Thay vì nhận tiền quyên góp của các bạn học sinh trong lớp và phụ huynh của các bạn ấy để làm từ thiện, cô Dung cùng các bạn lớp 11A1 ngoài giờ học đã đi gõ cửa từng nhà, xin ve chai để đem bán lấy tiền. Trong đợt ra quân đầu tiên, “đoàn diễu hành” của má Dung đã mua được 50 phần quà là những thứ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày để tặng người lang thang, trẻ em cơ nhỡ ở công viên.

 

 

Tiết học thực hành Hóa lúc nào cũng vui nhộn

Cô kể rằng mỗi khi đi xin ve chai, đoàn sẽ xuất phát từ sáng sớm cho tới tận chiều tối mịt mới chịu về. Có hôm trời mưa bão, mới sáng sớm mà trời đã tối sầm, cô nhắn tin hỏi học trò “Rồi sao có đi không các con?”. Nhận được tin nhắn của học trò: “Đi chứ cô, mưa bão cũng đi”, cô thấy rất vui. Sau khi kết thúc đợt xin ve chai và kiếm đủ tiền để mua quà, đến tối, “đoàn diễu hành” của cô khoảng hơn 20 học sinh chở những phần quà to tướng ra công viên. Cô nói vui: “Có nhiều lúc người bán vé số đang ngồi ở công viên, thấy lực lượng của bọn cô đông quá, tay xách nách mang hăm hở tiến lại gần, người ta cũng sợ luôn”.

Cuối những buổi đi tặng quà, cô trò lại rủ nhau đi ăn uống để lấy lại sức. Chính những lúc ấy, tình cảm cô trò càng gắn kết hơn và đó chính là những kỷ niệm với học trò mà cô Dung không bao giờ quên được.

Và những câu chuyện về cuộc sống

Nếu ai đã từng là học trò của “má Dung”, hẳn sẽ không xa lạ với những câu chuyện về cuộc sống mà cô thường kể cho mình nghe. Những giờ sinh hoạt chủ nhiệm hoặc những khi kết thúc bài giảng, còn lại ít thời gian trống, cô thường kể cho trò nghe những chuyện hay về tình người. Cũng có khi cô không kể chuyện một mình mà bắt các bạn phải cùng cô kể chuyện. Có khi cô cho các bạn trong lớp chơi một trò chơi nhỏ: Mỗi bạn lấy một mảnh giấy nhỏ và viết vào trong đó câu trả lời cho câu hỏi “Điều gì làm em thấy hối hận nhất trong cuộc sống?”. Sau đó, cứ mỗi ngày cô lại bốc một mảnh giấy và đọc lên cho cả lớp cùng nghe. Dĩ nhiên là cô cũng viết và các bạn được cô giữ hoàn toàn bí mật tên tuổi của mình.

 

Cô Hạnh Dung hướng dẫn học trò thực hành thí nghiệm hóa học!

Cô nhớ lại: Có một nữ sinh viết rằng rất hối hận vì đã giận mẹ quá lâu. Mãi đến khi gặp cô, cô học sinh ấy mới thay đổi suy nghĩ và cảm thấy thời gian dài giận mẹ thật là vô lý. Trong những buổi “giao lưu” như thế, nhiều teen đã không kềm được nước mắt. Có em bật khóc, có em lại nghẹn ngào khi nghe cô kể những câu chuyện, nghe những lời thú nhận rất chân thành của chính mình, của bạn bè hoặc cô Dung.

“Tổng đài Má Dung” nghe….

Trước đây cô Dung cũng có thời gian phụ trách phòng Tư vấn học đường ở Trường THPT Phú Nhuận. Hồi đó, các bạn học sinh hay tìm gặp cô để được tư vấn về những trăn trở, khó nói của đời sống tâm lý học trò. Đó là lý do mà mãi sau này, khi cô không còn phụ trách phòng tư vấn học đường nữa, các bạn vẫn tìm cô để chia sẻ tâm tư của mình và xin cô những lời khuyên.

 

Học sinh nhờ “tổng đài Má Dung” gỡ rối những thắc mắc tuổi học trò

Cô kể: Các bạn chia sẻ với cô khá nhiều chuyện, thầm kín cũng có, nhưng chủ yếu là những chuyện thường xảy ra trong cuộc sống của học sinh. Có bạn mỏi mệt với áp lực học hành, có bạn bất hòa với ba mẹ, có bạn hỏi chuyện hướng nghiệp, có bạn tâm sự chuyện tình cảm tuổi ô mai và cũng có cả những bạn “lăn tăn” vì chuyện giới tính của mình nữa.

Cô Dung bật mí rằng, trong những năm đứng lớp, cô đã gặp rất nhiều lớp với nhiều học trò cá biệt. Cô nhớ có một bạn nam, cô kêu lên bảng trả bài, bạn không thuộc nên cô bắt chép phạt một lần cho nhớ. Vậy mà bạn không chép, lúc cô hỏi tại sao, bạn chỉ nói một cách ngông nghênh là “Em không thích”. Sau khi cô phân tích nhẹ nhàng mà không hề la mắng bạn ấy câu nào, bạn đã hiểu ra. Sau khi tìm hiểu về nam sinh ấy, cô Dung đã tỏ ra quan tâm bạn ấy hơn các bạn khác một chút khi lên lớp để bạn cảm nhận được sự yêu thương cô dành cho mình. Thế là, chỉ một thời gian ngắn sau đó, bạn ấy đã trở thành một học sinh ngoan ngoãn, biết nghe lời cô và chăm chỉ học hành.

 

 

Tiết học thực hành Hóa lúc nào cũng vui nhộn

Cô tự nhận: Cô không ngại những học sinh cá biệt, trong giảng dạy, cô nghiêm khắc đúng lúc, bạn nào ngoan cô thương, em nào hư thì cô phạt. Chỉ riêng với ban A là cô phải nghiêm khắc hơn một chút vì Hóa là một trong những môn quan trọng với các em.

Trong những năm tháng đứng trên bục giảng, ngoài niềm vui khi đạt danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2011 và 2012, những tình cảm học trò THPT Phú Nhuận dành cho cô là những món quà quý giá nhất đối với cô Lưu Hạnh Dung.

 

Theo THÚY AN & TRƯƠNG LƯƠNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)