Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 17/1/2012
E-mail     Bản in

Dòng họ không khói thuốc
Năm 2000, khi xây dựng Quy ước gia tộc, tộc Đỗ ở thôn Khánh Thọ (xã Tam Thái, Phú Ninh) đã đưa ra một tiêu chuẩn chưa có tiền lệ: Con cháu toàn gia tộc hạn chế và tiến tới bỏ hẳn thuốc lá, rượu bia. Từ chỗ “khác người”, tiêu chuẩn ấy bây giờ trở thành một mô hình độc đáo, mang tính tiên phong và duy nhất ở Quảng Nam.

Trong ngôi từ đường này, ý tưởng vận động toàn gia tộc bỏ thuốc lá của ông Đỗ Xuân Ân đã được “luật hóa” và thực thi trên thực tế.

Từ trải nghiệm bản thân…

Tác giả ý tưởng, cũng là vị tổng chỉ huy cuộc vận động không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia của tộc Đỗ thôn Khánh Thọ, chính là ông Đỗ Xuân Ân, tộc trưởng. Tiếp tôi trong ngôi từ đường nhỏ mà trang nghiêm, ông mở đầu câu chuyện bằng một thông báo: "Không biết anh tới tìm tôi có việc gì. Nhưng xin nói trước là tôi chỉ có nước trà, còn thuốc lá thì không...". Khi biết mục đích chuyến viếng thăm bất ngờ của tôi, ông cười hiền lành, hơi tần ngần một chút rồi đặt tay lên vai tôi, thân mật: "Làm báo làm văn như anh, chắc hút thuốc nhiều lắm? Bữa nay tới chơi chỗ tôi, chịu khó cai một lúc nghe!".

Trong lúc đợi ông Ân pha trà, tôi tranh thủ nhẩm đọc các bức hoành, câu đối và xem mấy tấm bằng khen của huyện, của tỉnh tặng cho tộc Đỗ. Thấy một tờ lịch in tên Tổng Công ty Khánh Việt được in ấn sang trọng và đẹp, tôi dừng lại mở ra xem. Ông Ân rời bàn trà, bước lại: "Anh đừng ngạc nhiên vì sao chúng tôi hô hào bỏ thuốc lá mà lại được  KHATOCO tặng lịch. Chỗ đó là nơi con trai tôi làm việc đấy". Nhân tiện, ông kể thêm: Trước đây, vào các dịp lễ, tết, con trai của ông - anh Đỗ Công Chức, vẫn thường mang quà của công ty về nhà, trong đó luôn có thuốc lá White horse "để cha tiếp khách". Nhưng từ khi ông đứng ra vận động gia tộc bỏ hút thuốc, anh Chức không đem thuốc lá về nữa.

 

Ông Đỗ Xuân Ân, tác giả ý tưởng và là vị tổng chỉ huy cuộc vận động không hút thuốc lá của tộc Đỗ, thôn Khánh Thọ.

Trở lại với câu chuyện vận động dòng họ bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia, ông Ân cho biết động cơ khiến ông nảy ra ý định này là từ trải nghiệm bản thân. 68 tuổi đời, ông từng chứng kiến nhiều người mang bệnh hiểm nghèo rồi chết vì thuốc lá cùng nhiều cảnh đau lòng khác vì rượu chè bê tha. Chính cuộc sống của riêng ông cũng là một bài học. Trong những năm chiến tranh, do đặc thù của công tác vận động quần chúng trong lòng địch nên lịch sinh hoạt của ông phải thay đổi: gần như chỉ ở một mình, ban ngày nằm nghỉ, ban đêm thức trắng đi khắp các xóm làng.

Để khuây khỏa và tỉnh táo, ông chọn... thuốc lá. "Hồi đó, thuốc lá của tôi không tính điếu, tính gói đâu. Thuốc của tôi phải tính bằng cây, bằng tút...", ông Ân kể. Hút nhiều, ông bị các chứng khan cổ, tức ngực liên tục hành hạ... Hiểu rõ tác hại của thuốc lá nên ngay sau khi đất nước thống nhất, thấy không phải "hành xác" vì nhiệm vụ nữa, ông liền cai thuốc. Cai được rồi, nhưng mỗi khi về nhà, ông lại thấy vợ mình "đốt lò" liên tục bằng loại thuốc rất nặng đô là thuốc lá bổi, thuốc lá cơi (nguyên lá). Cửa mở không nói làm gì, còn khi khép cửa lại thì từ nhà trên đến nhà bếp chỗ nào cũng có mùi thuốc lá, tàn thuốc vương vãi khắp nơi.

Vừa lo cho sức khỏe của vợ, vừa sợ con cái bắt chước, ông Ân khuyên vợ bỏ thuốc. Bà nghe lời, nhưng chỉ bỏ... trước mặt ông, còn khi ông vắng nhà bà lại hút. Biết chuyện, ông làm căng: "Giữa tôi và thuốc lá, bà chỉ được chọn một thứ thôi"... Vừa kể, ông Ân vừa cười mãn nguyện, khoe: "Từ đó đến chừ, bất kể thời tiết thay đổi thế nào, vợ chồng tôi không ai ho hen một tiếng".

Đến cuộc "cách mạng" trong gia tộc

Từ chuyện riêng của bản thân và gia đình, ông Ân nhiều lần nghĩ "có lẽ cũng nên đưa chuyện này ra áp dụng trong toàn gia tộc". Có sẵn cái "thế" trưởng tộc, được anh em, con cháu nể trọng, rồi lại gặp dịp chính quyền địa phương vận động làm tộc ước để tiến tới xây dựng tộc họ văn hóa, ông quyết định biến ý tưởng thành hiện thực.

Biết đây là việc không dễ, nên trước khi bắt tay vào làm, ông đi vận động một số người có uy tín trong tộc, nhằm tạo "điển hình" trước rồi mới nhân ra diện rộng. Người đầu tiên ông nhắm đến là ông Đỗ Thế Hoàng, trưởng chi. Ông Hoàng là bác sĩ, không hút thuốc lá, lại biết cách nói rất bài bản, khoa học về tác hại của thuốc lá. Nghe ông Ân gợi chuyện, ông Hoàng gật đầu cái rụp.

Nhân vật thứ hai là Đỗ Kim Thanh, lúc bấy giờ là Trưởng trạm Y tế xã Tam Thái. Tuy là người làm nghề y, song anh Thanh có hút thuốc, gọi là "để bớt căng thẳng khi gặp bệnh nặng". Thêm nữa, anh Thanh lại có vợ được cả làng cả xã coi là người "hút thuốc có đẳng cấp". Vận động anh Thanh bỏ thuốc không khó, vì cơ bản anh chỉ hút theo tình huống. Mục tiêu xa hơn là từ anh Thanh, dần dần làm cho vợ xa rời khói thuốc và từ chị, kéo theo nhiều chị em phụ nữ khác nữa... Ngoài hai nhân vật hơi cứng tuổi này ra, ông Ân không quên tìm một điển hình cho đám thanh niên. Và người mà ông chọn là Đỗ Xuân Thọ, từ nhỏ đến lớn chưa một lần đụng tới thuốc lá...

 

Trong các lễ thức quan trọng của tộc Đỗ, thôn Khánh Thọ, thuốc lá đã không có mặt từ 9 năm nay.

Chuẩn bị xong đâu đấy, ông Ân mời cả gia tộc về từ đường họp thông qua tộc ước. Và đó là một buổi họp tộc rất khác so với các buổi họp trước đó: Sau lời khai mạc của ông trưởng tộc, bác sĩ Hoàng có một bài thuyết trình về tác hại của thuốc lá và bia rượu. Phía bên dưới, chỗ vợ chồng anh Thanh ngồi, từ đầu đến cuối buổi không thấy khói bay lên như thường thấy. Trong đám thanh niên ngồi vòng ngoài, có vài người bật lửa đốt thuốc nhưng vừa đốt xong thì tắt ngay, nhờ sự can thiệp kịp thời của anh Thọ: "Đừng hút thuốc, kẻo ảnh hưởng đến người khác...".

Tộc ước được thông qua nhanh chóng. Trong đó, có cả quy định về chuyện hút thuốc lá và uống rượu bia. Chỉ có điều, nó đã được điều chỉnh chút ít so với ban đầu: Thay vì “cấm con cháu họ Đỗ hút thuốc lá, nhậu nhẹt say sưa”, tộc ước đã viết: “...không dùng thuốc lá trong các lễ thức của gia tộc; vận động con cháu toàn gia tộc hạn chế hút thuốc lá, nhậu nhẹt say sưa tiến tới bỏ hẳn thuốc lá và bia rượu”.Nhắc lại chuyện buổi đầu, ông Ân bảo: "Quy ước được thông qua, mừng lắm. Nhưng chỉ có vậy thôi thì chưa đủ. Quan trọng là mọi người có thực hiện hay không". Vì băn khoăn này, ông âm thầm "giám sát" con cháu. Đi ăn cưới, ăn giỗ, chỗ nào ông cũng để ý xem con cháu của mình có ai hút thuốc, có ai uống quá chén hay không.

Lúc rảnh, ông lại tạt qua các hàng quán trong thôn, dò hỏi con cháu họ Đỗ có ai thường lui tới mua thuốc, nhậu nhẹt và đặc biệt là xem có ai vì rượu, vì thuốc mà nợ nần dây dưa. Nếu phát hiện ai vi phạm, ông đến từng nhà, không phải để la mắng mà để động viên, khuyên nhủ. Tất cả các thông tin của từng người có liên quan đến cuộc vận động đặc biệt này, ông Ân đều ghi vào sổ riêng. Từ đó, vào các dịp họp mặt con cháu toàn gia tộc, ông lại có "báo cáo kiểm điểm", để tuyên dương những người thực hiện tốt, nhắc nhở những ai chưa làm đúng theo tinh thần tộc ước...

Nhờ vậy mà tất cả những người nghiện thuốc trong tộc Đỗ đã lần lượt bỏ thuốc. Nghiện nặng và luôn sống trong môi trường có lắm khói thuốc là anh Đỗ Kim Lường (làm nghề đào đãi vàng) cũng đã bỏ hẳn thuốc sau gần 2 năm vật vã cai. Vợ anh Thanh phấn đấu gần một năm thì dứt hẳn, làm gương cho nhiều phụ nữ khác cai theo. Hay như anh Đỗ Xuân Đồng làm nghề xây dựng, giao dịch nhiều và luôn lấy thuốc lá làm "đầu câu chuyện" cuối cùng cũng bỏ được thuốc. Ông Ân tâm tình: "May là, tôi làm vậy mà không ai giận, không phải vì không dám giận mà vì họ thấy bỏ thuốc lá, bớt nhậu nhẹt say sưa là có lợi...".

Bây giờ, sau 9 năm vận động và "luật hóa" chuyện hút thuốc lá, toàn bộ con cháu tộc Đỗ thôn Khánh Thọ đã bỏ hẳn thuốc lá. Riêng chuyện rượu bia, nhiều người vẫn còn dùng, nhưng chỉ uống xã giao, uống để ăn ngon miệng là chính. Ông Đỗ Xuân Ân mừng một thì rất nhiều người khác mừng mười, mừng trăm... Tiễn tôi ra về, ông hỏi: "Anh thấy tôi làm vậy có "kỳ cục" quá không?". Tôi lắc đầu,bảo rằng lạ,độc đáo lắm.

 

 
 

Theo Phan Chí Anh


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)