Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 16/8/2013
E-mail     Bản in

Ông Lưu Tấn Tài: “Làm để cho con cháu noi theo”
Cầm cây dao chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ sau nhà, mọi thao tác của ông vẫn linh hoạt, khoẻ khoắn và dứt khoát, dù ông đã ở tuổi 70. Ông Lưu Tấn Tài ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, nguyên là Huyện đội trưởng huyện Cái Nước, đang an nhàn với vườn cây, ao cá. Cho là thú vui tuổi già cũng đúng, nhưng nói là ông làm kinh tế cũng không sai, bởi hằng năm ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cái gọi là thú vui tuổi già ngay trên mảnh đất, khu vườn của mình.
 Ông Tài tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Khởi đầu nhiều khó khăn

Cũng giống như nhiều thanh niên cùng thời nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tham gia cách mạng từ năm mới 19 tuổi, trải qua nhiều trận đánh ở nhiều mặt trận khác nhau. Sau khi hoà bình lập lại, ông còn tham gia chiến trường Campuchia với nhiều thành tích nổi bật. 

Đến năm 1986, ông được chuyển về làm Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Huyện đội Cái Nước, rồi làm Huyện đội trưởng vào năm 1990.

Sau nhiều ngày đêm suy tính, ông quyết định mua máy suốt lúa bởi lúc ấy nông dân đều trồng lúa chứ không phải nuôi tôm như bây giờ, cơ hội làm ăn rất nhiều. Khi nghỉ hưu về địa phương, ông bắt tay phát triển sản xuất từ 1 ha đất do ông bà để lại. Tỉ mỉ cắt từng chiếc lá úa trên dây thanh long ruột đỏ, ông Lưu Tấn Tài thoáng suy tư, nhớ lại: “Khi mới nghỉ hưu về, căn nhà của tôi ở lợp lá, lụp xụp lắm, chứ không phải khang trang mái ngói như bây giờ. Lúc đó đất ruộng trồng lúa không hiệu quả”. 

Ông Tài cho biết: “Phải lên tận Cần Thơ mua máy suốt lúa nhưng trong tay không có tiền, tôi phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn, được cái may mắn là bà con mình cũng thương tình giúp đỡ nếu không thì cũng chẳng biết thế nào!”. Có máy suốt lúa, ông Lưu Tấn Tài đi khắp các cánh đồng từ Cái Nước đến Trần Văn Thời, U Minh…

Mọi cố gắng của ông không uổng phí, một năm sau, ông đã có trong tay hàng ngàn giạ lúa, tích luỹ được vốn để làm ăn, cất được căn nhà mới khang trang với đầy đủ tiện nghi. Con cái lập gia đình đều được ông chia đất và có cuộc sống ổn định, bởi lúc bấy giờ ông sang thêm được rất nhiều đất. 

Ông Lưu Tấn Tài chia sẻ: “Nền tảng của cuộc sống ổn định bây giờ cũng bắt đầu từ chiếc máy suốt lúa vay mượn tiền đi mua khi ấy. Mặc dù hiện nay cuộc sống không còn phải cực khổ như thời đi khắp nơi suốt lúa mướn nữa, nhưng khoảng thời gian đó là một kỷ niệm đẹp, một dấu mốc khó quên trong đời tôi”.

Để phát triển kinh tế gia đình, ông tận dụng mọi cơ hội. Sau này, khi Nhà nước cho phép chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, ông bán máy suốt lên bờ bắt đầu công việc mới: nuôi tôm. Không có kinh nghiệm hay kiến thức về nuôi tôm, ông tích cực học hỏi mô hình ở khắp nơi. 

Nhờ thế, đến nay gần 2 ha đất nuôi tôm quảng canh truyền thống của ông đã cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. 

Ông Lưu Tấn Tài chia sẻ: “Mặc dù hiện nay nhiều người chuyển sang nuôi công nghiệp nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện mô hình nuôi tôm truyền thống. Tôi cũng có ý định thử nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến nhưng vẫn còn trong quá trình nghiên cứu, học hỏi. Làm kinh tế không thể nóng vội mà phải tính toán cẩn thận và nắm bắt được thị trường”.

Vinh dự được chọn điển hình toàn quốc

Dù đã bước qua tuổi 70, nhưng ông Lưu Tấn Tài vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, vẫn tâm huyết với nhiều dự định sản xuất. Không chỉ làm vuông nuôi tôm, cua, ông còn đào ao để nuôi cá bống tượng, nuôi rắn ri tượng, trồng thanh long… Việc gì để ruộng đất sinh lợi là ông làm. 

Ông Lưu Tấn Tài cho biết: “Mình làm nhiều mô hình và tận dụng tối đa đất trống sau nhà để trồng cây, rau màu bán kiếm thêm thu nhập chứ không thể chỉ dựa vào con tôm.

Chỉ mỗi việc trồng rau má bán thôi cũng có thể trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, bởi với giá 20.000 đồng/kg rau má, mỗi ngày tôi bán 10 kg cũng cho thu nhập kha khá rồi!”. Đã từng là cán bộ với cấp bậc Thượng tá và chức Huyện đội trưởng, nhưng khi về nghỉ hưu, ông Lưu Tấn Tài vẫn giữ được nét bình dị của một người nông dân. 

Ông bộc bạch: “Khi tuổi đã cao thì gắn bó với ruộng vườn, ao cá, chăm sóc con cháu, trồng cây… như một cách an dưỡng tuổi già nhưng cũng là cách để mình làm kinh tế không phải sống dựa vào con cháu. Bác Hồ có dạy “Lao động là vinh quang”, chính vì lẽ đó tôi vẫn sẽ làm việc, lao động đến khi nào không còn làm nổi nữa mới thôi”.

Không chỉ lo cho cuộc sống gia đình, ông Lưu Tấn Tài còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, công việc của địa phương. 

Ông Lê Thuận Tâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Chú Tài là một người rất có uy tín ở địa phương, khi còn là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, chú đã xây dựng tổ chức Hội vững mạnh để chúng tôi hưởng thành quả và phát huy đến giờ”. 

Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Tài gương mẫu đi đầu với những việc làm thiết thực như xây cổng rào trước nhà, trồng cây kiểng, góp vốn làm lộ bê-tông… Đồng thời đi vận động bà con làm theo.

Không chỉ giỏi làm ăn kinh tế, ông Lưu Tấn Tài xây dựng được một gia đình đầm ấm, con cháu hoà thuận và sau này các con của ông xây dựng gia đình riêng đều có cuộc sống ổn định. 

Ông tâm sự: “Mình là nông dân nhưng cũng là một cựu quân nhân, do đó mọi hành động, việc làm đều phải chuẩn mực để con cháu học hỏi”. 

Với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông luôn gương mẫu đi đầu từ những việc làm nhỏ nhất, như tham gia đóng góp và vận động người thân trong gia đình, hàng xóm đóng góp các quỹ phúc lợi xã hội, Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, đặc biệt là các hoạt động hướng về đồng đội.

Ông Lưu Tấn Tài cho biết: “Mình là bộ đội dù đã về hưu nhưng có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay phải nhớ đến anh em, đồng đội khi xưa, dù không nhiều nhưng góp một phần ít ỏi cũng là tấm lòng”. Chính vì quan niệm ấy mà hoạt động nào hướng về đồng đội cũ cũng có mặt ông như thăm hỏi tặng quà cho gia đình neo đơn, góp tiền xây nhà đồng đội, xây mộ đồng đội.

Với những việc làm thiết thực trong phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho địa phương, ông Lưu Tấn Tài và gia đình nhận được nhiều giấy khen, bằng khăn của tỉnh như danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình văn hoá tiêu biểu”, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, lao động tiên tiến… 

Nói về những thành tích đạt được, ông Lưu Tấn Tài chia sẻ: “Đó là vinh dự lớn với bản thân, gia đình tôi. Đây cũng là một cách để dạy con cháu. Mình phải làm gương cho con cháu học tập thì mới có thể xây dựng được gia đình hạnh phúc, phát triển”.

Và một vinh dự lớn nữa là tháng 9 năm 2013, ông được đại diện địa phương, tỉnh đi dự Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ II. Đây là một ghi nhận xứng đáng cho những gì mà người cựu binh trên 50 năm tuổi Đảng này gầy dựng./.

 
Theo ĐẶNG DUẨN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)