Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 15/7/2014
E-mail     Bản in

Ký sự du khảo của dòng họ Lưu Miền Nam

Giai đoạn 1: Miền Tây Nam Bộ, hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre

Căn cứ vào tinh thần cuộc họp của Hội đồng Liên lạc dòng họ Lưu Miền Nam tại Lưu Gia Trang (Đ/c Ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh) quyết định trong cuộc họp, tất cả thống nhất quay phim, làm bộ phim “Ký Sự Lưu Tộc Việt Nam” với mục đích: để nung nấu ý chí cho con cháu họ Lưu, đoàn kết cùng nhau hướng về cội nguồn của mình, thấy được cái sinh hoạt và hoạt động biết bao khó khăn trở ngại… để tồn tại cho đến ngày hôm nay của người tiền nhân, ông bà tổ tiên du tiến về phương Nam, định cư lập nghiệp người sinh hạ con cháu qua nhiều thế hệ, còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Ngay giai đoạn đầu thế kỷ 21 (2014) dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào con cháu nội ngoại vẫn cố gắng giữ gìn nét đẹp truyền thống của dòng họ Lưu luôn hiếu kính ông bà tổ tiên, “Uống nước nhớ nguồn” để biết “Chim có tổ, người có tông”.
-THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUAY PHIM “KÝ SỰ LƯU TỘC VIỆT NAM”. Dự kiến kế hoạch thực hiện từ miền Tây Nam bộ đi ra miền Bắc, Việt Nam, chia làm ba giai đoạn khảo sát thực hiện quay phim.
– Miền Tây vùng Nam bộ.
– Vùng Cao nguyên và miền Nam Trung bộ.
– Vùng Bắc trung bộ và Bắc bộ (Hà Nội).
* đoàn du khảo gồm có 6 người.
– Ông Lưu Nguyên Quảng làm Trưởng đoàn du khảo.
– Lưu Danh (Tp. Hồ Chí Minh).
– Lưu Tuấn Thành - Trưởng ban điều hành Ban Liên lạc Lưu Tộc - Miền Nam.
– Lưu Thành Huy, Thư ký đoàn du khảo.
– Lưu Hợi (Tp Hồ Chí Minh).
– Lưu Hữu Thu (Nhà Tài trợ phương tiện vận chuyển Đoàn du khảo).
* Trước khi khởi hành chuyến du khảo của đoàn tất cả tập trung vào thắp hương kính cáo ông bà Tổ tiên, đến 7 giờ 25 phút, ngày 15/07/2014 đoàn du khảo (ĐDK) tôi bắt đầu xuất phát lên đường thực hiện chuyến du khảo về “Cù lao Lưu” ở miền Tây sông nước Nam bộ.
* 14 giờ 45 phút, ngày 15/07/2014 đoàn du khảo được ông Lưu Trường Tính người đầu tiên họ Lưu ra đến trung tâm huyện Tam Bình – Vĩnh Long, nhiệt tình chờ đón chúng tôi, đón tiếp và hướng dẫn đường cho xe đi vào nhà Thờ họ Lưu xã Tường Lộc – Tam Lĩnh – Vĩnh Long. Ở tận nơi nhà thờ họ Lưu tại đây.
* Khi xe đoàn du khảo không đi được nữa, thì được đoàn người con cháu nội ngoại Lưu tại đây đã bố trí chờ sẵn, nồng nhiệt đầy tình thương huyết thống dòng họ Lưu đón tiếp hướng dẫn chúng tôi đi và
* Đoàn đi dọc đường đã chuẩn bị sẵn hương hoa lễ vật được hội đồng gia tộc Lưu nơi đây hướng dẫn vào thắp hương lễ cáo ông bà tổ tiền hiền nơi đây là cụ Lưu Văn Phụng (tự là Đức Loan).
* đoàn du khảo đến nơi đây được đón tiếp, quan tâm nhiệt tình được ông Lưu Vĩnh Bình là Trưởng hội đồng gia tộc làng Tường Lộc, thuyết minh cho biết về lịch sử dòng họ Lưu ở đây và hướng dẫn đoàn du khảo thăm phần mộ của ông bà tổ tiền hiền nơi đây, qua diễn thuyết tìm hiểu thực tế, chúng tôi phát hiện còn có được hai linh vị thờ hai ông bà Lưu Văn Phụng còn lưu giữ được cho đến ngày hôm nay.
* Theo trình bày được biết ông tổ tiền hiền Lưu Văn Phụng đến đây định cư lập nghiệp, ban đầu hoang vu còn đầy thú dữ, ở định cư lập ấp có công xây dựng làng xã nơi đây; có 5 ấp, được ông đặt tên theo giáo dục nho học “tam cang ngũ thường” cách dạy học làm người “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” nên 5 ấp tại đây, có tên như sau: Tường Nhơn, Tường Nghĩa, Tường Lễ, Tường Trí, Tường Tín. Do vậy cụ Lưu Văn Phụng đến đời vua Tự Đức thứ 18 (1852)[1] xét công cho ông được sắc phong làm Thành Hoàng làng, nay còn được chính quyền công nhận hỗ trợ và dân làng địa phương đã lâu đời thờ cúng tôn kính tưởng nhớ công lao, đã xây dựng và trùng tu nhiều lần “Đình Làng” xã Tường Lộc, lễ lệ hàng năm tại địa phương thường xuyên.
* Đến 15 giờ 45 phút cùng ngày đoàn du khảo được HĐGT cử người hướng dẫn lộ trình đi đến thăm đình làng xã Tường Lộc và tìm hiểu nghiên cứu về lý lịch của đình làng đã từ có xưa đến nay.
* Đến 16 giờ 45 phút cùng ngày, vì chuyến đi lộ trình mà đoàn du khảo có người lớn tuổi nhất gần 80 tuổi, đi sáng đến giờ này cả đoàn ai cũng mệt mỏi, nhưng lòng đầy tự hào về một dòng họ Lưu nơi đây, có nhiều công sức góp phần duy trì truyền thống tinh hoa họ Lưu và góp phần xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước, dân tộc Việt Nam. đoàn du khảo được con cháu họ Lưu nơi đây chuẩn bị bố trí và hướng dẫn cả đoàn về tại khách sạn để ngủ nghỉ qua đêm. Với sự nhiệt tình dòng họ Lưu đã mời cả đoàn du khảo 19 giờ 30 phút về tại nhà thờ họ Lưu vui đêm ca hát “Đờn ca tài tử” truyền thống của miền sông nước Tây Nam bộ, do con cháu nội ngoại họ Lưu tổ chức, nhưng Đoàn chúng tôi không thể tham gia vì sức khoẻ mọi người trong đoàn phải nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày mai lễ giỗ kỵ chính thức tổ họ Lưu là cụ tổ Lưu Văn Phụng.
* 05 giờ sáng ngày 16/07/2014. đoàn du khảo đi ăn sáng điểm tâm và tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của dân chúng xung quanh vùng này, đoàn du khảo biết được tại địa phương tỉnh Vĩnh Long có hai trường học mang tên anh hùng liệt sỹ Lưu Văn Liệt, tại quê hương ông là trường tiểu học Lưu Văn Liệt, được “mục sở thị” tai nghe mắt thấy căn cứ theo gia phả xã Tường Lộc, Lưu Văn Liệt là hậu duệ đời thứ 6 của tổ Lưu Văn Phụng, Lưu Văn Liệt là con thứ 12 của ông Lưu Văn Thanh và bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Cẩm đã qua đời năm 2004, hưởng thọ 99 tuổi, sinh ra Lưu Văn Liệt vào năm 1934. Gia đình có ba liệt sỹ, trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, Lưu Văn Liệt là học sinh trung học lớp 11 trường Tống Quốc Hiệp Tp Vĩnh Long nay là trường trung học phổ thông Lưu Văn Liệt, ông qua đời vào ngày 16/01/1964 khi nhận nhiệm vụ ném lựu đạn tại quán bar Lệ Hoa giết chết một người phiên dịch, một người Mỹ và nhiều người Mỹ bị thương, khi sự việc xảy ra bị truy đuổi chạy đến đường cùng là đường “Công-xi-heo” nay là đường Mậu Thân thì bị bắn chết. Hiện nay tại Tp. Vĩnh Long ngay tại trước quán bar Lệ Hoa được xây dựng một tượng đài bán thân Lưu Văn Liệt là nơi ném lựu đạn để ghi nhận công lao góp phần bảo vệ Tổ quốc của anh hùng Lưu Văn Liệt.
* 09 giờ 15 phút ngày 16/07/2014, đoàn du khảo đi về đến nhà thờ họ Lưu xã Tường Lộc tham dự lễ giỗ kỵ chính thức. đoàn du khảo được hội đồng họ Lưu đã tổ chức đón tiếp long trọng khi xe của đoàn đại biểu về dự lễ, lúc đó thì có cả nhiều xe của các đoàn, đoàn con cháu nội ngoại họ Lưu ở xã An Thới và An 
Thuỷ – huyện Ba Tri – tỉnh Bến Tre và Đoàn người họ Lưu ở xã Xuân Hiệp -huyện Trà Ôn- tỉnh Vĩnh Long. Hướng dẫn đi từ ngoài đường lớn vào tận trong nhà thờ cách xa 400 mét, thật là trang trọng và đầy vẻ uy nghi của một buổi lễ lớn.
* Trong phần lễ nghi truyền thống chính thức giỗ kỵ tổ Lưu Văn Phụng cúng tế trang nghiêm xong là đến phần Hội[2], người xướng ngôn viên (ô. Lưu Văn Luật) của Ban tổ chức lễ, giới thiệu thành phần tham dự: – Đại biểu Chính quyền địa phương – đoàn du khảo của Hội đồng liên lạc dòng họ Lưu Miền Nam – Đoàn con cháu họ Lưu các tỉnh, huyện, xã, ngoài địa phương về tham dự lễ giỗ kỵ.
* Ông Lưu Vĩnh Bình là Trưởng họ Lưu nơi đây đọc diễn văn ôn lại và tưởng nhớ những công đức của Cụ Tổ Lưu Văn Phụng từ ngày đầu tiên đi mở đất khai hoang lập ấp ở phương Nam, định cư lập nghiệp ở đây, rồi sinh hạ con cháu đến nay được 12-13 đời tại đây.
* Ý kiến phát biểu của đại biểu chính quyền địa phương.
– Ý kiến của ông Lưu Nguyên Quảng, Trưởng đoàn du khảo, thay mặt Ban cố vấn Hội đồng liên lạc dòng họ Lưu Miền Nam phát biểu.
– Ý kiến của ông Lưu Thành Huy, Thư ký đoàn du khảo, (nội dung tất cả đại biểu phát biểu ý kiến trên có ghi lại trong đĩa VCD Ký Sự Lưu Tộc Việt Nam).
Trong phát biểu của Trưởng đoàn du khảo căn cứ theo nhu cầu sinh hoạt nội lệ của Hội đồng liên lạc dòng họ Lưu Miền Nam, yêu cầu Hội đồng họ Lưu nơi đây cử một người đại diện để tiện việc gắn kết thông tin với BLLHLMN. Hội đồng họ Lưu, xã Tường Lộc và con cháu đã nhất trí cử ông Lưu Vĩnh Thoại là người thay mặt đại diện cho tất cả họ Lưu ở đây, để kết nối dòng họ.
* Tiếp đến sinh hoạt giao lưu của tất cả con cháu để cùng nhau đoàn kết quay về cội nguồn truyền thống, cố gắng giữ gìn phát huy nét đẹp tinh hoa của dòng họ Lưu.
* 14 giờ 45 phút, tạm chia tay nơi đây, trong tình cảm đầy quyến luyến của con cháu nội ngoại họ Lưu xã Tường Lộc và đoàn du khảo được vinh dự nhận lời mời của con cháu họ Lưu của tỉnh Bến Tre, họ Lưu xã Xuân Hiệp – huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long, họ Lưu ở huyện Long Hồ – tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, đoàn du khảo tiếp tục lên đường đi tiếp khảo sát ở địa phương khác theo lịch trình.
Đi đến đâu, dù ở địa phương nào, đoàn du khảo cũng được quan tâm, tiếp đón nồng nhiệt trong vòng tay yêu thương theo truyền thống, thừa hưởng được ý thức dòng họ huyết thống, mà tổ tiên đã truyền lại ý thức về dòng họ Lưu phải đoàn kết yêu thương nhau qua nhiều thế hệ, mà hôm nay vẫn còn giữ gìn phát huy được nét đẹp, là người dòng họ Lưu dù ở đâu, xa lạ, hay giọng tiếng nói ở bất cứ vùng miền nào, khi biết là người họ Lưu thì tay bắt mặt mừng như anh em ruột một nhà.
* Xe của đoàn du khảo tiếp tục lên đường đến nơi dòng họ Lưu xã An Thới và xã An Thuỷ (biết trước đây tên của hai xã là một xã), huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre định cư, lúc này trời đã tối lúc này 19 giờ 15 phút, đoàn được dòng họ Lưu nơi đây quan tâm bố trí lo ăn uống, hướng dẫn về khách sạn nghỉ ngơi và sinh hoạt cá nhân của đoàn du khảo. Khi làm việc trao đổi khảo sát có ông Lưu Văn Tuyền là trưởng họ Lưu theo trực hệ và nhiều con cháu cháu nội ngoại ở tại đây. (tại nhà bà Lưu Thị Nguyên), cho đoàn du khảo biết về lịch sử chi tiết dòng họ Lưu ở đây. Đến lúc 23 giờ 30 phút cả đoàn mới về đến khách sạn để nghỉ ngơi.
* Đến 07 giờ 20 phút ngày 17/07/2014, đoàn du khảo được con cháu họ Lưu nơi đây, hướng dẫn đường đi, xe của đoàn ra đến vị trí mai táng hai phần mộ tổ họ Lưu ở đây, nhưng cả hai phần mộ tổ nơi đây đều không có tên, ngay trong gia phả cũng ghi rõ không biết tên, vì bối cảnh lịch sử xã hội tạo nên, rồi đói nghèo… hay nguyên nhân … bối cảnh… xã hội… nào đó! Mà hôm nay hậu duệ 8 đến 9 đời họ Lưu nơi đây không biết tên tổ tiền hiền của mình là gì!
* Đến đây vì điều kiện sức khoẻ và thời gian mọi người dành cho chuyến du khảo không nhiều, nên đoàn du khảo phải tạm dừng lại, bây giờ là là 10 giờ 30 phút, xe của đoàn du khảo tìm đường quay trở về lại Tp Hồ Chí Minh. Trên đường về cả đoàn du khảo lòng đầy quyến luyến với những tình cảm mà con cháu họ Lưu đã ưu ái dành cho chúng tôi.
* Có một điều mà đoàn du khảo cảm thấy có lỗi với tổ tiên ông bà và con cháu nội ngoại tại huyện Long Hồ – tỉnh Vĩnh Long. Vì đoàn du khảo có nhận lời mời, nên dòng họ Lưu đến đây có tổ chức đón đoàn du khảo; nhưng xe đoàn du khảo đi bị lạc đường trên lộ trình di chuyển địa điểm khảo sát do chưa có kinh nghiệm, không ghé vào thăm con cháu họ Lưu nơi đây được. Do đó đoàn du khảo chúng tôi xin thành thật xin lỗi con cháu nội ngoại ở huyện Long Hồ-tỉnh Vĩnh Long.
Lời cảm tạ: đoàn du khảo của Hội đồng liên lạc dòng họ Lưu Miền Nam, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
– Hội đồng gia tộc Lưu xã Tường Lộc – Tam Bình – Vĩnh Long.
– Con cháu họ Lưu xã An Thuỷ – Ba Tri – Bến Tre.
– Con cháu họ Lưu xã An Thới – Ba Tri – Bến Tre.
– Con cháu họ Lưu xã Xuân Hiệp – huyện Ba Tri – Vĩnh Long.
– Con cháu họ Lưu huyện Long Hồ – tỉnh Vĩnh Long.
– UBND xã Tường Lộc – Tam Bình – Vĩnh Long.
– Trường Đại học Bộ nội vụ Hà Nội (Văn phòng đại diện tại Tp Hồ Chí Minh).
Biên bản chuyến du khảo kết thúc.
Thư ký đoàn du khảo
(đã ký)
Lưu Thành Huy
Tp. HCM, ngày 18-7-2014
Trưởng đoàn du khảo
(đã ký)
Lưu Nguyên Quảng
[1] Căn cứ vào số liệu ghi tạc vào bia đá tại Đình làng xã Tường Lộc – Tam Bình – Vĩnh Long.
[2]. Trong lễ hội được chia làm 2 phần lễ và hội.

 
Lưu Nguyên Quảng