Ξ|Ξ   TƯƠNG TẾ ::. NGHĨA TÌNH ĐỒNG TỘC .
Đăng ngày 15/11/2013
E-mail     Bản in

Bốn đời mang phận tí hon
(PL)-NS)- Cố gắng kết hôn với người cao để đổi giống nhưng cái lùn vẫn đeo bám gia đình ông đến bốn đời.
Trong truyện cổ tích xưa, bảy chú lùn sinh sống trong những khu rừng rậm rạp huyền bí bên cạnh nàng công chúa Bạch Tuyết xinh đẹp. Ở thôn Bà Rén (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam) “tiểu đội tí hon” nhà ông Lưu Quơn (79 tuổi) sinh sống trong một ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên dòng sông Bà Rén thơ mộng. Quanh năm, họ sống nhờ vào chợ Bà Rén với nghề bế heo, bán nước rửa cá và quét chợ thuê. Với người dân sống quanh cầu Bà Rén, gia đình nhà ông Quơn là “tiểu đội tí hon” đáng mến, thân thiện và tốt bụng.

Ông Lưu Quơn, bà Điểm vẫn đau đáu ước vọng thoát lùn. Ảnh: LÊ PHI

Nghề độc của gia đình lùn

Chợ Bà Rén, với hàng trăm nghề buôn bán “thượng vàng hạ cám”, chỉ cách nhà “tiểu đội tí hon” vài sải chân.
Ông Quơn lùn sinh được bảy người con thì đứa nào cũng mang gen lùn. Cái lùn đeo bám bốn đời nhà ông Quơn, di truyền đến cả đời cháu ông. Với đôi chân cong vênh, thân hình nhỏ thó, cao chừng 1,1 m, “tiểu đội tí hon” sống trong ngôi nhà cũng lùn te lùn tẹt như chuyện cổ tích. Người bình thường bước vào nhà ông Quơn thì khom lưng, cúi đầu chứ thẳng người là va trúng trần nhà.

Vì thể trạng đặc biệt nên dù ở gần chợ, các thành viên trong gia đình ông Quơn chẳng biết tìm nghề nào cho thích hợp với thể trạng. Vì thế, đại gia đình ông đi bế heo thuê, quét chợ và bán nước rửa cá. “Không tìm được nghề nào phù hợp nên cả gia đình tui xin bế heo thuê, quét chợ và gánh nước dưới sông về bán cho người ta rửa cá” - anh Lưu Trịn, con ông Qươn, nói.

Vật dụng, giếng nước bé nhỏ trong gia đình “tiểu đội tí hon”. Ảnh: LÊ PHI

Chợ Bà Rén ở Quế Sơn là chợ heo con nức tiếng cả khu vực miền Trung. Hầu hết dân buôn từ các tỉnh đổ về đây để mua heo giống. Gia đình ông Quơn xin được bế heo thuê cho thương lái khi cần cân heo để bán. Hằng ngày, các chú lùn tản đi khắp chợ bế heo lên cân. Thương lái trả thù lao bao nhiêu thì họ nhận bấy nhiêu. Mỗi ngày bế được vài chục con heo thì nhà ông Quơn đã mừng tít mắt vì đủ đắp đổi qua ngày. Thương cho nhà ông Quơn thật thà lại tốt bụng, hầu hết các thương lái đều thuê các con ông bế heo.

Ở chợ Bà Rén, “tiểu đội tí hon” luôn có mặt sớm nhất và về muộn nhất. Các chú lùn ở chợ được dân buôn yêu quý vì cái tính hiền hòa, nhiệt tình khi người khác cần giúp đỡ. “Có hôm vừa ra khỏi chợ, tôi bị choáng và ngất giữa đường. May nhờ có gia đình ông Quơn đưa xe lôi kéo tôi đi cấp cứu kịp thời” - một tiểu thương bán heo ở chợ cho biết.

Vì sự tốt bụng và hiền lành nên tiểu thương chợ Bà Rén tạo việc làm cho nhà ông Quơn bằng cách mua nước để rửa cá. Hồi còn sung sức vợ chồng ông Quơn gánh được mỗi ngày chừng 30 thùng nước từ sông Bà Rén lên chợ bán. Thời đó, mỗi thùng nước ông bán giá vài hào, sau này ông bán giá 1.000 đồng/thùng nước. Một buổi, ông bà có thể kiếm được 30.000 đồng phụ giúp con cháu. Giờ ông Quơn đã yếu không thể gánh nước được nữa, người bán cá trong chợ Bà Rén cũng thấy nhớ ông. Cô Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi) nói: “Lâu rồi không thấy lão Quơn gánh nước rửa cá, chắc lão bệnh rồi. Tội nghiệp gia đình lão ấy lắm, đã lùn lại còn vất vả hơn người ta”.

Không cam tâm bỏ nghề cha mẹ đã theo, các con ông thỉnh thoảng cũng ra chợ gánh nước bán cho người buôn cá. Ngoài việc phụ bán quán cà phê cho một người hàng xóm, anh Lưu Trịn còn đi gánh nước bán cho hàng cá kiếm tiền sống qua ngày. Sau thời gian bươn chải với nghề bế heo, con trai Lưu Tam của ông Quơn đã sắm được chiếc xe lôi kéo gạch, thồ hàng ở chợ. Ngày có người thuê chở gạch, xi măng, anh kiếm được 30.000-50.000 đồng/ngày. Ngày ế khách, anh nằm ngủ trong xe lôi để ở chợ đến tối thì về nhà. “Bây giờ họ có cân cán hiện đại nên người bế heo thất nghiệp. Chẳng biết tìm nghề gì thì đi kéo xe lôi” - anh Tam tâm sự.

Anh Lưu Tam đang kéo xe lôi ở chợ Bà Rén. Ảnh: LÊ PHI

Khát vọng thoát lùn

Nói về chiều cao khiêm tốn của đại gia đình bốn đời nhà mình, ông Lưu Quơn nghẹo ngào: “Ước mơ lớn nhất trong đời của tui là cải tạo giống nòi. Nhà tui bốn đời đều mang tiếng lùn, đau khổ lắm, dằn vặt với tổ tiên lắm lắm!”. Rồi ông nói tiếp: “Tổ tiên nhà tui không lùn. Chỉ đến đời cha tui mới bắt đầu lùn, đến bây giờ thì lùn bốn đời rồi. Khi còn sống, cha tui dặn phải bằng mọi cách lai tạo giống nòi. Thế nhưng lùn vẫn cứ lùn, buồn lắm”.

Trước khi qua đời, cha của ông Lưu Quơn đã bày tỏ nỗi khổ tâm và mong mỏi con cháu cố cải tạo giống nòi để khỏi hổ lòng với tiên tổ. Con trai thì đi tìm những người vợ cao ráo mà cưới, con gái thì đi tìm những người đàn ông to con mà lấy làm chồng. Tuy nhiên, số phận cũng chẳng mỉm cười với gia đình ông khi việc tìm kiếm hạnh phúc kiểu “đôi đũa lệch” quá ư là khó khăn.

Ông Lưu Quơn bên người con trai Lưu Trịn cũng lùn di truyền như ông. Ảnh: LÊ PHI

Nghe lời cha, ông Lưu Quơn ngày đêm “cần mẫn” cưa tán cô hàng xóm cao ráo Phụng Thị Điểm (năm nay 78 tuổi), người cùng thôn để cải tạo giống nòi. Ngày đó, chú lùn Quơn “tán đổ” cô Điểm là chuyện động trời làm bàng hoàng xóm trên làng dưới. “Nhà gần nhau nên ngày nào tui cũng đến tán, phải trổ hết tài ăn nói và vượt qua mặc cảm thể xác để kiếm vợ. Chồng lè tè như vịt, vợ cao như cây sào. Gia đình tui trở thành tâm điểm cho thiên hạ buôn chuyện” - ông Quơn buồn buồn kể.

Lấy được vợ cao nhưng ông Qươn vẫn chưa thực hiện được ước vọng của cha mình. Ông bà sinh hạ được bảy đứa con nhưng tất cả đều mang gen lùn như ông. Ước vọng cải tạo giống nòi của ông Quơn không thể thực hiện được nên mọi hy vọng ông lại gửi vào các con. Cuộc tìm kiếm lai tạo giống nòi vẫn được tiếp tục.

Chỉ riêng chị Lưu Thị Hoa (33 tuổi) là ở vậy không lấy chồng, hằng ngày đi bán vé số. Chị bán vé số từ Đà Nẵng vào tới TP.HCM rồi lên cả Đà Lạt. Một năm chị Hoa về nhà một lần khi tết đến. Mọi người trong làng nói do chị tủi thân vì sự thấp bé của mình nên chẳng muốn về quê.

 

“Nhà gần nhau nên ngày nào tui cũng đến tán, phải trổ hết tài ăn nói và vượt qua mặc cảm thể xác để kiếm vợ. Chồng lè tè như vịt, vợ cao như cây sào. Gia đình tui trở thành tâm điểm cho thiên hạ buôn chuyện”.

Các chú lùn Lưu Ngoạn, Lưu Tam, Lưu Trịn nghe lời cha tiếp tục đi tìm lối thoát cho thể xác tí hon. Các chú lùn đi tìm những người vợ to cao và có sức khỏe để về cải thiện nòi giống. Anh Lưu Tam cho biết: “Nhìn thân hình nhỏ bé của mình cũng đau khổ lắm. Bây giờ sinh ra con cái nhưng lùn vẫn chưa được cải thiện, ba tui buồn lắm!”. Đến bây giờ, đại gia đình nhà ông Quơn đã có nguyên một “tiểu đội tí hon” cả con lẫn cháu.

Nhìn vào hai đứa cháu Phương, Biểu (con gái anh Lưu Ngoạn), ông Quơn đau đáu: “Hai đứa nó nhỏ bé thế chứ có một đống tuổi rồi. Không biết ông trời bắt tội, bắt vạ chi mà đến đời cháu chắt rồi vẫn lùn!”. Con cháu càng đông, nỗi buồn của ông già lùn Quơn ngày càng thêm quặn lòng. “Tiểu đội tí hon” vẫn đang mong đợi một điều kì diệu đến với gia đình mình để thoát lùn. Nhưng ước mơ ấy vẫn còn quá xa vời.

Từ ngày già yếu đổ bệnh, ông Quơn đành gác lại cái nghề quét rác, thu thuế giúp UBND xã Quế Xuân 1. Ông bàn giao công việc cho con, còn mình ở nhà cùng vợ gặm nhấm nỗi buồn đau bốn đời của dòng họ.

Mùa này, “tiểu đội tí hon” đang phân tán khắp nơi để kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Họ vẫn cố gắng mỉm cười dù phận đời có trớ trêu đến mấy.


 

 

Theo LÊ PHI


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)