Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 15/11/2012
E-mail     Bản in

Lời hứa với Tổ tiên
Sài Gòn tháng Bảy, mùa ngâu… mưa rả rích như trẻ con quấy khóc, vừa dìu dịu, lại hơi hơi phiền. Anh ngồi với tôi ở Phạm Ngọc Thạch, buồn xo. Anh ngồi với tôi ở Nguyễn Văn Cừ, hiu hắt. Anh bảo, có biết đâu tâm tính người anh trai lại thay đổi vậy. Là anh không muốn thất hứa với tiền nhân, chứ cái ao bé con ở quê, anh mua cả chục cái cũng được huống hồ gì chỉ độc một cái. Có điều, anh cứ đau đáu hoài về quê hương mà vẫn không có được câu trả lời cho mệnh đề… tại sao?
 
 
 



I
 
 
 

Anh thành đạt ở Sài Gòn. Anh có công ty riêng, có siêu thị… Anh sành xe hơi, sành cả rượu. Xếp anh vào tầng lớp thượng lưu, chắc không có gì là nhầm chỗ.

Vậy mà, anh cứ cọc cạch gõ cửa chỗ này, chỗ kia. Ủy quyền cho cả luật sư để yêu cầu người anh trai cho lấp cái ao trước nhà, lấy đất làm nhà thờ họ.

Tôi nói, thôi anh mua miếng đất khác đi. Đất quê, rẻ không mà. Anh giờ, mua gì chẳng được huống hồ miếng đất con con ấy.

Anh trả lời, vấn đề không phải vì tiền. Mà vì trước khi rời làng, anh đã khấn với tiền nhân.

Quê gốc anh ở một làng xa tít, thuộc tỉnh Thái Bình.

Ngày bé, nhà nghèo xác xơ. Cái đói cứ khiến giấc ngủ chập chờn, đầy mộng mị. Đói đến mức đào môn ngứa mọc lan đầu ao, trộn với gạo nấu ăn. Ăn xong, ngứa gãi muốn tróc cả miệng. “Con heo ăn cái thứ môn ấy, còn cà mõm vào cột chuồng đến tóe máu, huống gì mình, hả em”, anh kể vậy.

Đất quê mênh mông thế, nhưng nhà anh vỏn vẹn chỉ có một mẩu. Muốn ra đường cái quan, phải men theo con đường vừa đúng một dấu chân, láng giềng thương tình cho đi ké. Xung quanh con đường ấy, là cái ao nhỏ. Tuổi thơ mòn chân con đường ở trọ, tháng ngày khốn khó chống chếnh trôi đi.

Tinh sương anh nhập ngũ, theo đoàn quân Nam tiến... Trên con đường này, anh khấn “Tổ tiên hiển linh, con còn sống sau chiến tranh. Con làm ăn phát đạt, con sẽ mua cái ao này để làm nhà thờ họ. Để con cháu nhà mình mai sau, muốn ra đường cái, không cần phải men theo đất của xóm giềng”. Khấn xong, anh đi...

Đất nước thống nhất, anh ở lại Sài Gòn. Về công tác tại một cơ quan cơ yếu của Ủy ban Nhân dân TP HCM. Rồi anh thôi làm công chức, mở công ty riêng.

Tổ tiên có hiển linh phù hộ độ trì cho anh hay không, thì tôi không biết. Nhưng công việc làm ăn của anh ngày càng hanh thông, phát đạt.

Ngay khi có món tiền lớn trong tay, việc đầu tiên của anh là gửi về quê cho anh để nhờ “Anh thương lượng với bác đầu ngõ, mua cái ao cá cạnh đường đi, anh nhé. Sau này em có thêm tiền, em về san lấp rồi làm nhà thờ họ. Để tổ tiên mở mặt mở mày nơi suối vàng”.

Anh ở làng, em ở phố... Em dặn sao, anh làm y như vậy, tuyệt nhiên không sai một yêu cầu.

 

2. “Anh về quê suốt, vì mẹ anh còn ở ngoài đó. Mỗi lần về, đều đóng góp cái này cái kia cho quê. Với quê, anh không tiếc gì cả”, anh bảo với tôi vậy.

Nhiều văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đã về quê chơi với anh, đều kể ở quê họ trọng anh lắm. Con đường quê toàn bùn lầy, đường giữa làng kéo dài ra nghĩa địa, mỗi khi mưa xuống đất thịt nhão bùn, ngập chân đoàn người đưa tang là bình thường.

Chứng kiến cảnh đấy, anh về Sài Gòn, lẳng lặng quyên góp những người cùng quê thành đạt, bỏ tiền ra mướn xe cơ giới, mướn thợ đổ đan về làm con đường bê-tông kéo dài từ làng ra bãi tha ma. Dân làng nhớ cái tình của anh, gọi con đường là đường ông Long. Tôi quên nói, anh tên là Phạm Thanh Long.

Anh nặng nợ với quê, anh không nói ra, nhưng tôi nhận biết điều đó. Ở quê cần chuyện gì, anh đều giúp đỡ không ngoại trừ một trường hợp nào, dẫu là chức sắc xã hay chỉ là người nhà quê.

Có gã đàn ông nào, trải hết tuổi thơ ở quê lại không nặng nợ với quê. Dẫu cho có quẳng họ đi khắp thế giới, làm ông này bà kia hay khố rách áo ôm, thì quê nhà vẫn luôn nằm trong trái tim, trong tiềm thức. Không gì có thể thay thế được quê nhà.

Quê nhà trong anh đầy hoài niệm, còn là bởi một thời túng thiếu. Anh kể là, bố anh, người đàn ông nông dân, cả đời chỉ biết cắm mặt vào mảnh ruộng, cái bừa... Bệnh không có tiền uống thuốc, từ lúc sinh ra cho đến khi về cát bụi, chưa có cơ hội đến bệnh viện một ngày.

Ông mất, nhẹ tênh... Đi cày về, than mệt rồi mất. Về sau, anh mới biết bố anh mất là do chứng cao huyến áp. Có ai trách anh đâu, vậy mà anh vẫn nghĩ, giá mà anh có tiền, anh sẽ có điều kiện đưa bố đi chữa bệnh. Chắc là, bố anh không mất sớm. “Thương bố anh lắm. Gần như cả đời ông, chỉ mong muốn có một bữa ăn  ngon. Mà có được đâu hả em”, anh kể.

Mẹ mất, anh về quê chịu tang. Chịu tang xong, anh bàn với bà con thân tộc: “Mẹ con mất rồi. Giờ con muốn san lấp cái ao để làm nhà thờ họ, để mẹ con được nhang khói trong ngôi nhà của dòng tộc. Ý các cụ trong họ thế nào?”.

Đương nhiên, ai cũng đồng ý. Duy chỉ có một người phản đối, đó là ông anh trai của anh.

“Sao kỳ vậy anh? Anh em mình đã thống nhất, em gửi tiền về mua cái ao để làm từ đường. Mấy năm trước mẹ còn sống, em hoãn việc xây nhà thờ họ. Nay mẹ mất rồi, mình phải xúc tiến làm việc này nhanh để mẹ được hương khói ấm lòng chứ. Tại sao anh lại phản đối?”, anh chất vấn.

“Không có sao giăng gì ở đây cả. Tôi nói không được là không được. Bao giờ tôi chết, cái ao này chú muốn làm gì thì làm. Còn hiện tại, tôi đang sống, tôi nói không là không. Giấy tờ mua ao đứng tên tôi, tôi đố chú làm gì được đấy”, ông anh trả lời.

Người cao niên trong họ khuyên, ông anh gạt ngang. Anh em ruột thịt khuyên, ông bỏ mặc.

Biết khuyên răn thế nào, khi mà mỗi cái lắc đầu của người anh, như là vết dao cứa vào lòng anh. Anh em như bát nước đầy là thế... Vậy mà, phút chốc bát nước cạn trơ cả đáy, không rõ nguyên do.

Mà trong bốn anh chị em của anh, có người nào mà không nhận sự giúp đỡ từ anh; giúp từ chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, giúp đến chuyện mảnh vườn cái nhà.

Việc không cho phép anh ở quê nhiều hơn, anh về lại Sài Gòn. Trước khi đi, anh có dặn: “Hỏi giúp anh, vì sao anh trai lại trở nên như thế?”.

3. Tuần trước ngồi với nhau, anh chậm rãi nói với tôi rằng, anh đã hiểu vì sao ông anh trai cương quyết không cho ông lấp ao làm nhà thờ họ.

Ông anh trai có dâu, có rể... Cô con dâu đầu của ông sinh liền hai cô con gái, trước khi đẻ cho ông cậu nhóc cháu đích tôn.

Ở quê mà, danh phận cháu đích tôn luôn là một thứ quyền lực vô hình, có sức mạnh rất khủng khiếp. “Ông ấy muốn để dành cái ao cho thằng cháu đích tôn của ông ấy, mà cũng có thể, ông ấy nghe lời con dâu. Con dâu ông ấy bảo rằng, cái ao hợp với phong thủy chồng của nó. Lấp đi, tức là lấp phong thủy, khiến con đường hoạn lộ của chồng nó bị ảnh hưởng”, anh trầm ngâm.

Mà con đường hoạn lộ ấy thế nào... Con trai ông anh của anh, tức là cháu gọi anh bằng chú giữ một chức vị trong xã. Từ chức vị này, anh ấy lại kết thân với một vị có chức vị khác, hình như là kết nghĩa huynh đệ, theo đúng chất “Môi hở răng lạnh”.

Vậy là, chức sắc trong xã gạt bỏ hết ân xưa nghĩa cũ, khẳng định cấm ai đả động gì đến cái ao. Anh nghe phong thanh, họ bảo rằng: “Có vua về làng đòi lấp ao, họ cũng không cho lấp. Huống hồ là ông Long ở tận Sài Gòn”.

Chịu không thấu, anh bảo với ông anh: “Thôi, em sẽ mua cho anh cái ao khác, anh muốn để dành cho ai thì cho. Còn cái ao này, anh cho em lấp lại để làm nhà thờ họ. Vấn đề không phải vì tiền hay địa thế cái ao, mà vấn đề là lời hứa của em với tổ tiên, dòng tộc. Anh có hiểu điều đó không?”.

“Chú hứa là chuyện của chú, anh không cho lấp là chuyện của anh”, nói thì cứ nói, không cho vẫn cương quyết không cho.

Anh em trong nhà hục hặc, anh chán không về quê nữa. Mãi cho đến lúc, người già trong họ, gọi điện thoại yêu cầu anh phải có trách nhiệm với lời khấn vái. Họ bảo: “Cây có từ một gốc, nhưng nhánh có khỏe có sâu. Không thể vì một nhánh sâu mà để cây chết”.

Một bên là huyết thống, một bên là quyến thuộc... Anh mỏi mệt trong sự giằng xé đó. Cứ an ủi, như là một nỗi buồn về chiều. Tuy nhiên, đời đâu phải khi nào cũng như mình muốn. Áp lực từ dòng tộc ngày càng lớn đến độ, anh không thể thoái thác, ậm ừ cho qua chuyện.

Anh nói với tôi rằng: “Anh quyết định rồi, có sao đi chăng nữa thì anh cũng phải giữ lời hứa với tổ tiên. Anh không thể thất hứa được. Anh đã ủy quyền cho luật sư để khởi kiện chính, anh trai mình. Anh đau lòng lắm, nhưng không còn cách nào khác”.

Nghe thì có vẻ dứt khoát, nhưng khởi kiện chính người thân, ai mà không đau, ai mà không có cảm giác hoang hoải.

Tôi nói, thôi thì chuyện nhà anh, em người ngoài không can thiệp được. Thân nhau thì chia sẻ vậy thôi. Có điều, vẫn muốn hỏi anh là anh còn thương ông anh trai của mình không?

Anh trả lời: “Mẹ dứt ruột đẻ ra sao mà không thương được. Anh em một thời đói rách có nhau, sao mà không thương. Nhưng em hiểu chuyện từ đầu đến cuối mà. Còn lời hứa với tổ tiên, anh phải làm sao cho trọn vẹn hả em? Huyết thống cứ dồn anh đến đường cùng, bắt anh phải lựa chọn mà”...

Sài Gòn, ngoài phố vẫn cứ mưa. Phía trong quán vắng, nỗi buồn từ anh lan đi ăm ắp...

 
Theo Ngô Nguyệt Lãng