Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 15/11/2012
E-mail     Bản in

Nhà thờ Họ - Một loại hình kiến trúc tín ngưỡng đang phát triển
Chừng hai thập kỷ gần đây, việc xây dựng Nhà thờ họ rộ lên khắp mọi miền đất nước, nhất là ở nông thôn. Truyền thống xây dựng Nhà thờ họ có từ lâu đời nhưng trải qua ba chục năm chiến tranh, công việc này dường như không được tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước.
 
 
 
Cũng như những lễ hội truyền thống có từ lâu đời cũng chỉ nở rộ trong hòa bình và kinh tế phát triển. Chúng ta có truyền thống sinh hoạt cộng đồng rõ nét và mạnh mẽ, luôn thể hiện qua việc họp trường cũ, họp đồng môn, họp lớp, họp mặt cơ quan cũ, họp đồng hương, họp đơn vị… Những cuộc họp mặt giao lưu ấy củng cố khối cộng đồng bằng tình cảm, bằng những kỷ niệm trong quá khứ. Mối ràng buộc những con người với nhau là ký ức, là mảnh đất khi xưa cùng chung sống, hoạt động.
 
Họp mặt theo dòng họ thì lại có một yếu tố quan trọng khác là mối liên hệ huyết thống. Những cuộc họp mặt trên kia có thể có địa điểm là trường cũ, cơ quan cũ và thường là một địa điểm mượn nào đó, còn họp mặt theo dòng họ thì có một địa điểm thiêng liêng là Nhà thờ họ. Nếu ở xa không về được thì đành họp nhau tại một địa điểm nào đó, còn có điều kiện thì về Nhà thờ họ. Chính vì vậy, việc xây dựng Nhà thờ họ có ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng. Các dòng họ rất mong muốn xây dựng một ngôi nhà thờ cho họ của mình, niềm khát khao đó âm ỉ từ lâu, nay có điều kiện sống trong hòa bình, gặp gỡ nhau bàn bạc, đóng góp trong điều kiện kinh tế khá hơn trước. Do đó, nở rộ một phong trào xây dựng Nhà thờ họ - song song với việc này, và còn có trước việc này là viết lại lịch sử dòng họ, vẽ lại cái cây Phả họ để lưu lại cho con cháu. Việc này ngày xưa ông cha ta hay làm và để vào trong những ống quyển bằng gỗ, đặt trên bàn thờ.

Xây dựng Nhà thờ họ là một việc làm có nhiều ưu điểm. Trước hết, đây là một hành động hướng về cội nguồn. Chúng ta biết rằng hạt nhân của xã hội là gia đình. Một dòng họ có nhiều gia đình, nhiều dòng họ hợp thành xã hội. Một xã hội tốt đẹp phải bắt nguồn từ những gia đình tốt đẹp, từ những dòng họ tốt đẹp. Giáo dục trong dòng họ là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong xã hội.

Việt Nam chúng ta có chừng hơn 2.000 dòng họ. Mỗi dòng họ lại có nhiều nhánh họ, chỉ khác nhau một chữ đệm ở giữa. Sinh hoạt dòng họ trong Nhà thờ họ có tác dụng giáo dục cho con cháu về truyền thống của dòng họ trong việc xây dựng làng xóm, trong đấu tranh giữ nước, trong học tập, trong lao động sản xuất… Ngày nay con cháu của dòng họ đã phân tán khắp nơi, trong và ngoài nước. Cuộc sống đa dạng, muôn màu, muôn vẻ, nếu không khéo giáo dục truyền thống thì có nguy cơ mất gốc. Nhà thờ Họ là nơi lưu giữ cội nguồn của dòng họ, có tác dụng tạo nên lòng tự hào cho con cháu, nhắc nhở họ hướng về cội nguồn và sống sao cho xứng đáng với tổ tiên.

Về kiến trúc của Nhà thờ họ, có thể phân thành hai loại: Nhà thờ họ được xây dựng từ xưa và Nhà thờ họ mới xây dựng trong vài chục năm gần đây. Nhà thờ họ được xây dựng từ xưa, gần như đã được tôn tạo lại, mở rộng cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Còn Nhà thờ họ mới xây dựng thì thường được làm một tầng, ba gian, lợp ngói. Phổ biến là làm nhỏ và có trang trí nhiều hoa văn Rồng, Phượng. Ngôi nhà được đặt trong một khuôn viên có hàng rào bao quanh. Khuôn viên là một miếng đất nhỏ có vườn trồng hoa hoặc những cây Đại, cây Ngâu. Đó là những Nhà thờ họ phổ biến ở nông thôn. Còn ở thành phố thì sao? Ở thành phố hiếm có điều kiện có một miếng đất trong phố để xây dựng Nhà thờ họ. Thường thì lấy một buồng trong một căn hộ của con trưởng làm phòng thờ họ.

Xin lấy một thí dụ về Nhà thờ họ trong một làng quê để hiểu hơn về loại hình kiến trúc tín ngưỡng này. Cách thành phố Huế chừng 40km, có một ngôi làng cổ yên tĩnh, gần đây được phát hiện là một làng cổ có tuổi khoảng 500 năm. Ngôi làng nhỏ này là làng cổ Phước Tích, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Một ngôi làng nhỏ có con sông Ô Lâu uốn quanh, có đến 29 Nhà thờ họ hầu hết nằm dọc theo sông. Hầu hết những ngôi Nhà thờ họ này nằm trong một khuôn viên nhỏ bé có vườn cây, bao quanh một ngôi Nhà thờ họ có mặt bằng hình vuông hoặc hình chữ nhật, nhà ba gian lợp ngói. Cách đây 5 thế kỷ, có 12 dòng họ chính đến đây lập làng, họ xây dựng nhà cửa và trong đó những Nhà thờ họ nói chung đều tuân theo luật phong thủy dựa vào thế đất, lấy những mô đất làm “thanh long” hay “bạch hổ”, lấy dòng sông làm “minh đường”…

Nhà thờ họ Đinh Đức - TP. Huế

Về hình thức kiến trúc thì cái mái nói lên nhiều nhất tính chất bản địa, chính là một yếu tố bản sắc đậm nét. Ở làng Phước Tích, một số Nhà thờ Họ đơn gian nhất có bộ mái kiểu nhà dân gian Bánh ú: Mặt bằng gần hình vuông, ba gian, bốn mái, nóc rất ngắn chỉ bằng chiều rộng một gian nhà. Một số Nhà thờ họ khác “diêm dúa” hơn, làm mái hai tầng có kiểu cổ diêm giống như những ngôi nhà truyền thống ở xứ Huế. Cũng như hầu hết các biệt thự và lâu đài trong kinh thánh - tại phần cổ diêm này là những trang trí Mai, Lan, Cúc, Trúc, những sự tích huyền thoại. Nhiều Nhà thờ họ làm mái giả cong, đắp nhiều Rồng, Phượng, Nghê, Cá trên bờ nóc và ở đầu mái. Cột trang trí Rồng cuốn quanh, bình phong đa số làm kiểu cuốn thư có trang trí diêm dúa. Về kết cấu nói chung là kiểu chồng rường theo kiến trúc dân gian gỗ truyền thống.

Trong nội thất, ở giữa là bàn thờ chính. Ở đây thờ vị Tổ dòng họ, thường là có bài vị đặt trên một ngai thờ. Hai bên và phía dưới là đèn, nến, hương hoa. Ở đây có thể có những kỷ vật cổ xưa, những sắc phong của vua chúa. Ngoài ra có thể có những bàn thờ ở gian bên thờ những vị danh nhân của dòng họ.

Trên đây là một thí dụ về Nhà thờ họ cổ ở nông thôn. 

Vậy thì trong thời đại hiện nay, Nhà thờ họ nên như thế nào? Chúng ta đã thống nhất tác dụng tích cực của Nhà thờ họ là giáo dục con cháu hướng về cội nguồn, là tăng cường đoàn kết trong cộng đồng. Vậy thì sự tồn tại của Nhà thờ họ là hiển nhiên, đó là tín ngưỡng mang tính chất truyền thống dân tộc.

Trước hết, Nhà thờ họ mang tính chất Nhà thờ tổ tiên, sau là Nhà bảo tàng, Nhà tưởng niệm của dòng họ. Do đó, ngoài bàn thờ còn phải có không gian trưng bày tranh ảnh, hiện vật lưu niệm của những thành viên nổi tiếng, có công lớn trong dòng họ.

Về mặt khuôn viên nên khiêm tốn, giản dị, nghĩa là miếng đất không cần lớn nhưng đủ xây dựng một ngôi nhà nhỏ, chung quanh có vườn cây. Nếu có điều kiện thì đào một hồ nhỏ trước Nhà thờ Họ, nếu không đủ rộng thì làm một bể non bộ có nước để cải tạo vi khí hậu.

Về kiến trúc Nhà thờ họ nên ba gian hoặc ba gian hai chái, nhà một tầng, mái ngói theo kiểu dân gian. Về trang trí thì tuyệt đối không đắp Rồng, Phượng, vẽ tranh lòe loẹt.

Để thuận tiện cho việc tiến hành lễ nghi và họp đông con cháu, Nhà thờ họ bao giờ cũng cần một sân gạch trước nhà. Sân này có thể dựng nhà bạt che mưa nắng khi có lễ. Trong khuôn viên của Nhà thờ Họ nên có một Nhà phụ trợ nằm ở sau Nhà thờ họ. Nhà này là nơi có bếp, kho, bể nước (giếng nước, nếu chưa có nước máy) và khu vệ sinh.

Ngày nay, nhiều dòng họ làm ăn phát đạt, có xu hướng làm Nhà thờ họ to lớn, hoành tráng, điều đó cũng dễ hiểu. Một mặt muốn làm rạng rỡ cho tổ tiên, tỏ lòng hiếu lễ; nhưng mặt khác cũng muốn thiên hạ phải bái phục. Tuy nhiên làm Nhà thờ họ khiêm tốn, giản dị nhưng đẹp và đủ tiện nghi càng làm cho thiên hạ vị nể và kính trọng hơn.
 
Cuốn theo đời sống kinh tế xã hội ngày một nâng cao, Nhà thờ họ cũng được chú trọng xây mới hay cải tạo lại quy mô hơn, cầu kỳ hơn, nó cũng hội tụ đủ loại phong cách với những họa tiết chạm khắc kiến trúc đa dạng.
 

 
Theo GS.TS.KTS Tôn Đại