Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 14/9/2013
E-mail     Bản in

LƯU CÔNG DANH Nhà tu hành huyền thoại (Phần I)
...

 

Lưu Công Danh là một con người bình thường nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông thì thật là đặc biệt, hiếm có ai như ông. Người ta nói Lưu Công Danh là một nhà tu hành huyền thoại. Ông là người có tiếng về chuyện đi tu thành Phật sống; về việc dùng cỏ, lá cây để chữa bệnh cho nhiều người một cách có hiệu nghiệm với mục đích làm phúc, làm từ thiện là chính. Ông là một con người có tấm lòng nhân ái với mọi người và có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao trong mọi công việc làm của mình.

Tôi và một người bạn là Vương Khả Cốt ở Hà Nội đã có dịp đến gặp ông vào những năm 1958-1959 để xin ông thuốc chữa bệnh dị ứng. Phòng ở của ông tại khu tập thể Bãi Phúc Xá, bên bờ Sông Hồng, Hà Nội. Cứ sau giờ làm việc buổi chiều cho đến tối, chúng tôi thấy rất nhiều người đến gặp ông để xin khám và lấy thuốc chữa trị bệnh.

Từ đó nhiều người Hà Nội và các nơi khác đã biết tiếng tăm thầy thuốc Nam- Lưu Công Danh rồi tìm đến nhờ khám chữa bệnh rất đông. Nhưng không chỉ thế mà người ta còn biết rất kỹ về cuộc đời “3 chìm, 7 nổi, 9 lênh đênh” của ông nữa. Nhất là sau khi Thủ tướng Nê-Ru nước Ấn độ sang thăm nước Việt Nam vào mùa thu năm1959 và có lần ông Thủ tướng ấy đã đề nghị với Bác Hồ cho đến thăm “Phật thánh” Lưu Công Danh thì mọi người càng xôn xao tò mò muốn biết về con người đặc biệt này.

Tôi cảm thấy rất thú vị về cuộc đời của Lưu Công Danh qua các tài liệu, sách báo nói về ông, cũng như thực tế những chuyện ông Danh kể lại cho một số người quen thân với ông như nhà văn Phạm Tường Hạnh, Tướng Đồng Văn Cống, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, BS.Phạm Ngọc Thạch, GS.TS. Nguyễn Hoàng Phương, TS. Lê Xuân Thám, nhà báo Nguyễn thị Thanh Xuân, nhà văn Triệu Xuân Diên v.v…

Người ta đã viết, đã nói về con người có cuộc đời tu hành đặc biệt này. Và cũng nhờ đó mà mọi người được biết Lưu Công Danh đã trở thành danh hiệu “Phật sống” như thế nào; ông đã yêu nước, thương dân và giàu lòng nhân ái như thế nào.

TIỂU SỬ “PHẬT SỐNG” LƯU CÔNG DANH

(Nội dung phần này do nhà văn Triệu Xuân Diên và nữ nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân ghi lại).

{C}{C}

Lưu Công Danh sinh ngày 29-12-1900, quê ở Châu Thành, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Lưu Công Danh làm nghề múc kinh xáng (đào vét kênh rạch) vùng Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên. Lưu Công Danh là Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, biệt danh là “ông Phật sống”.

Từ năm 1926 - 1927, Lưu Công Danh tham gia phong trào thanh niên do Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Long Xuyên, Châu Đốc lãnh đạo. Cuối năm 1931, Lưu Công Danh phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi sống gia đình, vợ con. Năm 1933, Lưu Công Danh làm thuê ở Campuchia, làm phu khuân vác lúa gạo ở Bat-đom-boong. Sau đó ông làm phiên dịch cho một người chủ Ấn Độ rất giàu có ở Nam Vang. Có lần người chủ bỏ quên ở nhà một  vali tiền có giá trị rất lớn, với bản chất không tham lam, Lưu Công Danh đã trao lại cho chủ. Được chủ tín nhiệm nhận làm con nuôi rồi về sau trở thành con rể.

Sau một thời gian không lâu sau khi thành thân với con gái của người chủ Ấn Độ, Lưu Công Danh đã quyết định đi dự tuyển thầy tu Phật giáo. Sau khi trúng tuyển được nhà chùa chọn đi Tây phương Phật tu luyện. Ông đã đi bằng chân đất men theo ngọn núi của rặng Hymalaya thăm thẳm rừng già. Trong 10 năm, đi qua 10 chùa trong rừng hoang, vừa phải ngồi thiền, học thuộc các kinh, vừa học Đông y, cuối cùng đến chùa Tây Phương được vị hòa thượng Vua Phật công nhận đắc đạo thành “ông Phật sống”.

Sau đó, “Phật sống” Lưu Công Danh về Tân Cương được Sứ quán Anh đưa xe về Thượng Hải, Hồng Kông qua Luân Đôn rồi về Nam Vang, trụ trì ở chùa Prệp Prạ gần 5 năm. Khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Lưu Công Danh về Châu Đốc thăm nhà và được gặp đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ tại Long Xuyên và theo cách mạng từ đó. Lưu Công Danh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam cuối năm 1947.

Tháng 7-1954, ông đi tập kết ra miền Bắc. Sau vài năm, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự, chính trị ở Liên Xô. Sau đó làm ở Cục Giao tế Bộ Ngoại giao. Năm 1962, lúc này Lưu Công Danh 62 tuổi, được phân công qua nghiên cứu Đông y Bộ Y tế.

Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, về đến Rạch Giá, Lưu Công Danh lại tự nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân, đề nghị với Tỉnh ủy và Ty Y tế cho lập Phòng trị bệnh thuốc nam trực thuộc Ty Y tế, góp phần thành lập Bệnh viện Y học Dân tộc của tỉnh.

Vào lúc 19 giờ ngày 31-5-2003 Lưu Công Danh từ trần, thọ 103 tuổi.
 

Bệnh viện Y học cor truyền Rạch Giá

ĐÔI LỜI CỦA LƯU CÔNG DANH CÙNG BẠN ĐỌC

(Lời bộc bạch của ông Danh do nhà văn Triều Xuân Diên ghi lại)

Tôi may mắn là người sống qua 2 thế kỷ: Thế kỷ 20 đầy biến cố, đau thương nhưng vô cùng anh dũng và vẻ vang của dân tộc. Thế kỷ 21, đất nước đang trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa với tương lai cất cánh hóa rồng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết hồi ký về cuộc đời mình, mà lại viết ở tuổi Một trăm lẻ thì lại càng khó khăn, vì ở tuổi này người ta hay quên, nhớ bất thường.

Thế nhưng, cuộc đời có những điều mình không nghĩ, rồi hoàn cảnh đặt mình ở một vị trí nào đó, mà vị trí ấy có liên quan đến lịch sử, đến cái chung, thì dù không muốn, cũng phải làm vì trách nhiệm.Do đó, tôi viết hồi ký về cuộc đời tôi, không phải vì sự phô trương, nổi tiếng của mình, mà chính vì cái lớn lao là tôi từ một con người bình thường, do hoàn cảnh đất nước và hoàn cảnh lịch sử đã trở thành con người “nổi tiếng” như anh em quen biết trước đây và nhà văn Phạm Tường Hạnh - một nhà văn đã gần 90 tuổi - người đã viết lý lịch cho tôi 50 năm về trước và đã viết về tôi như huyền thoại của “vua Phật đi kháng chiến”.

Còn tôi, ở cuốn hồi ký này, tôi chỉ muốn nhận về mình: một con người bình thường do lịch sử sinh ra và chính cách mạng và Đảng đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Nhờ Đảng và cách mạng, tôi đã trở thành một Lưu Công Danh có ích cho đời.

Hôm nay, ở tuổi 102, Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang đã tạo điều kiện cho tôi có tập hồi ký này. Tôi lấy làm cảm kích và vô cùng biết ơn. Dù có nhiều điều đã quên do tuổi tác, nhưng có những điều hằn sâu trong tâm trí và đã khắc cốt, ghi xương, thì không thể nào quên...

- o0o -

Sau đây chúng tôi xin kể lại những nét chính cuộc đời và sự nghiệp của ông Lưu Công Danh để chúng ta hiểu biết về ông, quý mến và ngưỡng mộ ông.

 Ông Lưu Công Danh gốc tích người Hoa. Ông nội  là người Quảng Đông, tên Lưu Vàng, qua Việt Nam lúc còn nhỏ, sống ở Cần Thơ. Bà nội cụ là người Việt, tên Trần Thị Én, ở tổng Thới Bảo (xã Trường Thành, huyện Ô Môn, Cần Thơ). Thân sinh của ông Danh là cụ Lưu Tấn Thành và bà mẹ là Huỳnh Thị Hương. Cả nhà từ ông bà nội đến cha mẹ ông Danh ở Cần Thơ hồi đó đều sinh sống bằng lao động sản xuất. Sau đó cả ông nội, người cha và ông Danh đều đi làm nghề đào vét sông,rạch, kênh,mương ở vùng Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên…

Ông Danh có 8 anh chị em, 3 anh em: anh đầu là Lưu Quang Nên (sinh năm 1898), em là Lưu Văn Muôn.

Trong quá trình theo xà lan làm thợ đào kênh rạch từ Long Xuyên qua Rạch Giá, ông Lưu Tấn Thành(ba ông Danh), để ý một vùng đất hoang vu tại Mốp Giăng (xã Mỹ Lâm, thuộc tổng Kiên Hảo, quận Châu Thành, nay là xã Mỹ Hiệp Sơn - huyện Hòn Đất) với ý định là khai hoang lập ấp sinh sống. Thế là ông đã quyết định đến đây khai khẩn vào khoảng năm 1905-1907. Sau này vùng đất Mốp Giăng, xã Mỹ Lâm trở thành nơi quê hương với dòng họ Lưu duy nhất của gia đình ông Danh. Mồ mả của ông bà, cha mẹ, cô chú ông đều được an táng tại nơi đây.

Thời niên thiếu của ông Danh cũng rất vất vả. Vì cả nhà đông anh em (8 anh em) nên cha mẹ phải kiếm sống cũng khó khăn chật vật. Người cha thì lo đi làm thợ theo xà lan đi nơi này nơi khác xa xôi và đồng lương cũng chỉ đủ cơm gạo qua ngày cho gia đình. Bà mẹ thì lo nội trợ và chăm sóc một đàn con nhỏ. Do đó, cuộc sống vật chất và tinh thần rất hạn chế. Cả nhà cơm ăn không đủ no, áo quần không đủ mặc. Mấy anh chị em thường mặc áo bao bố để đi lao động. Việc học hành của tuổi thiếu niên cũng gặp khó khăn nhiều bề.

 Khoảng năm 1921, phần đất cha ông Danh khai khẩn được vào tầm lớn thứ hai ở Mốp Giăng đã hoàn chỉnh. Người mẹ và người anh lớn cùng mấy em ông cai quản phần đất này. Còn ông Danh đi theo người cha làm nghề thợ đào xúc.Dù là công nhân, nhưng người cha(ông Thành) vốn là người học nho, nên rất trọng lễ nghĩa. ông Danh thì không tuân theo kỹ luật gia đình, lại có tính ngang bướng bỉnh, thích chi làm nấy. Do đó, cha ông Danh gửi sang một xà lan khác nhờ người kèm cặp cho một nghề điều khiển xà lan khi tiến hành cho máy đào xúc kênh mương. Lúc bấy giờ ông Danh bắt đầu có ý thức tự lập và biết nghẫm nghĩ sự đời.

Trong Hồi ký của ông ở chương 2, có đoạn đã ghi:

“Bắt đầu cuộc sống độc lập, tôi mới có dịp ngẫm nghĩ lại mình và nhớ lại cuộc sống gia đình. Tôi bắt đầu ý thức được tình thương của mẹ của cha. Ba tôi thấy tôi làm việc chí thú, nên người, ông lấy làm mừng lắm. Dù không học nho như ba tôi, nhưng tôi cũng tìm thầy dạy để học chữ trên xáng. Có lúc không làm xáng, tôi theo bạn bè đi làm vó đặt cá, làm rọ, nò đặt tôm, tép. Lúc ấy rừng rậm, kênh rạch đầy tôm cá. Bạn tôi rất nhiều thành phần, đứa biết võ, đứa biết chữ, đứa nào biết gì, cũng dạy cho nhau. Tôi học được rất nhiều thứ nơi bạn bè. Ba tôi thường xuyên hỏi han, biết tôi sửa đổi tính nết, ông mừng lắm. Ông tìm qua chỗ tôi làm, cha con tâm sự, ông động viên tôi, ông hỏi tôi muốn cưới vợ không, ông sẽ lo cho để về quê quản lý ruộng đất với má tôi. Tôi ậm ờ, ba tôi không nhắc lại chuyện vợ con cho tôi, mà nói sang chuyện làm ăn ở nhà. Một đứa con mang tiếng là ương bướng, nhưng lòng tôi cũng mềm đi khi cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ, nhất là ba tôi, từ một anh thợ quèn, nay là thợ cả, rồi có trong tay vài trăm công đất từ công sức lao động mà có, tôi càng thương ba tôi.  

 Sau này, cuộc sống có nhiều biến cố, nhiều lúc ôn lại quãng đời mình, đây là một trong những kỷ niệm với ba tôi làm tôi cảm động và nhớ nhất. Khi đất đai thành khoảnh ở Mỹ Lâm, ba tôi cho lập một đình thờ thờ Bà Chúa xứ và đình thờ Thần Hoàng, tại đầu kênh Mốp Giăng (hai đình nằm trên hai bờ kênh). Tôi nghe người lớn kể lại, ba tôi cho lập đình khoảng năm 1923-1927 gì đó. Riêng đình thờ Thần Hoàng, sau này ba tôi làm một lễ rước vong linh người anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực về thờ. Để che mắt thực dân Pháp, trong đình không có bài vị ông Nguyễn Trung Trực, mà chỉ thờ chung Thần Hoàng và vong linh các chí sĩ anh hùng yêu nước. Ba tôi hay kể về khí phách hiên ngang của ông Nguyễn Trung Trực mà ông đã nghe người lớn kể lại. Hiện nay, bà con ở Mỹ Hiệp Sơn vẫn gọi đình này là đình thần Nguyễn Trung Trực và vào các ngày rằm, 30 hàng tháng, các rằm lớn, đặc biệt là ngày giỗ Ông, bà con trong làng đến thắp hương, tưởng niệm.

Vì là một trong những người đến Mốp Giăng sớm nhất khai khẩn đất và có công lập đình, hơn nữa, dòng họ Lưu của tôi cũng có vị thế trong xã hội: ông nội tôi đi làm xáng, ba tôi cũng làm xáng, tham gia đào hai kênh xáng Hà Tiên và Cái Sắn, quen lớn rộng rãi nên ba tôi được dân làng cử làm Hương cả và bà con Mỹ Hiệp Sơn gọi ba tôi là cả Thành. Mỹ Hiệp Sơn thuở ấy đất rộng người thưa, đất mới khai khẩn thật mầu mỡ. Ruộng nhà tôi năm nào cũng trúng. Ba tôi cho làm nhà kho chứa lúa. Má tôi là một phụ nữ giỏi giang, chịu khó, bà đã lo cai quản toàn bộ công việc gia đình: từ lo việc ngày mùa, việc quản lý gia sản, nuôi dạy con cái và luôn luôn chu đáo nhà cửa. Má tôi rất có tay chăn nuôi. Phía sau kho lúa, ba tôi cho xây một chuồng heo rất rộng. Trong chuồng lúc nào cũng có từ ba, bốn chục con heo lớn. Còn gà vịt thì đếm không xuể…Má tôi làm việc nhà từ sớm tinh mơ đến chín, mười giờ đêm mới nghỉ ngơi. Khi tôi và ba tôi ở xáng về, mấy bà con ở xóm khoe: “Bà cả Thành làm việc cả ngày, tay không lúc nào khô”. Họ nể phục má tôi vì đức tính cần cù lao động và nhân từ. Có lẽ vì những năm tháng sống cùng ba tôi rày đây mai đó trên sông nước, bà nếm đủ vất vả, nhọc nhằn...”

Khoảng năm 1927, người anh cả của ông Danh là Lưu Quang Nên bị giặc Pháp bắt vì bị tình nghi có dính líu đến tổ chức chính trị. Lúc bấy giờ, ông Danh đã được nghe nói đến tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, nghe tên tuổi các anh Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp... Lúc ấy đang có phong trào đòi xóa án tử hình cho cụ Phan Bội Châu và để tang cho cụ Phan Chu Trinh. Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, trí thức tham gia rất sôi nổi. Ở Châu Đốc, Long Xuyên, nhiều nhóm thanh niên được giác ngộ cách mạng qua tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tham gia vào nhiều hoạt động yêu nước. Ông Danh theo họ và bắt đầu hiểu các khái niệm “đế quốc, thực dân”, “giải phóng dân tộc”. Tuy các khái niệm ấy còn mơ hồ đối với nhiều thanh niên, nhưng lòng căm ghét chế độ thực dân nên đã nhanh chóng tạo thành ý thức giác ngộ cách mạng cho ông và các bạn bè của ông. Lúc bấy giờ, mật thám Pháp dày đặc, chúng lùng sục khắp nơi, tìm bắt bớ những người yêu nước và cách mạng. Điều đó cũng không làm nhụt ý chí của tầng lớp thanh niên yêu nước.
 

Trong chương 2 Hồ ký của ông Lưu Công Danh có đoạn đã ghi:

“Ba tôi không ngăn cản tôi và anh tôi tham gia các phong trào của thanh niên, mà ông còn kể chuyện Bác Tôn Đức Thắng kéo cờ trên chiến hạm tham gia phản chiến của các thủy thủ phản đối Chính phủ Pháp... Ông còn biết cả truyện con Rồng tre của Nguyễn Ái Quốc. Tôi biết chính ba tôi đã hướng tôi đến một con đường sống có lý tưởng; ông gieo vào lòng tôi một tình cảm mới mẻ và ông cũng biết anh trai tôi đã đến con đường đó - tổ chức cách mạng. Sau đó, giặc Pháp giết chết anh Lưu Quang Nên của tôi và người em trai kế tôi là Lưu Văn Muôn cũng hy sinh.Lúc bấy giờ tôi không nghĩ gia đình mình đã trở thành gia đình cách mạng, nhưng hai người thân trong gia đình đã chết vì nghĩa lớn, đó là điều vinh dự. Má tôi đau vật vã. Không ai bỏ má tôi cô đơn trong nỗi đau mất hai núm ruột của mình”.

Phong trào cách mạng ở Châu Đốc và Long Xuyên lên cao, nhiều người bị bắt. Những tên địa chủ thân Tây lên mặt hống hách,ức hiếp dân chúng. Đầu sỏ là tên Trần Kiều và Cả Hổ. Nhất là tên Trần Kiều khét tiếng hung ác gian tham. Y đã cướp nhiều ruộng đất của dân ở vùng Cái Sắn, Mỹ Lâm. Lúc bấy giờ ông Danh căm ghét bọn chúng. Ông định tổ chức thanh niên thẳng tay trị cho bọn hống hách, trịch thượng đó một trận. Thấy bà mẹ lo lắng, sợ chuyện đánh lộn nhau xẩy ra thì không đủ sức mà chống chọi lại với băng đảng đó, rồi bị chúng giết thiệt thân. Bà mẹ cứ khóc lóc khuyên con cố kìm nén và lo chuyện làm ăn và tính chuyện lấy vợ.
 

Trong Hồi ký chương này, có đoạn đã ghi:
 

“Một hôm, má tôi kêu tôi lại, bà rầu rĩ nói:
 

- Con cưới vợ người ở làng mình đi, để trụ hình làm ăn. Đi phiêu bồng hoài biết chừng nào yên bề gia thất?
 

Tiếng thổn thức của người mẹ đã làm mềm lòng tôi. Lúc này tôi đã xấp xỉ 30 tuổi và từng có một mối tình. Nhưng vì đi theo xáng lênh đênh sông nước, không ổn định nơi nào, nên dù yêu, tôi cũng không bảo bọc được người mình yêu. Hơn nữa, người con gái tôi yêu gia đình thuộc loại khá giả ở Thốt Nốt, người ta có ác cảm với công nhân xáng “lu bu”, chỉ yêu con người ta qua đường. Người con gái tôi yêu bị sự kháng cự, cấm đoán của gia đình, nàng cũng thấy tình yêu thật mong manh. Khi tôi theo xáng đi đào kênh Sóc Xoài, rồi chạy theo các bạn tham gia phong trào thanh niên ở Châu Đốc, Long Xuyên, cô ấy khóc hết nước mắt. Đó là năm 1927. Đây là mối tình đầu của tôi.

Nghe má tôi nói cưới vợ, lòng tôi ray rứt, xốn xang, nhớ đến người con gái hiền lành yêu mình tha thiết, dù bị gia đình ngăn cấm, cũng vượt qua, tự nguyện chung sống với tôi. Tôi không có ý bỏ nàng, mà quyết một ngày trở lại tìm cho được. Tôi im lặng một lúc, rồi nói với má tôi:

- Con đã sống với một cô gái khi con còn làm xáng ở Thốt Nốt. Cô này con nhà tử tế, người ta tin cậy con, con phải có trách nhiệm với người ta. Cô đã có thai với con rồi!

Tôi chống chế và nói đại nói càn là cô ấy đã có con với tôi, để má tôi ngưng chuyện hỏi vợ ở quê cho tôi. Nhưng vì quá bất ngờ, má tôi hoảng hốt, bà kêu lên: “Con làm lỡ hết chuyện rồi con ơi. Ở nhà đã coi mắt con Ngân con bác Phòng ở Mỹ Lâm. Nhà đó so với gia đình mình là môn đăng hộ đối. Con làm vậy còn mặt mũi nào nhìn ai”! Rồi bà khóc. Tôi thương má tôi luôn hy sinh vì con cái. Tuy gia đình đã khá giả, nhưng bà luôn vất vả, làm lụng suốt ngày. Chuyện bà mong có nàng dâu trong nhà là rất hợp lý. Tôi an ủi má:

-Má để con đi Thốt Nốt, con nói vài điều với gia đình người ta rồi con về nhà hãy tính chuyện này sau. Con thấy mình có lỗi...

Má tôi đồng ý cho tôi đi. Rồi chừng như không an lòng, bà theo năn nỉ: “Gia đình mình đã có người bị Pháp bắt. Đi đâu giờ cũng có người rình rập, con đi không khéo, có bề gì làm sao má chịu nổi”.

Tôi không sợ mình đi bị ai bắt bớ, mà sợ thêm một lần làm tổn thương trái tim người mẹ. Còn người yêu tôi, không biết giờ này ở đâu? Điều tôi biết chắc, vì yêu tôi, có thể cô bị gia đình đánh đập, hoặc tệ hơn là “cạo đầu bôi vôi”. Nghĩ vậy, tôi quyết định không đi tìm cô ấy, để cho mọi chuyện rồi sẽ qua đi. Cô ấy sẽ quên tôi và chấp nhận sự định đoạt của gia đình. Tôi thầm mong cho cô ấy được hạnh phúc và tôi chấp nhận quyết định của gia đình.

Thế là sau mối tình đầu đậm đà ấy, tôi chính thức lập gia đình cuối năm 1931. Người vợ do gia đình cưới hỏi tên là Lê Thị Ngân, nhỏ hơn tôi 6 tuổi. Gia đình bên vợ cũng thuộc hàng phú nông. Vợ tôi thuộc làu bài học nữ công gia chánh, nết na thùy mị, càng làm má tôi hài lòng. Bà mừng vì đã “cột chân” được tôi.

Hơn một năm sau, dòng họ Lưu của tôi vui mừng có cháu đích tôn - con trai đầu lòng của tôi ra đời. Cháu được đặt tên Lưu Khỏe. Vợ tôi sinh năm một, liên tiếp hai năm sau đó, tôi có thêm một đứa con trai tên Lưu Kiếm và một con gái tên Lưu Thị Hằng”.

Vào năm 1932-1933, kênh Mốp Giăng, dân cư mỗi ngày một đông đúc hơn. Vì toàn bộ hệ thống kênh đào Ba Thê, Tri Tôn, Tám Ngàn đã đào xong. Người Pháp xem như đã hoàn tất một chương trình thủy nông, phục vụ cho việc khai thác thuộc địa của thực dân ở tỉnh Rạch Giá. Hệ thống thủy lợi mới này, tạo nên một vùng đồng ruộng mới của vùng Châu Thành thật màu mỡ. Lúc bấy giờ ông Danh không còn đi làm lưu động nữa mà ở nhà cùng với gia đình lo làm nông nghiệp. Rồi những biến cố xẩy ra ở địa phương do bọn địa chủ cậy quyền thân Pháp đã gian tham ngang nhiên lấn át, cướp bóc ruộng đất của dân. Điển hình nhất là tên mật thám địa chủ Trịnh Xuân Nghĩa. Điều đó làm cho dân chúng rất phẫn uất, căm ghét đến cực độ. “Tức nước, vỡ bờ”. Nhân dân địa phương tổ chức vùng lên đánh bọn cướp, làm một tên bỏ mạng. Họ còn tiếp tục những trận đánh trả bọn cướp đất khốc liệt hơn. Ai cũng đoán biết thế nào bọn địch cũng sẽ trả thù nặng nề với dân chúng. Ông Danh thương bà con sẽ bị chúng hãm hại, nên ông nói với bà con để ông nhận tội đã đánh chết người.

Chương 3 Hồi ký của ông, có đoạn đã ghi:

 “Ngày hôm sau, tin con ông Cả thành đánh chết tên cướp được đồn ra nhanh. Gia đình lập tức đưa tôi trốn khỏi Mỹ Lâm, rồi chuyện gì nữa, sau đó mới tính tiếp.Gia đình thì tính vậy, nhưng riêng tôi, nghĩ đến chuyến đi này tôi sẽ làm được một việc gì đó có ý nghĩa, đại để như tham gia vào việc chống địa chủ cướp đất và được sự tổ chức, lãnh đạo của ai đó, chứ không phải là chuyện chạy trốn để thoát thân. Và điều ấy đã đến….

 Biết tôi sẽ đi, má tôi thổn thức, rỉ vào tai tôi:

- Con tính đi đâu và đi như thế nào?

Tôi biết má tôi rất thương và lo lắng cho tôi. Bây giờ mọi quyết định của tôi không phải chỉ riêng cho bản thân tôi mà còn liên quan đến cha mẹ, vợ con tôi. Tôi đã từng có tiền án trong các vụ tham gia phong trào với thanh niên ở Long Xuyên, giờ đây còn nhận đánh chết tên cướp, tôi không thể sống yên ổn được trong làng, mà sẽ còn liên lụy đến gia đình. Tôi an ủi má:

- Con sẽ trốn đi nơi khác một thời gian. Hiện nay bọn băng đảng đang tìm người đánh chết đồng bọn chúng để trả thù. Khi con trốn khỏi làng, mọi người cứ đổ hết cho con.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng khi phải rứt gia đình: cha mẹ già, một vợ và 3 con nhỏ để đi một nơi nào mà mình chưa biết được điều gì sẽ xảy ra, ruột gan tôi rối bời. Tôi vắt tay lên trán suy tư mãi, rồi buột miệng nói với vợ tôi.

- Mình ở nhà gánh các chuyện gia đình và nuôi cha mẹ, dạy dỗ con cái cho nên người. Tôi phải đi trốn thôi, tôi đã bàn với má. Nếu tôi ở lại chúng cũng tìm giết và sẽ liên lụy đến gia đình và xóm làng. Tôi trốn, chúng sẽ tìm một mình tôi thôi.

Quá đột ngột, vợ tôi kêu lên một tiếng thất thanh “Trời ơi!” rồi thổn thức, ngất lịm. Tôi to nhỏ dỗ dành. Thương các con tôi nhỏ dại. Đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Giấc ngủ của chúng thật vô tư, lòng tôi bịn rịn, xốn xang lắm. Má tôi lúc đầu không cho tôi đi, nhưng tôi giải thích lợi hại, bà đã đồng ý”.

Thế là ông Danh tìm đi xa để lẫn trốn bọn thù địch rắp tâm tìm ông để giết. Ông cứ đi mãi,đi mãi, tiền túi cạn dần. Ông theo đám con nít đánh giầy, bán báo để kiếm sống và dò la biết tin tức, rồi theo đám võ Sơn Đông... Một hôm, nghe người ta nói: “dân Ba Thê dậy giặc”. Vì mang tội “đánh chết cướp”. Thế là người dân xứ Móp Giăng, Mỹ Lâm, Ba Thê quê ông đã đứng lên bảo vệ dân mình. Ông định quay về xứ, vì nghĩ biết đâu trong cuộc đấu tranh đó, có người đứng ra lãnh đạo, tổ chức. Từ Châu Đốc, ông xuống tới Long Xuyên, lại thấy lính, thấy người bị bắt, bị đánh. Sẵn mang cùng một “tội” “dân Ba Thê dậy giặc”, ông Danh nghĩ trên đường trở về chưa tới nhà thì rất có thể ông sẽ bị bắt. Ông liền vào nhà một người quen, giả vờ người Khmer đi buôn vải, để tìm đường qua Nam Vang.

Chương 3 Hồi ký của ông, có đoạn đã ghi:

“Tôi qua Nam Vang bằng đường bộ từ biên giới Châu Đốc - Campuchia. Đây là lần đầu tiên tôi xa xứ sở. Cuộc đời công nhân xáng, lênh đênh trên sông nước nay đây mai đó, nhưng tôi chưa từng nếm trải nỗi buồn xa đất nước, mà lại đi xa trong hoàn cảnh đất nước đầy đau thương. Lòng tôi sục sôi căm giận. Tôi xót xa nghĩ đến cha mẹ già, nghĩ đến vợ và các con thơ... Tôi linh cảm mơ hồ cho chuyến đi viễn xứ lần này có thể đầy bất trắc xảy ra với tôi.Khi ở Châu Đốc, theo những người buôn vải, tôi qua làng dệt vải của người Chăm ở Châu Giang, tôi quen và kết bạn với một người Khmer chuyên buôn vải tên Trầm Khul. Anh dạy tôi tiếng Khmer, tôi dạy anh tiếng Việt. Ở làng Chăm, tôi cũng quen với một người bạn người Chà (địa phương hay gọi là Chà Và). Người bạn này rất tốt. Anh cho tôi một số vải để vận xà rông như người Khmer. Anh tên Xa-ri-man, nhưng tôi gọi anh là Nam, phần để dễ gọi, phần khi đi xa tôi sẽ nhớ tôi có những người bạn tốt như anh ở xứ nhà”.

Vào năm 1933, ông Danh sang Nam Vang ở Campuchia để tìm việc làm. Ông biết tiếng Campuchia và dáng dấp cũng giống họ nên ông dễ hòa nhập và thích nghi với phong tục của họ. Ông mong có được công việc ổn định để nuôi sống bản thân và dành dụm chút ít tiền gửi về nhà. Ông theo với dòng người đi làm mướn, đi buôn bán, nên đã đến được Bat-đom-boong. Đây là vựa lúa gạo lớn nhất Campuchia lúc đó. Hàng ngày có nhiều ghe thuyền chuyển lúa về Phnôm Pênh, Sài Gòn.  Ông Danh đã tìm dò ra bến cảng để xin việc làm. Thế là ông được nhận vào làm trong đội phu khuân vác lúa, gạo từ kho xuống các ghe thuyền. Thấy ông làm tích cực, hiệu quả cao, ông chủ rất hài lòng và trả công hơn những công nhân khác. Ông làm việc tại bến cảng một thời gian đều được mọi người quý mến. Sau đó có một ông chủ người Ấn Độ đi tìm người biết tiếng Việt để giúp đi phiên dịch sang bên Campuchia đến Bát-đom-bom mở xưởng khai thác gỗ quý. Các loại gỗ này dùng để xây dựng chùa chiền, nhà cửa nên rất có giá. Nhưng muốn vào rừng khai thác gỗ thuận lợi thì phải giao dịch với Sở Kiểm lâm. Số người làm việc ở Sở này hầu hết là người việt. Do đó, ông chủ tìm ông Danh nhờ giúp ông làm phiên dịch. Ông Danh bỏ nghề khuân vác sang nghề phiên dịch.

Chương 4 Hồi ký của ông, có đoạn đã ghi:

“Trên đất khách quê người, đây là một dịp may hiếm có đối với tôi. Ông chủ người Ấn Độ hiền lành, phúc hậu. Ông tìm hiểu tôi qua người chủ trước đây và số anh em phu khuân vác, biết tôi hiền lành, chăm chỉ, thật thà, hay giúp đỡ và thương người. Ông hài lòng và cử tôi làm phiên dịch đại diện cho ông khi giao dịch với Kiểm lâm. Mỗi tháng, ông chủ Ấn Độ đến phát lương một lần cho những người thợ xẻ gỗ, đốn cây và đóng thuế cho Kiểm lâm. Sau khi xong các công việc ấy, đến phần tôi, bao giờ ông chủ cũng dành nhiều ưu ái. Khi thì ông thưởng cho tôi bộ quần áo, khi thì năm ba đồng, kèm theo lời khen và chúc sức khỏe. Tôi học nói tiếng Ấn Độ và nghe được tiếng, nên giữa tôi và ông chủ Ấn Độ có mối quan hệ gần gũi, thân tình hơn.

Một hôm, như mọi khi, ông chủ Ấn Độ từ Phnôm-Pênh đi Bat-đom-boong phát lương cho thợ. Vì vội vàng, ông ra xe trở về Phnôm-Pênh, bỏ quên lại chiếc vali. Đến tối, sau khi ăn cơm xong, tôi dọn dẹp nhà cửa mới thấy chiếc vali ấy. Không biết vali gì, tôi mở ra xem thử, thì ra đó là vali tiền, giấy còn thẳng băng, mới cứng. Có nhiều tờ bạc 100 đồng của Ngân hàng Pháp.

Sống tha phương, làm thuê kiếm từng đồng nuôi sống mình và dành dụm để một ngày về xứ đoàn tụ với gia đình, giờ đây, đứng trước một đống bạc mà làm đến cả đời chắc gì đã có được; tôi bâng khuâng suy nghĩ mông lung trong đêm và không chợp mắt nổi: Có nên lấy vali tiền này rồi trốn đi không? Nếu trốn thì trốn đi đâu, có thoát được không? Nếu trở về quê thì đưa đầu cho người ta bắt vì tội nhận giết chết tên cướp. Đã sợ cảnh tù đày mới bỏ xứ ra đi. Nay ở tù vì tội ăn cắp tiền ông chủ thì nỗi nhục làm sao rửa được? Bao nhiêu câu hỏi xoáy trong đầu. Tôi nghĩ đến gương mặt phúc hậu của ông chủ và lòng tốt của ông đối với tôi. Bộ quần áo tôi đang mặc trong người là của ông cho. Mới tháng trước, ông đã thưởng cho tôi 5 đồng, ngoài tiền lương của tôi. Tôi quyết định không mó đến một đồng nào trong vali của ông chủ mà ôm giữ cẩn thận cho ông.

Gần sáng, tôi nghe tiếng xe hơi thắng lại dưới sân nhà sàn. Tôi biết đó là xe ông chủ, tôi nhổm dậy, bước ra cửa. Ông chủ chạy vội lên cầu thang. Tôi cất tiếng trước để trấn an ông chủ:

- Vali ông để quên lại, còn đây.

Ông chủ như định thần lại, nét mặt ông hết căng thẳng, ông nhìn tôi chăm chăm. Tôi lôi chiếc vali từ mùng ra, đặt trước mặt ông và từ tốn nói:

- Ông chủ đếm lại đi!

Ông chủ Ấn Độ nhận chiếc vali từ tay tôi, chiếc vali không khóa từ trước. Nét mặt ông vui và có vẻ như xúc động khi thấy chiếc vali vẫn y nguyên. Ông rút trong vali một xấp tiền đưa cho tôi trước khi từ giã tôi để trở lại Phnôm-Pênh. Tôi đỡ tay ông và nói:

- Ông chủ về mạnh giỏi, đi đường cẩn thận. Lần khác ông chủ cho, tôi sẽ nhận, lần này thì không thể nhận được.

Tôi bước theo ông chủ ra tận xe dưới nhà sàn. Ông vẫn nắm bàn tay tôi một cách tin cậy và trìu mến. Tôi cảm nhận được bao điều thân thiết trong cách nắm tay ấy. Khi xe nổ máy, ông quay một vòng tay lái quanh sân, rồi giơ tay vẫy từ giã tôi. Tôi cũng vẫy tay lại và thấy lòng mình thanh thản.

Đến kỳ phát lương tháng sau, ông chủ người Ấn Độ trở lại Bat-đom-boong. Như mọi lần, ông đỗ xe dưới nhà sàn, tôi chạy ra cửa đón ông. Vừa thấy tôi, ông tươi cười, nụ cười tôi cảm nhận được không phải giữa chủ và người làm công, mà nụ cười thân tình như người chú, người cha trong gia đình với con cái. Ông đưa tay về phía tôi và nói:

- Anh theo tôi về Phnôm-Pênh. Việc trên này có người khác thay!

Tôi giật thót người. Nụ cười vừa nở vụt tắt. Tôi suy nghĩ: lẽ nào tiền trong cặp ông có bị mất, ông đưa tôi về Phnôm-Pênh để hỏi tội. Mới phút trước, thái độ ông thân tình lắm mà! Thấy tôi suy tư, ông vòng tay qua vai tôi và nói:

- Anh về Phnôm-Pênh làm việc với tôi, mỗi tháng anh làm công việc của tôi, trở lại Bat-đom-boong phát lương cho thợ, đóng thuế cho Kiểm lâm.

Niềm vui đến thật bất ngờ và trong hoàn cảnh của tôi lúc này nó lớn lao như một cuộc đổi đời. Mới mấy tháng trước là một phu khuân vác, rồi làm phiên dịch, trông coi thợ cho ông chủ đã là công việc khá “sang” rồi, nay lại về sống ở thủ đô cùng ông chủ, đến tháng thay ông chủ đi phát lương... Tôi thật sự được người chủ tin dùng. Tôi nhủ thầm trong bụng: ở hiền gặp lành!”

Khi đến Phnôm-Pênh, ông Danh mới biết thêm người chủ Ấn Độ của mình. Người chủ tên I-bra-him, một nhà doanh nghiệp lớn ở Phnôm-Pênh. Ngoài việc mở trạm thu mua gỗ ở Bat-đom-boong, ở Phnôm-Pênh, ông chủ có hai cửa tiệm bán vải rất lớn, phải thuê hơn 20 người Ấn Độ bán hàng và giúp việc. Vợ chồng ông chủ coi hai cửa tiệm này, nhưng chủ yếu vẫn là ông. Bà chủ cùng cô con gái chỉ ở trong nhà trông coi nhà cửa và người làm trong gia đình. Ông Danh chưa hề làm quản lý điều hành công việc trong gia đình. Vì thế, khi ông I-bra-him đưa ông Danh về Phnôm-Pênh rồi giao hẳn cho việc quản lý một tiệm vải, làm cho ông Danh càng ngỡ ngàng lo lắng. Nhưng bấy giờ, ông chủ coi ông Danh như người nhà nên ông ta rất tin cậy và chỉ bảo rất chu đáo từng việc trong quản lý cửa hàng vải. Từ đó ông Danh học hỏi được nhiều điều ở ông chủ và cũng hết lòng làm việc cho ông chủ Ibrahim. Mặt khác ông chủ cũng cảm thấy mình may mắn gặp được một đệ tử hiền lành, giỏi dang, thông minh mà ông rất thương yêu như con đẻ trong nhà.

Chương 4 của Hồi ký, đoạn cuối đã ghi:

  “Qua cách nói chuyện hàng ngày giữa hai ông bà I-bra-him với tôi, tôi biết gia đình này đã dành cho tôi một tình cảm, sự ưu ái đặc biệt. Một hôm, ở cửa hàng vải, khi thấy bớt công việc, ông I-bra-him gọi riêng tôi vào phòng ông và nói:

- Anh làm việc tôi rất hài lòng. Bản tính anh là người tốt, thật thà. Giữa cuộc sống này, tìm một người tốt như anh hiếm lắm. Anh biết gia đình tôi có cô con gái đã đến tuổi lập gia đình. Tôi muốn anh làm rể tôi, anh có đồng ý không?

Từ khi tôi gặp ông I-bra-him đến nay, đã có ba lần thay đổi, địa vị như là ba bước ngoặt trong cuộc đời tôi: thứ nhất, từ người phu khuân vác, sang làm phiên dịch; từ người phiên dịch, thay ông chủ phát lương cho thợ rừng, cho công nhân; rồi quản lý một cửa tiệm độc lập lại thành phố Phnôm-Pênh. Mỗi lần là một bất ngờ với tôi. Nay thêm một bất ngờ lớn: được ông nhận làm con rể. Nếu hấp tấp, tôi sẽ trở thành người hồ đồ, lợi dụng lòng tốt của người ta. Tôi thật sự lúng túng, chưa trả lời ông ngay được, tôi xin ông để tôi suy nghĩ vài ngày mới quyết định. Suốt mấy đêm liền tôi suy nghĩ đến gia đình, vợ con ở Việt Nam, đến quê hương... Tôi mang chút mặc cảm của một người nghèo, sống tha hương, không người thân thích. Còn gia đình ông I-bra-him là ông chủ lớn, liệu con gái ông có yêu tôi không, hay rồi tôi chỉ nhận được sự rẻ khinh? Ông an ủi và cho tôi biết thêm phong tục của người Ấn Độ. Ông giảng giải: - Phong tục của người Ấn, khi gả chồng cho con gái, gia đình sẽ tặng của hồi môn. Đây là của riêng hai vợ chồng, không ai có quyền xâm phạm vào đó.

Tôi đã có nhiều đêm thức trắng. Tôi chưa có tình yêu với cô con gái ông I-bra-him, nhưng tấm chân tình của ông tôi đã nặng mang ơn nghĩa của ông. Tôi đã nhận là quá lớn: nợ áo cơm, nợ ân tình!”

Vậy là ông Danh đã mềm lòng trước những lời ân tình đầy thực lòng của ông chủ. Do đó, sau khi đã suy nghĩ kỹ, ông đã nhận lời làm con rể ông chủ. Ông không còn cách lựa chọ nào khác trong hoàn cảnh này. Ông I-bra-him vô cùng mừng rỡ. Ông chủ đặt tên Ấn Độ cho con rể là Hăc-xa-cốp Chan-dra và xin được nhập quốc tịch Ấn Độ. Sau đó đám cưới ông Danh và cô Anna Mari được tổ chức tại Phnôm-Pênh theo nghi thức, phong tục của người Ấn Độ. Ông bà chủ cho của hồi môn là một cửa tiệm và một căn nhà để vợ chồng ra riêng. Sau khi trở thành vợ chồng, ông Danh mới nhìn rõ được mặt vợ mình và được tiếp xúc một cách dè dặt. 

Chương 5 của Hồi ký của ông, có đoạn đã ghi:

“Giờ đây, nàng trở thành vợ tôi. Nàng có thân hình cao ráo, cân đối với một gương mặt đẹp, phúc hậu. Tôi choáng váng trước vẻ đẹp thanh thoát này, nhưng lòng se lại vì tội nghiệp cho nàng chẳng quen biết tôi, có biết chăng chỉ nghe tên anh chàng làm công như mấy chục người làm công cho gia đình nàng.

Đám cưới xong, tiễn khách khứa ra về hết, cha mẹ vợ dặn dò hai vợ chồng đôi câu rồi về tiệm vải. Tôi và Anna Mari ở lại căn nhà riêng của cha mẹ vợ tặng. Nàng không biểu lộ cảm xúc gì, gương mặt nhẹ nhàng, bình thản. Còn tôi lại trào dâng một tình cảm tội nghiệp xen lẫn sự quí trọng người con gái. Lẽ ra với địa vị và nhan sắc của nàng, nàng có thể lấy một người chồng giàu có, gia đình môn đăng hộ đối với gia đình nàng. Nhưng vì lời hứa của cha mẹ, nàng bằng lòng đám cưới với anh chàng làm công, tứ cố vô thân như tôi. Thật tội cho nàng. Tôi đang bâng khuâng nghĩ ngợi, thì nàng vào phòng riêng khóa trái cửa lại, không nói một lời nào với tôi.

Tôi ngồi lặng lẽ nơi phòng khách, lấy chai rượu Martell nhấm nháp mà thấy lòng nặng trĩu. Mùa cưới ở xứ mình vào tháng Một, tháng Chạp âm lịch(1). Đám cưới của tôi giữa mùa thu. Đó là một ngày nắng ráo, đẹp trời ở Phnôm-Pênh. Đêm ấy trời không lạnh, mà tôi cảm giác như mình đang trầm trong nước. Bốn bề vắng lặng như tờ. Tôi bước lại cửa phòng Anna Mari và gõ nhẹ nhàng từng tiếng một. Mấy lần gõ, phòng vẫn khép chặt. Tôi về phòng mình. Tôi biết nàng sẽ luôn luôn giữ một khoảng cách với tôi.

Sáng hôm sau, tôi đến cửa hàng vải, mở cửa buôn bán bình thường. Khách càng đông hơn. Tôi bây giờ là con rể một người có tiếng tăm ở Phnôm-Pênh. Vị thế khác hơn, mối quan hệ rộng hơn. Anna Mari ở nhà trông coi người giúp việc. Khi tôi trở về nhà, cơm nước có sẵn, nhưng nàng chưa bao giờ ngồi ăn cơm chung với tôi. Tháng ngày trôi qua, công việc buôn bán ở tiệm vải luôn bận rộn, tôi như quên nỗi buồn riêng này. Hơn nữa, cuộc đời tôi từng nếm trải bao đắng cay vất vả, cũng đã trải qua những đắng cay trong tình cảm riêng tư, tôi sẽ vượt qua được thử thách này. Tôi nhớ lời ông I-bra-him:

- Tôi sẽ bảo ban được con gái tôi. Miễn sao anh luôn giữ được đức tính thật thà, hiền lành. Sau này vợ chồng tôi già, sẽ nương tựa vào vợ chồng anh.

Ông I-bra-him đã đặt trọn niềm tin nơi tôi. Nhưng giờ đây tôi chưa thuyết phục được Anna Mari. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm cho nàng hiểu tôi không phải là kẻ lợi dụng nàng và gia đình nàng. Tôi là người chịu ơn gia đình nàng và phải có trách nhiệm với nàng. Thật khó cho tôi là Anna Mari luôn tìm cách lánh mặt tôi. Phòng riêng của nàng luôn khóa chặt. Tôi cắn răng không nói cho cha mẹ vợ biết chuyện gia đình vợ chồng tôi. Ông bà cứ tưởng chúng tôi sống đầm ấm lắm. Bà mẹ vợ lâu lâu lại thúc chúng tôi mau cho ông bà bế cháu, vì chúng tôi cưới cả năm rồi”.

Một năm trôi qua, cuộc sống của hai vợ chồng son không có gì thay đổi.  Ông Danh cảm thấy lòng trống trải, phải lặng lẽ, âm thầm chịu đựng, không biết làm thế nào cả! Ban ngày thì làm việc, ban đêm về nhà nằm một mình trên chiếc giường rộng thênh thang.  Ngày mai lại vùi đầu vào công việc để khuây đi chuyện riêng tư.

Sau một thời gian, ông Ibrahim chuẩn bị cả nhà chuyển về Ấn Độ. Ông tự tay hóa trang cho con rể như người Ấn. Trình hộ chiếu Ấn Độ, không ai biết ông Danh là người Việt Nam.

Chuyến tàu khách của hãng Messagerie Maritime từ bến cảng Nhà Rồng đưa cả gia đình ông Ibrahim đi Ấn Độ. Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, gia đình ông chủ đã về đến Niu Đê-li. Ở đây, bà con họ hàng đến thăm đông đúc, tình cảm. Họ hàng dành một ngôi đẹp nhất cho gia đình ông Ibrahim”.

Trong đoạn cuối ở Chương 5 của Hồi ký, đã ghi:

“Sau khi giới thiệu tôi với họ hàng, cha mẹ vợ đưa vợ chồng tôi đi du ngoạn một số nơi ở Ấn Độ, rồi làm mấy cuộc lễ để xin Thần, Phật ban phước lành cho vợ chồng tôi. Tôi ngồi cạnh Anna Mari, chắp tay, quỳ nghe mấy vị cao tăng đọc kinh và liếc nhìn nàng, vẫn gương mặt lạnh như tiền. Tôi hiểu, nàng chỉ làm cho cha mẹ vui, chứ trong lòng nàng không có niềm tin và chẳng có tình yêu với tôi. Tôi nuốt đắng cay đang trào dâng lên cổ và tự trách mình vì sao lúc ở bến Nhà Rồng, đã có một phút do dự mà không quyết định ở lại. Giờ đây thêm bao nhiêu dặm đường xa. nơi xứ sở cách đất nước mình vời vợi, biết làm sao để khỏi mang nỗi tủi nhục bị một người con gái khinh thường như thế này?” 

Trong hoàn cảnh cuộc sống vật chất thì đầy đủ, nhà ở khang trang, nhưng đời sống vợ chồng của ông Danh thì thật buồn tẻ. Ông chẳng biết than thở chia sẻ cùng ai. Ông đành phải kiên trì chịu đựng nỗi khổ tâm kéo dài ấy. Sau đó nghe người ta tuyển người đi Tây Phương(Phía Bắc Ấn Độ) tu Phật. Họ đã tuyển được hai người chỉ cần thêm một người nữa là sẽ làm lễ tiễn đi. Thế là ông Danh quyết định đi tu trong tâm trạng đang bế tắc về con đường tình chồng vợ…

Trong đoạn đầu chương 6 của HK, có đoạn đã ghi:

“Chuyện tưởng như giản đơn là đi tu để giải thoát cho mình, không ngờ chuyển sang một tình thế khác. Một hồi chiêng trống được cất lên tưởng chừng như không dứt để báo tin vui cho phật tử khắp vùng biết có người sẽ đi tu Phật. Mọi người ùa đến, vây kín lấy tôi và kính cẩn cúi chào, nét mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ. Có người quì xuống chân tôi và cúi hôn. Tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi nhìn lên, thấy người cha vợ tôi dắt tay Anna Mari, lách đám đông, tiến thẳng về phía tôi một cách khó khăn.Mari tới, nàng chắp tay xá tôi như xá một người đắc đạo. Gương mặt ngày thường lạnh tanh của nàng biến đâu mất, mà quì trước tôi là một Anna Mari ngoan ngoãn, thành kính với nét mặt đầy xúc động. Mặt tôi nóng bừng lên, trào dâng niềm cảm xúc mới mẻ trước người vợ mình mà đã bao nhiêu tháng ngày qua nàng đã đóng băng tình cảm.

Theo tục lệ dành cho người đi tu, tôi phải ở lại chùa bảy ngày để làm lễ và xông hương, sau đó trở lại từ giã gia đình. Khi vào chùa để làm các công việc này, tôi được thay y phục bằng bộ đồ vàng cà sa, ngồi thiền định trước bàn thờ Phật tổ. Suốt một tuần đó, ngày nào cha mẹ vợ và vợ tôi cũng đến chùa quỳ sau lưng tôi, khi về, họ cúi xuống trước mặt tôi, xá rồi ra về. Còn tôi, bảy ngày bảy đêm ngồi thiền định như vậy không nhúc nhích, không nói, không nhìn ai, ngủ cũng trong tư thế đó. Hết ngày thứ bảy ngồi thiền ở chùa, chiều hôm đó, cả họ hàng bên vợ tề tựu trước cổng chùa để rước tôi về gia đình. Tòa biệt thự đẹp nhất nơi gia đình chúng tôi ở chật ních người. Tôi được đặt giữa đại sảnh và tất cả mọi người vây xung quanh. Đây là phước lớn của dòng họ vì có người đi tu Phật, nên niềm vui mừng khôn xiết đối với họ. Tất cả mọi người đều lặng lẽ, thành kính, hương trầm tỏa ngát. Tôi ngồi thiền định một tay duỗi thẳng trước ngực, một tay đặt trên tấm áo cà sa vàng bằng lụa.

Đến khuya, mọi người tản ra dần và đi nghỉ hết. Anna Mari vẫn quỳ trước mặt tôi, hai tay thành kính chắp trước ngực, đầu cúi, mắt khép hờ như chờ đợi tôi có điều gì sai bảo. Tôi đứng lên lặng lẽ rồi đi về phòng. Mấy ngày ngồi thiền, tôi chưa quen nên thấm mệt. Tôi nằm đăm đăm nghĩ ngợi về cuộc đời mình lại bước sang một bước ngoặt mới như là số phận được an bài. Bỗng Anna Mari khẽ đẩy cửa, bước vào phòng tôi.

Sau hơn một năm thành chồng vợ, đây là lần đầu tiên nàng chủ động bước vào phòng tôi. Nàng đến bên giường quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi. Tôi nằm im. Nàng vẫn ngồi lặng thinh. Tôi ngồi dậy. Cả hai cùng im lặng một lúc lâu, tôi đưa tay nâng nàng đứng dậy và đưa tay choàng qua hông nàng. Anna Mari cúi đầu và đi giật lùi ra ngoài. Lát sau nàng quay trở lại, trên người cô mặc một tấm áo ngủ vải voan mỏng may kiểu Châu âu, chứ không quấn chặt xà rông nhiều lớp kín mít như mọi ngày. Anna Mari đến với tôi bằng tất cả sự nồng cháy, yêu thương của một người vợ, một người yêu. Nét lạnh lùng ngày thường biến mất. Bên tôi, một Anna Mari kiều diễm, quý phái, dịu dàng. Nàng đã cho và được nhận một tình yêu đích thực. Nhưng hạnh phúc và cuộc sống vợ chồng của tôi vàMari thật ngắn ngủi, tôi đã phải đi tu Phật. 

Suốt một tháng trời được phép về gia đình, lúc nào Anna Mari cũng ở bên tôi. Đến ngày phải lên đường, cả gia đình tiễn tôi đến chùa. Cờ phướn rực rỡ. Những người đi tu Phật được đi trên những chiếc kiệu. Vợ tôi quỳ bên đường, đọc kinh tiễn tôi. Một tháng bên nhau vợ chồng mặn nồng yêu thương, Anna Mari đã mang trong mình giọt máu của tôi. Trong khi tôi đang len lỏi đi trong rừng già Ấn Độ, đói khát, hiểm nguy rình rập dọc đường, thì Mari sinh hạ cho tôi một đứa con trai, đặt tên là Xô-Chim. Đó là mùa xuân năm 1935, tôi đã được làm cha mà tôi không biết”.

 

Theo Nguyễn Hồng Trân


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)