Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 14/9/2013
E-mail     Bản in

Danh họa Lưu Công Nhân: Một người kỹ tính và hào phóng
...
 
AI GIỮ NHIỀU TRANH LƯU CÔNG NHÂN NHẤT?
 
LCN.jpg
Danh họa Lưu Công Nhân
Có thể nói họa sĩ Lưu Công Nhân (1929 - 2007) là người lao động nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng, dù bệnh tật cản trở những đường cọ, mảng màu của ông. Chưa có thống kê chính thức ông đã để lại trần gian này bao nhiêu họa phẩm, nhưng chắc chắn con số đó phải lên đến hàng ngàn. Khoảng 55 tác phẩm triển lãm lần này của nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc chỉ mới phát họa được một phần rất nhỏ diện mạo đồ sộ mà họa sĩ Lưu Công Nhân đã gửi lại cho đời. Nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc cho biết, hiện ông lưu giữ khoảng 100 tác phẩm của Lưu Công Nhân. Mới đây, ông đã lên Đà Lạt mua thêm 27 tác phẩm của Lưu Công Nhân từ một nhà sưu tập chuyển nhượng lại. Thế nhưng, cả bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân của ông Đỗ Huy Bắc vẫn rất nhỏ nhoi so với những gì danh họa này đã vẽ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng tại TP Hồ Chí Minh, khoảng vài nhà sưu tập thôi cũng đã lưu giữ hàng trăm tác phẩm của Lưu Công Nhân. Ông Lê Thái Sơn, nhà sưu tập tranh cho biết, hiện lưu giữ khoảng 20 họa phẩm của Lưu Công Nhân. Trong các nhà sưu tập tranh Lưu Công Nhân tại TP Hồ Chí Minh, dường như mỗi người chọn một nét riêng như: chất liệu, đề tài… trong sự đa dạng về bút pháp, thể loại của danh họa này để sưu tầm. Như nhà sưu tập Lê Thái Sơn, ông chọn tranh Lưu Công Nhân trên chất liệu thuốc nước được vẽ vào những năm 1958 - 1965 với các đề tài sinh hoạt, phong cảnh nông thôn miền Bắc thời chiến. Có thể kể thêm bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Huy Hoan với khoảng 50 - 60 tác phẩm, của nhà sưu tầm cổ vật Hưởng (dân trong giới gọi là Hưởng “cạo”) khoảng 100 tác phẩm. Chưa kể tranh Lưu Công Nhân còn có nhiều trong những bộ sưu tập nhỏ lẻ, mỗi người lưu giữ khoảng 5 - 10 tác phẩm. Theo ông Đỗ Huy Bắc, hiện cả nước có khoảng 20 nhà sưu tập tranh Lưu Công Nhân, chỉ tính trung bình mỗi người lưu giữ khoảng 50 tác phẩm sẽ thấy sức lao động khổng lồ khi họa sĩ còn sống.
 
Cũng chính một số nhà sưu tập tranh Lưu Công Nhân tại TP Hồ Chí Minh khẳng định rằng tranh của danh họa này vẫn nằm ở gia đình là nhiều nhất. Theo nhà sưu tập Lê Thái Sơn, thì ông Lưu Quốc Bình - con trai và cũng là người thừa kế hiện lưu giữ nhiều tranh nhất của họa sĩ Lưu Công Nhân mà không một nhà sưu tập nào có thể so sánh được.
 
NGHÈO VẪN KHÔNG “HẠ MÌNH”
 
Nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc có 20 năm sưu tập tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân, phần thì ông mua từ họa sĩ, gia đình họa sĩ hoặc từ các nhà sưu tập khác. Ông Đỗ Huy Bắc cho rằng: “Tranh của cụ Lưu Công Nhân tưởng nhiều sẽ dễ sưu tầm nhưng khó vô cùng, vì giá không rẻ chút nào”. Ông Đỗ Huy Bắc là một trong những người đầu tiên mở gallery tư nhân tại TP Hồ Chí Minh sau năm 1975. Ông kể: “Những năm 1980 khi kinh tế còn khó khăn, các họa sĩ còn khó hơn gấp bội, tranh vẽ ra đa phần là đem tặng bạn bè. Nhưng cụ Lưu Công Nhân đã không bán thì thôi, còn bán thì giá rất cao”. Chuyện là những năm tháng khó khăn ấy, có lần họa sĩ Lưu Công Nhân kêu ông Bắc đến mua tranh. Họa sĩ nói: “Giờ mình đang kẹt tiền, đây là cơ hội để Bắc mua tranh của mình”. Ông Đỗ Huy Bắc mừng rỡ vì sẽ sưu tầm được tranh của danh họa mà mình ngưỡng mộ với giá phải chăng. Nào ngờ khi họa sĩ đem ra mấy thùng đựng tranh và nói chắc nịch: Mua số lượng lớn thì 500 đô la/bức, còn mua lẻ thì 2.000 đô la/bức. Nghe họa sĩ nói thế, ông Bắc dù thích tranh của Lưu Công Nhân cũng đành bất lực ra về.

 
Tranh-Luu-Cong-Nhan.jpg
Một bức chân dung thiếu nữ của danh họa Lưu Công Nhân trong bộ sưu tập của Đỗ Huy Bắc.
 
Điều đó thể hiện họa sĩ Lưu Công Nhân rất kỹ tính trong việc biết mình và “giữ giá” cho mình. Nhưng ông lại là người rất hào phóng trong việc tặng tranh cho những người đồng cảm với mình. Giới sưu tập tranh vẫn nói với nhau rằng, tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân xuất hiện bên ngoài nhiều là do ông cụ hào phóng tặng bạn bè, người tri âm… Còn người mua trực tiếp từ họa sĩ không có nhiều do ông cụ không bán hoặc bán giá rất cao. Nhà sưu tập Lê Thái Sơn nói: “Nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan đang giữ nhiều tranh sơn dầu vẽ khỏa thân của Lưu Công Nhân. Khi họa sĩ còn sống khá thân với nghệ sĩ nổi danh về chụp ảnh nude nên hai người có sự đồng điệu với nhau chăng?”. Họa sĩ hào phóng tặng rất nhiều tác phẩm cho những người hiểu nghệ thuật của mình, có nhà báo được ông tặng hàng chục bức tranh. 
 
Họa sĩ Lưu Công Nhân được dân trong nghề công nhận là người vẽ hiện thực bằng chất liệu thuốc nước trên giấy xuất sắc nhất thế hệ ông - thế hệ bản lề của Mỹ thuật Đông Dương và thời kỳ kháng chiến. Ông từng theo học khóa mỹ thuật kháng chiến năm 1950 - 1954 tại Việt Bắc với các bậc thầy Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… Hiện gia đình họa sĩ Lưu Công Nhân đang xúc tiến xây dựng không gian trưng bày tranh của ông tại nhà riêng trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nếu không gian trưng bày này thành hiện thực, như nhiều nhận xét của các nhà sưu tập tranh, đây sẽ là nơi trưng bày đầy đủ nhất về phong cách, thể loại, số lượng cũng như những tác phẩm đẹp nhất, ưng ý nhất của họa sĩ lúc sinh thời gìn giữ lại.

Theo THANH KIỀU (thực hiện)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)