Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 14/9/2013
E-mail     Bản in

LƯU CÔNG DANH Nhà tu hành huyền thoại (Phần II)
...
Trong chương 6 của HK, có đoạn đã ghi:

“Hai người bạn đi tu Phật cùng tôi, đã rẽ mỗi người một hướng. Tất cả đều đi chân trần. Một tháng đầu tôi đi trên những con đường mòn, không gặp nhà cửa, không có người, nhưng lâu lâu lại thấy có một cái am nhỏ, có trái cây và nhang đèn. Tôi thắp nhang vái tạ và lấy hết trái cây cho vào túi để ăn dần. Mấy bài kinh học được tôi luôn đọc lẩm nhẩm dọc đường. Nhờ vậy quên được phần nào những vất vả gian truân. Nhiều cơn đói làm tôi hoa mắt. Tôi phải tập ăn các thứ lá, các loại trái mà chim ăn (không độc). Đêm thì trèo lên cây ngủ để tránh rắn, thú rừng ăn thịt. Trước khi tiễn những người lên đường đi tu Phật, người ta dạy cho mỗi người phân biệt những loại lá cây để chữa bệnh: rắn cắn, đau răng, gãy chân tay... tôi thuộc lòng để tự vệ và chữa trị cho mình khi cô độc giữa rừng.
Trong những tháng ngày đi thăm thẳm trong rừng, tôi chỉ biết dùng nghị lực để chiến thắng hiểm nguy gian khổ để đi đến đích chứ chưa hình dung được đi tu đắc đạo, thành Phật rồi làm gì? Nhưng với ý chí và nghị lực tôi tin mình sẽ thành công.

Đi hơn nửa năm trời như vậy, tôi mới tới một cảnh chùa. Tôi mừng như muốn reo lên. Ở đây, tôi tiếp tục được chỉ dạy cách đi trong rừng, cách dùng lá cây xoa lên người để sống chung với các loại rắn độc. Chính tôi đã tận mắt thấy người ta nằm trong cảnh chùa nhung nhúc rắn, rắn bò vào cả áo cà sa người đi tu. Đi tu phật gian khổ hơn tu thường. Nếu đã đi tu Phật là phải tu cho đắc đạo. Nếu vì gian khổ mà quay trở về, không phải chỉ có bị phỉ nhổ vào mặt mà có khi còn bị giết, vì người ta nghi mình là qủi dữ, bị đuổi về. Cho nên, những người đi tu phật đã tình nguyện đi là họ không quay về, không bỏ trốn, nếu họ chết trên đường đi cũng được coi là đắc đạo. Đó chính là những vị bồ tát tử vì đạo.

Đi qua mỗi cảnh chùa, phải học hàng chục bài kinh, phải thật thuộc mới được đi tiếp. Mỗi cảnh chùa, phải học hàng năm mới thuộc hết kinh. Tôi học thuộc kinh nhanh hơn người khác là vì tôi biết chữ. Khi người đi tu Phật thuộc các bài rồi phải ngồi thiền và phải đọc lại cho thật nhuần nhuyễn mới được tiễn đi tiếp. Ai chưa thuộc thì ở lại học tiếp.Tây phương không phải là Tây Trúc mà thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh. Tây phương thuộc vùng đất phía Bắc của Ấn Độ, phía Tây của Tây Tạng. Những người đi tu đến đây đều phải đi bằng chân đất, men theo những ngọn núi của rặng Hy-ma-lay-a thăm thẳm rừng già, cheo leo vách núi, thác đổ ầm ào, dây rừng chằng chịt, có khi đi hàng tháng trời cứ lạc loanh quanh trong rừng lại trở về chùa cũ đã đi qua. Tất cả người đi tu Phật trong rừng đều phải học lấy tiếng trong rừng - hay là tiếng rừng - để biết đường đi, để tìm được miếng ăn. Ví dụ: nghe tiếng thác đổ là biết có vực phía trước mà tránh. Vì vực thẳm, té xuống là rũ xương luôn tại đó. Lắng nghe tiếng chim hót, chim vỗ cánh để biết nơi nào có trái ăn - chim ăn là người ăn được. Người đi tu phật trong rừng chỉ có ăn lá và trái rừng để sống. Mọi thứ bệnh trong rừng cũng được chữa trị bằng lá cây.

Những ngôi chùa trên đường đi trong rừng đủ kiểu. Trong mười cảnh chùa tôi đi qua, chỉ có ba chùa nằm trong rừng, trong hang núi, cũng có cái lớn, các bệ thờ là những bệ đá được gọt đẽo tạo thành. Còn các cảnh chùa khác, đều do con người tạo nên, mỗi người góp vào một chút. Có người trên đường đi, biết mình không đi được nữa, tìm cách đắp thêm cho cảnh chùa; có người muốn sau này có người thờ mình, tự tạo nên cái am ngay bên cạnh rồi tu tại đó, sau khi viên tịch, người tại chỗ hỏa táng cho rồi tạo một nơi cắm hương hoa, đọc kinh siêu thoát và thắp nhang hàng ngày như các bồ tát khác viên tịch.

Cảnh chùa Tây Phương là chùa cuối cùng của mười chùa tôi đã đi qua. Khi thuộc làu hết kinh trong chùa, vị sư trụ trì trong chùa nói đã hết kinh dạy cho tôi. Tôi học kinh như vậy là đủ và chặng đường đi kéo dài gần mười năm để qua mười cảnh chùa trong rừng hoang vắng như vậy coi như tôi đã đắc đạo thành Phật rồi. Tại chùa Tây Phương, tôi cần có thời gian để ngồi thiền và đọc lại tất cả các bài kinh tôi đã học qua mười cảnh chùa. Tôi đã đọc đến mấy tháng trời (không nhìn sách). Một hôm trong khi tôi đang đọc, vị sư trụ trì vào nói tôi thôi không đọc nữa mà hãy trở về giúp ích cho đời - tôi đã trở thành Phật sống!

Nghe vị sư nói thế, tôi nghĩ ngợi: giúp ích cho đời là sao? Chắc thời gian đi trong rừng sáu, bảy năm trời gian khổ và được học nhiều bài thuốc trị bệnh từ các loại lá rừng, nên bây giờ trở lại dùng chúng giúp ích cho đời chăng? Nếu như thế cũng chẳng uổng phí công gần chục năm tôi đi trong rừng nhịn đói khát, sống chung với rắn độc, thú rừng và tin mình không bị chúng cắn chết vì đã có một kho thuốc quí giữa rừng. Tôi rất vui.

Vị trụ trì chùa này chuẩn bị cho tôi trở về với đời bằng hai viên ngọc, bọc kỹ trong hai cái túi. Ông không hề giải thích gì, chỉ nói hai viên ngọc này giúp tôi thoát mọi tai ương. Tôi cảm động đeo hai viên ngọc vào cổ rồi tới quì trước mặt từng người và đọc hết một bài kinh chúc phước để từ biệt rồi lặng lẽ ra đi. Các vị sư vẫn ngồi thiền và đọc kinh, không ai đứng lên tiễn tôi, lúc ấy trời vừa sẩm tối”.

Ông Danh thực hiện chuyến hành trình từ Tây phương trở về miền xuôi. Ông đi mất mấy tháng trong đường rừng, mấy tháng men theo sườn núi mới tới những con đường về xuôi xuống đồng bằng. Xóm làng ẩn hiện ở những phía rừng xa. Khi đói, đã có lá cây, trái rừng; khát, có nước suối. Ông cứ đi mãi theo những tấm biển chỉ đường. Có lần gặp những tộc người miền núi, họ reo hò xông tới vây quanh ông như muốn đâm chết người lạ. Ông Danh vẫn bình tĩnh ngồi lần tràng hạt, đọc kinh Phật mặc cho họ muốn làm gì thì làm. Sau một hồi lâu thì họ bỏ đi. Ông cũng mệt lăn ra ngủ. Khi tỉnh dậy, thấy bên cạnh có nhiều trái cây, thức ăn thứ uống. Biết họ dành cho ông và ông ăn no rồi tiếp tục đi. Không ngờ ông lại gặp sự nguy hiểm khác. Lần này còn nguy nan hơn. Nhưng rồi ông cũng đã vượt qua để đi tiếp đến được Tân Cương và có nhiều diễn biến tiếp theo của cuộc hành trình đầy may mắn, thuận lợi.

Trong chương 6 của HK, có đoạn đã ghi:

“Một đám người có cả đàn bà đàn ông, xông vào trói tôi lại, đưa lên giàn hỏa, đặt tôi nằm trên đó trong khi họ đọc kinh và nổi lửa đốt. Lần này tôi sợ thật. Tôi nghĩ nếu viên tịch tại đây, tôi có trở thành bồ tát không? Nhưng lửa chỉ cháy nóng lưng rồi tắt. Một lát, họ khiêng tôi xuống và mở trói. Tôi lại ngồi xuống lần tràng hạt và đọc kinh. Tất cả họ quì xuống chung quanh tôi vừa lạy vừa xá và cũng đọc kinh theo tiếng của họ. Trời vừa nhá nhem, họ đội đến mấy mâm trái cây. Tôi ra hiệu chỉ nhận một mâm đủ dùng, còn lại phân phát cho tất cả mọi người. Họ cúi đầu xá tôi rồi ra về. Với thái độ của họ, tôi hiểu rằng họ thử thách để xem tôi có phải là chân tu hay không. Tôi liều mạng để qua khỏi, chứ không nghĩ phép nhiệm màu của hai hạt ngọc vị sư trụ trì ở chùa Tây Phương đã cứu tôi. Tôi lầm lũi đi và vượt qua gian nguy như vậy mà không để ý là tiếng đồn về ông Phật sống được dân chúng lan truyền suốt dọc đường tôi đi. Cho nên, khi tôi đến Tân Cương, có những người dọc theo đường mang cờ phướn đi theo tôi, không phải họ rước tôi, mà chắc họ theo để được chút phước của ông “vua Phật”. Ở Tân Cương được mấy ngày thì sứ quán vương quốc Anh đưa xe đến đón và đưa thẳng về Thượng Hải, lúc này là tô giới của Vương quốc Anh. Tôi không mấy lúng túng vì có chút ít tiếng Anh, nhờ học được lúc làm rể ở Phnôm-Pênh và Ấn Độ trong gia đình Ibrahim. Họ đón tôi thật trịnh trọng, đoàn xe ba chiếc, tôi ngồi chiếc giữa một mình. Vì xa gia đình người vợ Ấn Độ quá lâu (tròn chục năm chứ ít đâu!) và hoàn toàn bặt tin tức. Nhưng khi đó tôi có suy nghĩ chắc nhờ uy tín của gia đình cha vợ mà họ đối đãi với tôi như vậy chăng? Tôi cũng không tìm hiểu mà cứ đi theo họ.

Đến Thượng Hải, họ cho thầy thuốc Ăng-lê đến khám bệnh cho tôi. Tôi cảm ơn họ và nói: “Những năm tôi đi tu đơn độc trong rừng, khi bệnh tật tôi tự chữa lấy bằng lá cây”. Tôi không ăn uống các thức họ mang tới, chỉ ăn trái cây và uống nước suối. Sứ quán vương quốc Anh cho mang mấy bộ áo cà sa vàng rực rỡ như loại áo cà sa của thầy Đường Tăng, và xin lại những vật dùng như giỏ, mũ và bộ áo cà sa bằng lá cây của tôi (mũ, giỏ cũng bằng lá cây) để đưa vào viện bảo tàng. Tôi không nhận các bộ cà sa mới mà chỉ mặc một loại áo cà sa lá cây thôi. Khi tôi sắp rời gia đình đi tu Phật, vợ tôi có may cho tôi vài bộ cà sa. Tôi vừa mặc vừa tặng các bạn tu ở các cảnh chùa. Mấy chiếc áo đã rách hết trên đường đi, nên tôi phải tạo ra loại áo lá cây để mặc như tất cả các vị sư. Vì vậy, chiếc áo lá cây là vật kỷ niệm đặc biệt trong những năm tháng đi tu Phật của tôi. Loại áo cà sa này làm cũng giống như vải, phải chắp cho đủ bẩy mươi hai miếng. Ngoài việc mặc choàng che nắng che mưa, loại áo lá còn tác dụng chữa bệnh khi thời tiết thay đổi, tránh được khí độc nhiễm vào người (rừng thiêng, nước độc). Áo cà sa có 72 lá khác nhau. Mỗi một loại lá có công dụng khác nhau và che chở cho cơ thể một cách hữu hiệu. Mũ đội, túi mang bằng lá cũng thế.

Sau một tuần ở Thượng Hải, Đại sứ Vương quốc Anh đưa tôi qua Hồng Công, để tiếp tục đi Luân Đôn. Tôi không hiểu vì sao họ lại đưa tôi đi Luân Đôn. Nhưng tôi nghĩ có lẽ vì tôi là một “vị vua tinh thần” của đạo phật - một đạo có nhiều tín đồ không những ở Ấn Độ, mà còn trên cả thế giới. Lúc đó, Ấn Độ còn thuộc địa của Vương quốc Anh, nên việc họ có ý đồ riêng gì trong việc “độc quyền” tôi cũng dễ hiểu thôi. Từ đây họ tôn tôi là “vua Phật”, “Phật sống”, chắc có lẽ họ cho rằng tôi đã diệt được dục vọng, không ăn uống gì những thứ của phàm trần, chỉ ăn hoa quả, uống nước lạnh mà vẫn sống được nhiều năm trong rừng. Khi họ đem đến những món ngon vật lạ, tôi cũng không dùng, khước từ cả những chiếc áo cà sa kiểu Đường Tăng. Suốt ngày đêm không nói năng gì với ai, chỉ ngồi thiền và đọc kinh. Theo họ, tôi đã thành Tiên, Phật rồi.

Khi đến Luân Đôn, tôi được đưa vào một ngôi chùa nhỏ, nhưng rất sang trọng. Tôi cũng không yêu cầu bất cứ điều gì và không tiếp xúc với ai. Suốt ngày đêm vẫn ngồi trước tam bảo lặng lẽ và bất động. Với người Tây, điều này càng lạ lùng. Các bà, ông Tây đổ xô tới chùa mỗi ngày một đông, họ đi lễ chùa thì ít mà đi xem “Phật sống” thì nhiều. Họ nói xí xô xí xào quanh tôi. Tôi vẫn ngồi bất động. Có vài người xin tôi ban phước, tôi từ chối vì mình là khách, hãy để việc đó cho vị sư trụ trì chùa này.

Gia đình bên vợ đã được tin tôi tu đắc đạo, được Đại sứ Vương quốc Anh đưa đi nhiều nơi và hiện đang ở Luân Đôn, nên cha vợ tôi, ông Ibrahim, gởi đơn cho Toàn quyền Ấn Độ xin cho tôi được về gần gia đình. Trong đơn nói rõ tôi đã có vợ có con. Lúc đó, gia đình vợ tôi vẫn kinh doanh lớn ở Phnôm-Pênh như khi tôi còn ở nhà. Đơn xin cho tôi về thẳng Campuchia. Lúc ấy, ông Nêru là một chính khách nổi tiếng và có uy tín của Ấn Độ. Ông đang phất cao ngọn cờ cùng nhân dân đòi độc lập cho đất nước Ấn Độ. Vợ tôi gọi ông là dượng rể (vợ tôi và cố Thủ tướng I-đi-ra Gan-đi là chị em bạn con dì), có lẽ vì mối quan hệ này mà Toàn quyền Ấn Độ chấp thuận đơn của cha vợ tôi, để tôi được trở về Phnôm-Pênh sum họp gia đình.”

Được tin ông Danh sẽ trở về Phnôm-Pênh, cha vợ ông tiến hành cho xây dựng ngay một ngôi chùa riêng cho con rể trở về tu hành tại đó. Nhà vua Campuchia đứng ra bảo trợ cho việc xây dựng này. Hoàng gia Campuchia cử người đứng ra trông coi việc xây cất theo đúng nghi lễ và kiểu dáng cảnh chùa theo mẫu chung của đất nước chùa tháp. Ông Ibrahim đóng vào một khoản tiền khá lớn, còn lại là Hoàng gia Campuchia và nhân dân cúng dường. Cảnh chùa trở nên nguy nga và đẹp không thua gì cảnh chùa Phnom ở Phnôm-Pênh. Nhân dân Campuchia tâm niệm: một đất nước theo đạo Phật, mà có ông “Phật sống” để thờ thì vinh dự lắm!

Ông Lưu Công Danh  từ Luân Đôn trở về Phnôm-Pênh qua đường thủy đến bến Nhà Rồng. Sau đó Hoàng gia Campuchia đã cho một đoàn xe đón ông Danh về thẳng chùa Prệp Pra, nằm phía dưới Phnôm-Pênh, đường về Châu Đốc. Bấy giờ khoảng tháng chạp năm 1941. Khi về đến bến cảng Nhà Rồng, ông Danh đã biết được một số thông tin về đất nước Việt Nam và ông có nhiều tâm tư suy nghĩ đến gia đình,bà con…

Trong chương 6 HK của ông, có đoạn đã ghi:

“Tôi nhớ đến anh hai Lưu Quang Nên của tôi bị giặc Pháp giết. Tôi nghĩ đến gia đình, làng xóm sau hơn chục năm tôi đi biệt, không biết ai còn ai mất. Nước mắt tôi chực trào ra. Nhưng giờ đây, tôi là người tu hành, người ta tôn tôi là “vua Phật”, “Phật sống”, đi đâu cũng được đón đưa như vậy, hơn nữa tôi đang mang quốc tịch Ấn Độ, có mối ràng buộc với một gia đình chính khách, thì việc nói trở về quê hương giữa lúc loạn ly này đâu phải dễ.

Tôi vào chùa, không thể tưởng tượng được người ta làm các thủ tục, nghi lễ đón tôi - một “vua Phật”, bằng thịt bằng xương hiện hữu trước mặt họ. Hương hoa, cây trái và cả một dòng người dài như vô tận. Tất cả họ qùi, chắp tay xá, vợ tôi và thằng con Xô-Chim của tôi lẫn trong dòng người đó. Thời gian gần hai năm trời vợ tôi đi lễ chùa như mọi người, sau đó, tôi mới được gặp vợ tôi. Phong tục ở đây lạ lắm. Khi tôi được tôn là “vua Phật” thì người ta chọn những người con gái đẹp nhất đến xin được ngủ với tôi để lấy giống Phật. Họ cho tôi biết: Ba năm một lần, tuyển lấy ba cô gái đẹp đến chùa Prệp-pra của tôi để lấy giống Phật. Trong vòng sáu tháng, nếu cô nào có thai đẻ ra con trai thì đứa nhỏ đó được đi tu Phật. Nếu không có thai hoặc đẻ ra con gái là Trời Phật không nhận, những cô gái ấy trở lại sống cuộc đời dân dã, Khi tôi trụ trì chùa này, họ chỉ tuyển một lần, không biết các cô đó có sinh con không. Nhờ tục lệ này, vợ tôi mới được đến chùa ngủ với tôi mỗi lần hai ba đêm và tôi có thêm một đứa con trai tên Ta-Lép.

Một tục lệ khác cũng lạ, khi tôi tắm, người ta đem vô số chai lọ đến để xin nước tắm Phật về làm thuốc chữa bệnh. Nước này đem về, họ vừa uống vừa thoa bóp. Tiền của dân cúng lễ chùa không biết để đâu cho hết. Ban quản lý chùa xây thêm một căn nhà, đặt năm két sắt. Dân đến lễ chùa cúng dường chật kín hết các két sắt, phải mang đi gởi nhà băng. Sau đó, số tiền này, tôi cho xây một bệnh viện gần chùa, thuốc men cho người bệnh miễn phí, các y tá, bác sĩ được trả lương bằng tiền nhà chùa do dân đóng góp. Mỗi người tới chữa bệnh, đều được nhà chùa cấp cho một tấm thẻ để qua bệnh viện chữa miễn phí.

Tôi trụ trì ngôi chùa Prệp-Pra gần 5 năm (từ năm 1941-1945). Khi cách mạng tháng Tám thành công, người Pháp biết tôi trở về Việt Nam theo kháng chiến, họ cho ném bom ngôi chùa và bệnh viện này thành bình địa. Thực dân Pháp còn ra tuyên bố xử vắng mặt tôi. Vì lúc ấy ông Sơn Ngọc Minh cùng những người cách mạng Campuchia nổi lên chống Pháp, không cho chúng trở lại đặt ách nô lệ lên nhân dân Campuchia một lần nữa. Đạo quân của Sơn Ngọc Minh lấy tên là It-xa-ra. Người Pháp cho là ngôi chùa Prệp-pra là nơi để cho It-xa-ra đặt làm sào huyệt nên họ san bằng nó và xử tôi cùng với tội theo Việt Minh là thế”. 

Sau sự kiện Pháp cho ném bom ngôi chùa ông Danh trụ trì và xử tội vắng mặt ông, ông Danh không bình tâm ngồi thiền nơi cửa Phật nữa. Ông quyết định trở về quê hương; trở về với Tổ quốc Việt Nam sau hơn mười năm xa cách lòng đầy thương nhớ. Việc ông Danh trở về quê hương đi tham gia kháng chiến, ông không nói gì với gia đình bên vợ. Vì nói ra điều đó cho họ biết thì khó giải quyết việc rời bỏ tu Phật để đi kháng chiến chống giặc Pháp. Do đó ông đành im lặng ra đi. Ông thuê xe ô tô đi về biên giới Việt Nam đến Châu Đốc.  Bà con Châu Đốc vẫn lui tới Campuchia, có đi lễ chùa nên họ đã nhận ra ông. Thế là tin “Vua Phật” Lưu Công Danh về Việt Nam được lan đi. Anh em trong đội biên phòng Việt Nam nghi ngờ và giữ xe lại, nhưng không ai dám có ý kiến gì. Tất cả sự việc được báo cáo lên các cấp trên chờ ý kiến giải quyết. Ông Danh ở lại chờ đợi, nhưng ông cũng không bực tức than phiền gì mà ông nghĩ rằng, đã xa xứ sở và chờ đợi ngày về bao nhiêu năm thì giờ đây được đứng ngay trên đất mẹ, dù có chờ thêm đôi ngày có sao đâu!  Nghĩ thế mà lòng ông trào dâng nỗi vui mừng và xúc động... Sau đó, ông được Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ mời lên gặp. Bấy giờ ông Ung Văn Khiêm phụ trách Công an đến gặp “Vua Phật” Lưu Công Danh. Ông Danh mừng lắm vì ông Danh đã nghe tiếng ông Khiêm từ lâu. Và qua cuộc chuyện trò, trao đổi ý kiến, ông Danh vẫn một mực đi tham gia kháng chiến cứu quốc chứ không đi con đường tu Phật nữa. Sau đó ông Danh được nhận nhiệm vụ mới của người cán bộ kháng chiến.

Trong chương 7 của HK, có đoạn đã ghi:

“Cử chỉ thân tình của một người đại diện cơ quan Nhà nước tiếp nhà tu như tôi, khiến tôi càng tin tưởng con đường mình quyết định chọn trở về gia nhập kháng chiến là đúng đắn. Anh Ung Văn Khiêm mời tôi uống trà, rồi mời cơm có thịt cá và món đặc sản mắm Châu Đốc. Tôi đã quyết định trở về đời thường, nên không ngần ngại ăn bữa cơm thân tình này. Tôi cũng không thể quên được buổi trò chuyện đầu tiên với anh Ung Văn Khiêm.

Đầu tiên anh hỏi tôi: “Pháp đã trở lại đánh chiếm nước ta và Lào, Campuchia. Nhà chùa mạo hiểm trở lại đây làm gì?”. Tôi nói với anh tôi xa quê gần 15 năm rồi, tôi nhớ nhà lắm! Nghe tôi nói vậy, anh Ung Văn Khiêm có vẻ cảm động. Anh hỏi tiếp quê quán. Tôi cho anh biết quê tôi ở Châu Thành - Rạch Giá. Từ Châu Đốc qua Hà Tiên, về quê tôi cũng gần. Trầm ngâm một chút, anh Ung Văn Khiêm cho tôi biết thêm một số tin tức về việc Pháp trở lại đánh chiếm nước ta. Anh nói: Pháp đã cho quân lính đổ bộ lên Rạch Giá bằng tàu qua đường biển. Chúng ta chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài. Anh Ung Văn Khiêm khuyên tôi không nên trở về Rạch Giá nữa, mà nên trở lại Campuchia, ở nhà chùa tu hành vì anh biết tôi nổi tiếng là “Vua Phật”, được nhiều nơi biết. Anh hứa sẽ cho người hộ tống để tôi đi an toàn.

Tôi biết anh Ung Văn Khiêm lo cho sự an nguy của tôi, của một “Vua Phật” đang mang quốc tịch Ấn Độ. Tôi mạnh dạn nói với anh:

- Không. Tôi đi làm chi nữa. Quê hương tôi ở đây, thì tôi ở lại đây thôi.

Anh Ung Văn Khiêm nhìn tôi đầy trìu mến và nói nhẹ nhàng:

- Ở lại đây, anh sẽ phải đương đầu với giặc Pháp nguy hiểm và gian khổ vô cùng.

- Gian khổ chi bằng đi tu Phật ở tận Tây Phương. Còn nguy hiểm ư? Các anh và mọi người chịu đựng được thì tôi cũng chịu đựng được. Miễn sao ta đánh đuổi được bọn thực dân Pháp tàn bạo này, giành lại độc lập cho đất nước.

Thấy thái độ dứt khoát của tôi, chừng như anh Ung Văn Khiêm đã an tâm, không nói thêm gì. Nhưng anh đang nghĩ ngợi, không biết bố trí cho “Vua Phật” làm gì. Anh vỗ vai tôi, cử chỉ gần gũi như anh em quen đã lâu ngày: “Anh ở lại. Chúng ta như anh em một nhà. Cơ quan Mặt trận Việt Minh sẽ tập hợp mọi tầng lớp nhân dân theo cách mạng kháng chiến”.

Khi từ Campuchia trở về, ngoài chiếc xe hơi hiệu Renault đang dùng, tôi còn tặng cho cách mạng một vali bạc mà tôi dự định mang về quê giúp đỡ gia đình. Bây giờ, tôi thấy cách mạng, kháng chiến đang cần, tôi xin tặng hết cho cách mạng. Tôi nói với anh Ung Văn Khiêm: “Xem đây là tấm lòng của tôi, một đóng góp nhỏ của tôi cho cách mạng. Tôi cũng sẽ vì cách mạng, vì kháng chiến mà sẵn sàng xả thân”. Anh Ung Văn Khiêm hỏi tôi muốn ở cơ quan nào. Tôi nói:

- Cơ quan nào cũng là của cách mạng cả. Tôi đã tới đây thì ở lại đây cùng các anh.

Thật tình lúc này tôi chưa biết cơ quan của anh Ung Văn Khiêm là cơ quan gì. Với tôi, cơ quan nào, nhiệm vụ gì nếu được phân công thì đó là nhiệm vụ cách mạng. Tôi thay bộ áo cà sa và từ ngày 26/9/1945, tôi đã mặc những bộ đồ bà ba đen như mọi người mặc. Tôi đã trở thành một Lưu Công Danh của đời thường, Lưu Công Danh của cách mạng. Cũng trong ngày hôm đó, anh Ung Văn Khiêm và các anh ở Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ cho tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ. Cả nước đứng lên cùng Nam bộ kháng chiến. Chẳng bao lâu, Pháp đã tiến tới Châu Đốc bằng hai đường: Từ Cần Thơ, Long Xuyên tới, từ Tà Keo kéo xuống Tịnh Biên, có cả máy bay Đacôta thả quân nhảy dù xuống Tri Tôn để móc nối với bọn phản động đang ẩn náu tại đây, chuẩn bị tái chiếm Châu Đốc. Tất cả các cơ quan dân chính của tỉnh và Nam bộ được lệnh rút sâu vào cứ, chỉ để lại lực lượng quân sự và dân quân tự vệ cầm chân giặc. Các cơ quan kháng chiến, lực lượng thanh niên đang hừng hực khí thế cầm súng đánh giặc, không ai muốn theo cơ quan vào rừng sâu. Trong khi đó, có một số bị tình nghi là Việt gian, chưa điều tra rõ để kết luận, nên không thể đem họ theo các cơ quan, mà cũng chưa thể thả họ được, phải có giám thị để cai quản họ. Anh Ung Văn Khiêm tham khảo tôi có làm được việc này không? Tôi trả lời không ngần ngại:

- Cũng là việc của cách mạng. Nếu các anh thấy việc này hợp với tôi, thì tôi nhận.

Anh Ung Văn Khiêm tỏ vẻ hài lòng và giao việc làm giám thị, còn gọi là giám đốc trại giam cho tôi. Anh Ung Văn Khiêm cho hơn một tiểu đội dân quân tự vệ giúp việc. Tôi biết cách mạng đã tin dùng tôi. Chính anh Ung Văn Khiêm sau này đã nói:

- Tôi biết anh là người từng đi tu và hiền hậu chất phác, vô tư. Anh không thể làm hại ai và cũng không thể là người phản bội, nên công việc giám thị thích hợp với anh!

Tình hình ngày càng phức tạp. Pháp cho viện binh và đánh lan ra khắp Nam bộ. Dù đã chuyển vào rừng sâu, nhưng trại giam dân chính này quá sơ sài, nếu đánh chiếm được, quân Pháp sẽ thả hết phạm nhân, biết đâu, trong số đó có những tên nguy hiểm. Sau khi họp bàn thống nhất, tổ chức quyết định cho sáp nhập trại giam tôi đang phụ trách với trại tạm giam của quân sự, gọi là Đề lao binh, trực thuộc Bộ tư lệnh quân khu. Tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Đề lao binh và được phong Đại đội trưởng.

Khi quyết định rời bỏ cuộc sống hiện tại để về quê nhà và quyết tâm đi theo kháng chiến, tôi không một chút vấn vương gì cuộc sống của một con người mà mọi người suy tôn là “Vua Phật”, cũng không màng giàu sang, danh lợi. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi luôn nghĩ: Tôi sẽ phải trải qua một thử thách nào đó của tổ chức (lẽ tất nhiên thôi), vì tôi xa đất nước gần mười lăm năm, nếm trải bao thăng trầm và hiện vẫn còn mang quốc tịch nước ngoài, là nhà sư… Vậy mà, mọi diễn biến nhanh đến không ngờ. Mới hai ngày trước, tôi còn mặc áo cà sa; hôm sau, mặc bộ quần áo bà ba, cũng lội bùn, cũng ăn cơm với mắm sống như mọi người. Mười ngày sau tôi đã có trong tay một tiểu đội, làm giám thị trại giam rồi tiếp tục làm giám đốc Đề lao binh, Đại đội trưởng. Quê hương mở rộng vòng tay đón một đứa con lưu lạc trở về. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân đã kết chặt mọi người dân Việt Nam yêu nước thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để đánh thắng quân thù, đáp lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12- 1946 của Hồ Chủ Tịch. Chính điều này đã xóa mọi băn khoăn trong tôi. Và khi được giao nhiệm vụ, tôi dặn với lòng quyết tâm hoàn thành tốt để không phụ lòng tin của tổ chức, mà người đại diện giúp đỡ tôi lúc đó là anh Ung Văn khiêm.

Đề lao binh do tôi phụ trách có những đặc điểm mà nhiều anh em hiểu biết lúc đó cho rằng trên thế giới không có một trại gam nào giống như kiểu Đề lao binh này. Hai trung đội quân nhân và gần một trăm “phạm nhân” trông ai cũng như ai: người quần áo bà ba, người quân phục đen. Trại không có hàng rào, không có lính gác. Có một số súng trường chỉ khi nào tập quân sự mới dùng đến. Hàng ngày, mọi người đi làm ruộng, làm rẫy, bắt cá, trồng rau cải thiện đời sống. Tối đến cùng hò hát. Khi đi lao động, “can phạm” tự mình đi bộ hoặc đi xuồng đến một tổ lao động nào đó (cày cấy, đắp nền nhà, đào đìa giúp dân, đắp cản ngăn sông gây chướng ngại vật, không cho tàu giặc vào vùng giải phóng; đi lao động cải thiện bữa ăn…), khi nào Ban giám thị hỏi thì trình giấy tờ.Sở dĩ có chuyện tạm giam và gởi tại Đề lao binh lúc đó là do chánh quyền cách mạng còn rất non trẻ. Trình độ anh em cán bộ cấp lãnh đạo, chỉ huy lúc đó có người học vấn thấp, không có trình độ lý luận. Những thanh niên theo cách mạng lúc đó rất vô tư, nhiệt huyết và xốc nổi. Nhiều lúc anh em có thái độ dân chủ quá trớn, hay cãi lại cấp chỉ huy, có khi sẵn sàng cầm lệnh tới trại giam để chờ phân xử xem “chân lý thuộc về ai”. Từ đó có thông tư của cấp trên là: Cấp trên có quyền tạm giam cấp dưới ở mức độ nào đó. Trong một tuần thì tạm giam tại đơn vị; từ một tháng tới sáu tháng thì được phép gởi lại Đề lao binh; trên 6 tháng thì báo cáo Bộ tư lệnh, giao phòng Quân pháp xem xét trình Bộ tư lệnh để có thể đưa ra xét xử tại Tòa án binh. Tất cả “can phạm” kiểu này cần tạm giam để răn đe.Công việc của tôi ở Đề lao binh không yêu cầu tham gia xử lý những trường hợp tạm giam các “phạm nhân”, mà chỉ tập trung hướng dẫn anh em tham gia sản xuất, cải thiện đời sống. Khi anh em đau ốm, đích thân tôi chữa trị bằng các bài thuốc kinh nghiệm, nếu không đủ điều kiện, khả năng thì đưa anh em đi quân y viện…

Cuối năm 1947, tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là một ngày thiêng liêng, đáng nhớ nhất trong đời tôi. Lúc đó tôi đã bước vào tuổi 47, mà tôi lại thấy mình thật trẻ trung. Năm 1997, nhà văn Tường Hạnh đến thăm tôi, Hạnh nhỏ hơn tôi hơn chục tuổi, người đã thay mặt tổ chức viết bản lý lịch cho tôi năm 1953 khi tôi học lớp chỉnh huấn của Quân khu ở Đầm Dơi, Cà Mau, do các anh Nguyễn Kim Cương, Hà Huy Giáp, Dương Quốc Chính giảng; nên chúng tôi rất thương nhau”.

Thời gian ông Danh phụ trách quản lý trại giam của quân đội (Đề lao binh), ông xin phép tổ chức được liên lạc với gia đình. Ông gửi thư về thăm ba má và vợ con ông ở quê. Trong thư ông viết tỉ mỉ cho gia đình biết chuyện ông lưu lạc ở xứ ngoài hơn mười mấy năm, đến nay còn sống trở về nước tham gia kháng chiến. Nhưng có lẽ bức thư bị thất lạc nên ông cũng không biết rõ được tình hình hoàn cảnh của gia đình ông hiện nay ra sao. Bao nỗi băn khăn cứ dồn dập hiện ra trong đầu óc, làm ông thổn thức, nhớ thương… Những hình ảnh về gia đình, bà con, quê hương lại hiện ra trước mặt ông như cuộn phim quay ngược lại thời gian với bao điều kỷ niệm đậm đà, thân yêu.

Trong chương 8 của HK, có đoạn đã ghi:

Viết thư cho cha mẹ, lòng tôi bùi ngùi khôn tả. Tôi nghĩ, ngần ấy năm tôi xa quê, có biết bao biến cố, chiến tranh ly loạn, gia đình tôi ai còn, ai mất. Mẹ tôi đã mất hai người con là anh hai và em trai kế tôi, nay đến tôi đi biền biệt, chắc bà đau khổ lắm. Còn vợ tôi, không biết có còn chờ đợi tôi không, hay đã đi lấy chồng. Nếu cô ấy đi lấy chồng, tôi cũng không có lý do gì trách móc. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi ngần ấy năm, để vợ tôi một nách ba con thơ, chịu bao cay đắng, tôi có bù đắp bao nhiêu vẫn chưa đủ, vì cuộc sống tha hương nơi đất khách tôi cũng đã có vợ có con. Tôi lương tâm dày vò cắn rứt... Tôi chỉ viết thư cho ba má tôi, để khi gặp lại gia đình tôi kể ngọn ngành… 

“Tôi muốn nói rõ hơn điều này để không tủi vong hồn cả hai người phụ nữ nặng ân tình với tôi, đều là vợ của tôi, cùng sinh con cái cho tôi.Đoạn đầu tôi có nói về Lê Thị Ngân, người con gái cũng ở xứ Mốp Giăng - Mỹ Hiệp Sơn, do cha mẹ tôi cưới hỏi. Cô ấy sinh cho tôi ba người con, hai trai là Lưu Kiếm và Lưu Khỏe, một gái là Lưu Thị Hằng. Khi tôi trốn nhà ra đi, vợ tôi ở lại với cha mẹ tôi, làm dâu và nuôi ba đứa con còn nhỏ dại của tôi.

Trong thời gian tôi trốn ở Long Xuyên, Châu Đốc, có một gia đình chứa chấp tôi là gia đình ông Quảng Sào. Ông có người cháu ruột là Huỳnh Thị Tổng, góa chồng, có hai con trai nhỏ. Sợ tôi trốn mãi rồi sẽ bị bắt, ông Quãng Sào khuyên tôi ở lại ông sẽ bảo lãnh, giúp vốn cho làm ăn sinh sống, ông sẵn sàng gả đứa cháu gái của mình cho tôi. Gia đình này đã cưu mang tôi trong thời gian nguy khó. Lửa tình yêu đã bén trong tôi và Huỳnh Thị Tổng từ đây. Nhưng rồi tôi cũng phải ra đi nơi đất khách quê người. Để rồi đến ngày sum họp này, có hai người phụ nữ tôi cùng có trách nhiệm là vợ tôi ở quê và Huỳnh Thị Tổng.

Trong khi chưa liên lạc với cha mẹ và người vợ ở quê, thì Huỳnh Thị Tổng nghe tin tôi còn sống và đang ở chiến khu Đồng Tháp Mười, nên đã lặn lội từ Cao Lãnh vào thăm tôi. Tôi thật sự bất ngờ và cảm động. Cô ấy đã chờ đợi tôi hơn mười năm bằng một lời hẹn ước năm xưa. Còn tôi, tôi cứ nghĩ hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc hơn mười năm như vậy, có thể vợ tôi và cả cô ấy đều đã có chồng, có nơi nương tựa. Nay cô ấy đến tìm tôi trong hoàn cảnh gian khổ của cuộc sống kháng chiến nơi bưng biền, nhớ ơn nghĩa xưa…, tôi quyết định báo cáo với tổ chức đây là vợ của tôi. Huỳnh Thị Tổng chấp nhận cuộc sống kháng chiến, cùng ở lại với tôi trong trại Đề lao binh.

Hạnh phúc đã tuột khỏi tầm tay bao lần, giờ đây, như gương vỡ lại lành, tôi trân trọng hạnh phúc hiện tại. Song lòng tôi vẫn khôn nguôi nghĩ đến gia đình và người vợ cha mẹ cưới ở quê. Nàng cũng vì tôi vất vả nuôi ba đứa con. Nếu nàng đã có hạnh phúc, tôi đỡ băn khoăn, day dứt; nếu nàng vẫn còn sống như vậy chờ đợi tôi thì tôi là người có lỗi. Tôi cũng nghĩ đến Anna Mari và gia đình ông Ibrahim. Không phải vì tiếc nuối cuộc sống của “Vua Phật”, mà nghĩ một ngày cũng nghĩa vợ chồng, hơn nữa, ông Ibrahim là một ông chủ tốt của tôi khi tôi sa cơ lỡ vận và cũng là người cha vợ nhân hậu mà tôi rất quý trọng. Đạo lý làm người và những năm tháng đi tu Phật gian khổ trong rừng sâu đã giúp tôi có cuộc sống giản dị, hướng tới cái thiện, cái tâm của con người. Tôi tâm niệm hãy sống vì con người, điều gì có ích cho con người thì làm, đừng bao giờ hại ai dù là điều vô tình rất nhỏ. Từ khi trở lại cuộc đời thường, tôi không bao giờ từ nan chuyện giúp đỡ mọi người, huống chi những người thân thiết, gắn bó với cuộc đời mình, làm sao tôi có thể vô tâm cho được?

Tôi mang những điều này tâm sự với Huỳnh Thị Tổng, cô ấy hiểu ra và chia sẻ cùng tôi chứ không ghen tức, ích kỷ. Tôi càng quý tấm lòng nhân hậu của cô. Cuối năm 1948, con gái đầu lòng của tôi và Tổng ra đời tại trại Đề lao binh Khu 8, Đồng Tháp Mười. Cô ấy giao cho tôi quyền đặt tên con. Tôi đếm các con chung, riêng của tôi và Tổng từ trên xuống và đặt đứa con này là Lưu Thị Bảy”….
“Năm 1950, vợ tôi - Huỳnh Thị Tổng- sinh thêm một đứa con gái, cháu được đặt tên Lưu Thị Nga…. Năm 1953, vợ tôi vào quân y sinh đứa con trai út...”

Anh chị em trong cơ quan đến chúc mừng cháu trai tròn tháng. Ông Danh lấy hai viên ngọc quý giá do thầy trụ trì chùa Tây Phương kỷ niệm đem trao tặng cho vợ. Hai viên ngọc này rất đặc biệt: một viên biết uống sữa mẹ (tức khi bỏ viên ngọc đó vào chén có sữa mẹ thì sau một đêm nó hút hết); còn viên ngọc kia thì biết bò (đặt viên ngọc ấy tại một chỗ trong cái khay. Sau một đêm nó sẽ lăn sang một chỗ khác). Thực ra chuyện này cũng có thể giải thích được bằng khoa học chứ không phải thần thánh gì cả.

Khi trại Đề lao binh được lệnh giải thể, Bộ tư lệnh cho phép, anh em nào muốn trở về đơn vị cũ thì Phòng Tham mưu có trách nhiệm ký giấy cho anh em về. Ai muốn đi đơn vị khác cũng được giải quyết theo nguyện vọng. Ai không muốn đi đâu thì ở lại Đề lao binh để chuyển sang một đơn vị làm kinh tế cho Quân khu. Ông Danh được giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị kinh tế này. Hầu hết anh em đều muốn ở lại. Một phần vì tình cảm gắn bó giữa người quản lý trại và anh em, một phần vì những năm tháng ở Đề lao binh anh em quen lao động và lao động rất giỏi. Lúc ấy có phong trào “Thực túc binh cường” - tăng gia sản xuất, nuôi quân đánh giặc, cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Vào giữa năm 1953, ông Danh đã tìm cách liên lạc được với gia đình. Ông rất mừng và xúc động khi biết rõ về hoàn cảnh của cha mẹ và vợ con ông.

 Phần cuối chương 8 của HK, có đoạn đã ghi:

“Giữa năm 1953, sau khi dự lớp Chỉnh huấn ở Cà Mau xong, tôi trở về đơn vị, tiếp tục phụ trách đơn vị kinh tế như trước. Tôi đã liên lạc được với gia đình ở Mỹ Hiệp Sơn. Lúc này cha mẹ tôi đã qua đời. Tôi ngậm ngùi vì không được nhìn thấy cha mẹ lần cuối. Mấy người em gái tôi kể lại toàn bộ chuyện gia đình từ khi tôi trốn đi. Gia đình tôi chạy loạn gần như phá sản hết. Người vợ trước của tôi và các con đang giữ phần đất cha mẹ tôi để lại.Tội nghiệp vợ trước của tôi, thật ra, bà ấy đã hay tin tôi còn sống đi theo kháng chiến và đã có vợ con nên không đi tìm tôi. Suốt thời gian tôi xa quê, kinh tế gia đình khánh kiệt, vợ tôi đã phải bươn chải nuôi cha mẹ già và các con. Những năm yên giặc, vợ và các con tôi ở lại giữ phần đất hương hỏa này. Các em tôi hay tin tôi có vợ, thúc giục vợ tôi đi tìm tôi hỏi cho ra lẽ, nhưng bản tính dịu dàng, vợ tôi chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về mình, bà ấy không tìm tôi để tôi khỏi phải khó xử. Còn tôi, trong thâm tâm và tình cảm mình, Lê Thị Ngân vẫn là người vợ đầu tiên do cha mẹ cưới, là người vợ tôi rất quý trọng”.
Nhân dân cả nước nô nức mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ (20.7.1954). Đất nước ta chia thành hai miền Nam -Bắc lấy sông Hiền Lương làm ranh giới. Lúc bấy giờ đơn vị Hoạt động kinh tế của ông Danh được lệnh của Bộ tư lệnh giải thể. Tất cả tập trung học tập các Nghị quyết của Đảng về tình hình và nhiệm vụ mới. Sau đó chuẩn bị mọi tiến trình để đi tập kết. Số anh được phân công đi tập kết hay được phân công ở lại miền Nam, đều cần một ít tiền chi tiêu.Vì vậy, tất cả được chia đều ra, anh em vui vẻ nhận phần mình. Vì đó là công sức lao động của chính họ. Bấy giờ, đơn vị nào cũng giải quyết như vậy.

Lúc ấy, sôi nổi và thời sự nhất vẫn là chuyện "đi cũng vinh quang, ở lại cũng vinh quang". Người đi tập kết có trách nhiệm xây dựng lực lượng, học tập để phục vụ cho miền Nam sau này. Người ở lại có trách nhiệm đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ giữ vững hòa bình, thực hiện tổng tuyển cử, xây dựng cơ sở, để sau hai năm người đi và người ở sẽ sum họp, cùng nhau xây dựng đất nước. Người ra đi thì náo nức được học tập, được gặp Bác Hồ, được thưa với Bác chuyện chiến đấu ở miền Nam. Người ở lại, luôn tự dặn với lòng mình luôn kiên cường đấu tranh, thủy chung, son sắt với người ra đi. Chuyện cứ râm ran tưởng chừng như không dứt ra được. Nhiều câu chuyện thật xúc động: Mẹ chuẩn bị tiễn con đi, vợ chuẩn bị tiễn chồng, cha chuẩn bị tiễn con… Ông Lưu Công Danh cũng  được may mắn gặp được những người vợ con của mình để chia tay lên đường đi tập kết.

Ở phần đầu chương 9 của HK, có đoạn đã ghi:

“Tôi còn nhớ, một anh đi tập kết cùng chuyến, quê ở Bến Tre, kể lại câu chuyện người vợ tiễn chồng đi tập kết gói theo nắm đất. Sau này câu chuyện cảm động ấy được đưa vào thơ ca, như chuyện bà má Năm Căn, mũi Cà Mau gởi ra Hà Nội cây vú sữa tặng Bác Hồ. Bài thơ "Gói đất miền Nam" bầu bạn với tôi nhớ mãi suốt những năm sống trên miền Bắc yêu thương:

 
Đưa anh tập kết lên đường,
Gói theo nắm đất tình thương gởi cùng.
Đất này lấy ở bờ sông,
Nơi em chiến đấu gài chông giữ làng.
Đất này là đất vinh quang,
Đánh lui tám trận Tây càn bủa vây.
Bạn bè ngã xuống nằm đây,
Hy sinh. Vĩnh biệt. Đất này phủ lên.
Làng ta như đất vững bền,
Anh đi ruộng lúa bờ kênh nhắn lời.
Dù cho núi đổi sông dời,
Đất này là đất của người Việt Nam.
Trao anh nắm đất anh cầm,
Bữa nay, mười bốn mai rằm, đã xa.
Em thề với đất làng ta,
Anh đi em quyết ở nhà đấu tranh.

 
Theo qui định chung lúc bấy giờ, cán bộ cấp đại đội đi tập kết được mang theo vợ con. Nhưng lúc ấy vợ tôi mới sinh con chưa tròn một tuổi, hai đứa lớn, một sáu tuổi, một bốn tuổi, nên tôi bàn để vợ tôi ở lại, tôi động viên bà ấy chỉ hai năm xa cách, rồi nước nhà thống nhất, gia đình sum họp. Vợ tôi an tâm ở lại. Tôi về quê Mỹ Lâm viếng mộ ông bà, cha mẹ tôi. Thăm mẹ con Lê Thị Ngân. Rất mừng là ba đứa con vợ trước tôi đã khôn lớn. Vẫn đức tính đảm đang, dịu dàng, chịu đựng hy sinh. Vợ tôi đã nuôi dạy các con tôi ý thức sống cần cù, lao động tốt. Phần đất cha tôi khai phá, nay vợ và các con tôi canh tác mỗi năm đều rất trúng. Do đó, đời sống của vợ và các con tôi khá ổn định. Tôi an tâm ra đi, càng thấy thương và khâm phục người phụ nữ tôi luôn nặng nợ ân tình.

Trở về khu tập kết ở Chắc Băng, một điều bất ngờ và thật cảm động đến với tôi. Đó là người vợ Ấn Độ, Anna Mari từ Campuchia đến thăm tôi. Bà ấy cho biết nhờ quân tình nguyện Việt Nam, Chính phủ kháng chiến Campuchia mà bà được qua vùng giải phóng Long Xuyên, Châu Đốc để xuống Chắc Băng thăm tôi. Lúc đó, mẹ con Huỳnh Thị Tổng cũng đang có mặt để chờ tiễn tôi đi. Hai người phụ nữ một là nông dân chân quê của Việt Nam, một là nhà quí tộc Ấn Độ đều gắn bó với cuộc đời tôi, cùng có mặt trong những ngày lịch sử này. Điều đó đã không làm tôi khó xử, vì cách cư xử của họ rất đẹp.

Anna Mari không thể ở lại đây lâu với tôi, nên tôi và bà ấy đã sống một đêm nghĩa tình. Tôi đã giải thích choMari hiểu vì sao tôi bỏ cuộc sống tu Phật để đi theo kháng chiến.Mari không hề trách tôi vì đã bỏ mẹ con bà gần mười năm trời, mà trái lại, người phụ nữ có học thức này còn khuyến khích tinh thần yêu nước của tôi. Giải thích vì sao bà không trách tôi đã ra đi không một lời từ biệt, Ana Mari nói đi theo Phật, pháp tăng là hướng tới chân tâm, thánh thiện của con người, giác ngộ đi theo cách mạng cũng hướng tới những điều ấy, mà còn có ý thức lớn hơn là giải phóng đất nước và dân tộc.Mari đã chịu ảnh hưởng gia đình của nhà chính khách Nê-ru (dượng rể của vợ tôi). Ông Nê-ru cũng đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ giành độc lập cho Ấn Độ. Những ý nghĩ tiến bộ và lời nói của Anna Mari làm tôi thấy bà gần gũi hơn không chỉ là tình vợ chồng, mà còn có cả tình đồng chí trong sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc.
Trong bữa cơm chia tay "đại gia đình" (tôi và hai bà vợ) tôi làm phiên dịch tiếng Việt và tiếng Ấn Độ cho hai người nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng có những tiếng cười rất vui. Hôm sau,Mari trở ra Rạch Giá, xe hơi của người nhà đón tại Tân Hiệp, để trở lại Phnôm-Pênh. Tôi nhờ Mari chuyển lời hỏi thăm sức khỏe, xin lỗi và cảm ơn của tôi đến cha mẹ vợ ở Phnôm-Pênh”.

Mọi sự dàn xếp cho người ở lại, người ra đi tập kết đã kết thúc. Ông Danh và đồng đội đi vào chuyến cuối năm 1954 trên chiếc tàu Kilinski của Ba Lan. Vào đầu năm 1955, tàu này cập bến Sầm Sơn. Các đơn vị tập kết lên tập trung ở Thanh Hóa để học tập tình hình nhiệm vụ mới. Sau đó, các anh em miền Nam gom lại lập những xí nghiệp thủ công nghiệp và về Khu 4 thành lập các nông trường. Ông Danh về công tác tại nông trường cà phê Thanh Hóa. Hồi đó các đơn vị quân đội miền Nam tập kết giải ngũ chuyển ngành đóng ở địa bàn Thanh Hóa thuộc quyền quản lý của Sư đoàn 330 của miền Đông Nam bộ, do ông Đồng Văn Cống làm Tư lệnh. Ông Cống về thăm nông trường và biết được ông Danh là đã từng đi tu đắc dạo ở Ấn Độ, nay trở về tham gia kháng chiến cứu quốc. Ông Cống báo cáo tình hình hoàn cảnh của ông Danh về Tổng cục chính trị. Sau đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho người về nông trường cà-phê tại Thanh Hóa đón ông Danh ra Hà Nội. Điều đó làm ông Danh vừa mừng lại vừa lo. Ông mừng vì nghĩ rằng cấp trên sẽ ưu đãi cho đi học thêm nghiệp vụ; lo là vì không biết tuổi tác và trình độ bản thân có học được hay không? Còn lo nhiều thứ lắm....

Trong chương 9 của HK có đoạn đã ghi:

“ Nhưng tại sao tôi lại được gọi về Hà Nội đột ngột, hay là khiMari về Phnôm-Pênh nói với cha vợ tôi, tôi đi tập kết, cha vợ tôi lại nhờ sứ quán Ấn Độ can thiệp để được gặp tôi, như ông từng làm trước đó, lúc tôi ở Anh quốc?

Tôi đang suy nghĩ mông lung, thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi tôi về nguồn gốc gia nhập quân đội. Vị tướng trẻ tuổi và tài năng này có giọng nói trầm ấm và có cái nhìn cương nghị nhưng trìu mến, đã tạo cho tôi cảm giác đầy tin cậy khi trò chuyện. Tôi đã kể lại tường tận việc đi tu phật của tôi trên đất nước Ấn Độ và chuyện riêng tư của tôi. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi tôi:

- Anh có muốn trở lại Ấn Độ không? Ấn Độ ngày nay đã giành được độc lập, không còn dưới thời nô lệ như xưa nữa. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng cho tôi biết về tình cảm của Bác Hồ chúng ta và thủ tướng Ấn Độ Nê-ru, tình đoàn kết giữa nhân dân hai đất nước. Tôi trả lời:

- Tôi vì hoàn cảnh mà phải xa đất nước, rồi đi tu Phật cũng do bế tắc về phương hướng cuộc đời mà đi. Tôi là người Việt Nam. Giờ đây tôi đang ở đất nước mình. Tôi muốn được làm việc gì cho ích nước lợi dân. Điều này trong kinh Phật cũng có dạy. Tôi cởi áo cà sa để khoác áo kháng chiến. Tôi đã thề dưới cờ Đảng một lòng tận trung với nước, với lý tưởng Đảng. Tôi trở về Ấn Độ để làm gì?
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhìn tôi trìu mến, niềm xúc động ánh lên trong tia nhìn ấy. Suy nghĩ một lát, đại tướng hỏi tôi:

- Anh có muốn đi học không?

Tôi mừng quá. Tất nhiên là tôi muốn và rất muốn nữa là đằng khác. Tôi trả lời ngay là muốn. Tôi chưa từng được học qua một trường lớp nào đàng hoàng. Từ nhỏ sống lênh đênh trên sông nước, học lóm bạn bè, học thực tế từ công việc là nhiều, đi tu phật thì học kinh kệ. Tôi tự biết mình trình độ còn thấp kém. Muốn phục vụ tốt cho cách mạng, cho đất nước, phải học tập.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghe vậy rất vui. Theo cách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghĩ thì cấp bậc đại úy như tôi lúc đó, trong quân đội đang còn hiếm. Cấp này phải bố trí chức vụ lãnh đạo Trung đoàn, ít nhất cũng là Tiểu đoàn trưởng.Thỏa thuận việc đi học trước tiên như thế.

Chẳng bao lâu, tôi được cấp hộ chiếu để đi tu nghiệp ở Liên-Xô, tại Học viện quân sự và chính trị của quân đội Xô-viết. Được đi học tập trên đất nước của cách mạng Tháng Mười vĩ đại và đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, là niềm khát khao và vinh dự lớn đối với tôi. Tôi đã có may mắn này, thì phải ra sức học tập để phục vụ tốt hơn cho đất nước.

Nhưng việc học tập của tôi không suôn sẻ. Gần một năm trời ở Học viện hầu như tôi không tiếp thu được những bài học liên quan đến lý luận, khoa học quân sự, cái cơ bản để người lính chiến đấu thắng lợi ở chiến trường. Đại sứ quán ta ở Liên-xô được nhà trường thông báo tình hình học tập của tôi. Lúc ấy đại sứ tại Liên-xô là anh Nguyễn Văn Kỉnh. Anh tìm hiểu việc học của tôi rồi hết sức động viên tôi. Lúc ấy, chiến dịch "Tố cộng" và "Diệt cộng" của Mỹ-Diệm, máy chém được lê đi khắp miền Nam. Các anh băn khoăn không biết có phải vì nghe tin đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam đang bị giặc đàn áp khốc liệt và đang quật khởi vùng lên, tôi có thể vì thế mà nóng lòng, không an tâm học tập. Anh Nguyễn Văn Kỉnh động viên và giải thích: Học cũng là một nhiệm vụ, học để sau này về chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lời anh nói thấm vào gan ruột tôi. Nhưng thêm một học kỳ nữa, tất cả là ba học kỳ, trong các buổi thi, tôi chưa bao giờ bắn được một viên đạn thật trúng vào mục tiêu; thi lại lần thứ hai cũng như thế. Tôi đã học thuộc và chuẩn bị trước giáo trình, nhưng cũng không trình bày được một trận đánh nào có sẵn trong giáo trình, kể cả thế trận trình bày trước sa bàn. Nghĩa là mọi thứ có liên quan đến trận mạc, đánh chác, đều trôi tuột trong đầu tôi. Tôi đã thật lòng báo cáo với lãnh đạo là: Tôi đau đớn vì ở quê nhà kẻ thù sát hại đồng chí, đồng bào ta. Tôi đã nghe vụ thảm sát chợ Được, Vĩnh Trinh, vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi, tôi đã quyết tâm học tập, để tham gia chiến đấu, trả thù cho quê hương, đồng bào, đồng chí, chứ không phải tôi học thiếu tập trung.

Cuối cùng, tôi được quyết định về nước, để chuyển hướng đào tạo khác. Mấy anh em quen thân gặp tôi băn khoăn chuyện này, sợ tôi sẽ bị kỷ luật, mất Đảng. Nhưng tổ chức đã không hành xử với tôi như vậy. Tôi luôn áy náy vì mình không hoàn thành nhiệm vụ. Tâm sự của tôi được anh em có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên”.

Sau khi ông Danh sang học tại Học viện Quân sự Liên Xô không đạt kết quả, ông đã trở về nước với tâm trạng lo buồn. Nhưng cấp trên đã thông cảm cho hoàn cảnh của ông nên Ban tổ chức đã chuyển cho ông bổ sung công tác tại Hội Phật giáo Việt Nam. Ông được đưa đến tạm trú tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Lúc bấy giờ ông trình bày với cấp trên rằng ông không muốn đi tu một lần nữa. Sau đó người ta đưa ra một danh sách các chức trách công tác để ông chọn. Thế là ông nhận một chức vụ phù hợp với trình độ quản lý của ông. Đó là làm chủ nhiệm hợp tác xã đóng xe ba gác vận chuyện vật liệu tại bãi Phúc Xá bên bờ sông Hồng, Hà Nội. Hợp tác xã này có nhiều anh chị em miền Nam, miền Bắc. Họ sống với nhau như anh em trong một gia đình, rất đoàn kết quý mến nhau. Hồi đó, biết ông Danh có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh bằng thuốc Nam nên Ban chủ nhiệm tạo điều kiện cho ông có thời gian tìm kiếm các vị thuốc Nam để chữa trị bệnh cho đồng bào, cán bộ. Thời gian đầu chỉ chữa bệnh cho một số người, nhưng rồi về sau càng đông người đến chỗ làm việc và chỗ ở của ông Danh tại Phúc Xá để xin thuốc và chữa bệnh. Ông Danh khám bệnh, chữa bệnh, cho thuốc đều không lấy tiền. Ông chỉ là từ thiện giúp dân chữa các bệnh thường gặp như cảm mạo, thương hàn, gãy chân, tay, đau khớp, đau gan... Sau một thời gian làm nghề tay trái chữa bệnh bằng thuốc Nam đã có uy tín lan truyên khắp nơi. Dân chúng kéo nhau đến xin chữa trị rất đông. Bấy giờ Bộ Y tế cử người đến kiểm tra và về sau có biện pháp giải quyết thích hợp tạo điều kiện cho ông Danh sang công tác ở Ban nghiên cứu Đông y, Bộ Y tế. Điều đó rất hợp với sở trường của ông nên ông Danh đã phát huy được khả năng, sở trường của mình để làm thuốc cứu người bị bệnh có hiệu quả.

Trong chương 9 của HK, có đoạn đã ghi:

“Bộ Y tế đã cử người đến kiểm tra, họ thấy tôi không có giấy phép hành nghề; các món thuốc chỉ là các loại lá cây khô, dồn vào mấy cái bị lớn nhỏ đủ cỡ. Có ý kiến cho rằng tôi là lang băm bịp người. Đến khi tìm hiểu cặn kẽ, họ biết tôi làm việc tại hợp tác xã xe ba gác, tôi trị bệnh hết cho rất nhiều người và không lấy tiền, họ mới báo cáo cụ thể cho Bộ trưởng Bộ Y tế, lúc đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Bộ trưởng giao trách nhiệm cho Vụ dược chính và Ban đông y tới làm việc với tôi. Các cán bộ chuyên môn này làm việc cẩn trọng. Họ lấy toàn bộ các loại lá cây tôi dùng chữa bệnh, kêu tôi dịch ra tiếng Việt, thì tôi không biết tên, chỉ nhớ theo trí nhớ của mình khi trị bệnh trong rừng, biết đó là cây có vị thuốc tên Ấn Độ còn tên Việt là gì thì tôi không biết.

Tôi nghĩ việc chữa bệnh của tôi bằng lá cây chắc chấm dứt từ vụ kiểm tra này, nhưng không phải vậy. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã chỉ thị cho Vụ dược chính cử một cán bộ chuyên môn theo tôi lên rừng, chụp hình các loại thuốc tôi đã hái, dịch tên Ấn Độ qua tên Việt Nam, vào sổ thành một danh mục cẩn thận và qui trình tôi sử dụng nó như thế nào vào việc chữa trị các loại bệnh. Tôi thật mừng. Vì công việc chữa bệnh cứu người bằng cây lá không tốn kém tiền bạc của tôi đã được cơ quan chuyên môn (Bộ Y tế) chấp nhận và quan tâm, giúp đỡ. Từ đây, "việc giúp cho đời" của tôi không có gì trở ngại nữa. Hay tin này, anh chị em đồng hương miền Nam khuyến khích tôi lắm. Nhiều người bệnh được tôi chữa khỏi, đã tích cực tìm cây thuốc giúp tôi. Bạn bè đi công tác ở vùng cao cũng nhờ dân địa phương tìm giúp, kho thuốc của tôi vì thế mà nhiều và phong phú thêm.

Năm 1962, tôi bước vào tuổi sáu mươi hai, tôi không làm chủ nhiệm hợp tác xã xe ba gác nữa, tôi được chuyển qua cơ quan nghiên cứu đông y của Ban đông y, Bộ Y tế. Nói là nghiên cứu thì phải có các bài viết đúc kết kinh nghiệm thực tiễn về chữa trị bệnh bằng phương pháp đông y có hiệu quả và còn hạn chế như thế nào hoặc có công trình nghiên cứu về các loại cây thuốc nam v.v… nhưng tôi vốn không phải là người viết lách giỏi ở lĩnh vực này, nên công việc chủ yếu của tôi là chữa bệnh bằng kinh nghiệm thực tế. Tình hình thuốc Tây còn kham hiếm, hơn nữa đất nước vẫn còn nghèo, một nửa đang chiến tranh, cần sự chi viện, hỗ trợ của hậu phương miền Bắc, nên miền Bắc phải thắt lưng buộc bụng vì miền Nam. Vì vậy, chữa bệnh bằng cây thuốc nam có hiệu quả, là đã tiết kiệm được một phần ngân sách cho Nhà nước. Tôi thấy công việc mình làm có ý nghĩa như vậy, nên rất vui vẻ, không nhận thù lao, không nhận bất cứ đồng bạc nào của bệnh nhân. Bệnh nhân thì nhiều, không sao nhớ hết, nhưng có những trường hợp cảm động, khiến tôi nhớ mãi”....

“Tôi nói với anh em và cả các con nuôi của tôi:

- Làm gì giúp ích cho con người thì cứ làm. Đừng đòi hỏi hay mong chờ người ta báo đáp, đừng lợi dụng nghề nghịệp mà bóc lột bệnh nhân là không có đạo đức.Từ mấy ca bệnh hiểm nghèo này được tôi chữa khỏi, có người kêu tôi kể cho họ nghe để họ viết bài, gởi báo y học thế giới lãnh nhuận bút xài, tôi cũng nói lại lời đã nói với các cháu tôi. Sau đó một linh mục đến gặp tôi, nhờ tôi chữa bệnh cho một cha xứ ở khu 4 (Thanh Hóa) bị bệnh tràng nhạc (nổi hạch độc quanh cổ), đây là một dạng ung thư. Tôi đã trị khỏi. Vị cha xứ này nói:

- Nếu ông cần mua một căn nhà ở Hà Nội, tôi mua ngay để đền ơn ông. Tôi nói với ông ấy: "Tôi ở nhà Nhà nước và Nhà nước phát lương cho tôi. Tôi biết trị bệnh là trị cho dân, trách nhiệm của tôi".

Vị linh mục này biết tôi từng đi tu phật, nên sau khi cảm ơn và chia tay tôi, ông đã nói: "Các bậc chân tu thánh thiện của Phật giáo hay Thiên Chúa giáo đều muốn làm cho đẹp đời, đẹp đạo, đều vì con người và cứu người". Tôi không giải thích gì, nhưng cảm thấy mừng vì trong nhận thức, người ta không còn phân biệt giữa hệ tu này, tu khác, mà đã nhận ra chân tu là hướng cái tâm về chân, thiện, mỹ”.

Đến năm 1964, ông Danh nghỉ hưu và chuyển về ở Nghĩa Đô, Hà Nội. Thời đoạn này, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc nước ta. Nhà ông Danh là điểm hẹn của nhiều cán bộ miền Nam tập kết chuẩn bị đi về Nam hoạt động. Họ gặp nhau chuyện trò vui vẻ và hát hò, đọc thơ, nghe đài về tin tức diễn biến thời thế ở miền Nam và thế giới... rồi cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn diễn ra hàng ngày trên quê hương đất nước. Thời gian nghỉ hưu ông Danh có nhiều bệnh nhân tìm đến chữa trị và nhều bệnh nhân đã khỏi bệnh, họ rất sung sướng tạ ơn ông. Ông cảm thấy vui với nghề lương y của mình đã làm được nhiều điều tốt cho nhân dân, cho cán bộ an lành.

       Ở phần cuối chương 9 HK của ông đã ghi:

“Thấy bệnh nhân hết bệnh vui, tôi cũng vui lây. Vào thời điểm này, thuốc đã hết và nhiều vị thiếu, vì bệnh nhân đến chỗ tôi ngày càng đông. Hay tin này, nhiều anh em đi công tác các tỉnh vùng núi, trung du, trong đó có những bệnh nhân tôi điều trị khỏi, đã xung phong đi tìm thuốc giúp tôi, để tôi có thời gian trị bệnh. Có người gùi đến cả bao. Thấy vậy, tôi đòi trả tiền công, họ kêu lên:

- Trời ơi! Ông bỏ công trị bệnh cho mọi người, không lấy của ai một xu, chúng tôi giúp ông tìm thuốc mới đúng đạo lý con người chớ!

Nhờ có nguồn thuốc mới này, tôi trị được cho vài chục bệnh nhân nữa, trong đó có một ca khi gặp tôi đã trăn trối:

- Anh Ba ơi! Chắc em không trở về miền Nam được rồi! Hai đứa con em còn ở lại miền Bắc, có gì anh thay mặt em, dạy bảo các cháu! Đứa nào có vợ, anh làm chủ hôn…

Nghe anh ta nói vậy, tôi đến xoa lên cái bụng đang sưng to như cái trống chầu của anh và đùa:

- Sao, có thai tháng thứ mấy, tôi đỡ đẻ cho. Nói vậy chớ bệnh của anh tôi cho uống 150 thang thuốc, 149 thang cũng không khỏi.

Hai người con trai anh này vừa tốt nghiệp trường sĩ quan ra. Thấy ba mình bệnh, mặt hai cậu buồn rũ. Tôi an ủi:

- Hai cháu cứ về đơn vị làm việc. Để ba cháu lại bác nấu cho đủ 150 thang thuốc để ba cháu uống xong là vượt Trường Sơn về Nam cùng bác.

Người bệnh đặc biệt này của tôi hiện còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng kêu các con chở về Rạch Giá thăm tôi. Lần gần nhất, cách đây cũng bảy năm rồi.Lần chữa bệnh này được xem là lần cuối cũng trên đất Bắc, thật đặc biệt và xúc động. Hôm ấy khoảng giữa tháng Chạp năm 1974, có một đoàn sĩ quan cao cấp trong Quân đội đến nhà tôi, trong đó có một số anh em đồng hương miền Nam. Thấy tôi đang nấu thuốc cho bệnh nhân, anh em chào tôi và nói:

- Miền Nam thắng lớn như chẻ tre. Anh truyền nghề cho một số anh chị em ở tại miền Bắc, còn anh thì chuẩn bị về miền Nam, ngày giải phóng miền Nam gần lắm rồi!

Trong nhà tôi có treo một bản đồ Việt Nam. Hàng ngày, tôi theo dõi trên đài, giải phóng tới đâu, tôi lấy bút chì đỏ tô màu đến đó. Người con nuôi của tôi là kiến trúc sư, mỗi lần về thăm tôi, đều mang sách báo viết về miền Nam cho tôi đọc. Tôi thích tập thơ Nước non ngàn dặm của anh Tố Hữu. Tôi đọc hoài đến thuộc làu. Nghe anh em nói vậy, tôi liền đọc mấy câu thơ Tố Hữu nói đúng tâm trạng mình:

 
Nửa đời tóc ngả màu sương
Nhớ quê anh lại tìm đường thăm quê
Đường về như tỉnh như mê
Đường ra phía trước đường về tuổi xanh
Đã đi muôn dặm xa gần
Nay về Nam cũng bước chân bồi hồi
Sông Bến Hải bên bồi bên lở
Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương…

 
Anh em đồng thanh đọc với tôi. Mấy anh em quê miền Nam rơm rớm nước mắt. Vì là bí mật quân sự, hơn nữa tôi biết anh em đang chuẩn bị đi chiến trường nên tôi không hỏi bất cứ tên ai trong đoàn, tôi nói với tất cả:

- Tôi biết anh em mình đã được kiểm tra sức khỏe đặc biệt trước khi đi đánh một trận cuối cùng giành thằng lợi quyết định. Bây giờ anh em nào cần tôi giúp gì, khó khăn như thế nào tôi cũng sẽ làm được.

Một anh cho biết có chứng mất ngủ cả chục năm nay; anh khác bị viêm đầu thống, anh thì bao tử, anh thì đại tràng, anh khác tiểu gắt, bệnh thận… Tất cả đều đã được chữa trị ở nước ngoài. Nhìn những gương mặt gọi là bệnh nhân mà tươi rói ấy, tôi biết các anh đang nóng lòng về miền Nam để "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" để Bắc Nam sum họp như mong ước của Bác Hồ xóa nỗi đau đất nước bị chia cắt 20 năm.

 
Bệnh viện Y học cổ truyền. Ảnh minh họa

Lần chữa bệnh ấy, anh em chia tay nhau. Sau này, tất cả anh em có liên hệ lại và cho tôi biết, bệnh của họ đã khỏi ngay sau lần trị đó nên tất cả đều phấn khởi và mong gặp tôi tại thành phố mang tên Bác.Đúng như lời hẹn ước trong lần chữa bệnh cho anh em đi chiến đấu ở miền Nam, ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước toàn thắng. Tôi vẫn là người không có tài sản, chỉ có tấm lòng đi theo Đảng và một nghề làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người nên một tháng sau ngày giải phóng, tôi một thân một mình, nhảy xe theo bạn bè về Nam.

Hai mươi năm trên đất Bắc, hậu phương lớn nuôi tôi và những đứa con miền Nam, bằng những hạt gạo ân tình còn sẻ nửa cho miền Nam chiến đấu. Vì miền Nam lớp lớp thanh niên miền Bắc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Nôn nao nỗi nhớ quê nhà hai mươi năm xa cách, nhưng xa nơi gắn bó hai mươi năm, lòng lại bồi hồi, thật khó tả. Người ta nói "đất hóa tâm hồn" đúng là vậy!”

Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, ông Lưu Công Danh về lại quê nhà sinh sống và tiếp tục làm thầy thuốc Đông y chữa trị cho đồng bào và cán bộ với tinh thần làm phúc cứu dân mà không màng tiền bạc, trả ơn….

Sau đó, ông đề nghị với Tỉnh Kiên Giang và Ty Y tế cho lập Phòng trị bệnh thuốc nam trực thuộc Ty Y tế, góp phần thành lập Bệnh viện Y học Dân tộc của tỉnh. Bệnh viện Y học Dân tộc hoạt động được có uy tin và ông Danh cũng đã đóng góp nhiều kinh nghiệm chữa bệnh của mình cho Bệnh viện này. Vì tuổi cao, sức kiệt, ông không còn ở lại được lâu với trần thế nữa.

Vào lúc19 giờ ngày 31-5-2003, Lưu Công Danh đã từ trần, thọ 103 tuổi. Ông Lưu Công Danh đã để lại niềm thương tiếc vô cùng lớn lao đối với tất cả mọi người.

 
NHT
Phước Vĩnh, Huế, tháng 3 năm 2013
__________________________
Ghi chú: Tài liệu tham khảo:
 -Sách Hồi ký “Phật sống” Lưu Công Danh.(Nhà văn Triệu Xuân Diên. NXB Văn học, 2003. Tái bản, 2005).
-Ký sự “Phật thánh” Lưu Công Danh đi kháng chiến (Nhà văn Phạm Tường Hạnh- Báo Nhân dân, XB. Năm 1997).

Theo NGUYỄN HỒNG TRÂN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)