Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 14/6/2013
E-mail     Bản in

LINH VẬT ĐẠI THỤ CÙNG THỜI VỚI THÁI ÚY LƯU KHÁNH ĐÀM
Dã hương là cây thuộc dòng long não, hoa nhỏ màu vàng nhạt, nở vào cuối mùa xuân. Các bộ phận của thân cây có chứa tinh dầu thơm, gỗ đốt thơm như hương trầm. Đặc biệt rễ cây có chứa chất Safrol – thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.
 

Đó là cây Dã Hương ngự trên một khu đất rộng, đứng vươn mình sau ngôi đình Viễn Sơn, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Với dáng đứng bề thế cành lá xum xuê xanh tốt, cây Dã Hương như một biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên, sự truờng tồn vĩnh cửu thách thức với thời gian, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân địa phương. Hiện nay, đại thụ Dã Hương có thân rất to, 11 người dang tay mới ôm mới hết (chỗ to nhất 12,5m chỗ nhỏ nhất 8,3m), cao là 36m, lớp vỏ cây dày trung bình 15cm; Tán cây che phủ trên 2 sào đất; trên thân cây hiện vẫn còn những cành khô tồn tại 60-70 năm nay và có nhiều loài thực vật sống cộng sinh, ký sinh như lan, tầm gửi, cây dây leo cùng nhiều loài chim quý…

Cây Dã Hương có tên khoa học là Cinnamomum Camphora L. Nees. et Eberm., thuộc chi Cinamomum, họ Lauraceae (Long não); còn có một số tên khác là Long não, Chương não, Triều não, Não tử, Mạy khảo khuông (Tày), Cà chăng điẳng (Dao), Camphor tree (Anh), laurier à camphre (Pháp).

Cây có hoa nhỏ màu vàng nhạt, nở vào cuối mùa xuân. Tất cả các bộ phận của cây có chứa tinh dầu thơm, gỗ đốt thơm như hương trầm. Đặc biệt rễ cây có chứa chất Safrol, thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến dược phẩm, mỹ phẩm và trong công tác nghiên cứu khoa học.

 

Các buổi chiều nắng khô nhiều người, nhất là người già và trẻ em hay ngồi dưới gốc cây để thưởng thức không khí thơm mát thoảng thoảng của cây. Người dân Tiên Lục cho rằng, nhờ có cây dã hương mà họ tránh được nhiều bệnh tật, luôn có sức khoẻ tốt, đoàn kết và thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Nhân dân thường kính cẩn gọi cây Dã Hương là “Cụ”.

Ngay từ thời Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) cây Dã hương Tiên Lục đã xuất hiện như một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ. Trong một lần đi vi hành đến xã Tiên Lục thấy một cây rất to, tán rộng phủ cả một góc trời có hương thơm rất nhẹ nhàng dễ chịu, nhà Vua không khỏi ngỡ ngàng bèn sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương”.
 
Đình Viễn Sơn trong cụm di tích Tiên Lục (đứng trước cây Dã Hương)

Năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đa dạng sinh học đã nghiên cứu khoa học về cây Dã Hương, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đánh giá cây Dã Hương ở xã Tiên Lục, tỉnh Bắc Giang tồn tại khoảng trên 1.000 năm; trên thế giới chỉ có hai cây như thế, do cây ở châu Phi đã chết nên cây này có thể xem là “độc nhất vô nhị” và khẳng định đó là cây Dã Hương cổ thụ, quý hiếm trên thế giới. Cây Dã Hương đã được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển Bách khoa Larouse của nước Pháp, giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille năm 1932; được Trường Viễn Đông Bắc Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp vào loại cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam cần được vào giữ gìn và bảo vệ.
 

Năm 1989, Bộ Văn Hóa - Thông Tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng và công nhận cây Dã Hương nằm trong cụm di tích quốc gia (gồm cây Dã Hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa, đền Thánh Cả). Mới đây, nhân ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5/2013), cây Dã Hương quý hiếm của xã Tiên Lục, tỉnh Bắc Giang đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”.

Đại thụ Dã Hương đã được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai thoại linh ứng với sự kiện của đất nước. Thông thường các cành lớn của cây bị chết thì cũng phải mất 70-100 năm mới bị gục gãy xuống đất. Mỗi một cành lớn của cây bị gãy đều liên quan đến một sự kiện lịch sử của đất nước như: Năm 1945 có cành to bị gãy ở phía Đông (có hướng chỉ thiên), năm đó Đảng lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1954 có một cành to phía Tây gẫy, đúng là năm chiến dich Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Năm 1964 một cành phía Nam bị gẫy sảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ và quân dân ta đánh thắng máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc. Năm 1975 khi trời bình yên, không có mưa to, gió lớn bỗng nhiên một cành phía tây gẫy xuống, ứng với Đại thắng Mỹ-Ngụy, xe tăng của quân Giải phóng đạp đổ cổng Dinh Tổng thống, cờ Chiến thắng đã tung bay trên đỉnh Dinh Tổng thống Sài Gòn; đất nước hòa bình và thống nhất; năm 1979 cành to phía Bắc, gắn liền với sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc và gần đây nhất là năm 2006, tự nhiên một cành rất lớn phía Nam bị gãy giữa trưa, trùng với thời gian nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hòa nhập quốc tế; cành này rất to vươn ngay trên mái đình, rất may khi đổ cành đã đổ vẹo sang đường bảo toàn ngôi đình và không ai bị hoảng hốt.

 
Cụ cây Dã Hương đã vài phen tưởng là không qua được. “Vận hạn” nặng của đình Viễn Sơn xảy ra vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Hồi đó với phong trào "bài trừ mê tín dị đoan", hàng loạt đền, miếu, đình chùa bị phá dỡ... Đình Viễn Sơn cũng suýt trở thành nạn nhân, nếu đình bị phá rỡ thì không biết số phận “Cụ” cây thế nào? Mấy hôm trước ngày đình Viễn Sơn dự định bị phá dỡ để làm hợp tác xã mua bán thì xảy ra sự cố: Người chịu trách nhiệm chính việc phá dỡ bị đột tử không rõ nguyên nhân. Tin dữ nhanh chóng loan truyền, đồn thổi là ông này đã bị "Thánh phạt" vì dám xâm phạm đến nơi tôn nghiêm thần bí. Từ đó, không ai còn nghĩ đến việc phá bỏ đình Viễn Sơn và ngay cả chùa Phúc Quang gần kế bên cũng vậy. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội địa phương sử dụng đình Viễn Sơn làm kho đựng vũ khí, súng đạn.

Năm 1980, khi bộ đội rút đi, các em nhỏ đốt lửa sưởi ấm bằng giẻ lau vũ khí của bộ đội có dính dầu mỡ ngay dưới gốc cây Dã Hương, làm cháy ngầm trong thân cây trong suốt hai ngày liền; tỉnh phải huy động 02 xe cứu hoả và lấy xi măng bịt lỗ trên gốc cây mới dập tắt được đám cháy, cứu được cây Dã Hương, nhưng lòng cây bị rỗng 20 người cùng chui vào vẫn lọt.


Dấu vết của Cụ cây Dã Hương đã xuất hiện ở nhiều nơi, từ đất Bắc mà vươn tới tận Huế, vì có một vị quan về đây chặt một đoạn rễ đem về kinh thành tiến Vua; hoặc năm 1905 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer được phép Hội đồng kỳ lão của làng đã hạ một cành to, đường kính 0,7m để làm cây thánh giá đưa về cung tiến nhà thờ bên Pháp.  Trước đây, hạt cây Dã Hương hầu như không nở mọc lên được. Sau khi cây Dã Hương được công nhận là Di tích Quốc gia, các nhà khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu ươm, nảy mầm được một số hạt của Quốc Chúa Đô mộc Dã Đại vương; một số cây con đã được cung tiến trồng tại một số công trình tâm linh và lịch sử có ý nghĩa.
 
Cây Dã Hương Tiên Lục, Bắc Giang được nhân dân và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm chăm sóc, giữ gìn và tiếp tục bảo tồn như một tài sản vô giá và tạo thành một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang. 

 Con cháu họ Lưu đang thu xếp để có thể công đức một cây hậu duệ của Cụ Dã Hương về ngự tại đền Lưu Xá, Thái Bình để cùng tiếp tục sinh tồn với các danh nhân họ Lưu đã có mặt tại đây khoảng 1.000 năm.
TS Lưu Văn Thành (St)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)