Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 14/1/2013
E-mail     Bản in

NSƯT Lưu Xuân Thư: Buồn vui ngoài ô cửa
Tôi tới thăm gia đình NSƯT Lưu Xuân Thư khi vợ ông đang bón cho ông từng muỗng cháo nhỏ. Đã 13 năm nay, kể từ khi NSƯT Lưu Xuân Thư bị tai biến thì mỗi bữa ăn, giấc ngủ của ông đều cần tới bàn tay chăm bẵm của người vợ tảo tần.


NSƯT Lưu Xuân Thư và vợ - nghệ sĩ Nguyễn Thị Lam

 

 

Cứ mường tượng hình ảnh người đàn ông có vóc vạc cao lớn, khỏe khoắn, đôi bàn chân từng đi khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới để ghi lại những thước phim tài liệu quý báu, giờ đây chỉ quanh quẩn trong căn phòng vài chục mét vuông mới thấy cuộc sống đôi khi thật khắc nghiệt. Thế nhưng, với những gì mà NSƯT Lưu Xuân Thư đã đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam thì quả thật, ông đã không để hoài phí những tháng năm quý giá của cuộc đời để sống và cống hiến cho xã hội...

Với NSƯT Lưu Xuân Thư, việc đi lại và nói năng hiện giờ đã trở nên quá khó khăn sau 3 lần tai biến. Ông chỉ có thể trả lời câu hỏi bằng cái lắc, gật hay một vài từ đơn giản nên cuộc trò chuyện của chúng tôi chủ yếu thông qua vợ ông - nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam.

Khi tôi và vợ ông cùng giở cho ông xem lại những tấm ảnh chụp khi ông làm phim, tôi nhận thấy khuôn mặt có vẻ lơ đãng và bàng quan trước mọi chuyện bỗng trở nên sinh động khác thường. Đôi bàn tay ông mân mê những tấm ảnh, miệng ông mấp máy như muốn nói điều gì. Bà Lam chia sẻ: ông quý những bức ảnh ấy lắm và muốn được cùng mọi người ôn lại những kỷ niệm của một thời làm điện ảnh.

NSƯT Lưu Xuân Thư (bên trái) và NSND Bùi Đình Hạc tại Sài Gòn năm 1975.

Không quý sao được khi NSƯT Lưu Xuân Thư đã dành gần như trọn vẹn cuộc đời mình cho điện ảnh dù ông đến với nó thật tình cờ. Năm 1954, ở tuổi 22, ông vào công tác tại cơ quan Quốc doanh Chiếu bóng và chụp ảnh Trung ương với công việc… kế toán. Đến năm 1959, khi Xưởng phim truyện Việt Nam thành lập, ông là Phó ban kiến thiết cơ bản kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên xưởng phim. Cuộc sống đôi khi có những ngả rẽ bất ngờ.

Năm 1960, Đoàn Thanh niên được Xưởng phim giao nhiệm vụ tham gia bộ phim "Lửa trung tuyến". Đạo diễn Phạm Văn Khoa trong quá trình tìm vai nam chính cho bộ phim chợt nhận ra rằng, vai Dũng tại sao lại không giao cho Bí thư Đoàn Lưu Xuân Thư vì vóc dáng cao lớn, khuôn mặt cương nghị, rất phù hợp với vai một anh lính từ chiến trường về.

Dù chưa một lần được học về khả năng diễn xuất, nhưng bằng sự cố gắng và tinh thần học hỏi của một đoàn viên, Lưu Xuân Thư vào vai Dũng khá đạt. Sau này, phim được tham dự Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Mátxcơva và giành giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 2 (1973).

Với riêng Lưu Xuân Thư, "Lửa trung tuyến" là một bước ngoặt để anh cán bộ hành chính trở thành nghệ sĩ đích thực. Dù thành công ngay từ vai diễn đầu tiên đến vai diễn sau này là vai Cần trong phim "Đi bước nữa" (cùng với nghệ sĩ Đức Hoàn) và có một vóc dáng lý tưởng để trở thành diễn viên, nhưng lĩnh vực mà ông đam mê lại là quay phim. Năm 1961-1963, ông được cử đi học lớp quay phim đầu tiên tại trường Điện ảnh Việt Nam cùng với các nghệ sĩ Hồng Sến, Kiều Thẩm, Lò Minh… do các chuyên gia Trung Quốc.

Đến với quay phim, tài năng của nghệ sĩ Lưu Xuân Thư được ghi nhận bằng bộ phim truyện tốt nghiệp "Trên vĩ tuyến 17" (Đạo diễn Lý Thái Bảo và Bùi Đình Hạc) đã giành Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ nhất (1970) và tấm bằng tốt nghiệp loại ưu.

Sau đó, một loạt những bộ phim truyện mà ông tham gia với vai trò quay phim chính luôn đạt những thứ hạng cao tại các LHP trong nước cũng như sự yêu mến của khán giả và bạn bè quốc tế như "Nguyễn Văn Trỗi" (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ nhất), "Đường về quê mẹ" (Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 2 và giải quay phim khá nhất), "Một chiến công", "Tiền tuyến gọi" , "Hoa thiên lý"… Theo sự đánh giá của nhiều người trong nghề, những thước phim của NSƯT Lưu Xuân Thư đạt trình độ cao về kỹ thuật.

Một phần không nhỏ trong sự nghiệp điện ảnh của NSƯT Lưu Xuân Thư là những bộ phim tài liệu ông vừa là quay phim, vừa là đạo diễn. Đó là những thước phim về chiến trường Bình Trị Thiên, về chiến dịch Hồ Chí Minh… với những bộ phim như "Bầu trời trong sáng", "Những trang sử bằng đá", "Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm các nước Ấn Độ, Srilanca"…

Có một câu chuyện thường được kể trong sự nghiệp làm phim tài liệu của NSƯT Lưu Xuân Thư là ông cùng với một số nghệ sĩ khác đã có mặt tại Dinh Độc Lập vào giờ phút quan trọng của đất nước. Trước đó, khi Nha Trang được giải phóng, Xưởng phim truyện Việt Nam đã thành lập 3 đoàn làm phim, chia ra 3 ngả nhập cùng các đơn vị bộ đội chuẩn bị tiến vào Sài Gòn.

Đúng giờ Ngọ ngày 30/4/1975, nhóm của NSƯT Lưu Xuân Thư (gồm ông, đạo diễn Bùi Đình Hạc và Đào Văn Biên - thu thanh) cùng nhóm khác là đạo diễn Hải Ninh, đạo diễn Hồng Sến, NSND Trần Khánh Dư…đã có mặt tại Dinh Độc Lập. Khi các đoàn làm phim thực hiện cảnh quay Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh từ chức, vị tổng thống này dường như không giấu nổi sự ngạc nhiên trước các phóng viên mặt trận của quân Giải phóng, vì họ không giống như báo chí Sài Gòn lâu nay miêu tả là gầy gò, xanh lét…

Nhất là khi Dương Văn Minh nhìn thấy nhà quay phim Lưu Xuân Thư với thân hình cao to, khỏe khoắn. Vị cựu tổng thống này đã quay sang hỏi NSƯT Lưu Xuân Thư: "Ông cũng to con nhỉ, ông có đá banh không?". NSƯT Lưu Xuân Thư trả lời: "Rất thích và tôi thường xuyên chơi môn thể thao này". Cuộc trò chuyện ấy đã khiến cho tất cả những người có mặt cùng cười vui vẻ, làm không khí bớt phần căng thẳng. Sau đó, các đoàn làm phim lại phân công nhau tỏa ra các đường phố Sài Gòn tranh thủ ghi lại những thước phim sống động trong ngày lịch sử trọng đại của dân tộc.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, NSƯT Lưu Xuân Thư còn ra Côn Đảo quay cảnh giải phóng Côn Đảo, sang Campuchia quay cảnh bộ đội ta giúp nước bạn đập tan bè lũ diệt chủng Pol Pot, giải phóng Campuchia. Không chỉ trực tiếp làm nghệ thuật, sau này, khi công tác tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh hay với cương vị Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, ông vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp cho điện ảnh Việt Nam. Ông cũng là người có ảnh hưởng không nhỏ tới cô cháu ruột - "Em bé Hà Nội" của mình để sau này trở thành NSND Lan Hương vì thuở nhỏ Lan Hương có thời gian dài sống cùng gia đình ông bác Lưu Xuân Thư.

Nghệ sĩ Lưu Xuân Thư được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT ngay từ đợt đầu tiên.

Chỉ 1 năm sau nghỉ hưu, nghệ sĩ Lưu Xuân Thư ngã bệnh. Ông ngã bệnh trước sự bất ngờ của những người thân và của cả chính ông vì trước đó ông hoàn toàn khỏe mạnh. Thì ra, vì mải mê công việc, lại chủ quan tin rằng mình khỏe mạnh, ít khi đau ốm nên ông không phòng bị. Đợt tai biến lần đầu tiên khiến ông bị liệt nửa người.

Với sự chăm sóc của người thân và chạy chữa của thầy thuốc, ông dần hồi phục, có thể trò chuyện và nhóc nhách đi lại trong nhà. Lần tai biến gần đây vào năm 2007 khiến ông liệt giường, nói năng khó khăn. Con cái bận đi làm nên hầu hết mọi sinh hoạt của ông đều một tay bà đảm nhiệm. Từ khi ông bị bệnh, cũng là từng ấy năm bà không đêm nào ngon giấc.

Nhớ lại ngày xưa, bà và ông cùng công tác tại xưởng phim, công việc đã khiến ông bà gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ, cùng nhau trải qua những khó khăn của đời sống đến ngày hôm nay. Điều mà bà chia sẻ với tôi là sống với nhau đã vài chục năm nhưng chưa một lần ông nặng lời với vợ con. Khi tôi ngỏ ý muốn chụp một vài bức ảnh làm kỷ niệm, bà liền lấy áo mới ra thay cho ông. Vừa giúp ông mặc áo, bà vừa đùa trêu khiến ông mủm mỉm cười.

Nhìn cách bà chăm ông, mới thấy thấm thía điều mà các cụ ta thường nói "Con chăm cha không bằng bà chăm ông". Người đàn ông to khỏe ngày nào, từng là chỗ dựa của cả gia đình, giờ đây trở nên thật bé bỏng trước sự chăm sóc của vợ. Hạnh phúc là gì nếu không phải là cảnh tôi vừa chứng kiến, họ đã ở bên nhau từ khi tóc còn xanh tới khi răng long đầu bạc, từ lúc còn mạnh chân khỏe tay tới khi ốm đau cần nương tựa lúc tuổi già...


Theo Thảo Duyên CAND.COM


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)