Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 14/1/2012
E-mail     Bản in

Hai gã “đầu bạc” làm sách Lưu Trọng Lư
- Hai người đều nổi tiếng trong giới sách: Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân và dịch giả Đoàn Tử Huyến. Họ say sưa làm sách đến mức quên trả và quên... đòi nhuận bút.

"Đại bản doanh" của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vẻn vẹn đặt trong căn hộ chung cư trên tầng 8, rộng chừng 80m2. Một phòng lớn cho nhân viên làm việc, một phòng nhỏ hơn là phòng chế bản (làm các trang sách trên giấy nến để đưa đi nhà in). 


Vừa bước vào phòng nhỏ nhất dành cho “sếp” của Trung tâm là "lão đầu bạc" Đoàn Tử Huyến, đã thấy nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân ngồi đó. “Gã đầu bạc” đang cùng nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (đầu cũng bạc) làm sách sưu tầm các tác phẩm của Lưu Trọng Lư nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của thi nhân này. 

Lục sách báo cũ, tìm văn Lưu Trọng Lư 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Đối với văn xuôi tự sự, tức là gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư, lần này cái mà chúng tôi làm không là tuyển tập hay một phần trong một bộ toàn tập, mà là một bộ sưu tập. Nghĩa là tìm được cái gì thì đưa vào sách cái đó, không chọn lọc, loại bỏ. Tìm lại các tác phẩm đã từng được công bố trên báo chí hoặc in thành sách của tác giả từ 70-80 năm trước, giờ đây là việc khó; chưa thể đoán chắc là có thể tìm hết, nói gì loại bỏ!  

Nguồn tìm ở đâu? Chúng tôi tìm ở các thư viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM: ở Hà Nội là Thư viện Quốc gia và có thể ở Thư viện Khoa học Xã hội; ở TP. HCM là thư viện Tổng hợp. 

Một nguồn nữa là sách báo cũ. Thị trường sách báo cũ ở ta đã xuất hiện, tuy còn nhỏ; đã có những người sưu tập, trao đổi, mua bán sách báo cũ. Thông thường người ta cho các nhà nghiên cứu xem bản chụp một số trang những cuốn sách hiếm mà họ đang sở hữu. Do có nhu cầu sưu tầm văn bản chứa trong các ấn phẩm quý hiếm, chúng tôi đã liên hệ xin được bản chụp toàn bộ. Một thành viên Câu lạc bộ những người yêu sách cũ ở TP. HCM. đã cộng tác với tôi trong việc này.

Từ đó chúng tôi hệ thống hóa tất cả các tác phẩm từng đăng báo in sách của Lưu Trọng Lư. Rút lại, có lẽ chỉ có một hai cuốn từng nghe tên nhưng không tìm thấy". 

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Ở Việt Nam, vấn đề lưu trữ rất kém, ở thư viện không có, phải tìm ở nguồn khác. Anh Ân nhờ những người chơi sách cũ không chỉ riêng về Lưu Trọng Lư. Tìm được gì, họ chụp lại gửi ra ngoài này.  

Hơn 1000 trang bản thảo cũ gõ lại từ ảnh chụp 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Bắt đầu làm từ khoảng tháng 5/2010. Dự kiến, ngày 16/6/2011 sách sẽ ra mắt ở Hà Nội (đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh tác giả Lưu Trọng Lư).  Công việc rất vất vả. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhân viên anh Huyến phải mang việc về nhà làm. Hiện cuốn sách đã gần hoàn tất. Được trên 1500 trang in khổ lớn (16x24 cm).  

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Bản thân sách cũ chữ đã mờ, lại còn đọc qua bản chụp lại, nên đánh máy rất khó. Mà khó thì sai, sai thì người đọc lại rất mệt. Phải đọc đi đọc lại rất công phu.  

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Cũng có lúc bản thảo thiếu hàng chục, hàng trăm trang. Truyện “Nàng công chúa Huế” đang đến đoạn cao trào thì mất trang, còn mỗi trang cuối. May rồi về sau cũng tìm được ở chỗ khác.

Có tác phẩm đang đọc thì bị mắc, lại không có bản gốc để chỉnh. Lúc đó cũng cáu. Được cái giao thông giờ tiện lợi, tôi ít đến Trung tâm trao đổi trực tiếp với các bạn biên tập mà thường gọi điện, gửi email.

Lại Nguyên Ân (phải)
Ông Đoàn Tử Huyến (trái), Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (phải)

 Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Bình thường, biên tập viên sẽ đọc trước, sửa bớt lỗi sai. Anh Ân đọc bản đó rồi sửa tiếp. Nhưng lần này tại anh Ân nhận đọc từ đầu. Anh ấy muốn tự tay biên tập từ đầu. Làm thế thì yên tâm nhưng công việc của anh Ân nặng nhọc hơn nhiều. 

Lỗ thì… chịu 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Trong tuyển tập Lưu Trọng Lư năm 1984, NXB Văn học in khoảng 400 trang, khổ 13x19 cm, chủ yếu là thơ, có một ít ký, một số truyện, mỗi cái trích một đoạn. Có vẻ như giới xuất bản cũng như giới nghiên cứu chính thống, cho đến thời điểm đó (1984) đã bị khuất phục bởi một lời phán xét rất chủ quan của Vũ Ngọc Phan từ năm 1942: Lưu Trọng Lư là nhà thơ đặc sắc, nhưng lại là nhà tiểu thuyết xoàng! 

Làm cuốn sưu tập này tôi phát hiện một sự thực khác hẳn. Trên Hà Nội báo (1936-37, chủ nhân Lê Cường, chủ bút Lê Tràng Kiều) hai tác giả văn xuôi chủ yếu là Vũ Trọng Phụng và Lưu Trọng Lư. Ông Lư còn đăng nhiều hơn ông Phụng. Có những truyện đang đăng dở dang như “Gió cây trút lá”, câu chuyện kể về một cô lái đò trên sông Hương. Truyện đó buồn lắm cơ, ai mau nước mắt đọc có thể khóc được. Trong tủ sách mang tên chung “Phổ thông bán nguyệt san” (1938-45) của NXB. Tân Dân, mỗi tháng ra 2 cuốn, Lưu Trọng Lư có đến gần chục cuốn. Nếu không phải tay bút có nhiều người đọc, làm sao có thể in được nhiều thế trong nền sách báo hồi đó hoàn toàn do thị trường chi phối?  

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Cuốn sách này Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây bỏ tiền ra in, chưa tính sẽ in bao nhiêu, có  thể 700 cuốn, có thể  1000 cuốn.   

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Đây là ý tưởng từ phía gia đình. Năm nay 100 năm ngày sinh của Lưu Trọng Lư. Điều quan tâm lớn nhất của gia đình với Lưu Trọng Lư là phải mang những tác phẩm của ông làm thành bộ sưu tập tương đối đầy đủ. Gia đình nhờ tôi và Trung tâm của anh Huyến làm mảng văn xuôi tự sự. 

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Gia đình hỗ trợ bằng cách hứa mua một số sách, hiện mới chắc chắn 200 cuốn. Không ai tính chịu lỗ khi bắt tay làm sách cả. Phải tính toán nào để không lỗ. Còn nếu ra sách mà lỗ thì có nghĩa là mình tính toán sai. 

Tôi đang định hỏi nhuận bút đây 

Nhà  nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Tôi làm sách với nhiều nơi, nhưng nhiều nhất là Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Một phần do cái tạng của tôi. Đã có vị phó giám đốc đề nghị sau khi tôi nghỉ hưu về làm sách cho giáo viên dạy văn và học sinh đọc tham khảo, có thể kiếm mỗi năm vài trăm triệu. Rốt cuộc, tôi không nhận lời. Tôi không thích làm loại sách chế lại những thứ đã quen.  

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Điều đó là tất nhiên. Không phải làm với người nào mà là cách làm như thế nào. Không ai không hợp mà làm, trừ khi được đảm bảo bằng một quyền lợi gì đó lớn hơn cả sự thích thú. 

Tôi với  ông Ân chủ yếu làm vì sự thích thú, chẳng phải là cần tiền. Nhiều việc ông làm có tiền đâu. Cuốn “Hoàng Cầm, hồn thơ độc đáo”, ông ấy đã nhận tiền đâu. 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Tôi cũng đang định hỏi đây. Sắp tới tôi đi hội thảo ở Huế mà chưa có đồng nào. 

“Gã đầu bạc” Đoàn Tử Huyến giục nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân kể thêm về chuyện làm cuốn “Hoàng Cầm, hồn thơ độc đáo”. Ông Ân lại kể, vẫn với giọng say sưa như khi kể chuyện làm sách Lưu Trọng Lư.
 
Hình như ông quên luôn ý định hỏi nhuận bút. Hoặc chẳng phải ông quên. Chỉ vì họ đã hiểu nhau quá rồi...
 
 

Theo Hoàng Hạnh


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)