Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. NHÂN TÀI LƯU TỘC.
Đăng ngày 14/04/2016
E-mail     Bản in

Thầy tôi - Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận
(Dân Việt) - Ông là một nhà thơ, một tác giả sân khấu xuất sắc (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật). Ông cũng là một người cha tuyệt vời, đã sinh ra những người con tài năng, nhân cách và thành đạt. Và với những người lính chúng tôi, ông còn là một người thầy nghệ thuật tận tâm và nhân ái...

Người thầy đầu tiên

Những năm tháng ấy chiến tranh đã hết sức ác liệt, từ những cung đường tả tơi vì bom đạn, chúng tôi được đưa về tập huấn văn nghệ, xây dựng những chương trình biểu diễn mới để rồi một thời gian  ngắn sau sẽ trở lại phục vụ ở mặt trận.   

 thay toi - nha viet kich luu quang thuan hinh anh 1

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận năm 1962.  Ảnh: Tư liệu gia đình

 Chúng tôi đây là ai?  Xin thưa là gần 200 người lính vốn là những pháo thủ áo quần còn khét lẹt khói bom, những lái xe vận tải quân sự mắt quầng thâm vì những đêm không ngủ đưa hàng lên phía trước, những chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong trên những tuyến đường dày đặc bom đạn, những chiến sĩ giao liên, cứu thương, kho vận nơi những cánh rừng  xa xôi hẻo lánh sơn cùng thủy tận của đất nước. Hôm qua chúng tôi còn là  những người lính cầm súng, hôm nay vẫn tiếp tục cầm súng nhưng được giao thêm cây đàn để “tay cầm súng, tay cầm đàn” trong những đội nghệ thuật của những binh trạm quân sự (ngày ấy gọi là đội Tuyên Văn).

 Nhà văn, nhà báo Châu La Việt (tên thật Lê Khánh Hoài) là con trai của NSƯT Tân Nhân - người nổi tiếng với ca khúc “Xa khơi”. Ông là một người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Lào và Trường Sơn trong những năm chống Mỹ. Ông là tác giả của hàng loạt tập sách và kịch như: “Một buổi sáng nhiều chim”, “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, “Chim vẫn hót cuc cu bên đồi”; “Những tầng cây săng lẻ”; “Mai Pi Muôn”…

 

 Được về Hà Nội (nói đúng hơn là về Thường Tín, lúc ấy còn thuộc tỉnh Hà Tây) ai cũng thích. Nhưng để tập huấn trở thành những  “nghệ sĩ”, dù chỉ là bán chuyên nghiệp, đàn hay múa giỏi làm rung động lòng người... thì chúng tôi đều hiểu là thật chẳng dễ dàng gì. Cho nên cũng nhiều anh hãi, cứ nằng nặc một hai đòi trở lại đơn vị chiến đấu… 

Thì  may thay trong bối cảnh ấy, chúng tôi được gặp những người thầy (bấy giờ càng thấm thía lời các cụ truyền dậy: Không thầy đố mày làm nên). Họ là  những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm của Đoàn Văn công Tổng cục, của Trường Nghệ thuật Quân đội, của những nhà hát T.Ư như Nhà hát Chèo, Nhà hát Kịch nói, của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam... vì yêu quý người lính mà đã đến với chúng tôi, bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết của mình để chỉ bảo rèn giũa cho chúng tôi trở thành những người lính nghệ thuật.

 thay toi - nha viet kich luu quang thuan hinh anh 2

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (thứ 3 từ trái sang), tác giả Hà Văn Cầu (thứ 4 từ trái sang) và các đồng nghiệp ở nhà hát chèo Trung ương năm 1975.

 Tôi nhớ buổi đầu của lớp tập huấn, được  nghe các thầy như  Hà Văn Cầu, Lưu Quang Thuận, Hồ Thi, Doãn Hoàng Giang… lên lớp, ánh mắt người chiến sĩ nào cũng  bừng  sáng long lanh. Nhất là khi nhà thơ, nhà viết chèo Lưu Quang Thuận nói về chèo, về những năm tháng kháng chiến ông nhập ngũ như chúng tôi lúc này, rồi tham gia Đoàn kịch Chiến Thắng đi biểu diễn cho quân và dân, rồi từ đây thấu hiểu hơn tình yêu chèo trong tâm hồn bộ đội và dân công mà ông đã đến với nghệ thuật chèo và viết nên những tác phảm chèo xuất sắc như “Chị Tấm, anh Điền”, “Mối tình Điện Biên” hay “Tấm Cám”... Nhiều người lính chúng  tôi ra đi từ những lũy tre làng, từ những cánh đồng hai sương một nắng cho nên vốn  yêu  chèo lắm, cứ ngồi ngây ra, “uống” say sưa từng lời ông nói. Bài học nghệ thuật đầu tiên ông trao cho chúng tôi là chính cuộc đời nghệ thuật của mình…

Tôi và anh Ngô Xuân Thông từ hai binh trạm xa xôi ác liệt nhất, mãi tận bên Lào về học, được giao cho thầy Lưu Quang Thuận cầm tay kỹ lưỡng. Nhiệt tình với chúng tôi, nhiều đêm thầy  không về nhà ở Hà Nội như những giảng viên khác, mà ở lại trong những ngôi nhà dân, ăn cơm bếp tập thể nhiều khoai nhiều sắn của lính tráng, và đêm bên ngọn đèn dầu leo lét đọc từng trang bản thảo của chúng tôi, trao đổi kỹ lưỡng từng tình huống kịch, từng lời ăn tiếng nói của nhân vật. Có những đêm thầy say sưa quá, mãi đến tận gà gáy sáng. Thương chúng tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ, thầy giục chúng  tôi vào buồng chợp mắt, còn thầy vẫn  tiếp tục ngồi gạch gạch xóa xóa sửa chữa cho bản thảo. Từ trong buồng trông ra, nhìn thầy bên ngọn đèn dầu đăm chiêu khắc khổ với những trang viết của chúng tôi, tôi có cảm tưởng như đấy là một vị giáo sư đang say sưa tâm huyết với  những công trình sáng tạo của đời mình... 

Cha và con

Thật ra trước khi được trại trưởng Ngọc Tự giới thiệu về thầy, rồi được thầy lên lớp giảng dạy, chúng tôi đều đã từng ít nhiều được nghe tên tuổi của thầy Lưu Quang Thuận, có anh em lại còn được mục kích xem những vở chèo do thầy sáng tác, thích lắm, khâm phục lắm. Riêng tôi còn đặc biệt yêu quý, thần tượng thầy, vì thầy  chính là thân sinh của một nhà thơ  nổi tiếng lúc bấy giờ,  và đang được  lớp trẻ rất yêu thích là nhà thơ Lưu Quang Vũ.

 thay toi - nha viet kich luu quang thuan hinh anh 3

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Thuận và con trai  Lưu Quang Vũ tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.

Tôi nhớ  cái đêm đầu thầy ở lại thức với chúng tôi, thì suốt cả một đêm ấy, đáp lại tình yêu mến của chúng tôi với thơ Lưu Quang Vũ, thầy đã kể chúng tôi nghe rất nhiều về thơ ca và cuộc đời chiến sĩ của anh Lưu Quang Vũ, trong đó có một câu chuyện thú vị: Anh Vũ cũng như chúng tôi, đang tham gia một đội Tuyên Văn của trung đoàn không quân, và mới đây đã sáng tác vở chèo “Đôi bạn quê hương” được cán bộ chiến sĩ trong  binh chủng rất yêu thích. Thầy giở từ trong túi một lá thư anh Vũ mới gửi về cho thầy, khoe với cha về thành công của vở chèo “Đôi bạn quê hương”:  "Sau kỳ hội diễn, vở của con là tiết mục duy nhất vẫn còn tiếp tục đi diễn phục vụ các đơn vị và bà con nơi đóng quân. Bà con nông dân và bộ đội rất thích chèo bố ạ. Con không ngờ những điều học lỏm được của bố từ trước bây giờ lại có kết quả như vậy. Anh em phấn khởi và con cũng vui lắm. Khi nào được về nhà con sẽ kể chuyện sau...”.

Những dòng thư của anh Lưu Quang Vũ gửi cha làm chúng tôi hết sức phấn khởi, xúc động, thấy anh là thần tượng của mình mà sao gần gũi thân thiết thế, và thấy mình như được chắp cánh để quyết  tâm sáng tác được những vở kịch, vở chèo như  con trai yêu quý của thầy …

 thay toi - nha viet kich luu quang thuan hinh anh 4

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Thuận và hai người em trai Lưu Trùng Dương, Lưu Quang Thành năm 1954 tại Hà Nội

Sau những đêm nghe thầy dạy bảo, tôi viết được vở kịch nói đầu tay mang tên  “Trọng điểm”, kể về sự tích một chiến sĩ trong binh trạm 13 của tôi là anh Lê Văn Học - Đại đội xe 53 đã chấp nhận hy sinh, dùng xe của mình phá bom từ trường để thông đường cho cả tiểu đoàn xe lao về  phía trước; còn anh Ngô Xuân Thông của Binh trạm 11 thì viết xong vở chèo “Tiếng hát đưa nôi”. Ngay khi bản thảo ráo mực, thầy Lưu Quang Thuận đã bàn bạc ngay với anh Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho đội văn nghệ Binh trạm 13 chúng tôi. Có một điều thú vị  là, xem binh trạm tôi chạy vở, nhiều đồng chí phụ trách trại cũng như nhiều đội của các binh trạm khác đã đề đạt với ban phụ trách  để cũng được dàn dựng vở diễn này. Thế là cả anh Doãn Hoàng Giang, chị Thu Hằng (vợ nghệ sĩ điện ảnh Thế Anh) và đích thân thầy Lưu Quang Thuận cùng xắn tay áo lên trực tiếp thị phạm, dàn dựng vở diễn “Trọng điểm” cho các đơn vị.

Khi Binh trạm 17 miền Tây Quảng Bình dàn dựng vở này, thầy  Thuận và anh Giang giao vai chính cho một lái xe đảm nhiệm. Đây là lần đầu tiên chiến sĩ lái xe này bước lên sân khấu, và sau này anh trở thành NSƯT Duy Hậu nổi tiếng của Nhà hát Tuổi Trẻ...

Đi mạnh khỏe, con nhé... 

Ngày chúng tôi trở về đơn vị nơi mặt trận xa xôi, lẽ ra cùng  anh em ra ga Thường Tín đi tàu đêm vào Vinh rồi rẽ theo đường 7 sang Lào, tôi xin phép đơn vị  được qua Hà Nội đến nhà thầy Lưu Quang Thuận (96 phố Huế) để chào thầy, một lần nữa  nói lời biết ơn thầy và qua thầy, gửi lời cảm ơn tới những người thầy khác thời gian qua đã dạy bảo những người lính chúng tôi.

Thầy vốn là người cởi mở, hay chuyện, nhiệt tình, thế mà buổi ấy tôi thấy thầy chỉ ngồi yên lặng  nắm  tay tôi. Thầy nhìn quanh nhà hồi lâu, như muốn tìm một vật gì để tặng người lính ra trận. Rồi thầy bước tới  tủ sách, rút một tập sách đề tặng cho tôi. Tim  tôi đập rộn rã khi thấy đó là tập thơ “Hương cây bếp lửa” của anh Lưu Quang Vũ, chính là bản sách đầu tiên mà  anh Vũ dành để tặng thầy - người cha kính yêu của mình. Tay tôi run lên đón nhận tập sách từ tay thầy, áp nó vào lồng ngực của mình, và thấy không chỉ ấm áp mà còn như được tiếp thêm sức mạnh bởi những trang thơ có cả hai trái tim cùng đập.

Thầy từng bước đi xuống cầu thang tiễn tôi. Tới cửa, ông ôm lấy tôi, khẽ khàng: “Đi mạnh khỏe con nhé”. Ông gọi tôi là con đầy trìu mến và xúc động. Có lẽ hệt như ngày nào ông đã tiễn đưa anh Lưu Quang Vũ trở về đơn vị …

Ít ngày sau, khi đó tôi đã về tới mặt trận Lào, tôi được nghe trên làn sóng đài tiếng nói một bài thơ đầy  xúc động của ông, bài “Đường con đi”. 

 “Xem bản đồ theo dõi bước chân con,

Núi lớn vươn xa thăm thẳm điệp trùng...

Đường ra trận bản đồ chưa vẽ.

Cha nửa đời mưa nắng bôn ba

Nào đã biết con đường mới mẻ

Xuyên lũng xuyên đèo con trẻ đi qua.

Chỉ biết con đi ấm hơi đồng đội,

Uốn khúc con đường nhưng thẳng tắp lòng con

Lắng nghe xe nóng hổi bước chân dồn

Tiếng trong trẻo dặm đường khe suối…

... Những dòng nước mắt cứ lặng lẽ lăn trên má tôi. Xúc động biết bao tấm lòng một nghệ sĩ lớn, tấm lòng một người cha. Bài thơ có lẽ ông viết cho anh Lưu Quang Vũ, cho những người con dứt ruột của ông, nhưng có lẽ ông viết cả cho chúng tôi, những người lính vận tải quân sự trải dài khắp miền đất nước, trải dài khắp các mặt trận ác liệt mà từ ngày ấy ông đã coi như con...



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)