Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. HỘI GÁI - DÂU - RỂ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 13/4/2013
E-mail     Bản in

Mơ chuyến đò về
Trong căn gác nhỏ của dòng họ Nguyễn Bằng trên phố Ngô Sỹ Liên (Hà Nội), những người thân của Bằng Kiều đã nói về anh với những kỷ niệm đầy yêu thương. Họ vẫn mong đứa con út có ngày trở về quê hương.

 

Một giọng hát vút cao, thánh thót như vỡ ra của tuổi mới lớn lại có chút gì đầm ấm như níu kéo người nghe, báo hiệu một chất giọng lạ của tài năng. Đó là Bằng Kiều thời hát cùng Mỹ Linh đắm đuối vọng lời như từ trái tim bị tổn thương: Sao em không khóc, cho lòng nhẹ nhàng hơn.... Giọt sương trên mi mắt là mặt trời dịu êm... Một mái tóc cắt ngắn như hình quả bầu, nét mặt lạnh bất cần đời với sự lảnh lót của âm sắc mà vẫn tròn vành rõ chữ, Bằng Kiều biểu diễn hồn nhiên như cuộc đời vốn lam lũ và thua thiệt của mình, vẻ như không hề biết ngày mai thế nào.

Ca sĩ Bằng Kiều và con trai.

Ca sĩ Bằng Kiều và con trai.

Và anh cũng hồn nhiên khi trong một cuộc thi giọng hát hay Hà Nội vào đầu những năm 1990, khi biết Mỹ Linh đoạt giải xuất sắc, anh đã nhảy cẫng lên mừng cho bạn gái mà không hề mảy may tiếc nuối, so le dẫu mình có thể xứng đáng hơn. Một ca sĩ như vậy, ra trường đã kịp chạy show kiếm được dăm ba tỷ đồng bỗng theo vợ là Trizzi Phương Trinh sang Mỹ gửi rể, tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật với những phát ngôn quá đà, làm đau lòng những người ruột thịt.

Bằng Kiều có đến 16 anh chị ruột thịt trong một đại gia đình có một ông bố và 3 bà mẹ và anh là con của bà thứ ba, nghệ sĩ chèo Lưu Nga. Bà cả Lưu Thị Quý, người sinh ra NSƯT Bằng Thái tấm tắc: "Lưu Nga hồi ấy đẹp lắm, hát chèo thì hay thôi rồi, mắt cứ lúng liếng, tôi còn mê huống gì ông nhà tôi". Nói vậy, nhưng khi ông Nguyễn Bằng Bùi xin phép được kết duyên với Lưu Nga thì bà Quý "chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai". Nhưng rồi bà tự nguyện thua vì hiểu tính chồng, vì cũng quá nhiều mỏi mệt, rồi tự nguyện rời đại bản doanh ở Ngô Sỹ Liên lang thang xin vào tập thể Bệnh viện Việt Đức. Ông Bùi và bà Lưu Nga đưa nhau về Ngô Sỹ Liên, ban ngày vợ thêm gánh phở nhọc nhằn, chồng làm y sĩ viện K, ban đêm lại thoát tục cùng đi diễn chèo, đánh đàn, xem hát... Người con út Bằng Kiều được sinh ra trong những ngày bão táp đó.

Mang gen mẹ cha, Bằng Kiều lộ dần chút năng khiếu. Nghèo là thế nhưng ông Bùi quyết gom hết tiền để mua được cái đàn cho Kiều học nhạc. Cả nhà dành tiền đầu tư cho Kiều, tất cả anh em dù con bà nào cũng yêu thương nhau hết mực. Hồi tưởng lại, bà Quý vẫn dí dỏm nói với An Ninh Thế Giới: "Nhiều đận bão táp nổi lên, thằng Bầu (tên thân mật của Bằng Kiều) ở với bố. Tính nó lạnh từ bé mà giọng hát lại được. Nó sống hồn nhiên, vô tư như trẻ con. Tôi nhớ, nó yêu mối tình đầu, mỗi lần giỗ Tết, bạn gái nó đến lo lắng cùng tôi và bà Nga như người nhà. Tưởng là lấy nhau đến nơi, nhưng rồi hai đứa thôi nhau chỉ vì một lần bạn gái sai Kiều lấy giày dép hay son phấn gì đó, nó bảo cùng đi biểu diễn, mệt như nhau thì phải tự đi lấy... Thế là giận, thế là thôi... Nghệ sĩ là thế, đồng bóng hết".

Giờ thì ở nước Mỹ xa xôi, Bằng Kiều có hát những câu Mặt trời là nước mắt, suốt một đời mẹ cha khi nhớ về căn gác nhỏ Ngô Sỹ Liên, làng mạc xứ Đồng Văn, tuổi thơ lận đận và tình cảnh của một gia đình đông đúc đã biết xua đi mọi xung khắc, ưu phiền để thương nhau, dồn tình cảm người con út. Bà mẹ cả Lưu Thị Quý dặn anh rằng, đã lỡ bước sang ngang, cần mơ chuyến đò về, đừng để những người anh chị từng thương em như thế phải đắng lòng nhớ lại kỷ niệm buồn xa xưa.


 

Theo Ngoisao