Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 12/4/2014
E-mail     Bản in

Con gái sẽ thay con trai nối dõi Tông đường?
(PetroTimes) - Xung quanh vấn đề nhiều gia đình sinh con một bề vẫn nặng tư tưởng về nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia ủng hộ việc một số gia đình dần huấn luyện con gái biết thờ cúng gia tiên. Phải chăng trước sự phát triển của xã hội thì nên có những sự thay đổi về tư duy “nam tôn nữ ti, nữ nhi ngoại tộc”?.


Gỡ bỏ quan niệm trọng nam, khinh nữ giúp xã hội hài hòa hơn trong việc con gái được thờ cúng Tổ tiên.

Trao đổi với PV, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam ủng hộ việc thời gian gần đây, nhiều gia đình sinh toàn con gái và họ đang huấn luyện cho con gái biết thờ cúng tổ tiên thay cho nam giới như quan niệm từ xưa đến nay.

GS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng cái này không hẳn chỉ là vấn đề đối với gia đình sinh con một bề. Trong cuộc sống hiện đại việc bình đẳng giới cũng đã nảy sinh ra nhu cầu đó rồi. Tất nhiên ngày xưa ngày ta hay đặt trưởng nam mới có quyền thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên cuộc sống hiện đại mỗi người mỗi nơi, có những người làm ăn ở xa, con cái mỗi người mỗi nơi nên bây giờ người ta có thể bốc bát hương thờ không chỉ là con cả mà còn là con thứ, kể cả con gái.

GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng: Việc huấn luyện cho con gái biết thờ cúng tổ tiên là việc làm hay, thể hiện nhiều ý nghĩa.

“Môi trường xã hội đang có sự thay đổi, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ huấn luyện cho con gái biết thờ cúng tổ tiên, lo chuyện đại sự gia đình. Đó là quyền của mỗi người mà, con gái cũng được biết chứ. Việc đó rất hay, thể hiện nhiều ý nghĩa. Chúng ta cần có cái nhìn đúng về giới tính và cần phải thay đổi suy nghĩ trọng nam khinh nữ. Nói ra không phải để động viên đâu, nhưng thức tế có rất nhiều người con gái đang thực hiện việc thờ cúng tổ tiên rất tốt. Tôi đề cao chữ hiếu và hoàn toàn ủng hộ việc con gái đảm nhiệm việc hương khói, thờ cúng tổ tiên, gia tộc”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

Còn ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên của Quốc hội cho rằng tư tưởng con trai nối dõi tông đường từ lâu đã đi vào một nếp nghĩ, một thói quen thậm chí như một chuẩn mực văn hóa nhưng đến bây giờ thì không còn phù hợp.

Ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: “Quan niệm “nam tôn nữ ti, nữ nhi ngoại tộc” không còn phù hợp trong xã hội hiện nay.

Theo ông Chức, vấn đề này dẫn đến sự bất thường thường về giới. Các cụ thường hay nói con cái do trời sinh mà, trời sinh thì phải có nam, có nữ. Thế nhưng vì chỉ nghĩ đến trọng nam và rồi nam nhiều còn nữ thiếu gây ra những cái bất ổn trong xã hội và rồi nó dẫn tới phức tạp không chỉ trong chuyện giới nữa mà cả trong cả kinh tế, chính trị và xã hội. Nếu thử hình dung với con số hiện nay thì thử hỏi năm, bảy nghìn đàn ông không lấy được vợ thì sẽ như thế nào.

“Tôi cũng gặp nhiều gia đình mà họ cũng có những thay đổi ở việc nữ giới cũng thờ cúng tổ tiên. Ngay như gia đình tôi, mẹ tôi có 6 chị em gái. Bên ngoại không có ai nữa, cuối cùng là thờ cúng làm tại nhà mẹ tôi vì mẹ tôi là con cả. Ngoài nhà thờ bên nội, nhà tôi cũng lập thêm một nhà thờ bên ngoại để anh em, con cháu xa gần của bên ngoại đóng góp vào và cùng thờ cúng tổ tiên”, ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng để thực hiện được vấn đề này cần sự đồng lòng và cái nhìn cởi mở hơn của cả xã hội.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhắc đến những trường hợp rất thực tế. Có nhiều gia đình chỉ sinh hai cô con gái, nhiều cô gái đang thực hiện trách nhiệm thờ cúng tổ tiên mà trước đây chỉ dành cho con trai. Như trường hợp nhà ông Nguyễn Văn Dền (Thường Tín, Hà Nội) có năm cô con gái, cũng bởi ông và cha mẹ muốn có một con trai để nối dõi tông đường, nhưng bây giờ suy nghĩ của ông đã khác. Ông đang làm cái điều mà ít người nghĩ đến, đó là ông dạy cho cô con gái thứ hai phải lễ nghĩa gia phong của ông biết cách hương khói cho tổ tông ông bà.

Ông Tân cho biết thêm: Tất nhiên là chúng ta có thể thay đổi, trước tiên là công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Tại sao chúng ta làm được việc kế hoạch hóa gia đình mà việc này thì không làm được. Liên quan đến việc thờ cúng là do quan niệm. Trong dòng họ nhà tôi khi lập gia phả thì ghi tất cả con trai và con gái như nhau và nối dài các dòng họ của mình không phân biệt con trai con gái. Chỉ khi nào mình thay đổi được thói quen, nếp nghĩ hàng ngàn năm nay thì chúng ta mới giải quyết được triệt để việc mất cần bằng giới tính. Đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả các ngành, các cấp, trong đó vai trò của truyền thông rất quan trọng.

Ông Hoa Hữu Vân chia sẻ: “Xã hội luôn được điều chỉnh bởi pháp luật và tập quán. Việc nhiều gia đình sinh con một bề có mong muốn con gái thờ cúng tổ tiên là dễ chấp thuận”.

Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cũng bày tỏ qua điểm đồng ý với ý kiến là xã hội luôn được điều chỉnh bởi pháp luật và tập quán. Theo ông Vân, trên thực tế có rất nhiều người phụ nữ đang thờ cúng cha mẹ mình và trên ban thờ nhiều gia đình có di ảnh của cả nội, cả ngoại. Điều đó là điểm tốt cần phát huy vì nó chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Nhưng bên cạnh đó, thì cũng có vô vàn người phụ nữ khao khát được hương khói cho cha mẹ mình như không thể vì sức ép từ nhà chồng. Còn nguyên nhân của sức ép đó lại chính là tập quán xã hội. Mà điều này để thay đổi thì không dễ chút nào.

“Nhưng, theo tôi không có nghĩa là không được cho dù mất nhiều thời gian, vì duy trì những tập quán tốt đẹp và tiến bộ là điều cần thiết. Tôi khuyến nghị để thay đổi một số quy tắc phụ hệ để dẫn đến thay đổi trong quan niệm về vai trò của con trai và con gái, dẫn đến bình đẳng giới”, ông Vân bày tỏ.

Còn theo tài liệu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cần phải rà soát, cải thiện và xây dựng các chính sách hỗ trợ bình đẳng giới như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Thừa kế... để xác định những điểm cần nhấn mạnh, điều chỉnh, bổ sung nhằm: Khuyến khích con gái tiếp nối dòng dõi gia đình và thờ cúng tổ tiên; Khuyến khích cha mẹ già sống chung với con gái và tạo điều kiện cho con gái chăm sóc cha mẹ già; Khuyến khích thực hiện chia tài sản một cách công bằng và hợp lý cho con trai và con gái; Cho phép các con có thể mang họ của cha hoặc của mẹ; Đề cao giá trị của bé gái, phụ nữ...

 

Theo THẢO PHƯỢNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)