Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 12/2/2013
E-mail     Bản in

Phố ông đồ nhộn nhịp những ngày giáp Tết
(QĐND Online) - “Phố ông đồ” nằm trên đường Văn Miếu từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc với người dân Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Các ông đồ đủ mọi thế hệ trải chiếu bên bức tường gạch cũ kỹ, bày mực tàu, giấy đỏ để viết câu đối, chữ Tết. Dọc con phố Văn Miếu, có đến gần 50 ông đồ phục vụ khách, phần lớn các ông đồ cho chữ theo nhu cầu của khách.
 
 

Ngày xưa, tục xin chữ ngày Tết không hề đơn giản và được coi là một việc quan trọng của mỗi gia đình. Cả người xin chữ và cho chữ đều trân trọng và nâng niu. Ngày nay, khi xã hội phát triển, một số loại hình văn hóa bị mai một nhưng tục xin chữ vẫn được gìn giữ và phát triển. Đặc biệt, khách hàng tích cực của các ông đồ mỗi dịp Tết chủ yếu là giới trẻ.

“Phố ông đồ” đã hoạt động được hơn một tháng. Đi dọc phố, người xem dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt ông đồ thân quen, bên cạnh đó có nhiều ông đồ trẻ mới xuất hiện. Anh Nguyễn Trần Thái, một trong những ông đồ gắn bó lâu năm ở phố Văn Miếu chia sẻ: “Quanh năm tôi ở nhà dịch sách. Tết đến tôi lại ra đây để giao lưu với mọi người cho vui. Tôi không bán chữ mà chỉ tặng chữ”. 

Còn ông đồ trẻ Minh Phương, một nhà nghiên cứu về chữ Hán Nôm chia sẻ: “Vì yêu và say mê chữ Hán Nôm nên tôi ra đây vừa là học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm từ các bậc thầy đi trước, vừa muốn thỏa niềm đam mê của chính mình”.

Tuy nhiên, so với những năm trước thì năm nay lượng người tới xem và xin chữ giảm đáng kể. Các quầy mở cửa lúc 8 giờ sáng và đóng cửa vào lúc 21 giờ. Trong thời gian 15 giờ – 17 giờ là lúc có nhiều khách đến xin chữ. Anh Văn Thắng, hoạt động trên phố Văn Miếu cho biết: “Năm nay, hầu hết khách đếm xem chữ là chính chứ ít người mua. Chữ được xin nhiều là: “Hiếu”, “Tâm”, “Nhẫn”, “Học”, “An”.

“Ông đồ” trẻ đang ngồi học viết.

Bác Trung, một thầy giáo tâm sự: “Khi không có khách, tôi ngồi mài mực viết thư pháp. Đây không chỉ đơn thuần là cái nghề, nó còn là niềm đam mê. Tôi và một số người khác hay ngồi viết câu đối, thỉnh thoảng một vài anh bạn trẻ ra học hỏi thêm kinh nghiệm, nhiều lúc lại có người muốn biết rõ về ý nghĩa những chữ tôi viết thì tôi sẽ ngồi giải thích tường tận”.

Về giá cả, theo khảo sát, giá chữ năm nay vẫn ổn định, không có nhiều chuyển biến. Giá tùy vào kích cỡ và loại giấy viết. Chữ rẻ nhất giá 20.000 đồng, đắt nhất lên tới 200.000 đồng. Loại được “xin” nhiều nhất có giá trong khoảng 20.000 đồng – 50.000 đồng.

Ngoài tặng chữ, bán chữ, nhiều ông đồ còn kiêm vẽ chân dung, ký họa... Bên cạnh đó là dịch vụ bán các đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho việc viết chữ như giấy, mực, bút lông cho những người yêu thư pháp.

“Phố ông đồ” sẽ tiếp tục đón khách đến rằm tháng Giêng.      
Theo NGỌC LIÊN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)