Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 12/11/2012
E-mail     Bản in

Chàng trai và những tủ sách dòng họ
Blog của Nguyễn Quang Thạch có ghi: "Tiếng Anh là nghề, từ thiện là nghiệp”. Sống đúng với tinh thần ấy, Thạch rong ruổi khắp các làng quê của miền Trung (quê hương anh) và đồng bằng Bắc Bộ để tìm hiểu về cuộc sống còn nhiều túng thiếu.
Anh chọn cho mình một cách giúp đời khá riêng - lập tủ sách cho các dòng họ để nâng cao kiến thức cho người dân.
 
Nguyễn Quang Thạch (phải)
 
Tin rằng sách sẽ cứu rỗi nhiều tâm hồn
 
Nguyên cớ của sự hình thành ý tưởng thành lập các tủ sách cho các dòng họ có lẽ xuất phát từ hình ảnh người chú của Thạch đạp xe 50km chỉ để giải thích cho cháu được tận tường về một trích đoạn trong truyện Kiều. Hình ảnh ấy không chỉ thôi thúc Thạch đam mê đọc sách mà còn giúp chàng trai này hình thành ý tưởng thành lập các tủ sách trên khắp các làng quê Việt Nam. Câu chuyện về người chú trở đi trở lại trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa tôi và Thạch. Anh cho biết, từ nhỏ đã được gia đình rèn luyện thói quen đọc. Quà tặng từ nhiều người họ hàng cho Thạch trong những dịp lễ Tết và hè cũng đều là sách - một thứ mà nhiều người ở nông thôn cho là sự viển vông.
 
Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1975 tại Sơn Lệ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hiện anh làm việc cho tổ chức World Vision và sinh sống tại Hà Nội. Anh tham gia tổ chức này với nhiệm vụ là nhân viên dự án “Phòng ngừa buôn bán phụ nữ và trẻ em khu vực đồng bằng sông Mêkông”.
 
Nguyễn Quang Thạch có mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng giúp đỡ việc thành lập tủ sách với tất cả những dòng họ có nhu cầu thông qua số điện thoại 0912.188.644.
Tuy nhiên, để ý tưởng thành lập các tủ sách được hình thành một cách rõ ràng thì lại bắt nguồn từ những chuyện tưởng chừng như không liên quan gì tới... sách. Thạch kể với tôi, nhờ đọc sách nên Thạch tích luỹ cho bản thân được nhiều bài học quý giá, bài học lớn nhất có lẽ chính là tình con người với con người. Thạch cho rằng, nếu ai được đọc sách nhiều từ thuở nhỏ thì tình người sẽ được nhân lên gấp bội.
 
Thạch vẫn nhớ như in, có lần tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) gặp một người cơ nhỡ nằm bên đường kiệt sức vì đói, Thạch đã lấy cơm cho người đó ăn và bàn chuyện sẽ giúp đưa chị ấy về quê. Đưa ý định sẽ giúp đỡ một người không quen biết về quê ra trước nhiều lớp học của trường đại học nhưng Thạch chỉ nhận được sự đồng tình từ hai bạn sinh viên. Cuối cùng, sau gần một tuần tìm kiếm, Thạch đã nhắn được gia đình chị Tám ở xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An xuống thị xã Hồng Lĩnh đưa người phụ nữ cơ nhỡ về quê.
 

Tặng sách cho họ Dư ở Hiệp Đức, Quảng Nam.

 
Việc làm này của Thạch bị không ít người bạn cho là gàn dở. Chuyện bạn bè xì xào không khiến Thạch thấy buồn, nhưng điều khiến anh trăn trở sau câu chuyện này chính là sự thờ ơ của bạn bè mình với sự đau khổ của những người yếu thế. Thạch chỉ nghĩ rằng, có những người lớn lên trong sự đầy đủ, họ chưa nhiều kinh nghiệm sống nên cũng chưa chứng kiến và thông cảm với những số phận của những con người. Điều này có thể khoả lấp được phần nào từ những trang sách. Thạch tin rằng, nếu như tâm hồn của họ được bồi đắp bằng những trang sách từ nhỏ thì cách cư xử của những bạn trẻ sẽ khác đi nhiều.
 
Ước mơ... ai cũng được đọc sách
 
Sinh ra tại một vùng quê của Hà Tĩnh nên Thạch biết các bạn mình và nhiều người ở nông thôn khác không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận với sách. Thạch hiểu rất rõ hoàn cảnh của các gia đình ở nông thôn, đặc biệt là những gia đình nghèo – cái ăn còn chưa đủ thì không mấy ai lại có đủ sự “dũng cảm” bán đi cả yến thóc để mua cho con một cuốn truyện hay một tập sách. Càng nghĩ đến những người nghèo thì ý tưởng thành lập những tủ sách cho các làng quê càng được thổi bùng lên mạnh mẽ trong chàng sinh viên ngoại ngữ ấy.
 

Tặng sách cho họ Vũ ở Bình Giang, Hải Dương.

 
Thạch kể, điều băn khoăn nhất của anh chính là tìm cách nào đưa sách về các làng quê cho hiệu quả. Để giải toả cho những băn khoăn ấy, Thạch dùng tiền tiết kiệm rong ruổi khắp các làng quê. Không chọn bưu điện văn hoá xã, không chọn trung tâm xã hay thư viện, nhà trường... để thực hiện ý tưởng mà điều bất ngờ hơn cả là những ý tưởng của Thạch lại xuất phát từ... nghĩa địa. Trong một lần ngắm nghĩa địa, Thạch phát hiện ra việc quy tập các mộ chí theo dòng họ có vẻ được chú trọng. Anh giải mã cho phát hiện của mình bằng cách đi thăm hàng chục nghĩa địa khác và khẳng định nhận định của mình là chính xác. Thạch quyết định sẽ đầu tư tủ sách cho các dòng họ - nơi mà Thạch tin rằng sách mình mang tới sẽ có hiệu quả cao.
 
Trước những ý tưởng khác người, Thạch bị nhiều người gán với khá nhiều “tính từ” đi kèm như “ấm đầu” hay “thần kinh”... Họ thường bảo với Thạch: “Nông dân thì biết gì mà đọc!”. Vả lại, lúc ấy “gia tài” của Thạch cũng gần như chỉ có cái bằng đại học. Không giận và cũng chẳng nhụt chí bởi những lời chỉ trích, Thạch cặm cụi đi dạy thêm và dịch tài liệu thuê để dành tiền nuôi cho ước mơ của mình thành hiện thực. Kết quả của những cố gắng ấy đã giúp Thạch thực hiện được ước nguyện của mình sau 10 năm trời. Tháng 3/2007, Thạch đã bắt tay vào việc và kích hoạt 3 tủ sách đầu tiên tại quê nhà. Với 3 tủ sách đầu tiên này, Thạch phải chi phí hơn 10 triệu đồng. Đổi lại, Thạch nhận được những niềm vui lớn khi tủ sách nhanh chóng được mọi người tiếp nhận như một món quà quý giá. Số đầu sách trở nên ít ỏi với những người dân nông thôn xưa xay vốn chỉ chân lấm tay bùn vì ai cũng có nhu cầu đọc.
 

Tủ sách của dòng họ Phan ở Yên Thành, Nghệ An.

 
Từ những thành công ban đầu, Thạch lại tiếp tục phát triển ước mơ bằng những tủ sách tiếp theo. Thạch mất khá nhiều công sức để tìm hiểu về các dòng họ trên nhiều miền quê và đến nay anh đã phát triển ước mơ của mình lên 17 tủ sách cho các dòng họ của đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung. Thạch cho biết, sự phát triển nhanh chóng của chương trình tủ sách là nhờ có sự đóng góp sách và tiền bạc của nhiều nhà văn và các nhà hảo tâm. Điều Thạch thấy hài lòng hơn cả là từ số sách ban đầu, nhiều dòng họ đã tích cực tự tăng cường thêm nhiều đầu sách khác, có dòng họ đã tăng hơn gấp đôi so với lượng sách ban đầu. Ngoài ra, có nhiều dòng họ đã tự đóng tủ sách để cùng chia sẻ việc lập tủ sách với Thạch.
 

Trẻ em họ Phan ở Yên Thành, Nghệ An đang đọc sách do Thạch tặng.

 
Với những thành công bước đầu, Thạch tin rằng mô hình của mình sẽ còn được nhân rộng. Bản thân anh dự định sẽ dành cả cuộc đời mình để thực hiện ước nguyện đem sách đến mọi vùng quê thông qua chương trình tủ sách các dòng họ. Để thực hiện dự định này, Thạch đang tích cực viết các dự án để xin tài trợ từ các tổ chức có liên quan. Trong năm 2009 - 2010, anh đang đặt ra mục tiêu sẽ đi xuyên Việt bằng xe máy hoặc xe đạp để kêu gọi mọi người đọc sách nhiều hơn và kêu gọi các dòng họ phát huy tinh thần đọc sách của con em trong dòng tộc thông qua chương trình tủ sách dòng họ cũng như mong muốn mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm đến nông dân, nông thôn nhiều hơn bằng những cuốn sách thiết thực.
 
Trong lúc tôi viết bài báo này, Thạch đang có chuyến công tác tại khu vực Nam Bộ. Anh vui mừng gọi điện cho tôi thông báo đã được nhiều người ủng hộ cho chương trình tủ sách của mình và đã nhận được gần 100 đầu sách. Nghe Thạch thông báo, tôi có cảm giác, từng ngày và từng chuyến đi của Thạch đang là những nét cọ điểm tô dần cho bức tranh về phong trào đọc sách của các làng quê.
Theo cacdongho.vn


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)