Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 12/11/2012
E-mail     Bản in

Để mỗi dòng họ có một tủ sách...
Với mong muốn giản đơn "nông dân được đọc sách", hơn mười năm qua chàng trai trẻ Nguyễn Quang Thạch, 34 tuổi (quê xã Sơn Lệ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), đã dành nhiều tâm huyết cho việc đem ánh sáng tri thức đến những dòng họ VN.
Thạch cho hay anh mê sách từ năm lớp 4, khi học hết tiểu học đã đọc hết tủ sách khoảng 700 cuốn của gia đình do người cha cũng ham mê sách mua về. "Thầy cô và bạn bè hồi ấy thường gọi tôi là mọt sách vì đi chăn trâu tôi cũng đọc sách, tiếc rằng khi ấy tôi chỉ đọc loanh quanh ngần ấy quyển thôi. Miền quê nghèo của tôi chẳng có thư viện nào, muốn mua sách thì không có tiền mà cũng chẳng có nơi bán. Với tôi, sách rất đẹp!" - Thạch cười, hấp háy mắt kính cận.

 

Ý tưởng từ… nghĩa địa
 

Đến nay, mô hình “tủ sách dòng họ” đã nhận được 1.418 đầu sách với 1.465 cuốn sách và 11.700.000 đồng, 200 USD do 48 cá nhân gồm 45 người VN và ba người nước ngoài ủng hộ. Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ qua websitewww.sachlangque.net.

Và Thạch cũng có một thời sống như… trong sách. Những năm học đại học ở Vinh, không ít người nghĩ Thạch gàn dở kiểu Ðông Kisôt. Có một phụ nữ nghèo, ốm đau không có tiền về quê, Thạch đi quyên góp, vận động khắp ký túc xá đại học ở Vinh để giúp người phụ nữ ấy. Vận động mấy ngày nhưng chỉ có hai bạn sinh viên đồng cảm cảnh ngộ. "Hàng ngàn bạn sinh viên mà chỉ có hai người đồng cảm, tại sao trước những cảnh ngộ như vậy mà họ dửng dưng, lòng nghĩa hiệp ở đâu, tại sao lại "không đẹp" như trong sách?". Từ đấy Thạch ấp ủ một mộng ước lớn lao.

Một lần đi chuyến xe lửa xuyên Việt, Thạch thấy rất nhiều nghĩa trang được quy tụ cạnh đường sắt, khu mộ của các dòng họ được quy tụ một cách bề thế. Liên tưởng dòng họ của mình, Thạch hiểu con người VN ai cũng hướng về tổ tông, cội nguồn và mong muốn dòng họ của mình có nhiều người hiển vinh. Và những người được hiển vinh, làm rạng rỡ tổ tông thường là những người nổi tiếng chịu khó, vượt lên số phận và có chữ. Ý tưởng thành lập mô hình "tủ sách dòng họ" đã bật lên trong Thạch. Khi trở về nhà, Thạch bàn với người chú của mình là nhà văn Nguyễn Quang Thân. Ông chú nghe xong ý tưởng của cháu, gật gù tâm đắc và tặng ngay hàng chục cuốn sách để làm vốn.
 

Tháng 3-2007, Thạch bắt đầu khởi động "tủ sách dòng họ" bằng ba tủ sách: họ Nguyễn Quang (họ của Thạch), họ Nguyễn Duy (bên bà nội của Thạch) và họ Trần (họ mẹ của Thạch) với số vốn đầu tư hơn 10 triệu đồng từ tiền gửi tiết kiệm của Thạch. Thạch đã rơi nước mắt trong ngày khai trương tủ sách dòng họ Nguyễn Quang khi thấy đông đủ các cụ và con cháu của dòng họ tập trung tại từ đường. Cụ trưởng họ long trọng tuyên bố: "Từ nay con cháu được thoải mái tiếp cận nguồn tri thức vô hạn, con cháu phải có trách nhiệm áp dụng tri thức vào cuộc sống để cuộc sống khá lên. Và cũng phải có trách nhiệm làm cho tủ sách của dòng họ ngày càng nhiều sách hơn, đông người đọc hơn…".
 

Anh Nguyễn Quang Gia (trái) - nông dân xã Sơn Lệ, (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) - bán 25kg thóc được 100.000 đồng để ủng hộ mô hình “tủ sách dòng họ” của Nguyễn Quang Thạch -Ảnh tư liệu

 

18 dòng họ đã vào cuộc
 

Ông Vũ Quốc Ái - thủ thư tủ sách dòng họ Vũ ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, Hải Dương - cho hay tủ sách dòng họ Vũ do anh Nguyễn Quang Thạch vận động khai trương từ 15-3-2009 tại từ đường họ Vũ. Tủ sách đã thu hút đông đảo bà con trong họ, nhất là các cháu học sinh hằng ngày tập trung đến từ đường đọc sách rất vui. Các ông bà nông dân chăm chú đọc sách hướng dẫn nuôi cá, nuôi bò rồi bàn chuyện làm theo sách rất sôi nổi. "Từ khi có tủ sách dòng họ, khoảng 50 con cháu dòng họ Vũ khắp mọi miền đất nước gửi sách về vì biết dòng họ đã có tủ sách cho con cháu đọc và chúng tôi sẽ thoát nghèo bằng tri thức" - ông Ái vui vẻ nói.
 

Nguyễn Quang Thạch cho hay trong hai năm qua anh đã vận động được 18 dòng họ của bảy tỉnh từ Bắc đến Nam đóng tủ và anh đưa sách về. Phương thức thành lập tủ sách dòng họ của Thạch rất đơn giản, anh đến vận động từng dòng họ đóng tủ sách. "Dòng họ nào đóng được tủ chứng tỏ họ có ý thức cầu thị việc đọc sách và tôi sẽ đưa sách về" - Thạch cho biết.
 

Sách tặng tủ sách chủ yếu do Thạch đi vận động và trích từ tiền tiết kiệm của mình, mỗi tháng 700.000-1.000.000 đồng để mua sách. Ðược tin Thạch vận động nguồn sách cho những dòng họ, nhiều nhà văn, học giả đã gửi tặng sách để Thạch đưa sách về nông thôn. Mỗi khi được mời về một chi họ tặng sách, Thạch lại cảm động khi thấy các em học sinh ào tới tủ sách tranh nhau chọn sách, lần giở từng trang chăm chú đọc. "Các em giống hình ảnh của tôi ngày xưa, ham mê sách và thích tìm tòi" - Thạch nói. Trong năm 2009, Thạch có dự định đi xe máy xuyên Việt để tạo hiệu ứng xã hội về sách cho nông thôn VN. "Tôi tin tưởng từ mô hình tủ sách dòng họ, văn hóa đọc sẽ hình thành và dân trí sẽ được nâng lên" - Nguyễn Quang Thạch nói với vẻ đầy tin tưởng.

Theo cacdongho.vn


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)