Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. NGỌC PHẢ; TỘC PHẢ; PHẢ ĐỒ .
Đăng ngày 11/9/2012
E-mail     Bản in

Tộc phả lịch sử lưu truyền chủng họ
Tộc phả đương nhiên lưu dấu tiến trình của văn hóa dân tộc. Khởi đầu, Tộc phả viết bằng chữ Hán. Sau đó có thể viết bằng chữ Nôm vào hai thế kỷ 18, 19 và tiếp theo được viết bằng chữ quốc ngữ theo vấn a, b, c ráp nối vào thời kỳ sơ khai đầu thế kỷ 20 cho tới ngày nay.
Tộc phả lịch sử lưu truyền chủng họ.

Tộc phả lịch sử lưu truyền chủng họ.

Tộc phả, hay gọ là Tộc phổ, Thế phổ là cuốn sách biên ghi nguồn gốc và sự lưu truyền của cả tộc họ. Tộc phả được giữ gìn tại Tổ Đình hay Tổ miếu, nơi thờ phụng tổ tông, các bậc tiền nhân của một đại tộc danh vọng.

Tộc phả được người Trưởng Tộc hay người thừa tự giữ gìn cẩn thận, tiếp nối biên ghi những điều cần thiết liên quan tới một số đời người hay tộc họ. Tộc phả luôn được chuyền tay nhau ở dòng chính, những người thừa tự (con trưởng, thừa trọng tôn trọng con gọi là cháu đích tôn) hoặc nói rõ hơn là ở đằng tông. Lẽ dĩ nhiên, theo truyền thống phụ hệ, nền giáo dục lưu truyền, những người vừa kể thuộc nam giới, cùng họ, đứng đầu ngành họ.

Một Tộc phả lâu đời có thể có đến ba mươi thế hệ. Gần đây có một vài sự kiện đáng chú ý.

- Ở Hàn Quốc, có một đại tộc mang họ Lý. Do theo Tộc phả, đây là họ Lý có nguồn gốc từ Việt Nam chớ không phải từ Trung Quốc sang. Cách đây bày thế kỷ, vào khoảng đầu thế kỷ thứ 13, hay cuối thế kỷ 12, Hoàng tử Lý Long Tường cùng với gia đình, gia tướng vượt biển thoát khỏi đất nước khi nhà Trần đoạt ngôi nhà Lý và triệt hạ đẫm máu các tôn thất nhà Lý. Thuyền của Hoàng tử Lý Long Tường đi ngược về phía bắc và trôi giạt vào lãnh thổ của nước Triều Tiên xưa.

Hoàng tử cùng các bộ tướng giúp nước này chống cự lại quân xâm lược Nguyên Mong, sau đó được triều đình nước này cho định cư. Trải qua 700 năm, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường ở Hàn Quốc có đến trên 200 gia đình, dầu rằng đã trở thành người Hàn Quốc, vẫn nhớ mình có dòng máu Việt Nam. Đã có người trở về thăm quê hương đất Tổ.

- Một số gia đình vọng tộc đã tìm lại được Gia phả, truy ra tộc phả, nhờ đó dẫn dắt nhau tới Tổ đình, Tổ miếu để nhận ra những người cận ruột cùng một huyết thống. Một vài Tổ đình, Tổ miếu từ lâu bị hoang phế nay được trùng tu và tổ chức cúng giỗ. Một số gia đình nhận thức ra tộc họ mình đã có từ lâu đời, được tồn tại với bao nỗi thăng trầm của đất nước, với sự góp công gánh vác trách nhiệm xã hội, giữ gìn, bảo vệ lãnh thổ, của từng thế hệ hay từng đời nối tiếp.

- Có Tộc phả ghi khởi nguyên từ đời Đinh Lê. Có Tộc phả còn nguyên vẹn nhưng phần lớn đều bị suy suyễn ít nhiều. Tộc phả Vũ Đình lưu truyền được tới 19 đời. Tộc phả Hoàng triều Nguyễn Phước trước đây đã bị thất lạc nay được các thế hệ sau gắng công làm lại, in thành sách để phân phát cho các gia đình thuộc tộc họ. Tộc phả Vũ Đình trong năm 1994 cũng đã được in lại 500 bản để chia cho mỗi gia đình một cuốn.

Tộc phả đương nhiên lưu dấu tiến trình của văn hóa dân tộc. Khởi đầu, Tộc phả viết bằng chữ Hán. Sau đó có thể viết bằng chữ Nôm vào hai thế kỷ 18, 19 và tiếp theo được viết bằng chữ quốc ngữ theo vấn a, b, c ráp nối vào thời kỳ sơ khai đầu thế kỷ 20 cho tới ngày nay.

Việc đọc và ghi lại Tộc phả đã được viết bằng hai hoặc ba thứ chữ viết như vậy cần cẩn thận. Xuyên qua một thời gian dài, giấy bị hư mực, chữ có thể mất nét, mất dấu gây nên tình trạng khó đọc, hiểu sai, nghĩ lầm.

Tốt hơn hết là phải ghi lại, làm lại một cuốn mới. Phải nhờ một người rành chữ Hán – Nôm đọc kỹ và suy luận cẩn trọng.
 
Gia Phả, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc 2007, tr 155, 157.
Theo http://nguyenvan.vn


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)